Hỏi & Đáp

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

English
HỎI

Đề mục của Tứ Niệm Xứ là cái gì?

ĐÁP

Dạ thưa, đề mục của Tứ Niệm Xứ là bất cứ cái gì mà anh quan sát nó, anh ghi nhận nó, anh kiểm soát nó bằng chánh niệm. Còn cái gì anh theo đuổi nó mà không phải bằng chánh niệm thì cái đó gọi là hướng ngoại.

Thí dụ như mình đi vệ sinh, mình biết rõ là mình đang đi vệ sinh, chuyện đó nó dơ, mất vệ sinh thiệt, nhưng đó chính là đề mục, và mình hoàn toàn có thể đắc đạo bằng đề mục mà mình đang biết rất rõ làm cái gì.

Trong khi đó, mình ngồi trước chánh điện thấy nó linh thiêng như vậy nhưng tâm lăng xăng là không tốt. Khi người ta đi vệ sinh trong toilet, mà mọi sự diễn ra bằng chánh niệm thì nó tốt hơn là ngồi trong chánh điện mà thất niệm.

Câu này tôi biết nhiều người chịu không nổi, nghĩ rằng tu là phải trang nghiêm sạch sẽ mới gọi là tu, còn trong toilet nó không sạch sẽ, làm sao mà tu? Nhưng thật ra không phải như vậy.

Ở đâu có niệm, có tuệ, có thiện pháp thì ở đó là đất Phật, ở đó là linh thiêng. Ở đâu mà có tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi thì ở đó là cõi sa đọa.

Trong kinh Tăng Chi Phật dạy :

Ở đâu mà có từ, bi, hỷ, xả, thì ở đó là cõi Phạm cung của Phạm thiên.

Ở đâu có trí sanh diệt, quán vô ngã, thì ở đó chính là trụ xứ của thánh nhân.

Ở đâu mà có thập thiện thì ở đó là trú xứ của nhân thiên.

Ở đâu mà có tham sân si, thì ở đó là địa ngục, là cõi bàng sanh, ngạ quỷ, A tu la.

Ở đâu có lòng khát khao vật chất thì đó là chốn ngạ quỷ.

Ở đâu có lòng sân si, tị hiềm, mâu thuẫn, xung đột thì đó chính là cõi A tu la.

Ở đâu mà tham ăn, tham ngủ, u mê, không phân biệt phải quấy đó chính là cảnh giới bàng sanh.

Ở đâu mà cắm đầu trong máu lệ, đau khổ, ghen tuông, sợ hãi, không có lòng tìm ra lối thoát thì đó chính là cõi địa ngục.

Trong đạo Phật mình có hai cảnh giới :

1. Tục đế : là cảnh giới hiện tượng như con heo ở trong chuồng, con chim ở trong lồng, con cá ở dưới nước - đó là cảnh giới sa đọa hiện tượng.

2. Chân đế : là cảnh giới biểu tượng là tâm tham, sân, si - ở đâu có phiền não thì ở đó có sự sa đọa.

Tâm hướng ngoại là tâm thiếu nội tĩnh, lăng xăng, tâm thích rong ruổi, muốn chuyện này, thích chuyện kia, bất mãn, xung đột, mâu thuẫn chuyện nọ.

Trong khi Tứ Niệm Xứ, dầu là phàm hay thánh, hễ sống chánh niệm thì họ không muốn hành động. Bởi vì còn có ý thích hành động có nghĩa là còn quẩn quanh trong 3 hành, vô minh duyên hành. Chính vì có vô minh trong 4 Đế nó mới dẫn đến ba hành. Mà ba hành gom gọn chỉ có hai, đó là thiện hành và ác hành. Cho nên còn có ý thích trong hành động là còn tiếp tục gầy dựng dòng chảy duyên khởi.

Hành giả Tứ Niệm Xứ không thiết tha trong ác, thiện vì họ biết ác dẫn đến sa đọa và thiện dẫn đến nhân thiên. Cái nào cũng là sanh tử.

Vì vậy hành giả Tứ Niệm Xứ chỉ có quan sát và quan sát mà thôi.


English


zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com