Tiềm miên

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tiềm miên

Anusayā ca me samugghātaṃ gacchissanti

samugghātaṃ gacchissanti có nghĩa là chặt đứt, cắt đứt, đốn tận gốc. Anusaya đây là phiền não.

Phiền não là sao? Phiền não có 3:

  1. Vitikkamakilesa: là phiền não bộc phát qua thân, khẩu ai nhìn cũng thấy.

  2. Pariyutthanakilesa: là phiền não trong dạng ý nghiệp, chỉ đương sự và người có thần thông mới biết. Thí dụ bây giờ tôi đang bực mình thì chỉ trời biết. Tôi đang nhăn răng tôi cười nè nhưng mà trong bụng tôi đang nổi điên lên, thì lúc đó chính tôi tôi biết, tôi biết tôi đang sân và cái người có thần thông cũng biết là tôi đang sân, đang bực mình. Hoặc tôi cũng y áo trang nghiêm thế này nhưng mà tôi nhìn một cái gì đó tôi thích, thì người ta đâu biết tôi đang thích cái gì, họ thấy y áo trang nghiêm, mắt lim dim lim dim thế này, thì lúc đó chính tôi, tôi là đương sự tôi biết mình đang sống bằng phiền não và người có thần thông họ nhìn vô, họ biết cái ông này đang phiền não.

  3. Nhưng mà cái phiền não thứ ba mới mệt. Phiền não thứ ba này là Anusayākilesa, tức là phiền não trong cái dạng tiềm tàng khi ngộ sự mới xuất hiện, mới lộ diện.

Phiền não thứ nhứt là phiền não bộc phát qua thân, khẩu, ai nhìn vô cũng thấy; như thấy tôi đang sát sanh, tôi đang chửi bới, tôi đang đâm chém, v v ... cái phiền não đó ai nhìn cũng thấy. Phiền não thứ hai chỉ có trong tâm tôi, chỉ có một mình tôi và người có thần thông họ biết thôi. Phiền não thứ ba là dạng tiềm tàng. Tức là chỉ khi nào ngộ sự nó mới lộ diện.

Mình thấy một người đi chùa mặc áo dài thướt tha, nhu mì. "Trời ơi, mặt nó hiền từ." Nó lim dim, nó chắp tay, nó ngoan hiền, nó đi thướt tha, chánh niệm, từ tâm tràn đầy. Nhưng chỉ cần nó liếc mắt lên mà nó thấy một người khác đi chung với chồng nó là rồi. Là nó xăn tay áo lên, là nó cầm guốc nó xử người ta liền. Thí dụ như vậy. Hoặc là một người mình thấy trí thức như vậy, kiếng cận như vậy, ăn nói nhỏ nhẹ như vậy, mà chỉ cần một cái quyền lợi hay cái danh dự, cái sĩ diện của họ mà bị tấn công, bị chà đạp là họ cũng nổi cơn lên liền. Bằng cấp bác sĩ, kỹ sư cỡ nào đi nữa tới lúc đó là tự nhiên nó quên sạch hết. Đấy, mà trong khi trước đó thì không có gì hết. Thì cái lúc mà không có gì hết, lúc đó phiền não của họ trong cái dạng "Anusayā", gọi là phiền não tiềm tàng.

Ở Việt Nam mình nó có một cái chữ rất là kỳ, đó là chữ ngủ ngầm. Chữ này không hề có trong tiếng Việt nam. Ngủ ở đây là nằm ngủ, còn ngầm ở đây có nghĩa là kín khuất. Cái chữ này chỉ có ở trong Phật giáo Nam tông Việt Nam mà thôi. Bởi vì tiềm là kín đáo, giống như tiềm thủy đỉnh, hoặc là tiềm tàng, tiềm ẩn, còn miên là ngủ. Hai cái chữ "tiềm miên" này thật ra nó cũng không có trong văn chương thế tục. Bởi vì sao? Vì nó được dịch sát từ chữ Anusayā, chữ này chỉ trong kinh Phật mới có. Từ cái chữ Anusayā dịch qua tiếng Hán Việt là "tiềm miên", và từ cái chữ tiềm miên thì người Việt Nam mình bèn dịch ra là ... "ngủ ngầm". Những người đi chùa lâu năm họ tưởng cái chữ đó là tiếng Việt Nam. Tôi xin thưa với các bố, cái chữ đó chỉ có những người trong Nam Tông Việt Nam mình xài thôi. Chớ còn không có cái ngôn ngữ nào, từ ngữ nào trong tiếng Việt Nam mình mà có xài chữ "ngủ ngầm". Mặc dù bây giờ đi chùa quen nghe nên mình hiểu nói cái gì. Đúng ra cái đó phải dịch là "phiền não tiềm tàng", chớ còn cái đó mình dịch là "ngủ ngầm" nghe nó kỳ dữ lắm, nó rất là kỳ.

Tôi thí dụ thêm. Cái y của ông sư, bên ngoài là cái y lớn nầy nè, mấy ông sư có mặc cái nhỏ ở trong như áo lót vậy đó, mà nó chỉ che có một bên thôi, che bên trái còn bên phải bỏ trống. Các vị đi hỏi dùm tôi coi người Việt Nam mình, ngay cả một số vị sư và đặc biệt là cư sĩ, các vị hỏi dùm tôi họ kêu cái đó bằng cái gì? Toàn là nghe nói không, không ai biết cái đó gọi là cái gì. Họ kêu là cái đó là cái "hồng sắc". Coi đã hông? Có người kêu là cái "hằng sắc". Bây giờ hỏi xong rồi có một nhân vật trả lời là "hồng sắc". Tôi xin thưa chữ đó là chữ "ăn sắt" chớ hỏng phải là "hồng sắc". "Ăn" đây giống như ăn uống vậy, còn "sắt" ở đây như sắt thép vậy đó. Mà tại sao vậy? Tại sao kêu "ăn sắt"? Là bởi vì nó từ cái tiếng Phạn là amsaka tức là cái che vai; "amsa" là vai, là shoulder, là cái vai. Mà cái đạo mình là các Ngài đem từ bên Miên về, bên Thái về. Họ không có dịch chữ đó mà họ đọc chữ đó, "amsaka", theo tiếng Thái, theo tiếng Miên là "amsak". Thế là Việt Nam mình từ chư tăng tới phật tử là cứ nghe sao lặp lại như vậy, mà lặp riết từ cái "amsak" mà nó qua tới cái "hằng sắc". Rồi thấy hằng sắc nó hỏng có đã lắm, và bởi vì nó màu hồng thôi kệ, kêu nó là "hồng sắc". Cuối cùng đi đè Nguyễn Lân ra hỏi "hồng sắc" là gì, ông Đào Văn mà còn sống hỏi ổng ... hỏi đó là cái gì, hỏng có bố nào biết hết trơn. Là bởi vì nó hoàn toàn hỏng có phải. Amsak là cái vai, amsaka là cái che vai. Nhớ cái đó.

Cũng giống như cái bài nhật tụng

Idam me ñatinam hotu
Sukhita hontu ñatayo

(Những cái phước con làm đây
xin hồi hướng cho quí bà con được an vui)

Việt Nam mình mỗi người đọc một cách. "Idam vo ñatinam hotu" họ không có đọc như vậy, mà họ nhái theo. Tôi nghe là "cây đàn vô giá cây đàn hôn tú hôn tú nhà ta dô", mà họ đọc suốt mùa thu, họ đọc từ năm này qua năm khác, đọc suốt như vậy. Cứ là "cây đàn vô giá cây đàn ... ".

Rồi thì có một bà tu nữ trên Bửu Long, bây giờ bả mất rồi. Lúc bà bị bịnh nặng cận tử, mấy sư xuống giống như là hộ niệm, rồi có nhắc bà niệm Phật. Thì bà nói rằng: "Con vững tâm lắm, con vững tâm đi lắm, vì mấy chục năm qua là không có giờ nào mà con quên niệm Phật. Con cứ là hả ra ăn con niệm riết." Thì ông sư mới hỏi: "Bà đọc kỹ cho tôi nghe coi bà niệm làm sao?" Thì bà niệm "Hả ra ăn..." Thì ông sư nói: "Không, A ra hăn là A la hán." A-ra-hăn là 1 trong 9 hồng danh của Phật, mà bà đọc trong suốt nhiều năm, bà đọc: "Hả ra ăn". Các vị nghĩ coi, động trời không?

Tôi kể ra những cái chuyện này tuyệt đối không phải để bôi bác, để bài xích, để dè bỉu ai hết. Mà tôi muốn nhắm tới một chuyện thôi. Đó là cẩn trọng, đừng có làm cái chuyện là bắt chước mà bắt chước không giống.

Như cái ông đó mà ổng nghe hàng xóm nói nho mà ổng bắt chước. Ổng nghe hàng xóm la là: "Tao không có thích la mày, tao biết là giáo đa thành oán." Tức là dạy riết nó thành thù. Mà ảnh nghe hỏng rõ. Ảnh về ảnh la con ảnh, ảnh nói: "Bố hỏng muốn đánh con, bố cũng biết là "gáo tra dài cán. Nhưng mà tại vì thương con thì bố phải dạy..." Đại khái như vậy. Lộn như vậy đó, hiểu hỏng có tới.

Trích bài giảng ngày 20.06.2019 KTC.6.99 Khổ
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Xe Đạp | | Đam mê trong chánh Pháp

Nibbāna và Nibbida | | Xúc

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com