Trang Dịch Việt Anh
Sống Chánh Niệm Sống chánh niệm được nhiều cái lợi lắm: Một, là phiền não không có cơ hội xen vào. Thứ hai, nếu nó có xen vào, qua một phút giây sơ sẩy nào đó thì chúng ta cũng lập tức phát hiện. Cái thứ ba, qua đó chúng ta mới có dịp thấy rằng chúng ta chỉ là một cái bọt nước, chỉ là một cái làn khói thôi. Và với ba cái lợi ích này của chánh niệm, thì chúng ta không có cơ hội phải quay lại ba cái khổ, ba cái tà tư duy (dục tầm, sân tầm, hại tầm) này. Đó là mình không có cơ hội, mình không có lý do để mà mình đi vật lộn với cái mình thích, với cái mình ghét, và mình cũng càng không có lý do để mình nuôi một cái ý tưởng gọi là tàn phá, hủy diệt, đánh đổ, chống phá bất cứ cái gì trên đời này. Và tôi nhắc lại một lần nữa. Ngay cả khi các vị tấn công người khác, đánh người khác, đánh bẹp người khác, đánh ngã người khác, các vị nghĩ các vị chiến thắng, chứ thật ra lúc đó các vị đang thua bản thân mình. Là bởi vì sao? Vì các vị đã không vượt qua được cái cảm xúc của mình, không vượt qua được. Chính chúng ta trở thành nô lệ, chúng ta trở thành cái kẻ thua cuộc trong chính cái cảm xúc của mình. Vì chúng ta bực bội, chúng ta bị bế tắc không tìm ra hướng giải quyết, chúng ta mới nghĩ đến chuyện tấn công người khác, và đập đổ, phá hoại, chống đối cái đối tượng khác. Chứ một người thật sự an lạc, thật sự sống tỉnh thức, bản thân của họ, cái chuyện mà họ quan sát, cái chuyện mà họ nhìn ngắm nó còn không đủ thời gian để làm, nói chi là cái chuyện bận tâm đến cái mình thích, cái mình ghét, nói chi là có thời gian để mà tàn phá, chống đối cái ngoại vật bên ngoài, cái đối tượng bên ngoài, chúng ta không có thời gian làm cái chuyện đó. Cái người mà theo đuổi cái mình thích, bận tâm tới cái mình ghét, có lòng muốn chống đối, đánh phá một đối tượng khác, người này dứt khoát không tài nào có an lạc. Và chúng ta không thể nào giải thoát đau khổ khi bản thân mình trước hết không được an lạc. An lạc còn không được, nói gì là chứng thánh, thưa quí vị.
Và tôi nhắc lại một lần nữa, tu hành chuyện đầu tiên làm ơn đừng có nghĩ là ta sẽ đắc cái gì hết. Mà chuyện đầu tiên anh phải được an lạc trước cái đã. Bởi vì ngay ở trong cái sự an lạc của anh thì anh mới có cơ hội, có điều kiện tâm lý để anh thấy ra cái này cái kia. Nó giống như một mặt hồ yên lặng, chúng ta đứng giữa mặt hồ yên lặng, nước sạch sẽ, trời yên, gió lặn, không có gợn sóng, thì trong cái phút giây đó chúng ta có thể nhìn thấu được đáy hồ. Đây cũng vậy, khi mà chúng ta có được an lạc, như lời Đức Phật dạy: Có hỷ lạc rồi có khinh an, có khinh an rồi có định tĩnh, định tĩnh là tập trung, có định tĩnh thì trí mới làm việc được. Cho nên, tôi nhắc lại một lần nữa: Thế giới này nó là cái gì thì tùy thuộc vào cái khả năng quan sát của chúng ta. Cái đó rất là quan trọng. Chúng ta sẽ sống trong địa ngục triền miên nếu mà ngay bây giờ chúng ta không có tự an lạc. Chúng ta sẽ suốt đời mãi hoài sống trong cái kiếp đời ngạ quỷ khi mà cứ suốt cuộc đời thèm khát đi theo đuổi cái mình muốn. Chúng ta sẽ mãi hoài chìm sâu trong cảnh giới của A tu la, của địa ngục khi mà mình bị đốt cháy bởi những sự bất mãn triền miên trong tâm thức. Và cái cuối cùng, chúng ta mãi hoài là quỷ dữ khi mà suốt một đời cứ theo đuổi những đối tượng mà mình muốn đánh phá, muốn hủy diệt, muốn tàn hại.
Trích bài giảng ngày 10/06/2019
KTC.6.74 Thiền
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép
Password