Quán Vô Thường

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Quán Vô Thường

Vô thường tưởng là gì? Là thường xuyên sống ở trong nhận thức về cái tánh vô thường của 5 uẩn, của danh sắc nói chung, của thân tâm đó.

Kinh Tăng Chi Bộ VI 6. 112. Thỏa Mãn
Ðể đoạn tận thỏa mãn kiến, tưởng vô thường cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tùy ngã kiến, tưởng vô ngã cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tà kiến, chánh kiến cần phải tu tập.
Anguttara Nikàya VI 6. 112. Assādasuttaṃ
Assādadiṭṭhiyā pahānāya aniccasaññā bhāvetabbā, attānudiṭṭhiyā pahānāya anattasaññā bhāvetabbā, micchādiṭṭhiyā pahānāya sammādiṭṭhi bhāvetabbā.’’
Anguttara Nikàya VI 6. 112. Gratification
You should develop the perception of impermanence to give up the view that things are gratifying; the perception of not-self to give up the view of self; and right view to give up wrong view.

1. Quán vô thường trên sắc uẩn.

Hành giả thấy rằng là cái tấm thân này, cái cấu tạo của nó đơn giản chỉ gồm trong 4 đại thôi: đất, nước, lửa, gió. Và 4 đại đó được nuôi dưỡng, được hỗ trợ, được trợ sinh, được trợ lực bằng các cái điều kiện vật chất kể cả tinh thần, kể cả tiền nghiệp quá khứ. Tổng cộng là 4 cái điều kiện, đó là tiền nghiệp, tâm lý hiện tại, rồi các cái nguồn dưỡng tố và sau cùng là điều kiện thiên nhiên. Đây là 4 cái điều kiện mà để nuôi dưỡng, trợ lực, sản sinh ra 4 đại trong cái thân xác của chúng sinh. Và chỉ cần có một cái trục trặc nhỏ trong đó, ở trong các cái điều kiện mà tôi vừa kể ra đó, đó là tiền nghiệp thì nó có sẵn rồi, nhưng mà điều kiện về thời tiết, khí hậu hay là những trục trặc về cái chuyện ăn uống, thuốc men hay là đời sống tâm lý có vấn đề, thì 4 đại mình lập tức nó xáo trộn, và tùy cái mức độ xáo trộn mà chúng ta bị ảnh hưởng bao nhiêu trong đó.

Thí dụ như tất cả các bịnh hoạn nó đều là sự xáo trộn của 4 đại hết, dầu đó là ưng thư hay là bao tử, sơ gan hay là sạn thận, ruột dư, tất cả nếu mà nói cho rốt ráo thì đó là sự xáo trộn trong 4 đại. Và tùy thuộc vào mức độ xáo trộn ấy mà sức khỏe của ta nó bị ảnh hưởng tới mức độ nào đối với tánh mạng và đặc biệt là tâm lý của mình.

Hành giả thường xuyên quán chiếu rằng cái tấm thân sinh lý này, xa hơn nữa là toàn bộ cái gì gọi là vật chất, nó chỉ là 4 đại, và chỉ cần một vài cái điều kiện tác động thì có thể khiến cho cái gọi là vật chất ấy nó bị biến tướng hoặc là biến mất. Biến tướng, biến dạng rồi thì là biến mất.

Nhớ cái đó. Luôn luôn hành giả thấy lúc này đang nực, lát nó lạnh, lát thì nó mát, lúc thì nó dễ chịu, lúc thì khó chịu, lúc thì đói, khát, nóng, lạnh, v.v... Thì đó là những xáo trộn thân xác của mình.

Chưa hết, đó là những cái tế. Còn những cái thô, thí dụ như hành giả thấy lúc thì mình muốn ngồi, lúc thì cơ thể nó đòi đi, có lúc nó đòi nằm, lúc nó đòi đứng, đi mỏi nó đòi đứng, đứng mỏi nó đòi ngồi, nó đòi nằm, thí dụ như vậy.

Thì đó là vô thường của sắc pháp có nghĩa là nó không ngồi yên một chỗ, nó cứ luôn luôn bị các điều kiện, các nhân duyên thúc đẩy, trôi nổi từ cái tình trạng này sang cái tình trạng khác. Đó gọi là quán vô thường trên sắc pháp.

2. Quán vô thường tưởng trên thọ uẩn.

Hành giả thấy rằng mình lúc thì vui, lúc thì buồn, lúc thì thân xác khó chịu, lúc thì tâm lý nó khó chịu, lúc thì âu lo sợ hãi, lúc thì cái tấm thân nó bị tê buốt, nhức mỏi, thì cái cảm giác đó nó gọi là thọ uẩn. Những cảm giác của thân và tâm nói chung là thọ uẩn.

Thì mình thấy rằng đời sống của mình từ cái phút giây này sang phút giây khác chớ không cần phải xa hơn, lâu hơn, chỉ cần mình thấy trong phút giây này sang phút giây khác, là thân và tâm của mình nó phải trải qua biết bao nhiêu là những biến động về cảm xúc, lúc thì dễ chịu, lúc thì khó chịu. Khổ nỗi là mình thất niệm, mình không có chánh niệm, mình không có sống tỉnh thức cho nên mình không có nhận ra cái đó.

Khi mà mình khó chịu thì cái phản ứng đương nhiên và thường xuyên của mình đó là tức tốc, hối hả, vội vã tìm ngay một cái giải pháp nào nhanh nhứt như có thể. Thí dụ như nực quá thì cầm cái quạt lên quạt tay hay bậc cái máy lạnh lên hoặc chạy vào cái chỗ bóng râm v.v. và v.v.… Nói chung là mình sống thất niệm mình không biết được rằng cái đời sống của mình nó là sự đắp đổi liên tục và thường trục của các cảm giác của thân và tâm.

Khi mà hành giả sống trong chánh niệm thường trực như vậy đó thì một ngày, hai ngày nó chưa có thấm đâu. Nếu là bậc đại căn, đại duyên họ chỉ cần nghe một câu "Các cảm giác là vô thường, đời sống là cái hành trình đắp đổi của các cảm giác", họ nghe vậy họ đắc chứng thánh. Còn trường hợp như lơ mơ, lơ mơ thì ít ra 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng, sống chìm sâu ở trong chánh niệm, thì sẽ có một ngày mình có những thấm thía rất là kỳ cục, rất là mầu nhiệm.

Thấm thía sao? Thấm thía lúc bấy giờ mình không thấy mình là thằng Tèo, thằng Tý như thuở nào nữa, mà mình chỉ là một, lúc đầu mình chỉ là một chiếc lá trên cái dòng chảy của các cảm xúc, của các tâm trạng, rồi dần dần mình hiểu ra mình là một giọt nước trong cái dòng chảy ấy. Đấy, mình chỉ một giọt nước trong cái dòng chảy ấy. Và sau cùng, mình chính là sự vô thường và sự vô thường chính là cái mà mình gọi là tôi, là ta xưa giờ. Đến lúc mà, giống như trong kiếm hiệp nói "kiếm tức là người, người tức là kiếm, tâm với kiếm thành một, người với kiếm là hợp nhất", thì lúc đó là đạt đến cái mức độ ảo diệu kiếm pháp.

Ở đây trong tuệ quán cũng vậy. Trong một ngày mình thấy rằng cái sự vô thường của các cảm thọ nó chính là bản thân mình, và bản thân mình chính là sự vô thường của các cảm thọ, của 4 đại, sự vô thường của các tâm trạng chính là mình, mình chính là cái dòng chảy ấy, chớ không phải là dòng chảy ấy là riêng, mình là riêng. Quán vô thường là quán như vậy, thấy mình chính là một phần ở trong cái dòng chảy ấy. Đó là quán vô thường trong thọ uẩn.

3. Quán vô thường trong tưởng uẩn.

Tất cả những khái niệm, những ý tưởng, những kiến thức, những kinh nghiệm của chúng ta trong đời sống đều là tưởng uẩn hết. Và nếu định nghĩa như vậy thì mình thấy rằng lúc nào mình cũng sống ở trong tưởng uẩn. Lúc nào mình cũng sống trong những cái hồi ức, kinh nghiệm, kiến thức, ý niệm, những concepts, những ideas, những knowledge, những experiences,... luôn luôn và luôn luôn. Concept, knowledge, rồi idea, rồi thì experience luôn luôn là như vậy. Luôn luôn là kinh nghiệm, kiến thức, hồi ức, ý niệm.

Nó vô thường là vô thường làm sao? Cũng cái hoa đó mà có lúc mình nhìn nó từ một góc độ khác, cũng cái mùi đó mà có lúc mình nhìn nó từ cái góc độ khác, cũng cái vấn đề đó, cũng sự kiện đó, cũng nhân vật ấy, cũng sự kiện ấy, cũng món đồ ấy, cũng phong cảnh ấy, cũng thời tiết, thức ăn, cây cảnh ấy, nhưng mà ở mỗi lúc, chúng ta tùy thuộc vào vô lượng cái điều kiện, vô lượng nhân duyên, chúng ta có một cảm nhận khác nhau trên cùng một sự vật, trên cùng một sự kiện, trên cùng một người hoặc một vật. Đó là cái vô thường của tưởng uẩn.

Và chưa kể trường hợp thứ hai, đó là hồi nãy mình tập trung cái ý thức của mình, tập trung cái kiến thức của mình để mà mình theo đuổi một sự kiện, vấn đề gì đó, bây giờ mình đổi qua một đối tượng khác, thì cái sự vô thường ở trong cái thái độ, nhận thức đối diện trần cảnh, đó là cái vô thường của tưởng uẩn. Và bản thân cái sự dời đổi đối tượng, thứ nhứt là cái thái độ, thứ hai là tập trung, cái sự dời đổi thái độ, dời đổi cái đối tượng của tưởng uẩn lúc vầy lúc khác. Tức là sự dời đổi ấy là một sự vô thường và bản thân cái ý niệm của mình trên từng sự vật nó cũng vô thường.

Hồi nãy sao tôi thấy trời mát mát, gió hiu hiu, tôi thấy hoa nó đẹp. Nhưng mà lát sau nắng nó lên, tôi nực, tự nhiên tôi thấy cái hoa đó rất là phiền vì trồng bông, trồng hoa mệt mỏi quá, mình mẩy mồ hôi, mồ kê, nóng nực, rồi gai góc, trầy xước. Sao tôi thấy cái hoa đó nó là cái gì đó rất là phiền, nhưng mà mới hồi nãy gió mát mát tôi lại thấy hoa nó hay, nó thơm thơm thoang thoảng nó rất là hay. Rồi chưa kể một lát sau tôi lại dời đổi cái ý niệm ý tưởng của tôi sang một cái khác, lúc bấy giờ tôi đặt vấn đề với một món đồ khác, một đối tượng trần cảnh khác, đó là cái vô thường của tưởng uẩn.

4. Quán vô thường trên hành uẩn.

Hành uẩn ở đây là cái tánh thiện ác của tâm mình. Thọ bản thân nó không phải là thiện ác. Thọ là cảm giác, không phải là thiện ác. Tưởng, bản thân nó không phải là thiện ác. Nhưng mà cái ông thứ tư này mới ghê, ông hành uẩn. Tức là khía cạnh thiện ác. Là sao? Tức là mỗi giây phút trôi qua, 6 căn của chúng ta liên tục và thường trực đối diện với 6 trần, và cái thái độ thiện ác trong mỗi giây phút ấy nó chính là hành uẩn. Hành uẩn chính là khía cạnh thiện ác của tâm.

Tưởng uẩn nó chỉ là cái khía cạnh ý niệm, kinh nghiệm, kiến thức và hồi ức thôi. Thọ uẩn nó chỉ là khía cạnh cảm giác, cảm xúc của thân tâm. Nhưng mà riêng cái ông hành uẩn này, tức là có lúc thì mình nhìn cái hình ảnh đó mình khỏi lên tâm lành nhưng có lúc mình nhìn cái hình ảnh đó mình khởi lên tâm bất thiện. Cái đó có.

Có lúc mình nhìn cái sân chùa mình muốn quét. Mình nhìn thấy cái lá rụng đầy tự nhiên mình khởi lên cái tâm lành, mình muốn đi quét tước, dọn dẹp cho nó ngăn nắp, chỉnh chu. Đó là cũng cái sân đó, nhưng mà có một lúc mình nhìn cái sân nó dơ mình bực mình. Hoặc là nó còn xa hơn cái đó nữa, khi mình nhìn cái sân dơ, mình nghĩ tới người. Lúc đầu thay vì mình chỉ bực mình cái sân, mình thấy nó dơ mình thấy khó chịu, nhưng mà có lúc mình đi xa hơn, mình nghĩ tới người. Mình nghĩ đến tại sao chùa đông người vậy mà sao không ai dọn vậy trời? Rồi còn tệ hơn đó nữa bắt đầu là mình nhắm tới những cá nhân là bà Ba, bà Tư, ông Tám, ông Bảy gì đó, "... cái trách nhiệm của họ là dọn cái chùa, họ ở chùa mà tại sao để sanh dơ như thế này? Bởi thiệt, trong chùa sống ăn cơm chùa mà việc chùa mà làm hỏng nổi? Làm biếng!" Thí dụ như vậy. Có nghĩa là từ cái chuyện cái sân chùa nó dơ đó, mà mình thấy nó có lúc thiện lúc ác. Có lúc mình nhìn cái sân dơ, mình nhìn bằng cái tâm lành, nhìn mình mình muốn quét thôi, hết. Tới đó mình hỏng muốn đi xa nữa. Còn có lúc mình nhìn sân chùa mà nó dơ đó, lá với rác, mình bực. Mình bực cái kẻ nào có trách nhiệm mà không chịu quét. Cái kẻ nào mà thiếu ý thức mà đi xả rác ở sân chùa v.v. và v v.... Thì nghĩa là mình thấy, tâm mình lúc thiện lúc ác, đó chính là cái vô thường của hành uẩn.

5. Quán vô thường của thức uẩn.

Thức uẩn là cái biết của 6 căn. Có lúc thì con mắt nó làm việc, có lúc thì lỗ tai nó làm việc, có lúc thì lỗ mũi nó làm việc, v.v. và v.v... Đại khái là 6 căn nó luân phiên nó thay đổi nhau làm việc, đó chính là sự vô thường của thức uẩn. Đó là nói gọn. Còn nói về chi tiết, cái thức uẩn nó gồm 6 thức. Nhãn thức không phải trên trời nó rớt một cái đùng xuống, nhãn thức là cái biết của con mắt, nó dựa trên ít nhứt là những điều kiện sau đây: Thứ nhứt nó phải có cái để nó nhìn, phải có cái để nhìn thì cái tâm nhãn thức mới có mặt. Thứ hai là mình không phải bị đui mù mà mình phải có thần kinh thị giác, tức là cái nhãn căn. Phải có thần kinh thị giác chớ một người mà không có thị giác, người bị khiếm thị thì làm sao họ thấy đây, dầu trước mặt họ bao nhiêu cái họ đâu có thấy được. Cho nên muốn có được thần khinh thị giác tức là nhãn căn, chuyện đầu tiên là anh phải có thần kinh thị giác trước. Thứ hai là anh phải có sự chú ý. Thứ ba là có cái để nhìn. Thứ tư là điều kiện ánh sáng cho phép. Nhãn căn, rồi sắc trần, sự chú ý, điều kiện ánh sáng, đó là tối thiểu là 4 cái, tối thiểu, nó mới hình thành nên cái gọi là nhãn thức, là cái biết của con mắt, gớm chưa? Và chỉ cần một trong 4 cái điều kiện này nó bị thiếu, cái thấy đó nó không được hoàn tất.

Để hoàn tất được cái mà gọi là thấy đó, nó phải hội đủ tối thiểu 4 điều kiện là:

  1. thần kinh thị giác,
  2. đối tượng để nhìn,
  3. sự chú ý
  4. điều kiện ánh sáng nó có đủ để mình thấy hay không.
Điều kiện ánh sáng nó rất là quan trọng chớ còn tăm tăm mù mù thì nó không đủ, gọi là brightness hay là cái lightness, cái độ sáng nó đủ để cho mình thấy.

Cho nên tổng cộng lại mình thấy, chỉ riêng cái nhãn thức là nó vô thường là bởi vì hồi nãy nó có bây giờ nó lại không, bây giờ nó thiếu điều kiện nó không thấy nữa.

Nhiều khi mình ngồi vậy đó, mình ngồi trên cái ghế mà người mình muốn tìm đi ngang mà mình không thấy. Tại lúc đó mình đang để ý tới một cái khác, cũng cặp mắt mình ngó mong ra ngoài trước mặt vậy đó, nhưng mà lúc đó chỉ cần mình đang nghĩ tới một chuyện gì khác là người đó đi ngang mình không thấy. Chuyện đó bình thường, rất là bình thường. Đó gọi là vô thường của thức uẩn. Có nghĩa là bản thân của thức uẩn nó vô thường là bởi vì những điều kiện mà tạo nên nó lúc có, lúc không. Thứ hai không phải lúc nào mắt, tai, mũi, lưỡi nó cũng ở đó nó chờ mình hết, mà lúc thì con mắt nó có mặt, nó làm việc xong thì thần kinh thị giác muôn đời nó nằm ở đây, đúng. Nhưng mà cái tâm nhãn thức có lúc có, có lúc không. Có lúc tâm nhãn thức nó bị thay thế cho cái tâm nhĩ thức, tức là lúc đó nó phải nhường chỗ cho cái thần kinh thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác làm việc. Nhớ cái này.

Thì đó chính là quán vô thường trong 5 uẩn, cũng là quán vô thường trong thân tâm.

Chính nhờ quán vô thường như vậy vị ấy lìa bỏ được thường kiến, không còn tiếp tục suy nghĩ rằng còn có một cái tôi, có một cái ta, ông A, bà B tồn tại từ cái phút giây này sang phút giây khác.

Một thằng Tèo mà hồi đó nó còn nằm ngửa bú bình, rồi từ từ nó lên 5 tuổi, 8 tuổi, biết đi, biết chạy, biết nói, biết cười, biết thưa, biết gởi, từ từ tới lớn nó biết dậy thì, rồi nó biết yêu đương, hôn nhân, có con, có cháu, có sự nghiệp, nó cũng vẫn là thằng Tèo. Hồi xưa là thằng Tèo, rồi anh Tèo, cậu Tèo, chú Tèo, bác Tèo, rồi lên tới cụ Tèo, năm nay 98 tuổi cũng là cụ Lê Văn Tèo.

Đó là nói theo nhận thức của thế gian thôi chớ còn theo ở trong tinh thần của Phật Pháp nói chung, và của A tỳ đàm nói riêng, thì tôi nói không biết bao nhiêu lần, đời sống của một thằng Tèo không phải là một dòng chảy liên tục, nó không phải là một sợi dây bất tuyệt, không phải vậy. Nó không phải là một cái "line" mà nó từ cái "spot", là từng đốm, đốm, đốm, đốm, mỗi một phút giây là một đốm, một giây là một đốm, lúc thì thiện, lúc thì ác, lúc thì buồn, lúc thì vui, đó là trên lý thuyết.

Nhưng mà trong thực tế tu chứng, trong kinh nghiệm thực tế hành trì thật sự của một hành giả tứ niệm xứ, thì mình không phải là một cái "line", không phải là một cái vòng liên tục, mà cũng không phải là "spot", mà nó còn ghê hơn spot nữa, nó là "dot", nó là chấm, chấm, chấm, chấm. Line, spot, dot. Mình tu để mình thấy 3 cái đó.

Buổi đầu là mình thấy mình là một cái dòng chảy liên tục, một sợi dây liên tục, một cái tôi hiện hữu liên tục, có mặt liên tục không có đứt khúc. Nhưng mà dần dần mình thấy mình là những đốm, những vệt thiện ác buồn vui, nhưng mà đã đốm hay là vệt thì cũng còn to quá, nó to quá. Chữ Việt Nam mình đốm hay vệt là lớn lắm, có thể là bằng một cái móng tay là cũng là đốm, nhưng mà tới chấm là nhỏ nhứt, chỉ còn là những cái chấm thôi, dots, nhớ vậy.

Quán chiếu như vậy hành giả mới lìa bỏ được cái gọi là thường kiến, không có một cái tôi nào nó tồn tại quá một giây đồng hồ chớ đừng có nói là một phút, một giờ, một ngày, một tuần, một tháng, một năm, một thập kỷ, một quảng đời, một cuộc đời và một dòng sanh tử, chuyện ấy không hề có.

Do các nhân duyên mà chúng ta có mặt trong từng phút, từng giây, từng một phần tỷ của giây, có mặt liên tục, liên tục, chớp tắt, chớp tắt. Mà khi chúng ta còn là phàm, chúng ta học bao nhiêu giáo lý đi nữa, thì học cho biết vậy thôi, chứ chúng ta không có thể đưa nó từ cái nhận thức mà chuyển nó qua bên cái đời sống tâm thức. Khó lắm. Nhưng mà đối với một hành giả Tứ Niệm Xứ thì họ đưa được ba mớ. Có, có đưa được ba mớ. Thành công nhưng mà chỉ là ba mớ thôi.

Chỉ có thánh nhân họ mới sống trọn vẹn với nhận thức đó. Họ nhận thức rằng họ đang chớp tắt, chớp tắt, chớp tắt, chớp tắt, sự hiện hữu này đang chớp tắt, chớp tắt, tình trạng này sang tình trạng khác, liên tục tiếp diễn trong mỗi phần tỷ của giây. Đạt tới mức như vậy. Và khoa học hôm nay cũng nhìn nhận, mỗi một phút trôi qua có hằng triệu cái chemical reactions sanh khởi, tức là phản ứng hóa học diễn ra trong cái thân xác chúng ta, trong mỗi một phút đồng hồ có hàng triệu cái phản ứng hóa học diễn ra trong thân xác, ở các cơ phận lớn bé, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, gớm như vậy. Mà chúng ta không có biết cái đó và có biết thì biết cho vui vậy thôi, chớ chúng ta không có sống hết mình với nó.

Trích bài giảng ngày 24.06.2019 KTC.6.112 Tà Kiến
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Chứng Thánh | | Tâm Thiện

Uttari ca patāreti | | Chánh Kiến

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com