Học Pháp Vô Thượng

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Học Pháp Vô Thượng

Giới phải làm nền cho định. Và định, là cái khả năng tập trung tư tưởng, làm nền cho tuệ. Tuệ là cái trí tuệ nhận thức được rằng: Thân tâm này, thiện ác buồn vui này, do duyên mà có rồi cũng do duyên mà mất đi. Ngày nào ta còn thích ở trong bốn cái đó thì ngày đó ta còn tiếp tục gây tạo các điều kiện tái sinh. Ta phải chán sợ nó, thấy rằng cái khổ đáng sợ mà cái sướng cũng đáng sợ. Vì sao?

Vì muốn được sướng không phải dễ, phải làm bao nhiêu chuyện mới được sướng. Mà có nó rồi đam mê trong đó cũng là quay về với cái khổ nữa. Người có trí, có phước mới quan tâm đến điểm này, còn không đa phần thì tới đâu hay tới đó. Bởi vì đời sống bây giờ có nhiều chuyện mình phải lo quá. Thế là mình phải lo. Đời sống này có nhiều cái để hưởng quá. Thôi vậy bây giờ mình tập trung mình hưởng, còn cái chuyện mà tu tâp để mai mốt tính. Hỏi mai mốt là chừng nào? Thì khi già. Già đi chùa, ăn chay tháng mấy ngày, nghe pháp, tụng kinh, có pháp danh, có chuỗi lăn lăn, lăn lăn, vậy phải tu không? Mặc áo lam, tay lần chuỗi lăn lăn. Nếu mà muốn cho nó rốt ráo, quất cho trọc lóc là khỏe rồi. Vậy là tu? Tu vậy là tu đó? Tu là cứ hồi trẻ đi chơi cho nó mát trời đất, tới khi về già đi kiếm cái kiểng chùa nào đó, vô cạo cho nó mát rồi mặc áo lam, chuỗi lần lần, miệng đọc chú, còn đầu nghĩ gì thì có trời biết thôi. Tay lần chuỗi, miệng đọc chú, mắt láo liên, đầu nghĩ lăng xăng, lăng xăng, lăng xăng ... Vậy là tu? Tu là vậy đó?

Trong khi đó tam học nó không phải vậy.

Tôi đã nói rồi. Nội riêng cái giới không nó đã rối rồi. Có ba cách giữ giới:

  1. Giữ giới là nghĩ tới mình, vì sợ tội, vì mình muốn cầu phúc, muốn trốn khổ tìm vui mà phải giữ giới. Đó là giữ giới cho mình.

  2. Giữ giới vì người. Có nghĩa là vì mình không muốn làm cho ai khổ hết. Tại vì năm giới đều có tác dụng đầu tiên là đối với tha nhân. Khi mình không muốn làm khổ ai hết thì mình không vi phạm năm giới.

  3. Giữ giới chỉ đơn giản bởi vì mình không còn cái điều kiện tâm lý để mình phạm nữa. Cái thứ ba dùng chữ giữ là gượng, vì lúc này không còn phải giữ gì nữa. Vì mình không đủ điều kiện tâm lý, mình không đủ cái sân, cái tham, cái si, cái tà kiến để mà làm cái chuyện đó. Không đủ hoặc là không còn nữa.

Riêng cái giới nó đã đuối như vậy.

Định cũng vậy. Tu thiền định để cầu quả tái sanh ngon lành chưa khá. Tu mà để lấy đó làm nền tảng để phát triển trí tuệ giải thoát, cái đó mới đáng kể.

Đối với tam học mà hiểu như vậy đó thì được gọi là học pháp vô thượng. Chớ còn cái kiểu hành thiền mong đắc thần thông; mong được nhập định cho thoải mái; lâu lâu xếp bằng quất năm ngày cho nó sướng; chết rồi về Phạm thiên này nọ; còn trong lúc chờ chết thì có thần thông dời non lấp biển; đi mây về gió cho nó sướng, v.v ... Hành thiền kiểu đó thì không kể là vô thượng. Vô thượng ở đây có nghĩa là lấy cái thiền định làm cái nền để mà quán chiếu và sống trong trí tuệ chánh niệm.

Trích bài giảng ngày 26/06/2019 KTC.6.121Tham
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép toàn vẹn bài giảng.


Diệt Đoạn | | 52 Tâm Sở

Tứ Niệm Xứ | | Hạnh Phúc

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com