www.budsas.org Trong Paṭisambhidā magga (Vô ngại giải đạo) có giải thích: “Tà kiến là gì? Là thấy sai, hiểu sai” Chữ diṭṭhi nghĩa là thấy, thường được hiểu là “quan điểm, ý kiến, chủ thuyết”. Diṭthi khi đi kèm với tỉnh từ sammā (sammādiṭṭhi) là “hiểu biết đúng, quan điểm đúng”, khi đi kèm với tỉnh tử micchā (micchādiṭṭhi) hay đơn độc (diṭṭhi) là: “hiểu biết sai, quan điểm sai”. Kiến thủ là bám chắc vào một lý thuyết sai, hoặc nắm giữ một quan điểm sai. Kiến thủ nói gọn là: bám chắc vào quan điểm “thường hằng (sassata)” hay bám chắc vào quan điểm “đoạn diệt (uccheda)”. “Dvīhi, bhikkhave, diṭṭhigatehi pariyuṭṭhitā devamanussā olīyanti eke, atidhāvanti eke..." “Này các Tỳkhưu, chư thiên và loài người bị xâm chiếm (pariyuṭṭhitā) bởi hai tà kiến, một số chấp chặt (olīyanti), một số đi quá trớn (atidhāvanti)..." Và Đức Thế Tôn có giải thích: “Người chấp chặt là chấp có (thường kiến), người đi quá trớn là chấp không (đoạn kiến)”. Thường kiến (sassatadiṭṭhi) là cho rằng: “Có một tự ngã thường hằng bất biến, không bao giờ bị hoại diệt”. Đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) là cho rằng: “Có một tự ngã sau khi chết thì diệt mất”. Cho là “thường hằng” hay “diệt mất” đều là tà kiến, vì sao? Vì đó là quan niệm có một thực thể, thực thể này không hề bị tiêu hoại, nên gọi là thường kiến, hoặc thực thể đó bị tiêu hoại không còn dư sót, nên gọi là đoạn kiến. Thực ra chẳng có một thực thể nào cả, những gì đang hiện bày chỉ là kết quả của nhân duyên, khi nhân duyên hội hợp pháp ấy hình thành, nên gọi là hữu vi (saṅkhāra), ví như dùi trống chạm vào mặt trống, tiếng trống phát sinh lên, tiếng trống không hề có sẵn trong dùi trống hay trong mặt trống.