Hỏi & Đáp

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

English
Hỏi:

Sư ơi, tạng A Tỳ Đàm có phải của Phật không?

Trả lời:

Trong tài liệu tiếng Anh, Pali nói rất rõ: Trong kỳ kết tập đầu tiên, ba tháng sau khi Phật niết bàn, đã có kết tập A Tỳ Đàm rồi. Tôi nói và tôi chịu trách nhiệm. Xui một chỗ là người Việt Nam thích nghe chứ không thích đọc. Các vị nhà ở gần tôi, đến nghe tôi nói, các vị mến tôi, quý tôi và các vị tin một mình tôi, tôi ban cho cái gì là các vị quỳ xuống cung kính mà húp cho bằng sạch cái lời tôi nói mà các vị không có tra cứu. Cái đó không phải là thái độ khoa học.

Âu Mỹ họ không có như vậy. Ví dụ Sư cô Ayya Agganyāni người Đức. Bả là một người thiếu phụ người Đức. Bả đi du lịch bên Miến Điện, bả quý ngài Nandamala. Nếu bả mà là người Việt Nam là tiêu rồi, người Việt Nam mà quý Ngài chỉ có biết hả họng nhận nước bọt của Ngài thôi. Tôi cố ý tôi nói nặng lời như vậy. Nhưng bả thì không, bả quý Ngài, bả học với Ngài, những gì Ngài nói chỉ toàn là gợi ý thôi. Chính bả về bả học tiếng Pali, tiếng Miến Điện. Chính bả nghiên cứu kinh điển. Chính bả là người đã lập ra một nhóm nghiên cứu A Tỳ Đàm ở Đức, bả có hẳn một trang web mà bản thân tôi vẫn ngày ngày đi vào trang web đó lấy bài ra đọc, đó là trang Abhidhamma.com, với bốn thứ tiếng Anh, Đức, Miến, Pali.

Còn dân mình thì không như vậy. Tất cả những người Phật tử mà tôi tiếp xúc, tất cả những người Phật tử mà nói kiểu đó, đem truy ra đều không có đọc sách gì ngoài sách tiếng Việt. Còn những người đọc được ngoại ngữ không bao giờ hỏi tôi cái câu mà nó dở ẹc như vậy. "Sư ơi, tạng A Tỳ Đàm có phải của Phật không?". Tất cả người hỏi tôi câu đó đều là những người, một là không biết ngoại ngữ, hai là không đủ ngoại ngữ để đọc, thứ ba là lười, cứ đi kiếm sách tiếng Việt mà đọc. Tôi biết tôi nói cái này chạm đến nhiều vị trong và ngoài nước: Cho đến hôm nay nhiều vị sư Việt Nam khoái cất chùa chứ chưa hề nghĩ đến cái chuyện dạy giáo lý cho Phật tử cho tới nơi. Cứ gặp là đè nó xuống, hành thiện bố thí, cúng dường hoài. Tôi phải xài chữ "đè". Cứ đè nó xuống rồi cứ bố thí, cúng dường, niệm Phật, cứ nhiêu đó làm hoài; mà để cho những thắc mắc mà tôi cho là những thắc mắc quan trọng cứ tồn đọng trong đầu Phật tử qua bao nhiêu thế hệ. Phật giáo Nam Tông truyền vào Việt Nam từ năm 1932 đến bây giờ, đến năm 2020 mà quý vị vẫn chưa biết những cái này thì tôi cho rằng đó là cái phước phận của mình nó mỏng quá. Trong khi nếu quý vị biết đọc ngoại ngữ thì nó êm đềm lắm.

Trích bài giảng Thiện Ác
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


English


zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com