Hỏi & Đáp

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

English
Hỏi:

Trong khi Sư giảng Sư nói "cái phần chú giải nói như thế này", vậy chú giải đó là của ai?

Trả lời:

Kinh điển có ít nhất là năm đời. Đời một là chánh tạng do đức Phật và các vị Thánh cùng thời với Ngài. Đời hai là chánh sớ là chú giải đời một. Đời ba là chú giải đời hai. Các vị sẽ thắc mắc là tại sao có chuyện đó? Là vì đối với trình độ thằng Tèo nó thấy trong bài kinh chỉ cần có ba điểm cần giải thích thôi thế là nó chỉ giải thích có ba cái đó thôi. Nhưng đến thằng Tí, cái trình độ nó khác thằng Tèo, nó thấy ngoài ba điểm này còn những điểm khác cần nói thêm. Tại vì chúng sanh càng lúc càng ngu mà. Thứ hai, vì thằng Tèo nó giỏi nên giải thích của nó rất là đại khái, đời sau họ mới thấy rằng không phải ai cũng có thể hiểu cái đại khái đó nên họ tiếp tục họ giải thích cái đại khái đó. Đến đời thứ ba họ mới thấy rằng giải thích của đời hai vẫn còn mơ hồ nên họ giải thích tiếp. Nói thẳng luôn những người có ác cảm với Nam Tông họ mới lôi mấy cái này ra họ nói đây là của đời sau. Nhưng mà họ quên một chuyện rất là quan trọng là của ai không quan trọng mà quan trọng là họ nói cái gì, dầu chú giải đời mấy đi nữa nó có chống lại đời một và đời hai hay không.

Có người thắc mắc tiếp "ai có thẩm quyền giải thích Tam Tạng?". Chính là các vị Thánh thời Đức Phật: ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, ngài A Nan, ngài Ca Diếp. Chú giải đời một là do ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, ngài Anan, ngài Ca Diếp chú thích. Tại sao họ kiết tập không có? Tại sao có những bài pháp ngài Xá Lợi Phất thuyết được ngài Anan kể lại trong kỳ kiết tập nhưng mà phần chú thích của ngài Xá Lợi Phất thì lại không? Tại sao có những bài kinh mà ngài Xá Lợi Phất thuyết mà đức Phật có lên tiếng xác nhận, ai cũng biết hết, còn có những bài kinh mà ngài Xá Lợi Phất thuyết nhưng không có đức Phật, rất nhiều bài giảng của ngài Xá Lợi Phất thuyết ngài Anan biết nhưng không có nhắc lại. Tại sao vậy? Nó có lý do rất là quan trọng, A-La-Hán thời đó nhiều quá, ngài Xá Lợi Phất là đệ nhất trí tuệ nhưng người nói đúng như ngài Xá Lợi Phất nhiều lắm. Nếu bây giờ gom hết những lời của ngài Xá Lợi Phất thì phải gom hết lời của ngài Mục Kiền Liên, gom hết lời của bao nhiêu vị địa cao đồ khác, như vậy kiết tập bao lâu mới đủ. Cho nên ở đây người ta chỉ ưu tiên cho lời Phật thôi và phần của các vị đệ tử chỉ là phần nhỏ thôi, còn cái phần chú thích của bài kinh những vị nào học Tam Tạng phải học thêm. Và các Ngài làm cái chuyện đó có ẩn ý, khi ưu tiên lời Phật như vậy thì đời sau không dám tự tiện thêm vào nữa. Thí dụ: Tôi thờ ngài Xá Lợi Phất tôi thêm lời ngài Xá Lợi Phất vô, cô mê ngài Anan cô thêm lới ngài Anan vô, hai vị này thì còn được. Nhưng khi tôi và cô chết rồi, cái đám đệ tử sau nó thờ các vị khác tệ hơn, vậy qua suốt hai mươi lăm thế kỷ quý vị nghĩ coi kinh Phật nó còn ra cái gì nữa? Cho nên người ta phải ưu tiên cho lời Phật hoặc là vẫn truyền thừa nhưng mà xếp vào cấp hai, cấp ba, chứ không phải cấp một được. Một là ưu tiên lời Phật, hai là nếu thế hệ trước thông thoáng quá thì thế hệ sau nó loạn. Nhờ sự kỹ lưỡng đó mà hôm nay ta còn bộ Tam Tạng Pali tương đối là tinh tuyền. Vậy mà ta còn nghi ngờ không phải lời Phật. Còn nếu viết thêm vô thoải mái là chết.

Trích bài giảng Thiện Ác
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


English


zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com