Hỏi & Đáp

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

English
HỎI

Dạ thưa Sư, tại sao bên phía Bắc Tông, bên Thiền Tông, cũng như bên Khất Sĩ và bên Mật Tông, mọi người đều có thể chấp nhận những người tu nữ để thọ được giới Sa Di, tất nhiên là một giới xuất gia. Nhưng đặc biệt ở bên Nam Tông không chấp nhận cho người nữ được xuất gia để lên Tỳ Kheo. Mỗi lần muốn đi Tỳ Kheo như vậy thì phải qua bên Tích Lan. Và coi như ngay cả Việt Nam mình, Thái Lan, Miến Điện hình như chưa chấp nhận. Và ở Việt Nam cũng có một số rất đông những vị không chấp nhận. Thưa Sư, Sư có thể giải thích cho chúng con về điều đó theo quan điểm của Sư không ạ? Mô Phật! Con kính cám ơn Sư. Bởi vì trong nhóm hội chúng này nếu mà kiểm lại người nam đi nghe Pháp, dạ thưa Sư, Sư thấy cũng rất là ít phải không ạ? Mà người nữ đi tu rất nhiều ở các chùa và mọi nơi. Người nữ cũng là người. Họ đi tu rất nhiều. Con không biết có sự khác biệt nào giữa người nam và người nữ tu để có thể thành Phật, hoặc là tu để có thể thành A-La-Hán, hoặc là tu để có trí tuệ. Họ khác nhau chỗ nào mà tại sao bên Nam Tông lại có những vị còn khắc khe như vậy. Xin Sư giải thích cho chúng con được hiểu. Con cám ơn Sư.

ĐÁP

Cám ơn cô. Câu hỏi hay. Nó hay và cần thiết đến mức mà thỉnh thoảng tôi cũng muốn nghe bà con nhắc lại câu hỏi này một lần. Có nhiều câu hỏi tôi chỉ trả lời thôi, tôi không quan tâm. Đặc biệt là câu hỏi này thỉnh thoảng tôi muốn bà con nhắc lại một lần. Tại sao? Tại vì tôi biết nó vừa là cái hoang mang, vừa là cái ấm ức của nhiều người lắm. Và tôi thấy các vị Phật tử cần có một câu trả lời.

Trước hết tôi xin nói rõ chỗ này. Cô hỏi "Theo quan điểm của Sư". Tôi xin thưa rằng ở đây riêng tôi không có ý kiến trong vụ này. Tôi chỉ nói theo quan điểm trong kinh. Bởi vì nói theo quan điểm của tôi thì tôi không muốn nghĩ nhiều về chuyện đó vì tôi thấy chuyện đó nó không quan trọng. Bởi vì trong kinh đã giải thích rồi, tôi không cần phải nghĩ thêm.

Cái chuyện đó như thế này. Ở đây ai cũng có con trai, con gái. Mình thấy con gái đi chơi khuya mình ngại hơn là con trai đúng không? Cái đó có phải do mình kỳ thị giới tính không? Không phải do kỳ thị giới tính mà là sự an toàn. Theo trong kinh nói có hai lý do chính dẫn đến chuyện bên Phật giáo Nam Tông hôm nay không có Ni giới, hoặc có mà cũng rất hạn chế và có không chính thức. Thế nào là hạn chế? Hạn chế ở đây là chỉ có ở bên Miến Điện là nhiều, dưới Miến Điện một chút là tới Thái Lan, chứ còn Tích Lan, Lào, Campuchia số tu nữ không có nhiều, đó là nói về số lượng. Còn nói về chính thức là sao? Bên Phật giáo Nam Tông bây giờ không có cái giới đàn trao truyền giới phẩm cho người nữ như Sa Di, Tỳ Kheo giống như bên Tăng. Không có. Vì sao? Vì hai lý do. Các vị hỏi thì tôi trả lời từ một khía cạnh kỹ thuật. Ở đây không có vấn đề về cảm xúc, cảm tính, tình cảm, thương thích gì ở đây hết.

Việc thứ nhất. Một vị Tăng ba mươi tuổi, sau mười năm tu học bên chân thầy Tổ, thì có thể được giao phó cái trọng trách đi hoằng pháp bất cứ đâu, cả thầy Tổ lẫn Phật tử đều có thể yên tâm. Nhưng ngược lại một vị Ni ba mươi tuổi, sau mười năm học bên chân thầy, mà lại đi xa nhận một cái chùa thì chư Tăng không có yên tâm.

Việc thứ hai. Các vị phải đồng ý với tôi là cái đời sống tâm lí của đàn ông đơn giản hơn đàn bà rất là nhiều. Tôi thí dụ: Tôi không thích ông Hiệp đó, tôi không thích cái ông Phát này, nhưng ba chúng tôi là ba huynh đệ tu chung một chùa. Tôi không có thích họ thì tôi tránh tôi không có nói chuyện với họ nhiều nhưng mà ba huynh đệ tôi có thể sống trong chùa suốt mười năm không sao hết. Nhưng mà nữ lại khác. Ba cô mà không thích nhau thì họ chọt cho banh cái chùa luôn. Có hiểu tôi nói gì không? Đàn ông không thích nhau thì gọn lắm. Không thích có nghĩa là không thích, nhưng mà dàn xếp ở được. Còn nữ họ không thích rồi là chết. Và sẵn tôi nói luôn. Chính đàn bà hiểu nhau mà. Các vị vào chỗ nào các vị biết trong cái chỗ đó có cái ông đó ổng thích mình thì các vị dễ thở hơn là biết có cái bà đó bả không thích mình. Làm ơn, tôi năn nỉ quý vị hiểu cái đó dùm, đừng có chối cái đó. Đàn bà một khi họ ghét rồi thì chỉ có chết thôi. Người ta từng nói đừng dại dột chọc giận phụ nữ là vậy. Họ lạ lắm. Họ tay yếu chân mềm, vật tay với họ, làm việc nặng tì họ không bằng đàn ông nhưng mà để họ lặng lẽ, lầm lì, để mà toan tính, âm mưu hại người, thì họ hơn đàn ông tụi tôi vạn phần. Tôi biết tôi nói cái này quý vị giận nhưng phải nói thiệt. Cho nên về mặt sinh hoạt thì nữ không có an toàn. Về cá tính thì nữ họ có nhiều cái thói xấu.

Tôi nhắc lại một lần nữa mẹ tôi là đàn bà, chứ không phải là đàn ông. Tôi rất tôn trọng đàn bà. Người mà nuôi cơm áo cho tôi là đàn bà chứ không phải đàn ông. Tôi nói cho quý vị biết. Tôi mang ơn phụ nữ nhiều hơn là đàn ông. Không có đàn ông tôi không chết, nhưng không có phụ nữ tôi chết lâu rồi. Nhưng mà tôi phải nói thiệt. Trong suy nghĩ của tôi bắt tôi để nam nữ ngang nhau về một vài khía cạnh, tôi không đồng ý. Khía cạnh nhân quyền, nam nữ bằng nhau, quyền lợi trong đời sống tôi cho bằng nhau. Nhưng có những chuyện bắt tôi phải xem bằng nhau, tôi không chịu.

Thí dụ, người đàn bà có thể hoàn toàn lấy bằng bác sĩ, tiến sĩ nhưng kì lạ lắm là khi muốn chạm tới đỉnh cao của bất kì lĩnh vực nào thì đều phải là đàn ông. Từ nấu ăn cho đến fashion designer, cắt tóc, make up, cái gì mà lên tới đỉnh, những nghiên cứu phát minh về khoa học, về mỹ thuật, về kỹ thuật lên tới top, lên tới đỉnh phải là đàn ông. Vì sao vậy? Trừ ra những người bình thường tôi không nói. Còn những người xuất sắc, cái phần xuất sắc bên đàn ông nó khác bên đàn bà ở chỗ là đàn ông họ có thể quên sạch tất cả những cái thích và ghét, quên sạch cái hình thức đẹp và xấu. Đối với đàn ông, thích, ghét, đẹp, xấu, nếu cần họ bỏ, họ chỉ nhắm đến cái việc đó thôi. Nhưng đàn bà họ rất là nặng cái chuyện thích, ghét, đẹp, xấu. Và trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng đã chứng minh. Những vị Tăng xuất gia từ nhỏ hay là xuất gia bán thế, (bán thế có nghĩa là nửa đời rồi mới xuất gia), dầu xuất gia bé hay xuất gia lúc lớn đều có Đạo nghiệp dễ dàng hơn. Thí dụ như Hòa thượng Thanh Từ là xuất gia bán thế, Hòa thượng Thích Minh Châu là xuất gia bán thế, chỉ có một số Ôn ví dụ như Ôn Trí Thủ, chứ còn bên Nam Tông thì Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Bửu Chơn đều là bán thế. Nhưng dầu xuất gia nửa đời, khi vào Đạo rồi họ chuyên tâm, các vị vẫn có Đạo nghiệp. Nhưng riêng phụ nữ, hôm nay mà bên Ni giới Việt Nam mà nếu mà nói về Đạo nghiệp, Đạo nghiệp vô danh thì tôi không biết, còn Đạo nghiệp mà tôi biết thì đếm trên đầu ngón tay. Thí dụ như Sư bà Như Thanh của chùa Huệ Lâm, Sư bà Diệu Không ở ngoài Huế, Ni Sư Thích Nữ Trí Hải là ba, Ni Sư Hải Triều Âm là bốn, còn thêm một nhân vật nữa kêu là Đạo nghiệp thì tôi thấy không đúng mà phải gọi là Sự nghiệp, là Ni Sư Thích Nữ Huỳnh Liên của bên khất sĩ. Có chút yếu tố chính trị thì Ni Sư mới có tiếng. Như vậy thì hai ngàn năm lịch sử Phật giáo Việt Nam cho tới bây giờ mà kêu tôi kể các vị Ni mà có thành tựu về Đạo nghiệp, học thuật thì tôi biết quá ít, nhưng còn bên Tăng thì tôi đếm từ đây cho đến Tết chưa hết. Tăng mà có Đạo nghiệp tôi có thể đếm từ đây cho đến Tết chưa hết mà Ni thì tôi kể tíc tắc hết sạch. Và cho tôi nói luôn, tôi biết thế giới nhiều người đang nghe tôi. Tôi nhắc lại lần nữa, mẹ tôi là phụ nữ và người nuôi tôi là phụ nữ. Tôi rất kính trọng, quý mến phụ nữ - như trong kinh đã nói. Đức Phật nói với một ông vua "Tại sao phải coi thường phụ nữ khi mà tất cả những đàn ông vĩ đại đều do phụ nữ sanh ra". Tôi vẫn theo quan điểm đó, tôi tiếp tục tôn trọng phụ nữ nhưng mà tôi phải nói thiệt là cái thói xấu của người nữ đa phần rất nhiều, thứ hai họ không có khả năng tự bảo vệ và đời sống của họ phải lệ thuộc vào rất nhiều người khác. Muốn làm trụ trì ở một nơi xa thì người phụ nữ phải cần đến sự giám sát, dòm ngó, sự chăm sóc của nhiều người họ mới có thể cáng đáng được.

Chính vì những bất tiện này mà sự thành lập một Ni đoàn phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Thí dụ như thời Đức Phật, trong kinh ghi rõ vị Tỳ kheo có thể đi một mình nhưng vị Ni không thể đi đâu đó một mình, rất là phiền. Mà tại sao có Ni giới thời Đức Phật? Là bởi vì (tôi biết tôi nói cái này ra các vị không tin nhưng mà với niềm tin tôn giáo mình phải chịu điều đó thôi) tất cả chư Phật ba đời mười phương đều có Tỳ kheo Ni với một lý do rất đơn giản: đó là một người đã đắc A-La-Hán không thể nào sống quá một tuần trong hình thức cư sĩ. Khi mà chư Phật còn tại thế có quá nhiều người nữ đắc quả A-La-Hán, mà không cho họ xuất gia thì họ phải chết khẩn cấp trong một tuần. Mà đó là chuyện vô lý, thế là phải cho họ đắp y. Chứ một khi Thánh nhân hiếm rồi thì sự có mặt của người đàn bà trong màu áo này rất là bất tiện. Thà nếu mình có thương họ lắm mình cho họ cạo đầu, đắp y, phải là khác với Tăng, chứ không giống được để nó có sự phân biệt. Và đồng thời giới luật cho người nữ, các vị có đọc trong luật của Nam truyền, luật của Tỳ kheo tăng chỉ có 227, luật của Tỳ kheo Ni tới 311. Bên Tỳ kheo Tăng chỉ có 4 đại trọng giới và rất khó phạm. 4 đại trọng giới có nghĩa là phạm vào 4 cái này thì không còn là Tỳ kheo nữa, 4 cái này rất khó phạm và tương đối dễ tránh. Nhưng riêng Tỳ kheo Ni có 8, gấp đôi, mà lại rất dễ phạm. Thí dụ, bên Tăng, một ông Tăng sờ chạm một người phụ nữ với cái tâm thích thú thì chỉ bị 21 ông Tỳ kheo họp lại xử phạt. Bên Ni, sờ chạm một người đàn ông với tâm thích thú, tức khắc bị lột y, khó như vậy đó. Tại sao? Cái này bắt tôi nói tôi phải nói thiệt. Cái tấm thân sinh lý của người nữ nó có ảnh hưởng quan trọng đến tâm lý của người nữ. Một người đàn ông trong một sự va chạm nó khó đi xa hơn người nữ. Người nữ một khi họ đã chấp nhận va chạm họ sẽ dễ đi xa hơn và khó dừng lại hơn. Cả tấm thân sinh lý và tâm lý đều phức tạp hơn người nam rất là nhiều.

Tôi phải nói rõ tôi đặc biệt quý trọng Ni Sư Liễu Pháp ở Việt Nam, tôi ước ao tất cả tu nữ được như Ni Sư Liễu Pháp. Nhưng mà tôi cũng biết rằng được như vậy không nhiều. Cho đến hôm nay tôi cũng chỉ thấy có một thôi. Tôi quý Ni Sư Liễu Pháp ở ba điểm. Thứ nhất, Ni Sư là người rất là uyên bác. Thứ hai, Ni Sư có lý tưởng tu hành. Thứ ba, Ni Sư là người rất là khiêm tốn. Ba cái này là ba tố chất cần thiết cho một người tu nói chung và cho một Ni Sư nói riêng. Phải hiếu học, khiêm tốn và có lý tưởng tu hành. Tôi nói như vậy không có nghĩa là tôi nói các vị Ni khác không có mà mấy vị khác đều thiếu. Có lý tưởng tu nhưng mà không có uyên bác. Uyên bác ở đây không cần phải có bằng cấp nhưng phải đủ để tự tu và đủ để dạy người ta. Một là thiếu khiêm tốn, hai là thiếu kiến thức, ba là thiếu lý tưởng. Lý tưởng ở trong Đạo gồm có lý tưởng học Đạo, hành Đạo và hoằng Đạo. Người tu phải có những cái lý tưởng này mới gọi là có lý tưởng. Nếu không có lý tưởng học Đạo, hành Đạo và hoằng Đạo tôi gọi là không có lý tưởng.

Mà đa phần phụ nữ cứ cho họ một tí ti vị trí thì họ trở nên khó ưa, kiêu ngạo hơn người nam. Còn lý do tại sao thì trời biết! Tôi biết tôi trả lời cái này là tôi đã chạm vào một đống ổ kiến lửa nhưng tôi vẫn phải nói. Tôi nói lại lần nữa mẹ tôi là phụ nữ, tôi đặc biệt tôn trọng phụ nữ. Người nuôi tôi có được cái hình hài này, cơm gạo nuôi tôi có được hình hài năm mươi tuổi này là đàn bà không phải đàn ông. Chờ đàn ông mà đem gạo đến là mồ xanh cỏ rồi. Bữa cơm trưa nay của tôi là phụ nữ cho, cái ly nước này là do phụ nữ, cái mic này là của bà chủ nhà này. Tôi nói tóm lại, điều kiện sinh hoạt của phụ nữ phức tạp và đòi hỏi nhiều điều kiện hơn đàn ông, đó là một cái bất lợi. Điều kiện sinh hoạt kể cả vấn đề an ninh rất là phiền. Thứ hai, người nữ có nhiều thói xấu. Thứ ba, sự đóng góp của người nữ chỉ hữu hiệu khi họ có tóc.

Nếu anh có lòng quý Đạo, có lòng tu hành thì anh hãy cứ có tóc để anh làm tốt cái vai trò đó, không nhất thiết anh phải bỏ tóc để tạo ra vô vàn những khó khăn, thí dụ như trong sinh hoạt chung. Anh hãy có tóc để chúng tôi gọi anh là bà mẹ chiến sĩ, bà chị nuôi chiến sĩ, còn hơn anh bỏ cái tóc đi rồi anh sẽ thảnh nữ cán bộ có vấn đề.

Trích bài giảng Hạnh Phúc và Đau Khổ (2)
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


English


zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com