Một Thuở Già lam

Vừa qua khỏi cây cầu trên quốc lộ, tôi xuống xe đò và rẽ vào con đường đất đỏ cắt ngang một cánh đồng. Xa xa bên kia là ngôi đình cổ nằm dưới một chòm cây cổ thụ cao vút mà nắng chiều đang nhuộm thẫm một phía. Giữa tiếng ếch nhái kêu quanh, tôi bồi hồi nghe được cả mùi khói bếp và phân bò như trộn lẫn vào nhau. Buổi chiều ở miền đông Nam bộ này phải có đủ chừng ấy thứ mới đúng là chiều.

Tôi đi thăm sư Tâm Khánh sau gần một năm trời không gặp. Không tiện tới lui thường xuyên, nhưng những khi có chuyện phải lo nghĩ, tôi vẫn nhớ đến sư. Sư là mẫu người dễ mến, dí dỏm mà sâu sắc; rắc rối nào trong mắt sư cũng có thể là chuyện để cười. Ngôi chùa của sư cũng đáng gọi là độc đáo: nằm lọt thõm trong một miếng đất vuông vắn giữa đồng, không rộng lắm mà mùa nào cũng có trái ngon. Từng trái ớt, cọng rau ở đây cũng cứ nung núc như hợp thủy thổ. Sướng nhất là mỗi trưa ra nằm đong đưa trên chiếc võng treo ở bụi tre ngà sau chùa nghe gió ruộng thổi lồng lộng.

Thấy bóng tôi ngoài ngõ, sư reo lớn một tiếng như ngạc nhiên mà cũng để mừng khách. Tôi chấp tay lễ sư rồi cứ tự nhiên tháo y mắc trên cành cây cạnh cái giếng đá ong. Tôi khoan khoái dội từng gáo nước trong vắt, ngọt lịm và mát lạnh. Trong đó như có cả cái mà người ta vẫn gọi là hương đồng gió nội gì ấy. Đưa tôi cái khăn mới, sư tủm tỉm:

“Ai cũng khen nước giếng ở đây ngọt, nhưng tôi ngó hai cái mộ cổ nằm kế bên cũng thấy ớn quá!”

Tôi rùng mình không biết vì lạnh hay vì câu nói đùa ấy của sư, nhưng không thể nhịn cười. Nắng đang tắt dầnbên kia đồng. Rồi cũng qua một buổi chiều.

Không hề tính toán trước, tôi tình cờ ra đây đúng ngày mười sáu âm lịch. Đêm đó trăng sáng đến trắng cả đất, ngắm mà nao lòng. Thấy tôi còn thơ thẩn trên sân, sư Tâm Khánh bày một mâm trà dưới giàn mướp. Vừa hớp một ngụm trà, tôi nghe tiếng học bài của chú giới tử nào đó. Rõ ràng một đoạn Quy Sơn Cảnh Sách. Tôi hỏi với chút ngạc nhiên:

“Chỗ Nam Truyền sao lại có món Bắc Phái vậy sư?”

“Người thì có Nam Bắc, nhưng chữ Hán thì không”

Sư Tâm Khánh nheo mắt tinh nghịch.

Thấy tôi vẫn chưa thông, sư rót thêm trà vào chén cho tôi rồi thong thả đẩy nhẹ chiếc khăn cũ trên mặt bàn để lau khô chỗ nước vừa đổ xuống:

“Tôi có thỉnh một thầy ở gần đây mỗi tuần đến dạy mấy chú hai buổi chữ Hán. Giáo trình là Cảnh Sách. Vừa học chữ, vừa học nghĩa trong đó dĩ nhiên tốt hơn mấy bài Từ, Phú. Để đào tạo mấy chú ở đây, tôi chủ trương Phạn-Hán đề huề. Tụi mình hồi đó làm ngơ chữ Hán nên bây giờ cũng có tí thiệt thòi. Phải thương đám nhỏ.”

Nhìn quanh đất chùa, tôi hỏi sư một câu bất chợt:

“Hai dãy tăng phòng cũng năm sáu năm rồi phải không sư? Tre lá mau hư, sư có tính sửa lại?”

Sư Tâm Khánh gật đầu, mắt nhìn ra khoảng ruộng sáng trăng:

“Hư thì phải sửa chứ sao sư, nhưng tôi không có ý xây dựng cái gì kiên cố. Còn nhiều việc quan trọng khác cần làm hơn. Tôi có nhiều suy nghĩ kỳ cục lắm. Vì cứ nghĩ Phật giáo được khai sinh từ rừng và chỉ có thể được bảo trì trong rừng nên tôi chỉ thích chùa là rừng cây hơn là một dinh thự. Chúng ta dĩ nhiên phải về phố để hoằng pháp nhưng lòng chúng ta phải là trên rừng sư ạ. Phật giáo có xuống đời cũng không thể xa rừng. Những cơ sở nguy nga thật ra chỉ là những gì rất xa lạ với Phật giáo. Cái ảo diệu của Phật giáo phải là những gương sống và những thấm thía minh triết. Còn vì sao tôi không mặn mà với chuyện xây cất ư? Khôn cất trại, dại cất nhà. Câu nói đó có chỗ quá đáng nhưng không phải vô lý. Đời này xây, đời sau chán mắt cũng phá bỏ để làm lại cái khác. Tôi nghĩ nhà tranh vách đất tuy đơn sơ nhưng có nhiều cái hay: Thanh nhã nhưng dễ làm, mất không tiếc và có cơ hội xài cái mới hoài. Nói một cách thơ mộng thì chính vì quá phù du nên hầu như mọi duyên dáng trên đời chỉ tồn tại ở cái gì tạm bợ mong manh. Đời chỉ thật sự đẹp trong mắt những tình nhân một tối. Một chút gắn bó bền vững sẽ làm hỏng đi nhiều thứ. Mọi quan hệ chỉ nên dừng lại ở mức lửng lơ không tên. Đi xa thêm một tí coi chừng mất hay. Có phải vậy không sư? Tôi học được cách nghĩ đó trong kiến trúc Nhật Bản. Nhà cửa Nhật Bản thấm đẫm triết lý.”

Vói tay lấy chiếc bình thủy nước sôi, sư nhẹ giọng:

“Tôi thích trồng cây hơn cất chùa nên cũng thích việc đào dưỡng mấy chú nhỏ hơn những việc ầm ĩ. Có thể nhiều người không đồng ý, nhưng tôi cứ cho là Người quan trọng hơn Của. Tăng tài có thể dựng chùa lớn, nhưng chùa lớn không thể tạo ra tăng tài. Di tích của

Phật Giáo ở Ấn Độ ngày xưa giờ chỉ còn lại trong các công trình Phật học của các bậc cổ đức, chứ không phải mấy cơ sở xây cất. Đến như Nalanda kia còn tan nát nữa là. Tụi mình hôm nay có được chút gì đều là ở tâm hồn của thầy tổ chứ đâu phải do chùa tháp đồ sộ nào đâu. Phật giáo Trung Hoa được thế giới ngưỡng phục không phải vì có nhiều cổ tự danh thắng, mà là vì có bộ Hán Tạng và mấy cuốn Ngữ Lục. Phật giáo sẽ rắc rối khi chỉ có di sản là chùa to tượng lớn vốn dễ khiến thiên hạ giành giật, đấu đá. Nhưng nếu gia tài của Phật giáo là các vị chơn tăng tài đức thì mọi sự khác hẳn.”

Chúng tôi lại lan man trò chuyện đến lúc bình thủy hết nước sôi. Thấy ngồi cũng đã lâu, chúng tôi đứng dậy thả bộ thong thả theo mấy cọc thanh long dọc bờ rào. Gió đêm từ ruộng thổi vào với mùi hương ẩm ướt của lúa non pha lẩn mùi hoa bưởi trên sân chùa, ma mị huyền ảo.

Đi ngang khoảng sân rộng, sư Tâm Khánh chỉ tay:

“Nếu sân chùa có thêm đất, tôi sẽ không tráng xi măng, chỉ thích trồng cỏ Nhật và lối đi sẽ là mấy phiến đá nhỏ xếp quanh co. Hôm trước tôi tình cờ xem được ảnh chụp mấy ngôi chùa Nhật thấy thích quá. Và đặc biệt một liên tưởng ngẫu nhiên cứ làm tôi thấy thú vị. Ở ngõ vào một ngôi chùa, người ta làm một chiếc cổng tre có ngạch cửa bằng gỗ bên dưới, với lời nhắc nhở khách viếng là CẨN THẬN BƯỚC CHÂN. Qua hai lần rào gỗ chỉ cao ngang thân người, lại có một cánh cổng khác thấp hơn cổng ngoài với lời nhắc nhở COI CHỪNG ĐỤNG ĐẦU. Tôi ngẫm nghĩ thấy cũng ngộ sư à.”

“Cái gì mà ly kỳ vậy sư?”

Sư Tâm Khánh ung dung:

“Tôi muốn nói hai câu lưu ý khách viếng cẩn thận. Người đi chùa chịu để ý đúng mức hai câu này thì coi như đi tu được, đó là phải biết lúc nào nhìn xuống và lúc nào nhìn lên. Sư cũng biết hồi đó tôi mê nhân vật Hoàng Dược Sư của Kim Dung mà. Ông ta có nhiều tài lạ: Ngoài võ công, còn là nhiều kiến thức khác như đàn sáo, y dược và phong thủy. Ngày trước tôi từng mơ tưởng một miếng đất có hoa kiểng được bày bố như trận đồ của Hoàng Dược Sư ở Đào Hoa Đảo. Không giỏi giáo lý Duyên Sinh, Duyên Hệ sẽ không thể tìm thấy lối vào. Không nắm vững ba mươi bảy Bồ Đề Phần sẽ không thấy lối ra. Khách vào chùa lúc đó phải biết chỗ cúi mặt và ngước nhìn để tìm chỗ bước. Đó là một kiểu ý tứ của người tu và như vậy đôi khi chữ Ý Tứ cũng có thể hiểu là Chánh Niệm Tỉnh Giác, là Thiền Quán, là không Dễ Duôi. Bây giờ khi nhớ lại thấy cũng buồn cười cho một thời tuổi trẻ mộng mị.”

“Thỉnh thoảng sư có đi đâu xa, như về Trung hay ra Bắc?”

“Sau tết vừa rồi thấy quẩn chân quá, cũng làm một chuyến giang hồ vặt. Xài hết tiền túi, đọc xong mấy cuốn sách mang theo, bèn hồi cố quận rồi tự dưng thấy mình ra chàng cao sĩ, chán hết mọi thứ. Sư thấy có khùng không? Cách đây không lâu, đôi lúc tôi cũng còn chút hứng thú để viết lách cái gì đó rồi giấu biệt ở một nơi khó nhớ để hôm nào tình cờ tìm thấy cũng háo hức như đọc của ai chẳng phải của mình. Đến bữa nay thì cũng chán viết rồi.”

“Sư có muốn đem in thử một hai cuốn làm kỷ niệm?”

“Tôi chỉ viết mà chưa bao giờ có ý đem in. Với tôi, viết chỉ là một cách hoá thân vào nhân vật nào đó cho vui, để rong chơi tại chỗ, để bày tỏ, bộc phát, bùng nổ một cách nhẹ nhàng dễ thương. Nếu khéo, thì trong mỗi hoá thân như vậy mình lại có dịp tu tâm, tu đức và nếm được những niềm vui độc đáo khác nhau. Chỉ cần có ý tưởng là có nhân vật. Nhưng viết xong thì nhân vật cũng chết đi. Tâm sự con người đúng là hằng chuyển như bộc lưu sư ạ, như một dòng nước tuôn chảy không ngừng. Mới hôm trước, ý tưởng đó có thể là độc đáo, ngày hôm sau nó chẳng đáng một xu. Chính mình còn thấy chán ghét thì làm sao thiên hạ có thể yêu được nó chứ. Đôi khi việc in sách nếu không là ‘khắc chu cầu kiếm,’ thì cũng là cố tình giữ lại một xác ướp không còn sức sống nữa. Mình hôm qua với mình hôm nay nhiều khi là mấy con người, thậm chí còn mâu thuẫn và kình chống nhau…”

“Nghe sư nói chuyện nãy giờ, tôi thấy tụi mình rõ ràng không còn trẻ nữa. Sư nghĩ gì về vài mươi năm nữa, trong một bối cảnh có sư và tôi?”

Sư Tâm Khánh bật cười:

“Tôi nghĩ nếu lý tưởng sống vẫn được giữ nguyên, thì đại khái mọi thứ sẽ giống hệt hôm nay với những thay đổi cần thiết, theo tỷ lệ thuận. Dĩ nhiên trong đó gồm đủ buồn vui tốt xấu, nhưng trên toàn cảnh thì hi vọng sẽ rất đẹp. Chẳng hạn mấy chú nhỏ bây giờ lúc ấy sẽ sống lại tuổi trẻ của tụi mình hôm nay với những hành trang ngon lành hơn nhiều. Khi được vậy thì coi như chúng ta đã khai sinh một truyền thống đẹp. Tôi đọc sách thấy các xứ Tây Phương khi muốn xây dựng một cây cầu hay một khu phố, người ta thường trù liệu cả những dự án có thể có trong nhiều năm sau đó. Họ cẩn thận như thế để không gây khó xử cho người sau. Thậm chí có thể chuyện hôm nay còn là một cách chuẩn bị cho chuyện mai hậu. Tiền nhân và hậu bối luôn gắn bó nhau mật thiết bằng một tinh thần trách nhiệm. Người trước thương tưởng kẻ sau, người sau kế thừa và tri ân người trước. Đẹp quá. Và đó cũng là những gì mà tôi mong là sẽ xảy ra đó sư.”

“Sư không có gì phàn nàn về mọi thứ trong hiện tại?”

“Tôi không dám đâu sư. Mọi chuyện hiện giờ được vậy là mừng rồi. Dù thỉnh thoảng ngồi một mình suy nghĩ lung tung cũng có chút ngậm ngùi với một vài nhận xét riêng tư, nhưng rồi lại hi vọng là mình lầm. Thế là đêm đó không uống trà để đi ngủ sớm. Sáng hôm sau thức dậy vươn vai quên hết. Chỉ tiếc mấy lúc đó không gặp được người giống sư…”

“Sư có thể cho nghe mấy nhận xét riêng tư gì ấy?”

Lúc này chúng tôi đang đứng duới giàn mướp khi nãy. Mấy chiếc ghế đã bắt đầu ướt sương. Sư Tâm Khánh dốc cạn bình thủy để pha bình trà cuối cùng. Chẳng biết sư sơ ý hay sao đó mà bình trà này đắng không chịu nổi. Tôi nhăn mặt, nhưng sư vẫn uống bình thản và không quên câu hỏi của tôi:

“Sư còn nhớ cái chết của Hàn Tín và Dương Tu không? Nói theo thế gian, họ bị giết là phải, vì nói như mình bây giờ thì họ giỏi kỹ thuật mà dốt chính trị. Nhưng trong lịch sử không hiếm những kẻ bị xem là tội đồ chỉ vì họ bị đánh giá là con cọp lưu lạc trong một khu rừng hẹp vốn đã có chúa sơn lâm. Những kẻ đó có thể không một chiều như Hàn Tín, Dương Tu nhưng họ chết chỉ vì không đọc hoặc không nhớ tới Nam Hoa Kinh để sống ở đời. Nói như ai đó thì đúng là họ đã sống hồn nhiên để rồi chết thơ ngây. Lần đó Huệ Tử nghe tin Trang Tử sắp từ nước Sở sang nước Lương để giành chức tể tướng của mình bèn cho người tìm cách ngăn chận. Trong một dịp gặp gỡ sau đó, Trang Tử bóng gió trấn an Huệ Tử bằng câu chuyện một con chim cú cứ sợ chim phụng tranh giành cái xác chuột chết mà mình đang rúc rĩa. Nó đâu biết rằng chim phụng kia đến chỗ đậu còn phải chọn đúng cây ngô đồng thì màng gì đến cái xác chuột chết nọ. Biển khổ mênh mông, nhưng phàm tâm hẹp lắm. Chính vì chỉ nhìn về tha nhân từ góc độ quyền lợi bản thân hay sự ghét thương mang tính riêng tư nên chúng ta e ngại phải bận lòng đến đại cuộc. Thay vì phải trân trọng những bàn tay tài hoa có thể cùng mình vun xén cuộc đời, chúng ta lại đố kỵ, nghi ngờ và đốt nóng nó để từ chối. Không thể đại lượng bằng động lực đạo đức, chúng ta cũng thường từ chối luôn cả cái động lực kỹ thuật. Chúng ta phung phí điều kiện và cơ hội làm việc chính vì nhu cầu của chúng ta chỉ là hào quang bản thân. Chẳng hạn vấn đề nhân sự trong cách nghĩ của chúng ta thường có nghĩa là vây cánh hơn năng lực. Lắm lúc chúng ta sẵn sàng bắt Lý Bạch tháo giày, mài mực cho Cao Lực Sĩ để thỏa cơn ghen tức rất đỗi đàn bà của mình. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó rằng hơn một nửa nhân lực và tài lực trên thế giới mỗi ngày là tiêu tốn cho những chuyện không thật sự cần thiết. Lúc đầu tôi không tin, nhưng ngẫm lại thấy hình như đúng vậy sư ạ. Phần lớn lý do của sự hoang phí này là lòng ích kỷ của con người. Bi kịch này có thể nhìn thấy ở bất cứ nơi đâu, đáng buồn là nội bộ tôn giáo hình như cũng không là ngoại lệ và chính niềm nỗi đó đã khiến tất cả chúng ta mất thêm nhiều thời gian một cách không cần thiết.”

Sau hai ngày ở chơi, tôi từ biệt sư Tâm Khánh để trở về Sài Gòn bằng một chuyến xe sớm. Ba năm sau tôi xa quê và lưu lạc xứ người với những phút hoài niệm về sư như một trang sách cổ, cũ mà cứ mới, đọc hoài không chán. Giữa cõi nhân tâm hôm nay, dáng người cô đơn của sư vẫn như song hành bên tôi suốt những dặm đời hiu hắt mù sương.

Bên đó giờ này mưa nắng ra sao hở sư? Mấy chú nhỏ bên sư bây giờ hẳn đã lớn bổng, và mỗi chiều nắng trên đồng, sư có nhớ một người bạn xa với chén trà đắng ngắt trong một đêm trăng ở quê nghèo năm cũ…?

Chuyện Phiếm Thầy Tu

© www.toaikhanh.com
(cập nhật:11:10:2020)