Sức Quyến Rũ

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Sức Quyến Rũ

Thế giới này trong mắt của một hành giả khỏi nói cũng hiểu là không giống mình, bởi vì họ thấy chớp tắt, chớp tắt. Ngay cả bản thân chúng ta, những người đang nói chuyện trong lớp giảng này, nếu chiều nay mà chúng ta cùng có mặt với nhau, bên cạnh nhau ở một bờ biển nào đó trên hành tinh này, tôi đoán chắc một điều rằng cái cảm nhận của từng người chúng ta, trong đó có chúng tôi, không hề giống nhau tí nào đâu. Vì sao? Vì chúng ta đem cái tâm tình, cái vốn liếng tâm thức riêng của mỗi cá nhân trong chúng ta ra để đón nhận, để đánh giá, để nhận xét cái bối cảnh đó; theo cái vốn liếng, cái nền tảng riêng đó, thì làm sao mà giống nhau cho được?

Như tôi nhìn miếng vườn sau nhà tôi chỉ nghĩ chuyện rất đơn giản là buổi nay chim về nhiều quá. "Bữa nay trời hơi lạnh, chim về không biết có gì cho nó ăn", tôi chỉ nghĩ như vậy thôi, nó về nó kêu um sùm, nó đói nó la. Nhưng mà người ở nhà bên cạnh tôi họ lại lo khác, họ nói: "Trời ơi trời, lạnh như vậy mấy cái cây mình trồng chắc chết hết." Có nghĩa là cũng cùng trong một bối cảnh đó mà một người thì bận tâm tới mấy con chim, một người kia lại bận tâm đến cây bầu cây bí. Quý vị có thấy không?

Tôi kể quý vị nghe một câu chuyện.

Một bữa trưa hè đó có một vị sơn thần, ổng thấy một cô gái sơn nữ, xuống suối, cởi hết đồ đạc, ngâm mình trong một làn nước mát. Ổng mới nghĩ "Tại sao trong cõi nhân gian này đàn ông mê gái dữ vậy trời, sao mình nhìn con nhỏ này mình đâu có thấy gì đâu ta?"

Ổng mới mon men lại gần nhìn ngược nhìn xuôi, nhìn trên nhìn dưới, ổng cũng không thấy gì, ông mới nghĩ chắc mình nhìn không kỹ, mà lại gần sợ cổ giựt mình. Ổng mới biến thành con chuột bò lại gần chỗ cổ tắm. Thì khi ổng hóa làm con chuột ổng bò lại gần, tự nhiên ổng không quan tâm đến cô gái nữa mà ổng quan tâm đến những con trùng đang bò gần ở đó, ổng kiếm nó ổng ăn. Ổng lắc mình ổng thấy làm chuột là không được. Ổng lắc mình xoay qua làm con chim, vì ổng nghĩ chim, bướm, ong, dĩ nhiên gần gũi với cái đẹp hơn. Nhưng khi ổng làm bướm, làm ong thì ổng lại đi kiếm hoa. Khi ổng làm chim ụt, chim cú thì ổng lại đi kiếm mấy con chuột.

Cuối cùng ổng suy nghĩ "Trên đời này để mê gái thì ai ta, ai là người mê gái nhất?" Ổng nghĩ chắc chỉ có mấy thằng cha đực rựa, mấy thằng đàn ông chứ không ai hết. Khi ổng rùng mình biến thành đàn ông thì ổng mới bắt đầu hiểu. "À, trong tâm thức hình hài của một người đàn ông nhân loại mình mới hiểu cô này là đẹp hay xấu."

Dĩ nhiên, câu chuyện đó là câu chuyện tào lao, câu chuyện bịa của Nhật Bổn nhưng câu chuyện đó tôi rất là thích. Có nghĩa là trong hình hài một con chuột thì anh ở giữa một ngàn mỹ nhân anh cũng trớt quớt, anh chỉ quan tâm đến những hạt dưa mà các nàng ăn mà bị rớt xuống thôi, chứ anh không màng đến bờ môi đó, hàm răng ngọc đó, không màng đến bàn tay trắng muốt đó, không màng đến cái dáng nuột nà cao ráo trắng trẻo đó, anh chỉ quan tâm đến cái hạt dưa mà các nàng cắn bị rớt xuống thôi, đó là nếu anh là con chuột. Còn nếu anh là con gián anh chỉ quan tâm đến những mảnh thức ăn thừa của con người mà con gián thường ăn... Đó, là cái loài gì thì anh nhìn thế giới xuyên qua cái nhãn quan thị giác của cái loài đó, ngay cả con người cũng vậy. Nếu mình là kẻ móc túi, mình lên đến chỗ đông người mình không có quan sát ai đẹp ai xấu, ai trẻ ai già, mà mình chỉ quan sát tới cái túi nào có thể móc được, có đúng như vậy không? Còn những anh chàng đa tình thì ảnh thích đi nhìn lén người đẹp, nhưng mà cái anh móc túi thì ảnh khoái quan sát cái túi hơn là chủ nhân của cái túi. Quý vị để ý coi thử có đúng không?

Trích bài giảng ngày 29/05/2019 KTC.6.63. Pháp Môn Quyết Trạch
BTT Kalama xin tri ân bạn Vi Chan Nghiem ghi chép


Tà Kiến | | Sợ Ma

Nói nhiều | | Tà Kiến

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com