Uttari ca patāreti

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Uttari ca patāreti

(VI) (80) Lớn Mạnh

Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu chứng đạt sự lớn mạnh, sự tăng trưởng trong các thiện pháp. Thế nào là sáu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhiều ánh sáng, nhiều quán hạnh, nhiều hoan hỷ, nhiều không tự bằng lòng, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp, đi thẳng đến bờ kia.


6. 80. Mahantattasuttaṃ

“Chahi, bhikkhave, dhammehi samannāgato bhikkhu nacirasseva mahantattaṃ vepullattaṃ pāpuṇāti dhammesu. Katamehi chahi? Idha, bhikkhave, bhikkhu ālokabahulo ca hoti yogabahulo ca vedabahulo ca asantuṭṭhibahulo ca anikkhittadhuro ca kusalesu dhammesu uttari ca patāreti.”

Tiếng Pali anikkhittadhuro có nghĩa là không có buông xuôi cái gánh nặng bổn phận hay gánh nặng trách nhiệm, có nghĩa là ngày nào mà mình còn là phàm phu thì cái gánh nặng đạo nghiệp cũng còn trên vai. Nếu mình có khả năng hoằng pháp thì cái chuyện hoằng pháp nó là cái gánh nặng trên vai; nếu mình có một đóng góp nào cho tăng đoàn thì cái khả năng đóng góp ấy, cái nhiệm vụ đóng góp ấy là cái trách nhiệm, là gánh nặng trên vai. Trách nhiệm đối với mình, đối với thầy bạn, đối với cư sĩ và đối với giáo pháp. Tôi nhắc lại, trách nhiệm đối với mình, với thầy bạn, với cư sĩ và với giáo pháp. Nhưng mà dĩ nhiên trong cái chừng mực hợp lý, chớ hỏng phải nói vậy rồi ăn rồi cứ cắm đầu lo cho người ta là không được. Ở đây người tu hành có 3 trách nhiệm: học đạo, hành đạo và hoằng đạo. Ba cái đó không thể bỏ rơi, không thể buông lơi các trách nhiệm.

Như vậy mình thấy có sáu điều cần thiết này ở vị tỳ kheo hoặc người tu tập cầu giải thoát, cầu tiến bộ trong giáo pháp:

  1. ālokabahulo là phải trí tuệ,
  2. yogabahulo là tinh tấn,
  3. vedabahulo là tìm thấy được niềm vui trong đạo nghiệp,
  4. asantuṭṭhibahulo kusalesu dhammesu là lòng thiết tha vô bờ đối với thiện pháp,
  5. anikkhittadhuro kusalesu dhammesu là không có buông rơi cái gánh nặng trong thiện pháp,
  6. uttari ca patāreti

uttari ca patāreti nghĩa là gì? Làm gì thì làm, trí tuệ bằng trời, tinh tấn bằng trời, đạo nghiệp bằng trời, cái gì đi nữa, thì cái cứu cánh cao nhất của người tu hành là cái gì? Uttari ca patāreti có nghĩa là làm sao mà toàn bộ cái đời tu, toàn bộ đạo nghiệp phải là từng bước đi sang bờ khác. Uttari ca patāreti: luôn luôn lúc nào cũng lấy tư tưởng là sang bờ khác làm tư tưởng chủ đạo. Không có thể dừng lại ở bến bờ này cả đời trừ khi duyên nghiệp không cho mình đi xa nữa thì đành chịu; chớ còn trong cái tâm tư, trong cái nỗ lực, trong cái ý tưởng tu hành mà nói thì chúng ta không thể nào mà không nghĩ đến chuyện sang bờ khác. Ý tưởng sang bờ khác rất là quan trọng.

Sang bờ khác là gì? Có nghĩa là pháp học học hoài không bao giờ nên thấy đủ; chỉ và quán suốt đời không bao giờ nên thấy đủ; cho đến bao giờ mà còn là phàm phu, chưa là thánh nhân thì cho đến khi đó cũng chưa bao giờ nên thấy đủ. Không bao giờ nên thấy đủ. Luôn luôn phải có lý tưởng là tìm sang bến bờ khác.

Cái vấn đề lớn nhất của người tu Phật là dậm chân tại chỗ, là thỏa mãn quá sớm với những thành tựu, những quả chứng của mình dầu đó là một người cư sĩ hay là một người xuất gia. Bất kể là tăng hay là ni mà sớm thỏa mãn với thành tựu, với quả chứng của mình thì không thể nào đi xa trong đạo nghiệp, không thể nào có những thành tựu đáng kể được hết.

Ngay cả người ngoài đời cũng vậy, trừ phi không có khả năng, không có điều kiện thì thôi, chứ còn mà một người sớm thỏa mãn với một mớ bạc cắc của gánh chè, gánh cháo thì cuộc đời ngoi lên hỏng có nổi. Đó là nói ở ngoài đời, sớm thỏa mãn với mấy đồng xu bạc cắc, bạc lẻ của gánh chè, gánh cháo, của cái tiệm tạp hóa, thì làm sao mà gầy dựng sự nghiệp cho mình, cho con cháu đời sau được.

Thì trong đạo cũng y hệt như vậy, luôn luôn phải giữ lấy cái lý tưởng uttari ca patāreti, tìm sang bờ khác.

Trích bài giảng ngày 12.06.2019 KTC.6.80 Lớn Mạnh
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Tiềm miên | | Cà Phê Tuyết

Buông Bỏ | | Quán Vô Thường

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com