Trang Dịch Việt Anh
Hạnh Phúc Có hai định nghĩa rất là quan trọng về hạnh phúc:
Hạnh phúc của kẻ hạ căn là sự vắng mặt của đau khổ (tức là quả bất thiện)
Hạnh phúc của bậc thượng căn là sự vắng mặt của phiền não (tức là nhân bất thiện)
Có nghĩa là cái hạnh phúc của chúng sanh cao cấp và chúng sanh hạ cấp nó khác nhau ngàn trùng. Tại sao mà hạnh phúc của kẻ hạ căn là sự vắng mặt của đau khổ? Thí dụ như bây giờ, đối với chúng sanh tầm thường, không trí tuệ, không tu hành, không hiểu biết, không nhận thức gì hết, thì hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là không bị bịnh hoạn, không bị tù tội, không bị nợ nần, không bị đau đớn nhức mõi, không có chuyện gì phải ưu tư lo lắng. Đó! Thì đối với họ đó là hạnh phúc. Hạnh phúc của cái kẻ hạ căn là sự vắng mặt của đau khổ, mà đau khổ ở đây mình phải hiểu là quả bất thiện. Còn hạnh phúc của bậc thượng căn là sự vắng mặt của phiền não. Mình phải thấy rõ ràng như vậy. Thí dụ như một vị tỳ kheo tu hành ngon lành thì nắng, gió, mưa, sương, đói, khát, nóng, lạnh đối với vị đó là chuyện nhỏ. Cái vấn đề là cái phiền não tham, sân, si đối với vị đó. Cái đó mới là chuyện lớn. Chớ còn đói, khát, nóng, lạnh, nắng, gió, mưa, sương, đói không có ăn, lạnh mặc không có đủ ấm, rồi bịnh không có thuốc uống đối; với vị đó thì cái chuyện đó không có ghê. Cái ghê nhất là vị đó không có giải quyết được cái vấn đề phiền não (tham, sân, si) của mình. Cho nên nếu mình hiểu được cái này mình mới thấy: "À, thì ra cái hạnh phúc với cái đau khổ nó là một cái gì đó rất là tương đối". Tùy người mà cái hạnh phúc đó là gì, tùy người mà cái đau khổ đó là gì. Với một người mà hiểu được cái lý 4 đế, thì họ thấy rằng mọi hiện hữu đều là khổ. Cho dầu đó là hạnh phúc hay đau khổ. Bởi vì một bên là sự có mặt của nhân phiền não, của nhân bất thiện; một bên là sự có mặt của quả bất thiện. Dầu nhân bất thiện hay quả bất thiện thì cũng là anh em ruột, cũng đều cùng một cha một mẹ, cũng đều là anh em chú bác, cũng đều là anh em cô cậu hết, cùng một phe hết. Cho nên, một vị gọi là có hiểu đạo, có tu chứng thì vị này không có tài nào thấy được rằng trong cuộc đời này có một cái góc cạnh nào đó đáng gọi là hạnh phúc hết. Bởi vì trong đây có ghi rõ, chúng tôi mới vừa ghi đó: Hạnh phúc của bậc thượng căn chỉ là sự vắng mặt của phiền não thôi, còn hạnh phúc của kẻ hạ căn ấy là sự vắng mặt của quả xấu. Khi nó không bị đói, không bị lạnh, không bị đau đớn, khi nó có được cái nó thích; thì đó là hạnh phúc, vậy thôi. Đối với bậc thượng căn, đau khổ của họ là khi nào phiền não có mặt. Nói như vậy thì có nghĩa là dầu hạnh phúc cỡ nào cũng là nằm quẩn quanh trong cái khổ thôi. Một cái thì nhân khổ, một cái thì quả khổ.
Vì vậy, khi một người không hiểu được chuyện đó, không hiểu được cái điều này, thì người đó mới còn có cái lòng trông đợi một cái góc đời nào đó còn hạnh phúc, còn trông đợi một cái góc đời nào đó có hạnh phúc. Điều thứ ba nữa là nếu một vị tỳ kheo mà vẫn còn thấy có một cái "tôi" lẫn khuất, phản phất, vất vưởng ở đâu đó trong cái cuộc đời phù du này thì người đó chưa có khá. Thí dụ cái chuyện này có thiệt: Ngày xưa mình chưa biết đạo mình thấy nhan sắc là của mình, mình thấy mình đẹp, mình thấy mình giỏi, mình thấy mình giàu, mình thấy mình có uy tín, mình có quyền lực, v.v … Bây giờ mình hiểu Phật Pháp rồi, mình biết mấy cái đó là phù du, là ảo mộng, là bọt nước, là mù sương. Bây giờ là mình chuyên tâm tu tập giới, định, tuệ. Nhưng mà rồi mình lại kẹt vô trong cái khác đấy. Mình kẹt vô cái chỗ là mình thấy mình là ngon lành, mình có chánh niệm, mình có trí tuệ, mình có thiền định, mình có kiến thức giáo lý, mình có v.v.… Như vậy là mình lại kẹt vô một cái khác rồi đấy.
Trích bài giảng ngày 20/06/2019
KTC.6.99 Khổ
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép
Password