Mì gói nước phông tên

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Mì gói nước phông tên

"Con đường đến bờ bên kia" là bài kinh Parayana Sutta trong Tiểu bộ kinh. Đây là một bài kinh rất dài gồm 16 phần vấn đáp giữa Thế Tôn và 16 vị Bà la môn học giả. Đặc biệt bài kinh này được xem là một trong không nhiều những bài kinh mà được chú giải riêng, được đích thân Ngài Xá Lợi Phất chú giải riêng. Và phần chú giải này chính là phần chú giải được kể vào ở trong chánh tạng luôn.

Xin quí vị tìm xem hai bộ Niddesa (Mahaniddesa và Cullaniddesa). Tiếng Anh, tiếng Đức là có dịch hai cái này. Ngộ há. Bản ngôn ngữ Âu Mỹ chỉ có hai tiếng Anh, tiếng Đức thôi. Lạ thiệt chứ. Thanh Tịnh Đạo gì đó là chỉ có tiếng Anh, tiếng Đức thôi. Còn mấy thứ tiếng kia thì sau này có lai rai. Thí dụ như tôi biết có tiếng Ý, có tiếng Tây Ban Nha; mà họ dịch đứt khúc, tiếng Nga có dịch nhưng mà cũng lai rai lóm đóm. Đúng rồi. Nga, Ý, Tây Ban Nha họ có dịch. Sau này Bắc Âu họ cũng có nhưng mà cũng lai rai lai rai, chớ họ không có dịch toàn bộ như người Anh và người Đức.

Bài kinh này nó có cái duyên sự rất là đặc biệt, đó là có một ông Bà La Môn sống 120 tuổi, uyên thâm bác học - chuyện dài lắm, tôi nhớ tôi có giải thích rồi, khổ quá, chuyện tôi kể vắn tắt thôi, nó có một vài chi tiết phong thần tôi bỏ hết. Ổng nghe danh Đức Phật, ổng có 1600 đệ tử, ổng chỉ cử ra 16 đệ tử thôi, có nghĩa là cứ 100 người ổng lấy ra 1 người, là 16 đệ tử lớn đi đến gặp Đức Phật. Và ổng dặn thế này: "Ta được biết Ngài là một vị Phật, tại vì nghe mô tả là vì Ngài có những hảo tướng của một vị Phật, cho nên các con đến đừng có hỏi gì hết, tới chào hỏi rồi ngồi yên như vậy, rồi mỗi người tự đặt câu hỏi trong bụng của mình, thì coi coi Ngài sẽ làm sao?"

Thì đúng như vậy. Khi 16 ông này tới gặp Phật, mấy ổng chào Ngài xong mấy ổng ngồi yên quan sát. Mấy ổng thấy Ngài có 30 tướng tốt nhưng còn thiếu 2 tướng nữa mới đủ 32. Thì lúc đó Ngài biết như vậy, Ngài đang thuyết pháp cho người ta, Ngài mới dùng thần thông cho mấy ổng thấy 2 tướng còn lại, tức là tướng lưỡi và tướng sinh thực khí. Thì họ đã tin hết 80% đây là Phật rồi, bây giờ cái chuyện 20% còn lại là họ mới đặt câu hỏi về những thắc mắc về triết học, về tư tưởng chứ họ làm gì mà biết Phật Pháp. Họ chỉ thắc mắc về con đường tu hành mà theo quan điểm tín ngưỡng, triết học, tư tưởng của thời đó.

Lần lượt Đức Thế Tôn đọc được tư tưởng của từng người và Ngài trả lời cho từng người. Cái pháp thoại đó làm người ta sửng sốt là bởi vì người ta thấy lạ một chỗ là cách nói của Đức Thế Tôn rõ ràng, không phải là ngẫu hứng, không phải tự nhiên mà nói. Mà họ thấy hình như cách này là đang trả lời cho ai đó. Bởi vì câu trả lời trước, câu trả lời sau nó không mắc mớ gì với nhau hết. Mà lạ một chỗ là từ lúc có 16 ông này vô ngồi thì Ngài mới có cách thuyết pháp lạ như vậy. Họ không hề biết rằng là Đức Thế Tôn đang dĩ tâm truyền tâm, dĩ ngôn mà truyền tâm cho mấy người này. Khiếp như vậy đó. Mấy người đó đã dĩ tâm truyền ngôn, họ dùng tâm họ để họ trình với Ngài. Ngài trả lời cho họ tổng cộng là 16 câu vấn đáp rất là đáng để đọc, rất là đáng học.

Mà rất nhiều phật tử Việt Nam mình, trời ơi, sợ kinh cắn! Coi như cứ ăn rồi là cứ chờ mấy ông sư ban cho bao nhiêu thì được nhiêu. Mỗi năm cứ Vu Lan là nghe báo hiếu, rồi Phật đản là nghe kể tích Phật, cứ dâng y là nghe nói quả báu dâng y. Mà cả năm nghe tới nghe lui. Làm phật tử 40 năm mà có đời nào mà đụng tới mấy cuốn kinh tạng? Hễ đụng tới là nó ngáp rách miệng rồi than là không hiểu. Mà tại sao không chịu tự đi tìm hiểu chớ? Thử hỏi thời bây giờ nếu mấy cái đó mà là bài thuốc tiểu đường, cao máu, ung thư thì khó đọc cỡ nào cũng ráng mà đọc chứ. Còn đằng này mình coi đời sống tâm linh nó hỏng có đáng, coi Phật Pháp hỏng ra gì hết, biết được thì tốt, hỏng biết thì thôi, có chết thằng tây nào đâu. Cho nên là kệ nó, kệ nó. Tùy mấy thầy ban cho cái gì thì nhận cái đó.

Mà trong khi tôi nói hoài. Ông già mình chết để lại một núi kim cương, một kho tàng cao ngất trời. Mà mình bị sốt bại liệt, cho nên mỗi ngày mình cứ lết qua cái ông hàng xóm, nhờ ổng lấy được cái gì trong đó ra ổng cho. Mà thường là ổng cho mì gói không hà. Mà trong khi ông già mình để lại nguyên một tòa lâu đài đựng toàn kim cương tới nóc, nóc chạm mây, kim cương trong đó hàng ngàn, hàng triệu tấn. Vậy mà cứ mỗi ngày mình lết qua trước nhà nhờ cái ông gác cổng, ổng vô ổng lấy cho mình cái gì đó ra mình xài. Mà ổng cứ đem ra bữa thì chai nước suối, khi thì gói mì tôm vậy đó. Mà mấy chục năm trời như vậy đó. Ông già mình để cho mình cái gì mình không có biết. Kim cương dầy đặc trong đó. Mà cứ ngày nào cũng chai nước suối với gói mì tôm. Có bữa ông hàng xóm làm biếng, ổng hứng nước phông tên ở ngoài sân, rồi ổng lấy cái miễng dùa ổng múc cho miếng nước phông tên, rồi ông gác cổng cho gói mì chuột gặm, đem ra cũng ráng mà trợn trạo mà nuốt, rồi cám ơn thấy bà luôn, quì lạy mấy cái ông hàng xóm, gác cổng đó. Đó chính là bức tranh vẽ về mình. Đau lắm, đau lắm. Cha mình giàu quá, để lại gia sản đồ sộ vậy đó, mà mình thì cứ mỗi ngày mình tới mình xin gói mì với gáo nước phông tên vậy.

Trích bài giảng KTC.6.59 Người Bán Củi
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Ngon Lành | | Lạy

Cõi lành dục giới | | Hư Không

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com