Phước Vật

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Phước Vật

Tu hành cần có ba phước. Đó là phước vật, phước đức và phước trí. Phước vật là phước tạo ra vật chất. Phước vật không có phước nào lớn hơn phước bố thí vật chất nhắm đến đối tượng tứ phương tăng. Tứ phương tăng là sao? Thí dụ bây giờ mình nghèo quá mình mua cái tấm chùi chân, tấm xơ dừa mình để trước cửa chùa, chỉ để tất cả chư tăng xa gần về đây có chỗ chùi chân. Công đức này nó lớn vô cùng. Trong khi các vị bỏ 5 tỷ đúc một cái tượng to đùng chỉ vì lòng háo danh thì phước không bằng bà nhà quê bán vé số mà bả cúng dường cái tấm chùi chân xơ dừa đó. Vì lúc đó bả nghĩ đến tứ phương tăng. Bả nghĩ "Con nghèo lắm, con biết cửa ra vào cần cái tấm chùi chân. Con để ý lâu rồi mà chùa không có ai mua, thế thì con mua, mấy đồng bạc để con mua, tấm chùi chân xơ dừa rẻ lắm." Hoặc nghèo quá nghèo mình ra sau vườn mình kiếm mấy trái mướp già khô mình cắt khúc đem vô chùa để nhà bếp họ rửa chén. Các vị biết tôi sống ở Âu Mỹ nhưng tôi mê cái đó vô cùng, không có xài cái đồ bằng nhựa, bằng kim loại, tôi mê cái đồ rửa chén bằng xơ mướp lắm. Lúc tôi rửa chén tôi mới có suy nghĩ người Việt Nam họ còn biết dùng cái này không? Người Việt Nam hay sính ngoại, xài đồ ngoại đó, chứ họ không biết rằng mấy cái đồ "bio", mấy cái đồ "organic" tốt dữ lắm. Cho nên nếu mình nghèo mình chỉ cần kiếm trái mướp khô, mình cắt ra từng khúc đem vô chùa để chùa rửa chén. Cái quan trọng nhất là ước muốn nhà bếp của chùa sẽ có những đồ rửa chén rửa dĩa sạch sẽ cho chư Tăng có những bữa ăn ngon lành. Chỉ là mấy trái mướp khô mà công đức vô vàn, vô lượng, vô biên. Đâu có ai dạy đâu mà biết.

Được gọi trọng nghiệp nó có ba phần: một là đối tượng là ai, thứ hai là chủ ý chủ tâm của người làm, thứ ba việc ấy là việc gì.

Cái việc nào nhắm đến lợi ích lâu dài thì cái quả nó lớn, còn cái việc nào nhắm đến lợi ích ngắn hạn thì cái quả báo nó nhỏ. Nhớ nhe. Trong Kinh Tăng Tương Ưng ghi rõ: Làm đường, đào giếng, làm cầu cho người ta đi, công đức không thể nghĩ bàn, là vì sao? Cái đối tượng sử dụng ba cái món này là không giới hạn, và cái thời gian sử dụng ba cái này cũng không giới hạn, không biết lúc nào nó mới kết thúc. Tôi hỏi các vị. Một cái giếng mà làm cho đàng hoàng đó. Các vị có biết ở ngoài Huế người ta phát hiện ra những cái giếng Chàm, giếng của người Chàm xưa, giếng cổ làm bằng đá ong, trên một ngàn tuổi quý vị biết không? Ở ngoài Bắc có những cái giếng không biết nó đào từ đời Đinh Lê Lý Trần mà giờ mạch nước vẫn trong vắt, ngọt ngây, mát lạnh, gớm như vậy. Cho nên nếu mà cái giếng đào đúng nơi đúng chỗ, rồi làm bệ, làm thành giếng, rồi cho thả đá, đá ong đá xanh, xuống làm cho kiên cố thì tuổi thọ của cái giếng năm, bảy, trăm, ngàn năm là bình thường. Cho nên làm cầu làm đường, làm giếng nước, trồng cây cho bóng mát, trồng cây gây rừng, công đức không thể nghĩ bàn. Quan trọng là mình phải nghĩ đến đối tượng sử dụng là tăng ni, phật tử, hành giả, những người tu hành sẽ sử dụng cái này; và tất cả thiên hạ muôn phương bây giờ và ngày sau sau nữa. Cứ đi ngang cái vùng đất này có chỗ dừng chân, trú mưa, trú nắng. Chỉ nghĩ bao nhiêu đó thôi: trồng mấy cây tùm bậy tùm bạ, cây gòn, cây khế, cây chanh,... công đức vô lượng. Cái khổ là mình không biết đó là Trọng nghiệp.

Nghiệp thứ hai đó là Thường Nghiệp. Có nghĩa là những việc thiện ác mà mình cứ làm hoài mà nó không có nhiều, không có đáng vào đâu hết, bởi vì nó mà đáng là nó đã lọt vô trọng nghiệp rồi. Còn cái này không đáng gì và mình cứ lai rai mình làm hoài, làm đều đều. Thầy giáo đi dạy học, mấy bà bán gà, bán dạo thì đi gồng gánh mỗi ngày vậy đó. Thì cái đó gọi là thường nghiệp. Nó cứ loanh quanh, lai rai, làm hoài cả đời. Cái đó gọi là thường nghiệp. Thấy nó thường nhưng nó rất là mạnh bởi vì nó thường, nó lặp đi lặp lại nhiều lần.

Nghiệp thứ ba gọi là Khinh thiểu nghiệp, có nghĩa là những chuyện thiện ác mà mình làm lai rai, rải rác, rời rạc trong đời. Lâu lâu làm cái, lâu lâu làm một cái cho vui. Năm ba năm đi câu một lần, năm ba năm tôi mới đi chùa một lần, năm ba năm tôi mới đi đánh bài một lần, những cái nghiệp đó gọi là Khinh thiểu nghiệp.

Và cái nghiệp cuối cùng là Cận tử nghiệp. Đó là những nghiệp thiện ác mà mình làm trong cái thời điểm mà mình sắp mất. Nghiệp đó có quan trọng khác, nó có cái sức mạnh khác. Bởi vì lúc mà mình sắp đi, mình leo lét, mình chập chờn lắm. Lúc đó tâm mình nó yếu như người chết đuối, đụng cái gì nó chụp lấy vậy đó. Nếu mà lúc đó mình khéo tạo ấn tượng tốt, ấn tượng tích cực trong thời điểm cận tử thì cái nghiệp đó gọi là nghiệp cận tử. Nhiều khi cả đời mình không có tu nhưng mình ôm cái nghiệp cận tử mình đi tái sanh.

Sẵn đây tôi nhắc chừng: Mình hộ niệm cái người hấp hối là cả một kinh nghiệm lớn chứ không phải không. Mình thương ba, thương má, mà mình dắt cả họ bu quanh cái người sắp mất mà khóc, mà kêu réo: "Ba ơi, Má ơi, đừng bỏ con ... " Là thấy bà nội luôn, là đẩy nó xuống tám tầng địa ngục, nhớ nhe. Vì sao? Bởi vì mình làm cho người ta không yên để người ta đi. Thứ hai là tránh gợi nhớ cho người ta cái gì mà để cho người ta nhớ thương tiếc nuối. "Má ơi, thằng Tèo nó sắp ra đại học rồi mà má không kịp thấy nó ra trường ... " Là không được, nhớ nghe! Chỉ nên nói cái gì nhẹ nhàng, nói cho má đi, má giũ áo ra đi không có vướng kẹt gì hết. Còn đa phần chúng sanh ngoài đời hay bị cái bệnh là nói với người sắp đi là kể lể.

Giống như cái ông đó ổng ở bên Mỹ. Khi ổng sắp mất ổng kêu bà vợ tới ổng hỏi: "Bà nhớ hồi xưa tụi mình ở cùng làng, rồi khố rách áo ôm. Rồi nhớ hồi đó tôi đi trốn quân dịch. Rồi nhớ tôi đi lính rồi tôi bị thương, vùng 1, rồi vùng 2, bà nhớ không?" - "Nhớ." - "Tôi bị đi cải tạo bà nuôi tôi bà nhớ không?" Bả nói nhớ, ổng cứ nói và bả cứ hối: "Nói nhanh nhanh đi. Thôi chuyện đó bỏ qua đi, vợ chồng mà." Nhưng ổng cứ kể cho hết: "Tôi đi vượt biên bị bắt ở tù cũng bà nuôi tôi. Tôi đi vượt biên mấy lần bị đói lạnh cũng bà nuôi tôi. Rồi sau này tôi qua Mỹ tôi không có công ăn việc làm, tôi đi chùi cầu, lau kiếng, đi sớm về khuya lạnh lẽo gió mưa cũng có bà đi theo,... " Ổng hỏi "Bà có nhớ không?" Bả nói nhớ, bả hỏi: "Vậy ông muốn cái gì, ông nói nhanh nhanh đi." Cái rồi ổng mới hỏi: "Bà có nhận ra cái gì không?" Bả nói: "Không. Thì tôi lúc nào cũng bên cạnh ông." Ổng nói "Đó! Có nghĩa là hễ tôi cứ gặp mặt bà là tôi khổ!" Ổng nói xong rồi ổng hắt hơi, ổng đi luôn. "Gặp mặt bà là tôi khổ!"

Thì tùy mình thôi, tùy mình trong cái lúc mà cận tử, thì làm sao mà bỏ cho bằng được tất cả những cái gì nó không đáng.

Rồi chuyện một ông khác. Ổng hỏi bà vợ: "Tôi sắp mất rồi. Tôi hỏi thiệt bà. Trong cuộc đời mấy chục năm ở với nhau bà có phản bội tôi đi đến người khác không?" - "Ông sắp mất rồi thôi tôi cũng nói thiệt luôn, có." Ổng hỏi mấy lần. Thì bả nói "Cứ mỗi lần mà tôi giận ông tôi đi đến một người, là tôi dấu cái hột đậu xanh để mà kỷ niệm." Ổng hỏi cái hột đó ở đâu rồi. Bả nói "Đem đi nấu chè hết rồi!"

Các vị biết không nó rất là ác. Bởi vì khi người ta sắp đi mình không có nên như vậy. Phải để cho người ta nhẹ nhàng thanh thản mà đi. Phải tìm đủ cách để cho người ta buông hết.

Kalama xin tri ân bạn chanvinghiem ghi chép bài giảng KTC.6.63. Pháp Môn Quyết Trạch


Gác Cổng Thành | | Tám

Thiện Ác và Tịnh Tâm | | Hành Uẩn

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com