Cục Lửa Trong Túi Quần

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Cục Lửa Trong Túi Quần

KTC 6. 7. 113. Bất Lạc
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba? Bất lạc, hại, phi pháp hành. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.
Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba? Ðể đoạn tận bất lạc, hỷ cần phải tu tập. Ðể đoạn tận hại, bất hại cần phải tu tập. Ðể đoạn tận phi pháp hành, pháp hành cần phải tu tập. Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.
AN 6. 7. 113. Aratisuttaṃ
‘‘Tayome, bhikkhave, dhammā. Katame tayo? Arati, vihiṃsā , adhammacariyā. Ime kho, bhikkhave, tayo dhammā.
Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya tayo dhammā bhāvetabbā. Katame tayo? Aratiyā pahānāya muditā bhāvetabbā, vihiṃsāya pahānāya avihiṃsā bhāvetabbā, adhammacariyāya pahānāya dhammacariyā bhāvetabbā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya ime tayo dhammā bhāvetabbā’’

Bất lạc (arati) là bất mãn tha nhân. Nghĩa là sao? Có nghĩa là mình luôn luôn và luôn luôn có cái cớ để mà mình bực mình người khác. Và đặc biệt cái nổi bật của cái này là gì? Là thấy người khác được cái gì hay ho là mình ghét. Nhưng mà nói chung là luôn luôn bất mãn người khác.

Cái loại người này tôi nhớ, tôi gặp cũng hơi bị nhiều. Họ sống ở đâu họ cũng bực mình hết. Cả thế giới mà quì xuống hôn chân họ thì may ra, chớ còn mà để họ sống bình thường như mình họ không cách nào mà họ chấp nhận được ai hết. Cái lòng ngộ lắm. Tối ngày cái mặt nhăn nhăn như khỉ ăn ớt vậy. Không bao giờ vui được với ai. Không thương được ai hết. Khi mình sống như vậy là chỉ khổ mình và khổ người thôi. Cái bất lạc là bất mãn người khác là vậy đó.

Cái này nếu mà nói sơ sơ thì nó vậy, nếu mà nói sâu thì nói tới ngày mốt cũng không hết nữa. Các vị phải giăng mùng để mà nghe nói cái vụ này.

Cái bất lạc nó từ đâu ra? Mình đừng bao giờ dại dột nghĩ rằng mình ghét cái thằng đó là tại vì mình ghét cái tánh xấu của nó và mình ghét cái tánh xấu của nó có nghĩa là mình không có cái tánh đó. Sai. Sai bét. Cái này nhiều người hiểu lầm, nhiều người lắm.

Chuyện đầu tiên là khi tôi ghét nó, dĩ nhiên là tôi đâu ghét cái tốt của nó. Tôi ghét cái xấu của nó. Đúng không? Các vị ngồi lý luận coi có phải vậy không? Tôi ghét nó, tôi đâu phải là con thú đâu, tôi ngu gì đến mức tôi ghét cái lành của nó? Cái thiện của nó tôi đâu có ghét. Tôi ghét cái bất thiện của nó, tôi ghét cái nết, cái thói xấu của nó. Ai cũng nói vậy hết. Chớ không ai mà đi nói tôi ghét cái tánh hào sảng của nó, tôi ghét cái lòng ngoan đạo của nó, tôi ghét cái đức tin của nó, tôi ghét cái chánh niệm của nó, ghét cái trí tuệ của nó. Hỏng có. Toàn là ghét tánh xấu của người ta không hà. Đó là chuyện thứ nhứt.

Mình nói ra là tôi ghét nó tại vì ghét tật xấu của nó, cái tánh nó vầy vầy vầy. Và khi mà mình đả kích người ta, mình nói xấu người ta, mình ghét người ta đó vì cái tánh xấu đó, vì cái thói xấu đó; thật ra chắc gì mà mình không có? Chắc gì? Thí dụ mình nói cái thằng đó nó kẹo, chắc gì mình hỏng kẹo? Coi chừng có trường hợp vì mình quá kẹo cho nên mình mới hiểu thằng kẹo nó kỹ như vậy. Quý vị có hiểu không?

Đó. Cho nên, cái bất lạc đầu tiên này là gì? Khi anh không được an lạc thì anh không có cam tâm mà nhìn người khác an lạc. Đó, cái chuyện nó lớn chỗ đó. Khi anh không có được an lạc thì anh mới bất mãn người khác.

Vậy cái vấn đề ở đây là gì? Tại sao anh không an lạc? Tại sao? Khi mà anh không an lạc, anh mới đem cái không an lạc ấy anh trút lên người khác. Anh tấn công bằng đủ cách. Vì sao? Là vì trước hết bản thân anh không có an lạc.

Tây có một câu rất là hay: "Khi mà mình có lòng hại người, nó giống như là mình uống thuốc độc mà mình muốn người ta chết" *. Có nghĩa là chưa biết ai chết mà chuyện đầu tiên khi mà mình sống mình thức, mình ngủ với cái lòng hại người đó, là mình đã không an lạc rồi. Đấy, khi mình sống với cái lòng bất mãn người khác, dầu cái bất mãn đó theo mình là hợp lý hay là vô lý thì hể còn để tâm nghĩ đến người khác bằng cái sự không an lạc thì chuyện đầu tiên là mình không an lạc.

Thứ hai, hành động nào, suy tư nào mà nó bắt nguồn từ cái tâm trạng không an lạc thì chắc chắn cái quả báo của nó cũng là không an lạc, nhớ nha. Tại sao mà mình ghét người đó quá ghét? Cái chuyện mà người đó nó có xấu hay không thì trời biết, nhưng mà chuyện đầu tiên là bản thân mình không an lạc và bản thân mình không có tốt.

Thí dụ: Các vị tận mắt các vị thấy thằng Tèo nó đi ăn cướp. Các vị thấy nó giết người. Thì một là các vị kêu cảnh sát bắt nó, còn hai nữa là các vị làm lơ đi. Đó là lời khuyên của tôi. Một là các vị kêu cảnh sát bắt nó, đi tố cáo nó; hai là các vị im lặng luôn cho nó chìm xuồng. Còn đằng này các vị chọn cái giải pháp thứ ba là đi nói xấu. Nói để làm chi? Quên được thì quên liền đi.

Cái chuyện đầu tiên là mình phải an lạc trước cái đã. Nhắc lại: Chuyện đầu tiên là mình phải an lạc trước. Còn đằng này có cái gì ngu cho bằng mình đem chuyện xấu của thằng Tèo mình về mình làm thành cục lửa mình bỏ vô trong cái túi quần của mình. Các vị nghĩ các vị chịu nổi không? Các vị có hiểu cái này không? Bất lạc là bực mình về cái chuyện của người ta.

Ngay cả con ruột của mình nó hư. Mình khuyên nó mà nó hỏng nghe thì mình đành phải quên cái chuyện đó đi. Tôi biết tôi nói vậy quý vị trong đây không đồng ý nhưng mà tùy các vị. Các vị phải nhớ: Mình nói nó mà nó hỏng nghe thì mình phải quay lại mình lo mình chứ? Chứ có ai mà nói con, nói chồng, nói vợ nó hỏng nghe rồi mình ôm cái cục khổ này mình vô giường mình ngủ à? Các vị nghĩ coi có gì ngu bằng cái đó không? Tôi gọi cái đó là ngu đó. Là tự nhiên lấy cục lửa trong nhà người ta đem nhét vô túi quần của mình. Quý vị không nhảy tưng tưng mới là lạ.

Nên cái đầu tiên, bất lạc là vậy. Là bất mãn, là không có thể sống chung với người khác được.

Và để đối phó với cái pháp bất lạc này chỉ có một cách một là tu tâm tùy hỷ (muditā).

Trích bài giảng ngày 23/06/2019 KTC.6.105 Hữu Bhava
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


(*) "Holding onto anger is like drinking poison and expecting the other person to die."


Kẻ Thù | | Bhavanga

Phật | | Tứ Diệu Đế

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com