Tứ Diệu Đế

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tứ Diệu Đế

Không có ai chịu khổ mà chỉ có sự khổ.
Không có ai tạo khổ mà chỉ có nguyên nhân sanh khổ.
Không có ai giải thoát khổ mà chỉ có cứu cánh thoát khổ.
Không có ai tu tập con đường thoát khổ mà chỉ có con đường thoát khổ.

Đó là định nghĩa sâu sắc nhất của Phật giáo về Tứ Diệu Đế.

Chứ nếu không mình cứ tưởng là có khổ đế thì phải có đứa chịu khổ, có tập đế thì phải có đứa tạo ra khổ, có diệt đế Niết Bàn thì phải có đứa nó chứng Niết Bàn, có đạo đế là phải có đứa nó tu bằng con đường thoát khổ.

Chỉ có cái tu, danh sắc nó nối đuôi nhau.

Cho nên có một cái ngộ nhận cực lớn ở đây là nhiều người tu Tứ Niệm Xứ mà không học giáo lý nên họ đi tu toàn là bằng cái Tôi không. Họ vô chùa họ vác nguyên cái Tôi to đùng vô thiền viện họ tu. "Bữa nay Tôi có chánh niệm tốt hơn Tôi ngày hôm qua, Tôi bữa nay nhịn tốt hơn Tôi lúc chưa vào thiền viện, bữa nay Tôi ngồi lâu hơn Tôi tháng trước,..." Vác cái Tôi to đùng vào trong thiền viện. Các vị thử tưởng tượng, cái thiền viện có chừng 100 mét vuông mà mỗi em vác cái Tôi 50 tấn thì nhét ngã nào cho nó lọt? Cho nên mình có ngồi thiền, có này nọ, nhưng mà khả năng bùng nổ chiến tranh cực lớn. Bởi vì sao? Vì ngay trong thiền viện người ta đã vác cái Tôi to đùng vào trong đó. Mà cái Tôi này cọ quẹt va chạm với cái Tôi kia, tránh để không xảy ra sự va chạm thì hình như hơi khó. Cho nên lẽ ra hành giả phải đọc và nhớ cái này:

Không hề có ai khổ, chỉ có sự khổ. Không hề có ai tạo ra khổ, chỉ có nguyên nhân tạo ra khổ. Không ai thoát khổ, chỉ có cứu cánh hết khổ. Không hề có ai tu đường thoát khổ, chỉ có con đường thoát khổ.

Đọc như là thần chú. Đọc cái đó còn hay hơn là đọc ba cái chú trời ơi đất hỡi. Tôi ớn nhất là ba cái vụ lễ bái Tam Bảo, xin oai lực chư thiên chư Phật gia hộ, v.v ... Tôi ớn quá đi. Tôi thầy chùa không tóc nhưng mà sao tôi không khoái khấn ba cái đó. Mà tôi chỉ khoái đọc những cái gì mà nó giúp cho lòng nó nhẹ đi. Cái đó mới đúng là pháp nhủ Phật thân, đó mới đúng là cái mà Phật muốn mình nhớ, mình học, mình giữ trong lòng. Chứ Phật không muốn mình réo ngài, cầu khẩn tùm lum: "Con lạy Phật ba đời, con lạy Pháp ba đời, con lạy Tăng ba đời, con lạy chư thiên, long thần hộ pháp, đế thích, tứ đại thiên vương, Phạm Thiên vô tưởng, hữu tưởng, vô sắc, nguyện được phước báu này chứng tri tấm lòng con, hộ trì cho con gia đạo bình yên như ý ... " tùm lum hết, mệt quá đi nhe.

Thật ra là phải đọc mấy câu kia: "Vạn pháp do duyên mà có, rồi cũng do duyên mà mất đi." Đọc mấy cái đó đó, càng đọc thấy cái lòng nhẹ đi nhiều lắm quý vị biết không? Mà trong vô số kiếp chúng ta không có dịp để đọc, để hiểu, để hành trì mấy cái câu đó. Bây giờ mình có duyên để đọc được nghe được, hiểu được hành trì được thì đây là cơ hội bằng kim cương quý vị biết không? Không phải bằng vàng đâu nhe.

Mà nó xui thế này, tùy thuộc vào vốn liếng, hành trang tâm thức của chúng ta mà khi chúng ta được nghe mấy cái này chúng ta nghe có nổi không? Tôi ngồi giảng mà tôi còn nghe được tiếng ngáy của quý vị trong đây. Tôi nghe được chứ không phải không nghe được. Tôi nghe bằng cái tâm, chứ không nghe bằng lỗ tai. Bởi vì nó buồn ngủ dữ lắm. Tôi nghe được tiếng ngáy của quý vị, mà thôi đành vậy.

Trích bài giảng ngày 29.05.2019 KTC.6.63. Pháp Môn Quyết Trạch
Kalama xin tri ân bạn chanvinghiem ghi chép


Cầu Siêu | | Tùy Niệm Thí

Cục Lửa Trong Túi Quần | | Năm Tờ Hai Chục

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com