Nhật Tụng Kālāma

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Nhật Tụng Kālāma

Bài kinh Một Pháp Môn Quyết Trạch là một trong những bài kinh mà sẽ dược chúng tôi đưa vào ở trong cái quyển gọi là "Thiền Môn Nhật Tụng Kalama". Hiện giờ chúng tôi vẫn còn đang phân vân là đến khi nào mới nên đóng, khép lại cái bản thảo của quyển này. Cho tới hôm này thì số trang đã lên tới 600 trang rồi thưa quý vị. Và theo tôi nghĩ thì nếu mà nó lên tới 1000 trang thì cũng không phải là quá nhiều. Chúng tôi sẽ sẵn sàng in làm 2 cuốn. Vì sao? Vì đó là Tam Tạng tóm tắt - nội dung trong đó gồm tất cả những bài kinh mà tôi cho rằng khi ghép lại có thể đủ để làm nên cái diện mạo của Phật Giáo.

Có rất nhiều những bài kinh mà chúng tôi lấy làm ngạc nhiên là đã không được nhắc đến trong các sinh hoạt công phu thường ngày - nói chi là đem đi thuyết giảng - rất là hiếm. Lạ lắm. Tôi từng có dịp được cầm trên tay vài quyển kinh tụng của các đời, tức là cách đây mấy chục năm, cùng các quyển mới được biên soạn gần đây của Thái, kinh tụng dành riêng cho tỳ kheo, cho sa di, tôi cũng đã từng cầm trên tay những cuốn kinh tụng của Phật giáo Khmer và đương nhiên tôi cũng đã từng cầm trên tay những cuốn kinh tụng của Phật giáo Nam Tông Việt Nam. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên là vì sao có quá nhiều bài kinh với nội dung cốt lõi, cốt tủy, tinh hoa lại không được bỏ vào trong đó; mà trong đó lại chèn nhét vào quá nhiều những bài kinh thuần túy về thần quyền. Thí dụ: "Con xin lễ chư Phật 28 chánh biến tri, 1 triệu chánh biến tri", "Con xin oai lực của Tam Bảo hộ trì cho con được vô bịnh, được sống lâu", "Con xin hồi hướng chư thiên, xin chư thiên hộ trì cho con được sống lâu, sắc đẹp, phát lộc, phát tài" ... tùm lum. Tôi rất lấy làm lạ là tại sao kinh điển quá hay mà vì sao minh lại cứ đi mà tụng tới tụng lui mấy cái này - mà lại còn đem ra in tới in lui mới gớm chứ. Mà những cái đó tôi xin nói rõ, các vị ở trong đây sẽ lấy làm ngạc nhiên là tại sao sư lại chê kinh đó? Kinh mà sao ông sư này ổng dám chê? Tôi xin thưa - cái đó không phải kinh, cái đó không có trong chánh tạng. Những cái bài mà tôi nói có nội dung kỳ cục là do đời sau.

Tôi xin nói thẳng luôn là vào đời nhà Thanh bên Trung Hoa có ông Ngọc Lâm Quốc Sư; mà nhiều người Việt Nam đọc cái quyển Thoát Vòng Tục Lụy (của Đại sư Tịnh Vân, do Thích Quảng Độ dịch) quý vị cứ tưởng là ông Ngọc Lâm Quốc Sư này là một nhân vật trong tiểu thuyết, một nhân vật huyền thoại. Không. Đó là một nhân vật lịch sử có thiệt. Quyển sách đó là quyển sách hư cấu. Đúng. Nhưng nhân vật Ngọc Lâm Quốc Sư là nhân vật có thiệt. Một vị trưởng lão tôn túc của Phật giáo nhà Thanh, được triều nhà Thanh rất là trọng vọng và vị đó đã biên soạn những chương trình công phu cho Phật giáo Trung Quốc. Rồi những cái tiết kệ, kinh nào là kinh nào, lại được Phật Giáo Việt Nam đi theo giữ đúng nguyên như vậy. Thí dụ: tụng chú Đại Bi, tụng chú Lăng Nghiêm v.v... Kinh sáng, kinh khuya, hô canh, kinh chiều gì gì đó. Phần lớn những cái đó là từ cái sắp đặt của ông Ngọc Lâm Quốc Sư nhà Thanh bên Trung Quốc - rồi người Việt mình lại tha về mà xài. Còn kinh lễ bái tam bảo bằng tiếng Pali mà mình thấy của người Thái, Campuchia và Việt Nam, đương nhiên - Phật giáo Nam Tông ở Việt Nam là từ Campuchia Nguyên thủy đưa về, có rất nhiều bài tụng, cách thức, bài nào trước bài nào sau trong đó, mà đa phần trong đó là do một vị hoàng tử Thái Lan đi xuất gia, ngài giỏi tiếng Pali và ngài mới soạn những cái bài tụng đó cho Phật giáo Thái. Rồi dưới ảnh hưởng chính trị kinh tế của Thái Lan thời bấy giờ, những người Campuchia tự nhận họ là thuộc nước láng giềng nhược tiểu - và cái tinh thần nhược tiểu đó nó thấm luôn vào giới tăng sĩ và người ta lại thấy mấy bài tụng đó nó hay. Cũng như người Việt mình vậy. Thích Tàu thí cài gì của Tàu cũng hay. Thích Mỹ thì cài gì của Mỹ cũng hay. Mặc cái áo mà có cái lá cờ Mỹ nhỏ xíu bằng cái móng tay cũng hãnh diện. Cuối tuần dắt con đi ăn hamburger, hay ăn pizza, cũng hãnh diện. Thí dụ như vậy. Trong nhà có cái xe máy của Tàu cũng hãnh diện, có xe Honda của Thái ráp cũng hãnh diện. Có nghĩa là vì mình ở trong cái tâm thức nhược tiểu thì mình cứ hay thờ tùm lum lắm. Quý vị biết không?

Lẽ ra kinh điển thì cứ lấy Tam tạng chú giải ra mà đọc, đọc cho tới chết cũng chưa chắc đã đọc hết. Đằng này thì lại vì cái tâm thức nhược tiểu mà Phật giáo Campuchia, Phật giáo Lào, rồi lây đến Phật giáo Việt Nam đã mặc nhiên chấp nhận đem thờ luôn mấy cái bài kinh công phu đời sau đó, mà toàn bộ là của Thái Lan người ta soạn ra. Rồi mình cứ tha về mà mình đọc, rồi mình tưởng đó là hay. Ở đây tôi xin các vị nhớ giùm một điều: lễ phật, niệm phật, tin phật, kính phật, thờ phật, lạy phật ... tất cả đều là cái hay. Nhưng mà hãy nhớ là Phật đã dạy cái gì, Phật đã hành trì cái gì và Phật muốn mình tu cái gì thì phải nhớ giùm cái đó. Chứ không nên dành quá nhiều thời gian ăn rồi để mà réo gọi mà tán thán hoài. Quý vị hãy mở giùm tôi cái bài kinh nhật tụng mà xem. Xem coi trong đó coi nội dung tu hành có được bao nhiêu? Toàn là cầu, khẩn, khấn, nguyện, lạy lục không. Mà hễ tôi nói cái điều này ra là chúng chửi. Nó khổ như vậy đó. Cái khổ của người Việt mình là hễ mình có vấn đề thì được, nhưng mà cái thằng nào, con nào mà nó đụng tới cái mụt ghẻ của mình là minh đau, mà mình đau là mình dộng cho nó chết luôn. Đó là một cái dân tộc tính rất đáng buồn của người Việt mình, quý vị thấy được không? Nhiều người hiểu lầm nói là tôi hay bài khích, Không phải vậy. Nói theo đạo là lòng đại bi. Nói theo ngoài đời thì phải nói là do ưu thời mẫn thế, vì cái tâm tình hướng về dân tộc đất nước mà tôi nói. Mà vô tình nó gieo rắt những hiểu lầm rồi đâm tạo ra các rắc rối dạo sau này. Trong khi nếu người ta cứ bình tĩnh lại và nhớ rằng tôi mập béo gì khi tôi chỉ trích những cái này cái kia? Tôi chỉ nói lên cái sự thật mà.

Cho nên tôi liếc thấy bên Làng Mai (ở Paris của thầy Nhất Hạnh) họ cũng có sách nhật tụng riêng. Tôi thấy bên chư tăng Huyền Không họ cũng điều chỉnh lại các nghi thức về Tam Bảo và dĩ nhiên cũng quẩn quanh các nội dung ở Việt Nam nhưng các vị đó họ lại sử dụng thể văn vần (thể thơ - thí dụ lục bát hay song thất lục bát, hay ngũ ngôn ... ) Việt Nam mình thì đa phần tụng kinh văn xuôi. Tôi xin tuyệt đối nhấn mạnh và xin quý vị hiểu giùm là ở đây không hề có cái riêng. Phật Giáo còn tồn tại là vì chư tăng không có thích có cái riêng. Một khi mà chư tăng quá mê cái riêng thì cái chung sẽ bị lãng quên. Cái lá cờ của Kalama hay cái quyển kinh tụng của Kalama hoàn toàn là cái chung. Tôi muốn kéo níu mọi người hãy lìa cái riêng mà trở về với cái chung mà chúng cũng chửi tôi nữa. Khổ quá mà. Khổ quá! Thí dụ tôi đem trích các bài kinh hay thiệt là hay trong chánh tạng, mà tôi cho là cốt lõi tinh hoa của đạo Phật, tôi đem về để chị em trong khu xóm sớm hôm công phu tụng với nhau để mà nhớ Phật dạy cái gì và thế là lại bị chúng chửi là tại sao không xài các quyển Hộ Tông của ngài Pháp Tri? Thế có khổ không? Họ tưởng cái đó là cái chung. Con lạy các bố. Cái đó không phải là cái chung. Đó là một mãnh vụn riêng tư của một giáo bên Campuchia. Cái chung ở đây phải là cái gì trong tam tạng chánh điển, là cái gì mà người Nhật, người Anh, người Đức, người Mỹ, người Pháp họ biết tới kìa. Chứ mấy cài bài tụng Pali của riêng người Thái lan thì những người Tây, Mỹ, người Nhật, Đại Hàn, người Do Thái họ có biết hay không? Dạ thưa, Không!

Cái gì mà 26 thế kỷ qua các thế hệ tăng và tục trên toàn cầu đã biết tới, tôi gọi cái đó là cái chung. Còn những cái phần bài tụng soạn mới cách đây hai ba trăm năm thì khác - tôi xin thưa các vị, nên nhớ giùm cái đó. Và khi các vị muốn chửi ai thì làm ơn mình ngó dọc, ngó xuôi, nhìn lên, nhìn xuống giùm một cái nhé.

Thì cái quyển "Thiền Môn Nhật Tụng Kalama" tôi nghĩ có thể lên tới 1000 trang. Bây giờ thì đã có 600 trang. Nhưng có lẽ phải đến 1000 trang thì mới phỉ, mới hết cái lòng của tôi. Một bên trang phải là bản tiếng Pali, bên kia là tiếng Việt. Bản Việt thì thằng Tèo thằng Tí nào dịch cũng được miễn là phải có bản kinh Pali nằm cạnh một bên. Tôi gọi thằng Tèo thằng Tí là tôi cố ý, chứ không phải vô tình đâu. Có nghĩa là cho dầu người dịch là nhân vật vô danh cách mấy cũng được, miễn là có bản kinh Pali nằm cạnh một bên. Kinh "Người mù sờ voi" cũng phải có bản Pali. Kinh "Cái trống Anaka" cũng phải có bản Pali.

Cái trống Anaka là sao? Phật dạy là ngày xưa có một cái trống rất là nổi tiếng, gọi là trống Anaka, giống như trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn của mình vậy. Rồi cái trống đó khi bị hư thì được người ta chấp vá, chấp vá hoài - nhưng cái tên cũ vẫn còn. Ngài tiên đoán sẽ có một ngày lời dạy của Ngài sẽ bị thay đổi, sẽ bị thêm thắt rất là nhiều - nhưng mà trên danh nghĩa lại vẫn được gọi là lời Phật dạy, hay là "Phật ngôn", là "Phật giáo", là "Phật học" ...

Những bài đó phải được đăng trong "Thiền Môn Nhật Tụng Kalama" với phần tiếng Pali và kèm bản dịch tiếng Việt.

Kinh Kalama, kinh Simsapa, kinh Vô Ngã, kinh Chuyển Pháp Luân, kinh Nhất dạ Hiền giả, kinh Thất Giác Chi, kinh Tứ Niệm Xứ, kinh 12 duyên khởi, và kinh 24 duyên hệ - trong bản dịch mới.

Một điều tôi rất lấy làm tâm đắc là phần 24 duyên hệ. Đây là một bộ phần giáo lý mà tôi cho là đỉnh cao của trí tuệ. Đây mới là đúng nghĩa của đỉnh cao trí tuệ. Trong kinh nói khi Thế Tôn giảng 24 duyên hệ thì Ngài giống như một kình ngư bơi lội ở ngoài một vùng biển sâu rộng nhất của đại dương - chỉ có bài giảng 24 duyên hệ mới làm phỉ được cái trí toàn giác vô ngại của Ngài mà thôi. Giáo lý duyên hệ có hai phần: một là phần mẫu đề (từ Đức Phật), hai là phần diễn dịch (từ ngài Xá Lợi Phất). Chúng tôi sẽ có bản dịch mới. Trong quý vị sẽ có người nhảy nhổm lên hỏi là đã gọi là mẫu đề mà sao cần có bản dịch mới? Xin thưa: Có thấy mới tin. Phải thấy mới tin. Dịch như thế nào để cho một người mò củ khoai củ ấu dưới đồng đem lên đọc vẫn hiểu. Nghĩa là bài về 24 duyên hệ phải dịch như thế nào, dùng ngôn ngữ như thế nào mà một người móc củ khoai củ ấu, bán vé số bên lề đường, chỉ cần biết chữ ráp vần đọc vẫn hiểu.

Đó là tâm nguyện lớn nhất của chúng tôi. Kalama sẽ là một sân chơi cho những học giả có lòng cầu đạo là chỗ đó.

Trích bài giảng ngày 27/05/2019 KTC.6.60 Hatthisariputta


Tượng Phật | | Chánh Niệm

Thương Được Kẻ Thù | | Dục & Thọ

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com