Hư Không

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Hư Không

Đối với người còn đang hưởng dục thì thế giới này có thiên hình vạn trạng, nó gồm có núi sông, cây cỏ, đất đá, mặt trăng, mặt trời, ngôi sao, tinh tú, sông ngòi, biển cả, kinh rạch, đại dương, chim muông, súc vật, con người, bò bay mái cựa, phi cầm tẩu thú,... Thế giới này đối với người hưởng dục tùm lum như vậy đó. Toàn bộ những cái mà tôi vừa kể, kể muốn mòn hơi, toàn là trong thế giới của dục tưởng, của những người sống trong dục tưởng.

Nhưng đối với những người họ nhàm chán các dục thì thế giới này đối với họ nó chỉ còn có 10 thứ thôi. Nó không còn cái vụ chim muông, cây cỏ nữa. Đối với người nhàm chán dục, khi họ quay qua họ tu thiền thì toàn bộ cái thế giới thiền của họ chỉ là tưởng thôi. Nó cũng không có cái gì, nó chỉ là ấn tượng thôi và nó gồm có 10 thứ. Nói về thế giới vật chất chỉ còn có 10 thứ thôi. Còn nếu kể luôn tinh thần thì nó còn có 6. Các vị nghe có thấy kỳ không?

Kể riêng vật chất thế này: xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió (là 8), hư không, ánh sáng (là 10). Toàn bộ tâm tư, đời sống của người ly dục tu thiền thì thế giới này chỉ có 10 cái đó thôi. Không có kinh rạch, sông ngòi, không có đại dương, biển cả, trăng sao, hoa lá, con người, súc vật, chim muông, không có gì hết. Đối với họ, họ chỉ có niệm. Họ chỉ để cái thau nước họ niệm "nước, nước, nước, nước,..."; họ niệm riết mà đắc thiền bằng cái đề mục nước. Họ đốt lên một ngọn đèn, họ cứ niệm "lửa, lửa, lửa, lửa, lửa, ..."; họ niệm riết họ đắc thiền. Họ ngồi bên cạnh một cái khe hở để gió nó xuyên qua cái khe đó, hoặc là họ nhìn một cái lá lung lay rồi họ mới niệm "gió, gió, gió, gió,..."; họ niệm riết họ đắc thiền.

Đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng cũng vậy; đỏ, trắng cũng vậy; hư không, ánh sáng cũng vậy. Họ cũng đều niệm hoài, tâm họ tập trung nơi đó, rồi cuối cùng họ đắc thiền, họ sanh về các cõi Phạm thiên.

Như vậy thì thế giới này đối với những người đó chỉ gồm có mấy cái thứ này thôi. Nếu mà nói về vật chất gồm có 10 thứ là đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng.

Còn nếu mà gom luôn tâm thì nó gồm có 6: đất, nước, lửa, gió, hư không và thức.

Thức ở đây là sao? Thức ở đây có nghĩa là khi mà mình từ cái tầng sơ thiền mà muốn lên nhị thiền thì bậc lợi căn, nghĩa là người có trí, họ phải quan sát cái sơ thiền và thấy nó có những cái thô thiển, nó cũng còn có những cái vấn đề, những cái thấp kém. Họ mới quan sát cái sơ thiền, khi họ chán nó họ mới đắc được nhị thiền. Muốn đắc tới tam thiền thì anh phải nhìn ngược lại nhị thiền để anh chán nó anh mới đắc tới tam. Chán cái tam anh mới lên tới tứ thiền. Chán thiền sắc giới anh mới lên được thiền vô sắc. Thiền vô sắc là đề mục. Chỉ có đề mục vô sắc đầu tiên là còn liên hệ một tí ti về vật chất. Liên hệ tí ti là sao?

Là cái hư không của đề mục vô sắc nó không phải là hư không vật chất mà nó là hư không giả định, hư không trong tâm tưởng của hành giả. Là sao? Khi hành giả đắc tới thiền sắc giới xong, hành giả mới thấy rằng cái đề mục mà nó còn dính líu tới đất, nước, lửa, gió là đề mục đó còn dỏm. Đã vậy, đắc thiền do những đề mục vật chất thì chết sanh về các cõi Phạm thiên cũng còn hình hài, cũng còn có chỗ ở, vậy là còn dỏm. Các vị đó thấy trên đời này hễ còn dính líu tới vật chất là còn hữu hạn. Vậy thì cái gì là vô hạn đây? Cái gì? Chỉ có hư không. Thế là vị đó tâm niệm trong đầu, mắt nhắm tít, chỉ tâm niệm trong đầu chỉ có hư không mới thật sự là vô biên, không có biên giới. Chứ còn cái gì mà nó còn liên hệ tới đất, nước, lửa, gió, hư không, cái gì liên hệ đến màu sắc, hình dáng là cái đó còn hữu hạn. Muốn đạt đến cảnh giới vô lượng là chỉ có hư không thôi. Đó, thì vị đó tập trung vô cái hư không giả định đó đó, rồi vị đó mới đắc thiền hư không vô biên xứ, là tầng vô sắc đầu tiên.

Rồi tiếp theo đó nếu mà là bậc đại căn, đại duyên thì các vị thấy rằng hư không tuy là vô biên nhưng còn bị tâm nó biết. Vậy tâm mới đúng là vô biên. Khi vị ấy suy niệm như vậy trong một thời gian dài, vị ấy đắc tầng thứ hai gọi là tầng thức vô biên.

Nhưng mà chưa hết, vị ấy lại tiếp tục. Nếu là một bậc đại căn, vị đó không dừng lại ở đó, vị đó đi thêm một cái nữa, vị đó thấy hư không là vô biên còn bị tâm biết. Nhưng mà tâm dầu có vô biên nhưng tâm này còn bị tâm khác biết, như vậy cả hai đứa đó đều là dỏm hết. Vị đó nghĩ như vậy, vị đó đắc tầng thứ ba, gọi là vô sở hữu xứ.

Chữ "vô sở hữu" ở đây có nghĩa là không có gì, chứ không phải là chủ quyền, nhiều người hiểu lầm chỗ này.

Trích bài giảng KTC.6.62 Lời Cảm Hứng
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Tiếu Ngạo Giang Hồ | | Bốn hạng học Đạo

Mì gói nước phông tên | | Duyên

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com