Phật Học theo số

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Phật Học theo số

Nhiều khi nói tới chuyện tu hành, Đức Phật chỉ nói:

  • 1 chữ: không dễ ngươi.

  • 2 chữ: chỉ và quán. Ngài không hề nói tới giới. Là tại sao? Là bởi vì trường hợp Ngài nói như vậy đương sự họ nghe họ phải hiểu ngầm, không có giới thì làm gì có hai cái kia, đó là cái thứ nhất; thứ hai với cái người cầu đạo giải thoát thì cái chuyện giữ giới là chuyện rất là đơn giản. Cho nên có trường hợp Ngài nói có hai: chỉ và quán thôi (xem trong trong kinh Tăng Chi Bộ)

  • 3 chữ: giới, định, tuệ (tam học).

  • 4 chữ: tứ diệu đế, tứ chánh cần, tứ niệm xứ, tứ như ý túc. Đó là tu. Tại sao? Hiểu được cái khổ, trừ được cái tập, chứng được cái diệt và hành được cái đạo. Thôi bây giờ cái diệt nó xa quá thôi bây giờ mình làm ba cái thôi, đó là khổ, tập và đạo; nhưng mà thôi cái đạo cũng xa quá thôi dẹp luôn, chỉ còn khổ và tập thôi.

  • 5 chữ: 5 quyền, 5 lực, 5 căn.

  • 6 chữ: thu thúc 6 căn.

  • 7 chữ: Thất giác chi.

  • 8 chữ: Bát chánh đạo.
Đại khái như vậy.

Thì cứ bao nhiêu đó thôi, tùy cái chỗ mà Ngài giải thích. Đó là nói pháp tu.

Còn nói qua cái phiền não Ngài cũng có nhiều cách kể.

  • 1 điều: sự dễ duôi.

  • 2 điều: đam mê trong thân và trong tâm; đam mê trong danh và trong sắc; vô minh và tham ái; tham và ưu.

  • 3 điều: tham, sân, si.

  • 4 điều: tứ phược, tứ phối, tứ lậu, tứ bộc, tứ kết.

  • 5 điều: 5 triền cái. Nhiều người học A tỳ đàm ba mớ, học giáo lý ba mớ họ cứ tưởng là chắc 5 triền cái là 5 cái trở ngại của thiền. Dạ thưa, khi nào nói đến khía cạnh thiền định thì nó là 5 cái trở ngại, đúng. Nhưng mà bản thân 5 cái ông đó là toàn bộ phiền não; không hề sai. Muốn đắc thiền thì anh phải tối thiểu trấn áp, đè nén, giải quyết tạm thời 5 cái ông đó anh mới đắc thiền được.

    Năm cái triền cái đó tức là dục tham là bất mãn trong dục; sân tâm là bất mãn trong 5 dục; hôn thụy tức là buồn ngủ, lười biếng; trạo hối là ăn năn, ray rứt, phóng dật; hoài nghi là hoang mang, nghi hoặc. Năm cái này rất nhiều người họ nghe tôi giảng họ nói "Ủa, tưởng 5 cái đó là trở ngại cho thiền định." Nó là trở ngại cho thiền định nhưng mà nó cũng là đại diện cho tất cả phiền não. Vì sao? Vì trong đó có cái gì? Trong đó có những thứ phiền não mà phải lên tới A na hàm mới trừ được, đó là dục ái và sân. Và cái phải là A la hán mới dứt được, đó chính là hôn thụy. Phải nhớ cái đó. Cho nên 5 triền cái cũng là một cách kể phiền não.

  • 6 điều: phiền não xuất hiện khi 6 căn làm việc với 6 trần.

  • 7 điều: 7 cái tiềm miên.

Đại khái như vậy.

Trích bài giảng ngày 05.06.2019 KTC.6.65 Vị Bất Lai
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép

Xem thêm Danh Sách Tóm Tắt - Từ Ngữ Cơ Bản


Ba mươi bảy pháp trợ Bồ đề

  • 4 = Tứ niệm xứ : Quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp
  • 4 = Tứ chánh cần: Tránh Ác, Giảm Ác, Tăng Thiện, Hành Thiện
  • 4 = Tứ thần túc: Dục, Cần, Tâm, Quán
  • 5 = Ngũ căn: Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ
  • 5 = Ngũ lực: Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ
  • 7 = Thất giác chi: Trạch, Tấn, Hỷ, An, Niệm, Định, Xả
  • 8 = Bát chánh đạo: Kiến, Duy, Ngữ, Nghiệp, Mạng, Tấn, Niệm, Định


Bất Thiện Tập Yếu (Akusalasaṅgaho)

Bất Thiện Tập Yếu là gom tất cả Pháp Bất Thiện trọng yếu kể ra. Pháp Bất Thiện Tập Yếu có 9 phần: 1) Tứ Trầm 2) Tứ Bộc 3) Tứ Kết 4) Tứ Phược 5) Tứ Thủ 6) Lục Cái 7) Thất Tiềm Thùy 8) Thập Triền 9) Thập Phiền Não

  1. Tứ Trầm (Cattāro Āsavā) là 4 pháp trầm luân, làm cho chúng sanh mãi đắm chìm trong Tam giới
    1. Dục Trầm là lòng luyến ái Ngũ trần quá sâu đậm.
    2. Hữu Trầm là lòng tham ái những cảnh giới tương lai như là vọng muốn đời sau được hưởng ngũ dục đầy đủ hoặc mong muốn được sanh vào các cõi Thiền sắc và Vô sắc.
    3. Kiến Trầm là quan kiến sai lầm tức là sự hiểu biết trái vớisự thật.
    4. Vô Minh Trầm là lòng mê muội thiếu sáng suốt, không thấy rõ các nhân quá khứ tạo quả hiện tại; và không biết rõ các nhân hiện tại tạo quả tương lai tức là duyên khởi (Thập Nhị Nhân Duyên).
    Bốn pháp này luôn luôn ướp nhuộm chúng sanh hay là ngâm ẩm chúng sanh mãi tiêm nhiễm theo thói quen trong đời nên chẳng được giải thoát cũng như gỗ ngâm trong ao nước do đó nên gọi là Tứ Trầm (4 pháp chìm đắm).

  2. Tứ Bộc (Cattāro Oghā) là 4 pháp lôi cuốn chúng sanh mãi nổi trôi trong bể khổ Tam giới. Chi pháp của Bộc cũng giống như Trầm, nhưng nói về phương diện chìm đắm thì gọi là Trầm; còn nói về phương diện lôi cuốn trôi đi thì gọi là Bộc. Chi Pháp của Tứ Bộc là Dục Bộc, Hữu Bộc, Kiến Bộc là Vô Minh Bộc.

  3. Tứ Kết (Cattāro Yogā) là 4 pháp trói buộc chúng sanh dính mắc trong vòng sanh tử. Về phương diện dính mắc gọi là kết chớ chi pháp vẫn giống như Trầm và Bộc. Nên gọi là Dục Kết, Hữu Kết, Tà Kiến Kết và Vô Minh Kết.

  4. Tứ Phược (Cattāro Ganthā) là 4 pháp trói buộc Thân không thể rời ra hoặc không thể dứt bỏ được. Chi pháp của Tứ Phược là:
    1. Tham ái Thân Phược: lòng Tham muốn thái quá nên không thể rời ra hay dứt bỏ được những đối tượng khả ái.
    2. Sân Ðộc Thân Phược: lòng Sân độc ác quá nặng nên trói chặt Thân Tâm không thể xa lìa hay giải thoát được; như câu "Chữ phụ thù bất cộng đái thiên"; hay tích nhà vua A Dục vì oán hận vị Ðại thần ngăn cản việc bố thí của Ngài nên sau khi chết sanh làm rắn dữ với ý muốn cắn chết vị quan đại thần v.v...
    3. Giới Thủ Thân Phược: chấp giữ theo tục lệ cúng tế hoặc giữ gìn theo những giới ngoại đạo tức là những pháp nghịch không có mục đích giải thoát: không làm Thân, Khẩu, Ý trong sạch được như các hình thức khổ hạnh v.v...
    4. Ngã Kiến Thân Phược: chấp giữ bản ngã quá nặng nên trói cột cả Thân Tâm, không thể tiến hóa được tức là những thành kiến cố hữu quá sâu đậm, những người bị ngã Kiến Thân Phược rồi thì không bao giờ chịu cầu tiến!

    Bản thể pháp của Tứ Phược là Tham, Sân và Tà Kiến (Giới Thủ Thân Phược, Ngã Kiến Thân Phược).

  5. Tứ Thủ (Cattāro Upādānā) 4 pháp chấp giữ, quá cố chấp, quá luyến ái gọi là Thủ. Thủ có 4:
    1. Dục Thủ là lòng Tham muốn Ngũ trần quá khắn khít, quá thiết tha. Thí dụ: như chất keo làm cho 2 mãnh ván dính liền nhau.
    2. Kiến Thủ là chấp cứng theo quan niệm sai lầm.
    3. Giới Cấm Thủ (như giới thủ thân phược).
    4. Ngã Chấp Thủ là ôm ấp trong Thân Tâm là có linh hồn, có tự ngã trường tồn bất biến. Ngã Chấp Thủ có 20 thứ:

      Sắc Uẩn và Tự Ngã là một. Sắc Uẩn là sở hữu của Tự ngã. Trong Sắc Uẩn có Tự ngã. Trong Tự ngã có Sắc Uẩn. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng tính theo 4 cách. Như vậy nên Ngã Chấp Thủ có đến 20.

  6. Lục cái (Chanivaranāni) là sáu pháp Bất Thiện ngăn che các Thiện Pháp, nhất là thiền không được phát triển. Pháp Cái có 6:
    1. Tham Dục Cái là lòng đắm nhiễm tham muốn Ngũ trần; Tham Dục cái ngăn chặn chi định của Thiền.
    2. Sân Ðộc Cái là trạng thái nóng nảy, sôi nổi, bực bội, giận dữ; Sân Ðộc Cái đè ép chi hỷ của Thiền.
    3. Hôn Thụy Cái là dã dượi, buồn ngũ; Hôn Thụy Cái ngăn chận chi Tầm của Thiền.
    4. Trạo Hối Cái là trạng thái giao động và hối tiếc; Trạo Hối Cái đối nghịch với chi Lạc của Thiền.
    5. Hoài Nghi Cái là sự nghi hoặc không tin; Hoài Nghi Cái đối lập với chi Tứ cuả Thiền.
    6. Vô Minh Cái là sự mê muội, không sáng suốt; Vô Minh Cái che đậy trí tuệ của chi Ðạo.

    Bản thể pháp của Lục Cái: Tham Dục cái là sở hữu của Tham; Sân Ðộc Cái là sở hữu của Sân; Hôn Thụy Cái là sở hữu Hôn Trầm và Thụy Miên; Trạo Hối Cái là sở hữu phóng dật và sở hữu Hối; Hoài Nghi Cái là sở hữu Hoài Nghi; Vô Minh Cái là sở hữu Si.

  7. Thất Tiềm Miên (Sattānusaya) là bảy pháp ngủ ngầm, gọi là pháp ngủ ngầm phải được hiểu là những pháp này đối với phàm nhân nếu có cơ hội thích ứng thì những pháp này sẽ phát sanh chứ không phải những pháp này có sẵn và còn hoài để ẩn nấp trong tâm như cặn trà trong ly nước; Bởi các pháp đều Vô Ngã, nên không có một pháp nào thường hằng và bất biến. Bảy pháp ngủ ngầm là:
    1. Ái Dục Tiềm Miên là sự tham ái ngũ dục được xem như một cố tật của mỗi người, nếu gặp ngũ dục thích hợp thì lòng luyến ái khởi lên.
    2. Ái Hữu Tiềm Miên là sự vọng mống các loại Thiền sắc và Vô Sắc: cũng được xem là một cố tật của những vị đã từng tu Thiền Chỉ.
    3. Phần Uất Tiềm Miên là tánh sân hận, nóng nảy cũng là một thói quen của phàm nhơn và các vị Thánh hữu học bật thấp mỗi khi gặp nghịch cảnh.
    4. Ngã Mạn Tiềm Miên là tánh cống cao, kiêu hảnh: cũng là một cố tật của những người hay tự đắc tự cao.
    5. Tà Kiến Tiềm Miên là nết quen theo tri kiến tà vạy.
    6. Hoài Nghi Tiềm Miên là tánh phân vân, không quyết tin Tam Bảo: cũng là một cố tật của những người thích giao du với kẻ nhiều Tà kiến.
    7. Vô Minh Tiềm Miên là cá tánh ngu si, mê dại nhiều đời. Bảy pháp Bất Thiện này được xem là cố tật, thói quen hay là những thành kiến cố hữu nên hễ cơ duyên thích hợp thì chúng phát sanh lên, do đó mà gọi chúng là pháp ngũ ngầm.
    Bản thể pháp của Thất Tiềm Miên: Ái dục Tiềm Miên và ái Hữu Tiềm Miên là sở hữu Tham Phần. Phần Uất Tiềm Miên là sở hữu Sân. Ngã Mạn Tiềm Miên là sở hữu Ngã Mạn. Tà Kiến Tiềm Miên là sở hữu Tà Kiến. Hoài Nghi Tiềm Miên là sở hữu Hoài Nghi. Vô Minh Tiềm Miên là sở hữu Si.

  8. Thập Triền (Samyojāna) là mười pháp trói buộc chúng sanh. Triền khác hơn Kết, Phược ở chỗ Kết là thắt cứng; Phược là cột chặt; Triền như cột quấn thường mà thôi. Triền có 10:
    1. Ái Dục Triền là bị buộc do đắm say Ngũ dục.
    2. Ái Sắc Triền là bị trói buộc do tâm luyến ái cảnh và cõi Thiền sắc giới.
    3. Phẩn Uất Triền là bị trói buộc là vì Tâm Sân hận.
    4. Ngã Mạn Triền là bị trói buộc do sự kiêu căng.
    5. Kiến Triền là bị Tà Kiến trói buộc.
    6. Giới Cấm Triền là bị buộc chặt trong giới luật tà đạo tức là vâng giữ theo những giáo điều phi lý không lợi ích.
    7. Hoài Nghi Triền là bị sự nghi hoặc ràng buộc.
    8. Tật Triền là Tâm Tâm bị cột trói bởi tánh ganh gổ, ghen ghét tức là trạng thái tránh phần hơn của kẻ khác.
    9. Lận Triền là Thân Tâm bị cột trói Bởi lòng keo kiệt bỏ xẻn.
    10. Vô Minh Triền là bị sự si mê trói buộc.

    Bản thể pháp của Thập Triền: Ái Dục Triền và Ái Sắc Triền là sở hữu Tham, Phẩn Uất Triền là sở hữu Sân, Ngã Mạn Triền là sở hữu Ngã Mạn, Tà Kiến Triền và Giới cấm Thủ Triền là sở hữu Tà Kiến, Hoài Nghi Triền là sở hữu Hoài Nghi, Tật Triền là sở hữu Tật, Lận Triền là sở hữu Lận, Vô Minh Triền là sở hữu Si.

  9. Thập Phiền Não (Kilesa) là mười pháp làm cho Tâm nhơ đục. Thập Phiền Não này là:
    1. Tham Phiền Não là lòng ham muốn Ngũ trần làm cho Tâm vẫn đục.
    2. Sân Phiền Não là lòng Sân hận làm mờ ám tâm trí.
    3. Si Phiền Não là trạng thái mê muội bao phủ tâm trí.
    4. Ngã Mạn Phiền Não là kiêu mạn là vật làm cho tâm trí bợn nhơ.
    5. Tà Kiến Phiền Não là Kiến chấp sai lầm làm mờ tâm trí.
    6. Hoài Nghi Phiền Não là trạng thái phân vân lưỡng lự, không quyết tin Tam Bảo, trở thành vật chướng ngại cho tâm trí.
    7. Hôn Trầm Phiền Não là sự buồn ngủ, dả dượi khởi lên ngăn che trí sáng suốt.
    8. Phóng Dật Phiền Não là trạng thái loạn động làm cho tâm trí bị chi phối theo cảnh trần cũng là vật nhơ bẩn của Tâm.
    9. Vô Tàm Phiền Não làm cho tâm nhơ nhớp do trạng thái không hổ thẹn tội lỗi.
    10. Vô Úy Phiền Não là sự nhơ bợn của tâm do không ghê sợ tội lỗi.

    Bản thể pháp của Phiền Não: Tham Phiền Não là sở hữu Tham. Sân Phiền Não là sở hữu sân. Si Phiền Não là sở hữu Si. Ngã Mạn Phiền Não là sở hữu Ngã Mạn. Tà Kiến Phiền Não là sở hữu Tà Kiến. Hoài Nghi Phiền Não là sở hữu Hoài Nghi. Hôn Trầm Phiền Não là sở hữu Hôn Trầm. Phóng dật Phiền Não là sở hữu Phóng Dật. Vô Tàm Phiền Não là sở hữu Vô Tàm. Vô Úy Phiền Não là sở hữu Vô Úy.

Trích Vi Diệu Pháp Nhập Môn
Tỳ kheo Giác Chánh


Ác Nghiệp | | Bưởi Witchy

Người Phát Hiện | | Chánh Tín

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com