Trang Dịch Việt Anh
Trí tuệ và Đại bi Cốt lõi tinh hoa của pháp tu là tu vừa cho mình và vừa cho đời, vừa có từ bi vừa có trí tuệ. Chứ người tu mà ăn rồi chỉ biết chánh niệm, trí tuệ, quán chiếu danh sắc, vô ngã vô thường mà thiếu đi yếu tố từ tâm, vị tha thì chưa được gọi là viên mãn; mặc dù trong lý tưởng giải thoát rốt ráo thì mỗi người tự lo mình hoàn hảo đi rồi mới tính gì tính. Nhưng đó là cách nói rốt ráo, chứ theo cách nói viên mãn hoàn bị cụ túc thì mình tu phải có mình có người ta. Các vị tưởng tượng, nếu đức Bồ tát ngày xưa không có đại bi làm sao Ngài thành tựu Phật quả được. Rồi nếu ngài Xá Lợi Phất không có đại bi thì ai là người san định phật ngôn cho chúng ta hôm nay? San định có nghĩa là gì? Thí dụ tạng A tỳ đàm: Nếu ngài Xá lợi Phất để nguyên dạng mà Đức Phật đã thuyết giảng ở cõi trời thì nhiều lắm. Mình học điên luôn. Nhưng Ngài làm gọn lại. Rồi đến thế kỷ thứ V thì ngài Anuruddha căn cứ vào bản của ngài Xá Lợi Phất làm gọn lại nữa. Ngài Xá Lợi Phất làm gọn còn 12 cuốn. Trung bình mỗi cuốn 600 trang - mình tưởng tượng 600 x 12 cũng hơi nhiều. Đến phiên ngài Anuruddha thì ngài gom lại còn không tới 100 trang.
Rõ ràng nhờ bên cạnh cái đại trí còn có đại bi nên hôm nay chúng ta mới được ân triêm lợi lạc. Chớ nếu tu hành kiểu trí tuệ máy móc, lo quán chiếu, rồi nhàm chán, rồi xả ly, giải thoát mà không hiểu chúng sanh khác thì không xong. Thứ hai nữa, khi trí tuệ phát triển đến một mức nào đó (ở đây tôi nói trí tuệ giác ngộ chớ không phải trí tuệ ngoài đời), thì tự nhiên trong ta có cả mình và có cả người. Cho nên một vị A la hán dầu trước khi chứng Đạo là người như thế nào không cần biết nhưng khi chứng Đạo rồi thì vị La hán nào cũng có lòng đại bi với chúng sinh. Cũng giống như người đắc thiền trước khi họ đắc họ chỉ tập trung ly dục và thiền định. Nhưng khi họ đã đắc thiền rồi thì tự nhiên họ có lòng đại bi với chúng sinh. Rồi khi sanh về Phạm thiên thì Phạm thiên phải có lòng đại bi với chúng sanh. Đặc biệt như vậy. Nói chung thiện pháp khi tu tập đến một mức độ nhất định nào đó thì nó phải kiêm toàn rất nhiều hạnh lành. Đây là lý do vì đâu mà trong các hạnh lành ở một người cầu Phật Đạo bắt buộc phải có thiền định. Trong những tiêu chuẩn bắt buộc để trở thành một vị Bồ tát, ngay trong lần đầu tiên để được thọ ký thì vị đó phải chứng đắc thiền định và thần thông. Bởi vì chỉ có thiền định và thần thông thì vị này mới phát huy được tận cùng khả năng trí tuệ phàm phu của mình. Đồng thời với thiền định và thần thông, vị này thấy được kiếp trước kiếp sau, thấy được cõi trời, thấy được địa ngục, thấy được cảnh giới siêu và đọa, thấy được bao nhiêu thứ tâm tình cảm xúc của muôn loài trong cái hạn chế nào đó của mình, nhưng mà phải có. Từ đó mà vị này mới có thể phát huy tận cùng khả năng yêu thương chúng sinh. Chớ như trong đám chúng mình, mình học giáo lý cho vui vậy thôi chớ nói đại bi thì ... đại sao nổi mà đại? Các vị tưởng tượng: Thương sao được mà thương? Bởi rõ ràng nó chống đối, nó ghét mình, nó mâu thuẫn, xung đột, chống trái với mình mà bây giờ nói thương là thương cái gì. Mình thương nó hóa ra nhận giặc làm cha à? Sao mà thương? Thương là Ngu! Nhẫn là Nhục! Đó, cách nghĩ của mình là như vậy. Nhưng với người ‘hiểu chuyện’ thì không vậy. Họ coi tất cả chỉ là những giọt nước trong đại dương, trong đó có mình. Cho nên mình có phát triển, mình có thành tựu cái giống gì đi nữa thì tất cả chỉ là những giọt nước trong đại dương, trong một biển lớn của vạn hữu. Hiểu như vậy tự nhiên nó mới có lòng đại bi. Và trí tuệ đến mức đó mới là trí tuệ xài được.
Trích bài giảng
Kinh Tăng Chi số 155
Kalama xin tri ân bạn buithibuukim ghi chép
Password