Thiền Đắc

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Thiền Đắc

Mỗi người có một cái sức định tâm và có rất nhiều người hiểu lầm, thấy ngồi lâu quá tưởng đắc rồi. Khổ vậy. Thật ra chỉ là cái cận định. Cận định rất là giống với sơ thiền, cũng có thể cho mình một khả năng an định, tập trung rất là tốt trong nhiều giờ, nhưng mà nó vẫn là cận định thôi. Cận định là giai đoạn gọi là ở thềm ba, mái hiên của sơ thiền thôi, nhớ nha. Và một chuyện quan trọng nữa là hành thiền tùy theo tu chỉ hay tu quán, cái chuyện đầu tiên là làm việc với cái tâm của mình, chứ không có phải mong đợi cái gì đang chờ ở cuối đường.

Tu thiền samatha đại kỵ là mong đợi đắc chứng thần thông, các tầng định, đắc định, đắc thông ... mong đợi là chết. Tu thiền quán đại kỵ là ba cái tuệ. Mình nghe ông thầy nói tuệ thứ năm, thứ tám ... nghe rồi đâm ham. Mà tuệ là cái gì ? Các vị mà học A Tỳ Đàm các vị nghe nói tuệ các vị mới thấy nhục. Chỉ trừ ra cái tâm gọi là sơ đạo, sơ quả mới là cái tâm siêu thế, mới là tâm thánh, nha; còn các cái tuệ kia, nào là tuệ sanh diệt, tuệ sợ hãi, tuệ chán nản, hành xả tuệ gì đó, nó toàn là tâm đại thiện dục giới hết. Mà đã nói là tâm đại thiện dục giới, thì lúc có lúc không. Chỉ có tâm thiện đáo đại là sơ thiền trở lên thì có thể nó kéo dài một tiếng, hai tiếng, năm tiếng, mười tiếng, một ngày, hai ngày, thí dụ như vậy. Và đó là tâm thiền. Chứ còn cái tâm thiện dục giới thì nó quởn nó có; còn nó bận thì nó đi mất, nó đội nón nó đi mất tiêu. Mà chưa kể cái này, khi mà anh chưa là sơ quả thì những nhận thức của anh về giáo pháp hoàn toàn có thể bị thay đổi, quý vị có hiểu cái này không? Khi mà chưa là thánh thì những cái sở đắc của mình, những cái hiểu biết của mình về giáo pháp hoàn toàn có thể thay đổi, các vị có tin vậy không? Không tin tôi nói cho người ta tin nè.

Thứ nhứt, các vị nói các vị giỏi phải không? Chỉ cần một cái chấn thương trong đây thôi, bị bịnh, uống lộn thuốc, bị sốc thuốc, chỉ cần như vậy là coi như là cái này của mình nó không phải của mình nữa. Tôi từng biết một người ở Mỹ uống lộn thuốc mà bị tâm thần luôn mà may mắn là sau đó chữa được, may mắn là chữa được, uống lộn thuốc mà bị tâm thần luôn, nha. Hoặc là mấy cái người lạm dụng thuốc ngủ, riết rồi con người nó làm như nó không có bình thường vậy đó, không biết tôi nói có ai biết chuyện đó không ta? Thuốc ngủ mà quí vị cứ trường kỳ kháng chiến, mà cứ uống miệt mài, các vị cứ làm đều đều với một cái liều lượng cao đó, quý vị trong đây chắc có bác sĩ biết cái đó, lạm dụng thuốc ngủ lâu ngày cái đầu nó bị đơ. Tin tôi đi, nhe. Mà khi nó đơ rồi, hồi đầu mình nghĩ mình giỏi Phật Pháp nhưng mà khi mình đơ rồi là những nhận thức bắt đầu nó biến dạng từ từ hồi nào mình không có hay. Nói ra thì cũng giống giống như trước đây nhưng mà nó thay đổi hồi nào mình không hay, ghê vậy đó. Cho nên, đó là nói ảnh hưởng về sinh lý. Còn ảnh hưởng về tâm lý là có thể mình bị ai đó tác động, mình đọc cuốn sách nào đó, biết đâu được, biết đâu mình đọc cuốn sách nào đó mà nó chọt ngay cái góc tà kiến của mình, là mình đâm ra mình nghi ngờ toàn bộ cái biết về Phật Pháp của mình, nha. Thầy, bạn mà mình gặp gỡ, sách báo mà mình đọc được có thể giúp mình thay đổi, lật ngược lại cái nhận thức, cái chuyện đó không có gì lạ hết. Có biết bao nhiêu trí thức mà thay đổi lập trường, quan điểm về chính trị, về tôn giáo, về văn hóa, ... Tôi nói vậy các vị có hiểu không? Phải hiểu biết chuyện đó. Có biết bao nhiêu người trí thức cực kỳ giỏi vật lý, cực kỳ giỏi toán, cực kỳ giỏi khoa học nhưng mà trong nhận thức về tôn giáo, nhận thức về chính trị họ dở như là cái con gì vậy, dở như là cái con gì vậy, họ dở ẹc. Phàm phu mình là như vậy, vì sao? Vì tất thảy những nhận thức, những hiểu biết của chúng ta nó đều đặt trên những cái nền tảng nghiệp báo và tâm lý, khuynh hướng tâm lý và tiền nghiệp quá khứ, nhớ nha, rồi còn cộng với môi trường hiện tại cho nên mình thấy cái tên đó nó giỏi thiệt, nó học giỏi thiệt nhưng mà nó chỉ giỏi về chuyên môn một cái ngành nào đó thôi, còn cái khác là coi như nó bị đơ, nhìn đấy, nó bị đơ! Cho nên nhớ, khi mà tôi phân tích tận cùng như vậy, các vị mới thấy: Ồ thì ra mọi cái sở chứng, mọi thành tựu về tâm linh của phàm phu, thấy được vậy thì biết vậy, nhưng đừng có tin cậy nó nhiều quá, nhớ đấy.

Tôi đang nói về định mà tôi lại quẹo qua một bên bởi vì không nói không được, nha. Định đây là khả năng tập trung tư tưởng mà nhiều người tu thiền cứ mong đắc này đắc nọ kia, họ tưởng là hay, tôi nhắc lại, khi mà anh mong đắc là anh coi chừng. Nó chưa đắc mà anh tưởng là đắc, là nó nguy lắm quí vị. Nó nguy lắm là bởi vì cái con đường mà ngoài đời mình đi lên bằng chân nó đã có biết bao nhiêu cám dỗ rồi, phải không? Gọi là trời xanh mây trắng nắng vàng, người dễ thương, cảnh dễ thương, vật dễ thương, gió mát trăng thanh, ... Huống chi là cái con đường tâm linh quí vị, nó có nhiều cám dỗ lắm: ngồi mát lạnh, nổi da gà, nghe người nhẹ hều nhẹ hửng muốn bay, rồi tự nhiên cái đầu nó sáng ra, sáng ra, sáng ra, nó hiểu được nhiều cái chuyện mà trước giờ nó không hiểu. Hoặc là tự nhiên mình có khả năng mình ngồi lâu mà không biết mệt, mà cứ ngồi riết nó nghiện luôn. Cứ trông rãnh rãnh nhào vô ngồi, bắt xếp chưn vô cái là nghe nó rờn rợn, nghe nó mát lạnh, từ dưới nó mát lên mà cảm giác đó trước giờ nó chưa bao giờ có được trong đời, nó đã lắm. Thế là ngồi mà nó thành nghiện đó. Mà lúc nó đã vô tới nghiện rồi là coi chừng nó dính vô cái tà đạo rồi, cẩn thận nha. Coi chừng nó vô cái tà đạo, nhớ cái đó, rất là quan trọng.

Rồi, cái định đây là khả năng tập trung tư tưởng và tùy vào cái mức định tâm như thế nào mà chúng ta an lạc được bao nhiêu và chúng ta giải quyết được bao nhiêu vấn đề thuộc về phiền não. Nói thiệt chậm, tùy thuộc vào cái mức độ của khả năng định tâm, mà chúng ta được an lạc bao nhiêu và giải quyết được bao nhiêu vấn đề của phiền não. Thí dụ, như mình đắc được sơ thiền thì cái chuyện đầu tiên là mình không còn dục ái và sân. Cái chuyện đầu tiên anh đắc sơ thiền, chuyện đầu tiên là anh không còn hai cái đó, không còn dục ái và sân, không còn buồn ngủ, dật dờ dật dờ không còn nữa, không còn năm triền cái đó, không còn buồn ngủ, không còn cái tâm bồn chồn ái náy, ray rứt, bất an - không còn nữa, trạo hối không còn nữa, đấy, nhớ cái đó. Nếu đến lúc cận tử lâm chung mà vẫn giữ được tâm sơ thiền ấy thì chết rồi ta sẽ sanh về cõi phạm thiên, gồm ba tầng, cũng sơ thiền mà huệ căn ngon lành sắc bén thì sẽ làm đại phạm thiên, kém hơn một tí làm phạm chúng thiên, kém nữa thì làm phạm phụ thiên; tuổi thọ tối thiểu là một phần ba đại kiếp, mà cứ như vậy đi lên từ từ. Từ các tầng thiền lên cái tầng sắc giới cao nhứt: tầng sắc giới phàm phu là tầng vô tưởng; sống được năm trăm đại kiếp, như vậy đó, năm trăm đại kiếp.

Còn nếu khả năng định tâm mà lơ tơ mơ, ngồi lâu mát lạnh, những thứ đó toàn là cận định hết. Không có đắc cái khỉ gì hết, không đắc gì hết. Nhìn cái người đắc thiền nó có đặc điểm thế này nè, cái chuyện đắc thiền đầu tiên là, đặc điểm của người đắc thiền là "ly dục", nhớ nhe, là ly dục; mà đàng này ngược lại, anh hành thiền mà anh khoái đi khoe quá đi. Anh có dịp là anh đi khoe, ta nói khoe tùm lum: Em lúc này em ngồi sáu tiếng là chuyện bình thường. Một mặt thì khoái khoe, khoái cho người ta biết là mình tu dữ dội; còn hai nữa là vẫn thích quần là áo lụa, vẫn thích phấn son, vẫn thích tiện nghi, vẫn thích sung sướng ... là chết rồi, chết rồi, chuyện vậy mà không chịu ngộ.

Trích bài giảng KTC.7.3 Sức Mạnh
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Nhận và Cho | | Giáo Lý

Lợi Đắc | | Chớp Tắt Chớp Tắt

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com