Thiếu Định

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Thiếu Định

cetaso vikkhepo
cetaso (citta): tâm
vikkhepo (uddhacca): lăng xăng, không yên

Cái vấn đề lớn của phàm phu là thiếu định. Khi mà anh thiếu định, thì chuyện đầu tiên là anh phải bôn ba, miệt mài trong 6 trần. Chưa hết, người thiếu định không biết tìm hiểu kỹ. Biết là người thiếu định là biết tên này chìm sâu trong 5 dục, bảo đảm. Bởi vì khi ly dục thì định nó sẽ mạnh. Mà cái tên nào thiếu định là biết tên này chìm sâu trong dục. Có hai cách chìm sâu:

  1. Chìm sâu trong những thứ mình ghét
  2. Chìm sâu trong những thứ mình thích.
Thích và ghét trong 5 dục là vậy.

Và các vị tưởng tượng ra toàn bộ đời sống này, nếu bỏ thích và ghét thì còn cái gì nữa? Hết rồi. Đời sống này chỉ có khổ, vui, thích, ghét. Đấy, mà chính thiện, ác, buồn, vui nó nuôi dưỡng lẫn nhau. Chính cái thiện nó đem lại cho mình cái mình thích, nó đem lại niềm vui thân, tâm. Còn cái ác, nó đem lại cho mình cái khổ thân, khổ tâm. Cho nên đời sống này nếu mà nói nhân quả thì nó chỉ gồm có thiện, ác, buồn, vui.

Còn nếu nói về 6 trần, thì chỉ có ngọt với đắng. Chúng ta có là con chó, con heo, con mèo, con chuột, hay là con người, mệnh phụ, phu nhân, tướng lãnh, công hầu, ăn mày, du đãng, kỷ nữ, tiểu thương, tất cả đều quẩn quanh ở trong thiện, ác, buồn, vui. Mà vô phúc thay cho kẻ nào sống suốt một ngày chỉ cắm đầu chạy theo 6 trần. Cho nên chúng sanh trong đời chia làm 3 hạng:

  1. Vùi đầu trong 5 trần, sống đam mê trong 5 dục. Gọi là chúng sanh dục giới.
  2. Ly dục và sống nhiều về thiền định, tập trung tinh thần, chứng đắc các tầng thiền định, chết rồi bỏ cõi dục sanh về cõi phạm thiên sắc và vô sắc.
  3. Chán cả thiện ác lẫn buồn vui, thấy buồn vui nào cũng vô ngã, vô thường và thiện ác nào cũng là nhân sanh tử. Hạng này tu tập tuệ quán tứ niệm xứ để không còn sanh tử nữa.
Và tôi quay lại cái nội dung kinh là thiếu định. Khi mà anh thiếu định, thì chuyện đầu tiên là anh khổ vì 5 dục. Thứ hai, là anh không có nền tảng cho tuệ học. Nhớ nhé, khi mà anh thiếu định là anh không bỏ được cái khổ trong 5 dục và anh không có được nền tảng tốt cho tuệ học, tức là con đường giải thoát. Cái thiếu định nó lớn chuyện như vậy, nó lớn lắm chớ hỏng phải không.

Mà định là cái gì? Định là gom tâm. Hồi nãy bắt đầu buổi giảng tôi đã nói rồi. Nắng, ánh nắng mặt trời bình thường mình để nó lan tràn, khuếch tán cái năng lượng đó không có xài được chuyện gì hết. Nhưng mà nếu có cái kính hội tụ, mình gom ánh nắng đó lại, nó có thể tạo ra lửa, và với những tấm pin mặt trời người ta có thể biến ánh nắng thành điện. Còn nước cũng vậy, cứ để nó chảy lan man, lan man tràn bờ thì không có giá trị gì hết, nhưng mà khi dựng đập thủy điện lên, thì người ta có thể dùng sức mạnh của nước người ta tạo ra điện.

Tâm mình y chang như vậy. Cứ để nó lăng xăng, lăng xăng trong 6 trần, nó yếu, nó hỏng làm khỉ mốc gì hết. Nhưng khi mà mình tập trung nó lại bằng các đề mục: niệm "đất, đất, đất,... ", niệm "nước, nước, nước,..."; niệm "lửa, lửa, lửa,..."; niệm "gió, gió, gió,..."; "xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng,..." - quan sát cái thở ra, thở vào v v.... (Xin đọc phần định trong Thanh tịnh đạo, cái phần này tôi giảng 8 năm cũng chưa có hết); khi mà mình sống tập trung tinh thần, tập trung tư tưởng trong các đề mục như vậy, nó có mấy cái lợi:

  1. Mình không còn bị khổ trong cái chuyện bôn ba trong 6 trần vật chất.
  2. Mình kiến lập được cái gọi là nền tảng cho tuệ học.
Có nghĩa là sao? Cái ngọn nến mà để gió lất phất, lất phất, nó cứ lung linh, ánh sáng nó không có đủ mạnh. Nhưng mà nếu ổn định không để gió thổi thì cái ánh sáng đó nó lan tỏa ra tốt hơn, đúng không? Ở đây cũng vậy, nếu mà thiếu định, ngọn đèn trí tuệ của mình, một là nó tắt; còn hai nữa, nếu mà nó có, nó leo lét, leo lét, cái này nó không khá. Phải ổn định ngọn lửa, ổn định ánh sáng, thì cái ánh sáng đó nó mới phát huy ra được.

Ở đây, nếu mà anh thiếu định, cái tuệ anh làm việc không được. Anh muốn thấy được cái bản chất của cái thân tâm này là vô ngã, vô thường và do duyên mà có, anh muốn thấy những cái chuyện đó một cách đúng mức, thì anh phải có định. Định làm nền thì tuệ mới làm việc được. Quí vị có thấy người ta lấy mũi khoan để dùi trên ván không? Cái chuyện đầu tiên là anh phải ổn định cái tấm ván, ổn định cái vật mà anh muốn khoan, tiếp theo là anh phải ổn định cái mũi khoan. Ổn định cái mũi khoan, rồi ổn định cái vật mà anh muốn khoan. Ổn định hai thứ này, anh mới khoan đúng chỗ và đúng mức mà anh muốn. Còn không là nó cứ mà cà trầy cà trật. Hoặc là ở đây ai là bác sĩ, ai thường chích tĩnh mạch thì các vị biết. Có nhiều y tá rất dở, nó lụi cả buổi, máu me tùm lum hết, mà nó không có chích được. Trong khi cái chuyện đầu tiên là nó phải cột ở đây trước cái đã, nó mới xác định được là nó sẽ lụi vô chỗ nào, là một phát một là nó phải thành. Còn đằng này nó không biết mạch ở đâu, nó cứ mò mẫm, mò mẫm, rồi nó chọt, nó bấy hầy hết trơn. Cho nên cái định nó quan trọng, thiếu định là coi như chết dịch luôn.

Cho nên ở đây có 3 cái điều gọi là trợ lực cho đạo nghiệp. Cái thứ nhứt đó là cái gì? Đó là khó dạy. Thứ hai là bạn xấu. Thứ ba là thiếu định.

Trích Kinh Tăng Chi VI. IX 115 Ác Ngôn

Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba? Ác ngôn, ác bằng hữu, tâm dao động. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập. Thế nào là ba? Ðể đoạn tận ác ngôn, thiện ngôn cần phải tu tập. Để đoạn tận ác bằng hữu, thiện bằng hữu cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tâm dao động, niệm hơi thở vào hơi thở ra cần phải tu tập. Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.


Dovacassatāsuttaṃ

Tayome, bhikkhave, dhammā. Katame tayo? Dovacassatā, pāpamittatā, cetaso vikkhepo.

Ime kho, bhikkhave, tayo dhammā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya tayo dhammā bhāvetabbā. Katame tayo? Dovacassatāya pahānāya sovacassatā bhāvetabbā, pāpamittatāya pahānāya kalyāṇamittatā bhāvetabbā, cetaso vikkhepassa pahānāya ānāpānassati bhāvetabbā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya ime tayo dhammā bhāvetabbā.


Hard to Admonish

Mendicants, there are these three things. What three? Being hard to admonish, bad friendship, and a distracted mind. These are the three things.

To give up these three things you should develop three things. What three? You should develop being easy to admonish to give up being hard to admonish, good friendship to give up bad friendship, and mindfulness of breathing to give up a distracted mind. These are the three things you should develop to give up those three things.

Trích bài giảng ngày 23/06/2019 KTC.6.112 Tà Kiến
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Gậy Thúc Ngựa | | Thích và Ghét Nhân và Quả

Chuyện Đề-bà-đạt-đa | | Cõi lành dục giới

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com