Xúc

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Xúc

Xúc là một phần riêng biệt, trong chú giải có nói xúc là một phần riêng biệt. Xúc tập khởi là một phần riêng biệt. Xúc diệt, là chặn giữa, cũng là một phần riêng biệt. Vấn đề ở đây Ái là sự kết nối giữa ba phần riêng biệt ấy. Trong bản tiếng Việt: "Ái là người thợ dệt." Dịch như vậy hoàn toàn không sai nhưng làm cái nghĩa nó tối đi. Ở đây mình phải hiểu xúc là một phần riêng biệt, xúc tập khởi là một phần riêng biệt, xúc diệt là một phần riêng biệt. Vì sao nói vậy? Chúng ta phải biết hễ có sáu căn mắt tai mũi lưỡi... thì không thể nào tránh được sáu xúc. Có con mắt thì phải có sự tiếp xúc với cái mình thấy. Có lỗ tai thì phải có cái để mình nghe. Cái để mình thấy là hình ảnh, là hình dáng, là màu sắc. Cái để tai nó biết đó là tiếng động hay âm thanh, xa hay gần, dễ nghe hay khó nghe, rõ hay không rõ v.v. Như vậy có sáu căn đương nhiên là phải có sự tiếp xúc giữa sáu căn với sáu xúc.

Vị Phật cũng vậy, Ngài cũng có sáu căn và cũng có sáu xúc. Nhưng vấn đề ở Ngài và mình khác nhau ở chỗ này. Ở Ngài, cái nào ra cái đó. Có nghĩa là khi Ngài đang đi trên đường thì Ngài biết là mình đang đi. Một cái lá rớt xuống, thì Ngài biết là cái lá rớt xuống, Ngài không có đi xa hơn mình. Còn mình thì từ cái chuyện chiếc lá rớt xuống mình sẽ thích hoặc là ghét. Mình nghĩ đến bao nhiêu chuyện để mình thích hay để mình ghét. Thích là sao? Mình thấy trong một buổi chiều vàng nắng hạ có một chiếc lá vàng rơi trong một cơn gió chiều mát mát hiu hiu, nó gợi nhớ cho mình bao nhiêu là chuyện xưa, chuyện cũ. Hoặc nó làm cho mình miên man hoài vọng vào một ngày mai trùng phùng tái ngộ với ai đó. Hoặc là mình đang đắm đuối miên man trong một buổi chiều vàng thiệt đẹp. Chỉ là một chiếc lá thôi mà nó dắt mình về một phương trời xô dạt. Phải nói là rối rắm như vậy. Nhưng đức Phật thì không, Ngài đi chỉ là đi thôi, Ngài thấy chỉ là thấy thôi; cái lá chỉ là cái lá thôi. Ngài không có đi xa biền biệt như mình. Cho nên đối với Ngài, xúc là một chuyện rất là riêng.

Xúc tập khởi có nghĩa là gì? Chữ "tập khởi" ở đây ám chỉ cho sự đam mê ở trong xúc. Giới có nghĩa là gì? Thật ra khi mình nói về giới luật thì có thể nói tu xúc cũng được mà nói tu thọ cũng được. Tu xúc là hạn chế không để cho sáu căn làm việc, không để cho nó phải đối mặt với quá nhiều cảnh trần.

Thí dụ như trong luật cấm, Tỷ kheo không nên gặp gỡ những hạng người nào, không nên xuất hành ra khỏi trú xứ vào những thời điểm nào, không nên lui tới những nơi chốn nào. Nơi chốn, đối tượng, thời điểm. Trong thực phẩm, Tỷ kheo cũng vậy, có những món tỷ kheo được ăn, có những món tỷ kheo không được ăn. Vào thời điểm nào Tỷ kheo được ăn, vào thời điểm nào Tỷ kheo không được ăn. Loại thực phẩm nào Tỷ kheo được ăn, và loại thực phẩm nào Tỷ kheo không được ăn. Nhớ kỹ. Nơi chốn, thời điểm, đối tượng gặp gỡ. Ăn mặc cũng vậy. Loại y áo nào Tỷ kheo được phép mặc, loại y áo nào Tỷ kheo không được phép mặc. Rất là kỹ. Chỗ ở, trú xứ cũng vậy. Trú xứ có chỗ Tỳ kheo nên ở, có chỗ Tỳ kheo không nên ở.

Như vậy toàn bộ giới luật nếu cần mình có thể nói gọn lại nó là một lộ trình làm việc với sáu xúc - không có gì hơn hết. Có nghĩa là không để mắt của mình tiếp xúc với những cái không cần thiết, nó có thể gây phương hại cho đời sống tâm tư. Cho nên mình nói tu là tám muôn bốn ngàn pháp môn, là tam tạng, là ba bảy bồ đề phần, là bát chánh đạo, là tam học v.v. Nhưng mà nói gọn lại tu học là một lộ trình, là một hành trình làm việc với sáu xúc.

Làm việc bằng cách nào? Cái nào để yên cái đó, thấy chỉ là thấy, đừng có suy diễn thêm nữa. Mình khổ là bởi vì mình suy diễn nhiều quá. Chỉ nghe một câu nói của ai đó mình về mình tơ tưởng, dệt mộng, thương nhớ, để mà tương tư, để hoài vọng ...Chỉ một câu nói để mình sống nhiều với tham. Và đôi khi chỉ vì một câu nói mình sống nhiều với sân. Có nghĩa là một câu nói mà người ta vô tình hay hữu ý mà tối mình về mình gặm nhấm, mình thấm thía, mình tiêu hóa một mình mình, nghĩ rằng họ nói như vậy là họ đã xúc phạm mình, họ làm tổn thương mình, họ đã coi thường mình, họ đã hạ bệ mình, v.v và v.v. Chỉ một câu nói thôi mà mình đi quá xa. Cho nên ở đây mới nói rằng, xúc là một cái rất riêng biệt. Cái niềm đam mê trong xúc rất là riêng biệt. Xúc diệt là gì? Xúc diệt chính là mình tu làm sao để mai mốt đừng có sáu căn. Không có sáu căn làm gì có sáu xúc. Cho nên, xúc diệt ở đây chính là hành trình bát chánh đạo.

Sẵn đây tôi cũng nói luôn, là tùy văn cảnh, tùy cái bài kinh mà ta hiểu có chỗ xúc diệt ở đây là sự biến mất của sáu xúc. Có chỗ xúc diệt ở đây chính là Niết Bàn, tùy chỗ mà hiểu.

Nhưng mà cái gì đã nối kết tất cả các thứ này lại? Cái gì là sự nối kết mấy cái này? Có nghĩa là chính vì chúng ta không có hiểu được mỗi thứ là riêng biệt mà chúng ta gom chung lại, chúng ta gắn lên đó một cái mark, một cái nhãn, đây là ông A, đây là bà B. Thay vì mình hiểu cá nhân nào, nam phụ lão ấu, đẹp xấu giàu nghèo, tất thảy đều là những phần riêng biệt cộng ghép nhau mà ra. Tôi nói không biết là bao nhiêu lần: "Không hề có một chiếc xe trong đống phụ tùng và không hề có một đống phụ tùng nào trong một chiếc xe." Có nghĩa là sao? Khi đã gọi là xe thì tất cả món phụ tùng đã được ráp lại hoàn chỉnh. Lúc đó, không được gọi là đống phụ tùng mà phải gọi nó là chiếc xe. Nhưng khi mình tháo rời nó ra từng phần thì chiếc xe biến mất. Lúc đó chỉ còn đống phụ tùng. Ở đây cũng vậy, ở đây lẽ ra mình cũng hiểu từng phần: nhãn xúc, nhĩ xúc,... từng phần riêng biệt. Còn mình thì gom chung nó lại thành một đống, mình gọi nó là ông A, bà B, là tôi, là ta, là chúng tôi, là chúng ta. Ai mà đụng đến khối này tức là họ đã xúc phạm, họ đã làm tổn thương mình. Lớn chuyện là ở chỗ đó. Và cái gì dẫn đến nhận thức đó? Chính là do Vô Minh trong Bốn Đế. Từ vô minh trong bốn đế cho nên mới dẫn đến tà kiến, dẫn đến tham ái. Tà kiến là thấy sai, tham ái là sự chấp chặt, đam mê, đắm đuối. Mà hễ mà có đam mê đắm đuối thì đương nhiên phải có bất mãn. Bất mãn chính là tâm sân, bất mãn là một tên gọi khác của khổ. Chính vì vô minh trong bốn đế cho nên chúng ta mới hiểu lầm này nọ. Và chính vì có hiểu lầm nên mới có ghét, có thương, mới có đam mê và bất mãn. Trong khi mình phải hiểu rằng mọi thứ nó là một phần riêng biệt. Ai? Cái gì đã gắn kết mọi thứ? Đó chính là Ái. Nói vắn tắt, ở đâu có Ái ở đó có Vô minh. Ở đâu có Ái ở đó phải đương nhiên còn khả năng sanh tử.

Trích Hatthisariputta
Kalama xin tri ân các bạn ghi chép bài giảng: phongheo.qn8001, chanvinghiem


Hữu | | 21 Cảnh

Tiềm miên | | Chuyện Đề-bà-đạt-đa

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com