Nói nhỏ mình nghe Như một hiệu ứng xã hội, tin tức về vụ lùm xùm của mấy vị sư Thái Lan gần đây coi như tràn ngập các báo VN, tôi chỉ biết báo Online. Từ việc một thầy trụ trì triệu phú xài tiền như nước, lạm dụng trẻ vị thành niên đến chuyện mấy chục vị hút chích ma túy. Đọc thêm phần comment của độc giả trong nước, tôi chợt giật mình. Đã hơn hai tuần rồi, một khoảng thời gian khá dài cho dư luận, vậy mà chưa một tăng ni hay cư sĩ VN nào chính thức có một tiếng nói cho độc giả VN mà tôi nghĩ là rất cần thiết vào thời điểm nầy. Thử tìm cách gợi ý các vị tăng sinh VN đang du học, thầy nào cũng lu bù sự vụ. Có vị còn trả lời, sư rảnh thì viết đi. Một câu nói hiểu sao cũng được. Nghĩ mãi, tôi lén uống vài giọt mật gấu để ngồi vào bàn viết. Chỉ đơn giản viết lại vài điều mà rất nhiều người VN đã biết nhưng không ít người xứ mình hình như chưa biết. Có lẽ lúc này ta nên nhắc lại một gợi ý nhỏ. Sống trong đời sống, cần có một cái nhìn. Tôi muốn nói một cái nhìn tích cực. Chẳng hạn thay vì trách bên hoa sao lại có gai thì ta nên vui vì bên gai mà vẫn có hoa. Đại khái vậy. Tôi tin kiểu nhìn đó chắc chắn có lợi cho ta và cho đời hơn. Trong bài viết này tôi chỉ muốn nói về chuyện phải hiểu sao về các nhà sư trẻ đang có nhiều vấn đề ở các xứ Thái Lan, Miến Điện. Với các vị trẻ tuổi tu học ngon lành thì từ lâu tôi chỉ biết cúi đầu vô ngôn. Cách nghĩ của một người Thái, Miến, Lào, Khmer, Tích Lan về nhà sư theo tôi biết là không giống như các dân tộc khác. Ở mấy xứ tôi vừa nhắc, bên cạnh những nhà sư dành suốt một đời cho lý tưởng cầu đạo giải thoát một cách đúng nghĩa, số này chắc chưa đến một nửa, phần lớn còn lại là những người xuất gia như một hiện tượng xã hội, văn hóa. Tôi đang lêu lỏng, bà nội khóc quá, muốn tôi đi tu ít lâu cho bà nhìn thấy trước khi mất, thế là tôi đi. Tôi đang hư đốn, mẹ hứa cho tôi món gì đó đắt tiền mà tôi thích, với điều kiện tôi vào chùa ít lâu. Đó cũng là cái cớ để tôi thành nhà sư trong vài tháng, như đi làm vậy. Tôi chẳng hiểu biết gì Phật Pháp, nhưng thấy mấy cô gái tôi thích cứ có vẻ cảm tình với mấy chàng từng đi tu, ngó đạo đức hơn, thế là tôi đi tu vài tháng. Trong dòng họ tôi, thế hệ nào cũng có nam giới đi xuất gia và trong làng tôi trường hợp đó nhiều lắm, thế là tôi cũng có thể trở thành nhà sư cho bằng chị bằng em. Kể cho đủ, chắc phải đến 1001 lý do kiểu vậy. Và một điều quan trọng nữa, ngôi chùa hay hình bóng chư tăng trong tâm thức người dân các xứ Phật giáo Nam Truyền không quá xa lạ như với các dân tộc khác. Từ bé ai chẳng từng ăn uống, vui chơi, học chữ ở chùa. Bởi trường học và giếng nước của làng nhiều khi phải nằm trong đất chùa mới đúng điệu. Thế là anh đi. Với những nhà sư kiểu này, vốn rất đông đảo, khả năng giám sát của giáo hội chắc chắn rất giới hạn. Giỏi lắm là trên mặt nổi mà thôi. Các tân sư thường chỉ được yêu cầu một ít chuẩn bị khá nhẹ nhàng. Biết sử dụng y bát, học thuộc ít kinh tung để xoay sở mấy trường hợp cần thiết, ở đâu thì tuân thủ vài quy định sinh hoạt ở đó, biết lễ phép với vị nào trực tiếp giám quản mình, trước đám đông đi đứng chững chạc một tí. Với chừng đó điều kiện là đủ để làm nhà sư trong ít lâu rồi. Và cũng từ sự đơn giản đó, rất nhiều kẽ hở nguy hiểm đã được các vị sư ngắn ngày này phát hiện và tận dụng triệt để nhằm nguôi ngoai nỗi niềm gì đó trong những tháng ngày ăn mày lộc Phật. Thế rồi khi một chuyện xấu của họ bị phanh phui, báo giới tranh thủ theo kiểu thương mại, người không cảm tình với Phật giáo thì qua đó tha hồ nghị luận phê phán. Phàm tâm lạ lắm, bên cạnh khuynh hướng phù thịnh bất phù suy (vui ké với người thành công, giầy xéo kẻ ngã ngựa), còn là thói quen ghen ăn tức ở để chạy theo đám đông, mượn dịp thổ lộ ác cảm của mình, thế là nạn nhân của các vụ scandal chỉ có mà chết. Có cho vàng cũng không ai dám lên tiếng bênh vực những vị sư đang gặp rắc rối với pháp luật và giáo luật, thương lắm thì cũng chỉ mũ ni che tai vậy thôi. Nhưng qua những gì tôi vừa thưa ở trên, nếu hôm nay có người hỏi tôi nên nghĩ gì hay làm gì với mấy vụ lùm xùm đó, có lẽ tôi trước sau chỉ có một câu trả lời: Trái hư thì sẽ tự rụng hoặc bị hái bỏ, quan trọng là rán mà chăm sóc thiệt đàng hoàng mấy trái còn lại, đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Và rốt ráo nhất, thay vì chửi ai đó là sư hổ mang hãy dịu giọng lại để nói nhẹ nhàng rằng: Ít ra con rắn hổ mang đó cũng rán làm sư. Thêm một hình ảnh đẹp thì sẽ bớt được một hình ảnh xấu. Hình như là vậy. Giữa lúc các tôn giáo trên thế giới đang tối mặt với quá nhiều vấn đề, nhịp sống hiện đại ngày càng đẩy tuổi trẻ toàn cầu vào những cuộc chơi thiếu tâm linh. Không thể chỉ trách họ, một phần trách nhiệm còn nằm ở những người có thể giúp họ mà không thèm giúp. Vô trách nhiệm là món nợ lớn nhất mà người lớn đang vay của tuổi trẻ các thế hệ sau. Có lẽ đây là lúc ta phải nhắc lại câu nói của TT Mỹ F.J. Kennedy rồi sửa lại một tí. Đừng hỏi tại sao chuyện đời lại như vậy, mà nên tự hỏi mình đã đóng góp được gì cho cuộc đời để nó tốt hơn. Nói gọn một chút, đời sống phải là hành trình của những câu hỏi và lời đáp. Ta không thể vô tâm đánh giá mọi sự theo cách mình thích, mà phải đánh giá mọi sự theo đúng cách mà nó đang là. Muốn làm được chuyện đó, trước điều gì người ta cũng cần có một câu hỏi: Tại sao (why) nó lại thế ? Rồi tìm hiểu một cách nghiêm túc. Tôi dốt đặc, không phải vờ khiêm tốn, nhưng xin rút gọn bài viết này bằng một công thức. Một đứa bé tám tuổi biết đặt những câu hỏi hay, coi như nó đang trưởng thành. Một người tóc bạc không biết làm những câu hỏi, thì coi như đang cải lão hoàn đồng theo nghĩa xấu nhất. Ở đây công thức được phát biểu là : Eight (8)+ Y (đọc là Why) = Eighty (80). Từ đó suy ra, một người tám mươi tuổi ( eighty) không biết đặt câu hỏi sẽ thành ra đứa trẻ lên tám. Công thức là: Eighty (80)-Y= Eight (8). Xin hẹn gặp lại ở bài viết sau, chủ đề là Khi Thằng Dốt Bàn Về Giáo Dục. Bangkok, ngày giỗ cha 13 tháng 7 năm 2013 Toại Khanh | |
© www.toaikhanh.com (cập nhật:16:06:2024) |