Làng Mai

Tôi đến phi trường Bordeaux chiều ngày 3 tháng 6. Đến Bordeaux, nhưng để về Làng Mai. Đến để về, khi đến và về có hai nghĩa khác nhau nhiều lắm...

Có người nói với tôi rằng sư ông đã rời khỏi Làng Mai nhiều năm trước. Có nghĩa rằng linh hồn của Làng đã không còn nữa. Có một điều rằng, khi đặt chân lên các xóm Thượng và Hạ tôi chợt nhận ra linh hồn của làng tuy đã xa khuất, nhưng cái tinh thần của làng vẫn còn nguyên vẹn đó. Tôi có ngớ ngẩn chăng khi nói thế. Khi bảo rằng linh hồn của Làng đã mất, nhưng tinh thần của sư ông vẫn còn đây. Anh em thương nhau, dìu nhau đi về phía trước, tiếp nối di sản của tiền nhân, đi tiếp con đường chưa đến đích. Dù đích đến ấy quả là nghìn trùng. Vì nó là đích đến của một Phật giáo dấn thân, là một điểm hẹn của dân tộc. Nó lớn quá, thế là cứ nghìn trùng.

Nhưng dẫu lớn đến mấy, xa xôi đến mấy, nếu vẫn còn nằm trong biên tế của cái hữu hạn thì ta vẫn có hi vọng.

Và đó cũng chính là niềm tin để hướng về của tất cả những tổ chức, đoàn thể trên cuộc đời này khi cái gọi là linh hồn dẫu có tan biến nhưng tinh thần hoạt động vẫn còn đó. Trung tâm Kālāma cũng chỉ mong được thế!

Tôi đã tranh thủ đôi ngày ở Làng Mai để biết được cái gì là xóm Hạ, xóm Mới, xóm Thượng để nhận ra một Việt Nam, một Đông Phương vẫn lặng lẽ nằm lại ở đó. Một góc vườn rất Huế, một mô hình chùa Một Cột rất Bắc và những vườn rau, mương súng rất đổi Nam bộ.

Thầy Đại Nghĩa ở xóm Sơn Hạ đã dành trọn 3 ngày đưa chúng tôi đi thăm thú tất cả những nơi chốn đáng đi và cần biết của Làng và quanh Làng. Những ngôi làng cổ, những giáo đường và nhà xưa, những cánh rừng đầy lối mòn có đi một tháng cũng không hết...

Tôi đi và đi, đi để có thêm nhiều bài học, để có thêm những phút giây nhớ nghĩ về sư ông Làng Mai, đề bất chợt nhận ra một điều rằng dẫu kẻ hành nhân có qua cầu, có nằm xuống ở một góc rừng nào đó thì dấu mòn họ để lại vẫn còn đây, con đường rừng họ đã đi vẫn chưa hề bị xóa dấu. Xác có tan, hồn vẫn còn ở lại. Linh hồn của Làng Mai có về hư vô thì tinh thần Làng Mai vẫn hiện hữu.

Tôi đã nhìn thấy sư ông trong từng người mà mình gặp gỡ. Nói như cách của sư ông, tôi đã ăn cơm và uống trà bên cạnh sư ông vì tăng thân của Làng chính là sự tiếp nối không ngừng của sư ông, một dòng chảy chưa bao giờ đứt đoạn.

Những luống rau xanh mướt ở Xóm Mới và Xóm Hạ, những nụ cười hiếu khách, những mương sen ao súng, những bờ cỏ non thơm ngát mát lạnh, từng vành khăn sư nữ của những người con gái bỏ hết chuyện đời để mang một lời khấn nhỏ...

Tiếng chuông chiều thu không ở đây nghe rất buồn nhưng sang và đẹp quá. Hơn bốn mươi năm ở chùa, có lẽ đây là lần đầu tôi ngẩn ngơ khi nghe tiếng chuông chùa trong tâm tình cảm xúc của một khách vãng lai ở cả hai nghĩa đen và bóng!

Ngày cuối trước khi bỏ lại Làng Mai sau lưng, tôi đã có một buổi chiều "nhiều hơn mình nghĩ". Trên một rẻo đất kéo dài từ xóm Thượng có một cánh rừng sồi bạt ngàn với thảm cỏ xanh mướt được chăm sóc từng mét vuông như chỗ chơi Golf chỉ để nuôi nai. Nghe đâu của một ông chủ người Nga.

Tôi từng đến nhiều nơi đáng gọi là bồng lai, nhưng ngày cuối đời chỉ muốn được chết trong khu rừng đó!

Tôi thả từng bước chân trên một triền đồi đầy nắng vàng và gió chiều.

Nói như Xuân Diệu, tôi đúng là một con nai đang bị nắng chiều giăng lưới. Nắng bủa vây, nắng tràn ngập, nắng đẹp hoang đường, man dại. Tôi bước đi miên man để thấy mình không phải vừa đến mà là đang về...

Tôi chia tay Làng vào sáng hôm qua. Tôi rời làng mà không sao quên được cặp kính cận dày cộm của thầy Đại Nghĩa, nụ cười của thầy Pháp Khởi. Nhớ mồn một những gương mặt tăng thân đã chia sẻ nhau từng gắp bún, chén trà. Và đương nhiên, nhắc đến bao người để nhớ về một người!

Thương lắm Làng ơi...

(07.07.2024)

© www.toaikhanh.com
(cập nhật:08:07:2024)