Đám đông

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Đám đông

KTC (6) 4. 68 Hội Chúng
Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy ưa thích hội chúng, vui thích hội chúng, chuyên tâm ưa thích hội chúng, ưa thích đồ chúng, vui thích đồ chúng, chuyên tâm ưa thích đồ chúng, vui thích đồ chúng sẽ hoan hỷ sống một mình, sống viễn ly, sự kiện này không xảy ra. Không hoan hỷ sống một mình, sống viễn ly, vị ấy sẽ nắm giữ tướng của tâm, sự kiện này không xảy ra. Không nắm giữ tướng của tâm, sẽ làm cho viên mãn chánh kiến, sự kiện này không xảy ra. Không làm cho viên mãn chánh kiến, sẽ làm cho viên mãn chánh định, sự kiện này không xảy ra. Không làm cho viên mãn chánh định, sẽ từ bỏ các kiết sử, sự kiện này không xảy ra. Không từ bỏ các kiết sử, sẽ chứng ngộ Niết-bàn, sự kiện này không xảy ra.
AN (6) 4. 68. Saṅgaṇikārāma suttaṃ
‘‘‘So vata, bhikkhave, bhikkhu saṅgaṇikārāmo saṅgaṇikarato saṅgaṇikārāmataṃ anuyutto, gaṇārāmo gaṇarato gaṇārāmataṃ anuyutto, eko paviveke abhiramissatī’ti netaṃ ṭhānaṃ vijjati. ‘Eko paviveke anabhiramanto cittassa nimittaṃ gahessatī’ti netaṃ ṭhānaṃ vijjati. ‘Cittassa nimittaṃ agaṇhanto sammādiṭṭhiṃ paripūressatī’ti netaṃ ṭhānaṃ vijjati. ‘Sammādiṭṭhiṃ aparipūretvā sammāsamādhiṃ paripūressatī’ti netaṃ ṭhānaṃ vijjati. ‘Sammāsamādhiṃ aparipūretvā saṃyojanāni pajahissatī’ti netaṃ ṭhānaṃ vijjati. ‘Saṃyojanāni appahāya nibbānaṃ sacchikarissatī’ti netaṃ ṭhānaṃ vijjati.

Thích hội chúng nó khác, mà sống có thầy có bạn nó khác. Sống có bạn nó khác chỗ nào? Sống có bạn mình hiểu nôm na là mình thích những loại cây đẹp, những loại cây quí. Còn người thích hội chúng là gì? Là người thích lăn mình ở trong cỏ dại. Hai cái khác nhau, phải ghi nhớ cái chỗ này.

Có thầy, bạn tốt nghĩa là quan hệ có chọn lọc, còn thích thú đám đông là tâm thái quên mình vì ham vui. Hai cái khác nhau, chớ đừng có đem cộng thành một. Một vị tỳ kheo nên có thầy, bạn xứng đáng; nhưng mà một tỳ kheo thích hội chúng, thích đám đông là thất bại.

Nó có tới một ngàn lẻ một lý do để một người tu lìa xa đám đông: Khi mình xáp vô đám đông mình được cái gì? Phần mất thì có, phần được thì không. Tin tôi đi, tôi không có thần thông, tôi không phải là một vị chơn tu đạo cao đức trọng, huệ căn sâu dầy gì hết. Tôi chỉ dựa vào kinh sách và đặc biệt dựa vào kinh nghiệm của tuổi đời 50, tôi có thấy cái này: Bất kỳ một cá nhân tăng, tục; nghĩa là tăng ni và phật tử nào, bất kỳ, anyone, anybody, mà không có khả năng sống một mình; mà cứ đi rề rà rề rà, la cà, lân la tìm tới để mà nương dựa người khác, mỗi ngày phải kiếm người để mà tâm sự, trao trút một người, hai người, ba người, năm người, mười người; có nghĩa là thích quần tụ, thích đám đông, thích bầy đàn, theo tôi người đó không có khá. Đối với tôi người đó là con số không. Vì sao? Vì ở ngoài đời một thằng học sinh, một thằng sinh viên mà nó hiếu học nó đã không có thì giờ để mà xáp vô cái đám bạn rẻ tiền.

Ngoài đời đó, nói chi là một người biết đạo, hiểu biết giáo pháp giải thoát thì làm sao mà mình có khả năng tâm lý để mà mình theo đuổi rồi dây dưa, rồi la cà với thiên hạ được quí vị?

Khi nào bản thân quí vị không tự mình làm điểm tựa cho chính mình, tự mình không có khả năng đem lại niềm an lạc cho mình thì mình mới hướng ngoại, mình mới đi tìm đến kẻ khác, mình nương đổ, tựa nương kẻ khác để mà tìm lấy một sức sống, một niềm vui. Chứ còn nếu các vị có học giáo lý, các vị có tu tập thiền định, các vị sẽ thấy rằng thời gian để mà các vị suy tư giáo lý, thời gian để tu tập thiền định đã còn không có, thì làm gì mà có thời gian để mà dây dưa, rề rà với thiên hạ?

Các vị tin tôi đi. Thiên hạ tôi không biết là bao nhiêu người, năm người, mười người, trăm người, ngàn người xáp vô là chỉ có phiền não thôi, trừ phi các vị là thánh hoặc cái đám đông đó toàn là thánh. Còn không khó lắm, nếu không muốn nói là không thể. Cứ ăn rồi xáp vô đám đông, đám đông có hai: đám đông ngoài đời và đám đông online. Đám đông ngoài đời là bạn bè có thể lái xe tới gặp nhau. Đám đông online là phải vô facebook, phải email, phải text chat, phải điện thoại đầu này đầu kia.

Tôi nhắc lại, có một lý tưởng sống ngon lành thì họ dứt khoát không có thời gian để mà tìm tới đám đông đâu quí vị. Kẻ nào mà còn thiết tha với đám đông là kẻ đó không có lý tưởng sống, không có cái khả năng sống một mình đem lại sự an lạc cho riêng mình. Không có khả năng đó, họ phải nương đổ vào quần chúng. Đó là một người còn chìm đắm trong đám đông thì không có tài nào có khả năng an lạc với riêng mình.

Mà chúng ta nên nhớ rằng chúng ta vốn dĩ cô đơn từ vô thủy luân hồi. Mỗi người có một hạnh nghiệp riêng, thưa quí vị. Dầu chúng ta có là cha, là mẹ, là chồng, là vợ, là con, là cái, là anh, là chị, là em, là cháu với nhau trong đời này thì chắc gì đời sau chúng ta gặp lại? Đó là chuyện thứ nhất. Thứ hai, cơ hội mang thân trời người, nhân thiên rất là khó; cơ hội đó đã khó, cơ hội được gặp nhau càng khó hơn.

Cho nên, chúng ta vốn dĩ là cô đơn, mà nói như vậy chúng ta cô đơn đã quen rồi, chúng ta quen khổ một mình, quen vui một mình, quen ác một mình, quen thiện một mình. Chẳng qua vì ảo giác, chúng ta thấy rằng một chiều mưa biên giới, ngồi một mình hiu quạnh cô độc quá chúng ta thèm một bàn tay, một mái tóc, một ánh mắt, một tia nhìn để sởi ấm lòng mình cho nó bớt cô quạnh, mình tưởng đó là tri âm tri kỷ. Không có đâu. Nó chỉ góp phần chen lấn thôi, chứ niềm cô đơn của chúng ta vẫn muôn đời nằm đó không ai chia xẻ được cho mình đâu. Tôi xin quí vị tin như vậy đi.

Cho nên một người tu hành mà còn tìm đến đám đông là người này không có khả năng quán chiếu, không có khả năng nội tĩnh. Không có khả năng nội tĩnh, không có khả năng quán chiếu thì anh tu cái gì? Khi anh không hiểu rằng công việc mà để anh làm nó đã vốn không có thời gian rồi, anh đi biết đi, ngồi biết ngồi, đứng biết đứng, vui biết vui, buồn biết buồn, thở ra thở vào biết rõ, thiện ác buồn vui biết rõ. Chỉ riêng chừng đó việc, anh đã không có đủ thời gian cho anh, thì anh làm gì mà anh có thời gian cho đám đông khác?

Đừng có nói với tôi là chư Phật, chư thánh ngày xưa đi hoằng pháp người ta rần rần đó thì sao? Tôi xin các vị nhớ, người ta là Phật đó, các vị có phải Phật chưa? Đừng có đem so Ngài với mình. Mình có bằng cái hạt bụi dưới chân Ngài không mà cứ đem thánh hiền ra so hoài, mệt quá. Ngài đi hoằng pháp chớ không phải là Ngài xáp vô đám đông.

Còn mình, mình cứ xáp vô đám đông, mình nhân danh từ thiện, mình nhân danh học viện, nhân danh thiền viện, nhân danh hoằng pháp, nhân danh xã hội, nhân danh trách nhiệm, nhân danh bổn phận, nhân danh đủ thứ. Chúng ta đứng dưới tên của nhiều cái gọi là mỹ từ, núp dưới mỹ từ để rồi chúng ta cả đời không có khả năng sống một mình. Trong khi việc mà mình phải làm với mình nó tới một tỷ lận. Cho nên Đức có một câu rất là hay: "Cái người mạnh nhất là người có khả năng sống một mình". Đại Hàn thì nói thế này: "Không phải đứa mạnh nhất mà sống, mà đứa sống được mới là đứa mạnh nhất".

Chúng ta thấy là chính Đức Phật đã kêu gọi tinh thần độc cư. Nhưng không phải đạo Phật là đạo bi quan, bắt mình ăn rồi cứ nghĩ ba cái chuyện bất tịnh, rồi niệm chết, rồi niệm cõi sa đọa... Đã vậy còn bắt sống một mình. Cái đạo gì buồn dữ trời? Nhưng mà không phải vậy. Cái đạo này là đạo dành cho người trưởng thành. Cái đạo này là đạo dành cho mấy người dám nhìn vào sự thật. Vì hôm nay anh có thấy được sự thật thì mai này anh có đối diện với nó, anh mới có thể tiếp tục ngon lành, bảnh bao. Còn bình thường lúc vô sự mà anh không có bản lãnh để thấy ra sự thật, anh chưa có khả năng để anh thấy nó thì mai này nó ập vô mặt anh, anh làm sao anh chịu nổi?

Không có khả năng sống một mình bây giờ, thì mai này anh vào bệnh viện anh sống một mình, anh nằm với ai? Anh nằm với con người của anh. Anh ở đó, trên giường chết, anh hấp hối với ai? Hấp hối với anh. Anh tắt thở rồi, anh đi về một phương trời miên viễn chiêm bao nào đó, thì anh đi với ai? Anh đi một mình anh. Anh đừng có nói với tôi là anh có vợ, có chồng, có con có cái, có bạn có bè, có tri kỷ, tri âm. Tôi van anh đừng có nghĩ dại như thế nha. Anh mãi hoài trước sau chỉ có một mình anh. Anh đã luân hồi vô số kiếp, một mình anh, anh có nghiệp thiện, nghiệp ác của một mình anh, anh đi vào các cõi một mình anh.

Có một điều trong cái cõi nào đó, anh vô đó anh thấy chung quanh, nhìn những người gần gũi anh về quan điểm, về không gian, về địa dư. Anh cho đó là bầy đàn, là đoàn thể, là cộng đồng, là dân tộc, là xã hội, là đất nước, là quê hương, là cố quận của anh; chớ thật ra hỏng có! Anh vẫn một mình, anh chỉ là một chiếc lá giữa rừng lá thôi, anh hiểu không?

Anh chỉ là một giọt nước trong một cái dòng nước, mà nói vậy thì mình cũng không thấy sự lẻ loi của nó. Nhưng mai này mà có ai đó lấy một giọt nước đem lên bờ mới thấy nó lẻ loi biết chừng nào! Khi một giọt nước rời khỏi dòng nước, những giọt nước còn lại có đứa nào buồn, có đứa nào kêu réo, nhớ thương không? Không có. Ngày nào anh còn ở với chúng tôi thì anh là một phần của cái cộng đoàn mà chúng ta đang có mặt. Mai này duyên đến đẩy anh đi thì anh đi phần của anh, chúng tôi tiếp tục ở lại. Đó là chuyện đời nó bạc như vậy đó.

Tôi nói không biết là bao nhiêu lần, thương nhau cho lắm, yêu nhau cho lắm, nhớ cho lắm, đám tang khóc nhiều cho lắm, một thất, hai thất, bảy cái thất, 49 ngày là "finish"*, là "fertig"*, là "finire"*, không còn gì hết, tin tôi đi. Nhiều lắm mỗi năm đến ngày giỗ có nhắc lại một chút. Ừ, nói mới nhớ còn tháng nữa giỗ thượng tọa Thiện Minh của mình Chùa Bửu Quang. Hồi mới mất thôi ta nói um sùm bát nhã, bát nháo rồi sau đó mất tiêu. Bây giờ còn một tháng nữa sắp giỗ nè, giỗ giáp năm, mà tôi ngồi tôi coi có ai nhắc nhở gì không. Tôi cũng tính muốn viết cái gì đó, hỏng lẽ bây giờ, thứ nhất viết hoài cũng dở, thứ hai nữa có một mình mình làm cũng kỳ, người ta nghi ngờ hỏng biết có chuyện gì không, tại sao có mình ông này ổng lên tiếng. Nhưng mà tự nhiên nó chạnh lòng, nó nghĩ "Ờ sao hỏng ai nhắc gì Sư Thiện Minh hết". Nhớ vậy, nó qua rồi thôi.

Hòa thượng Hộ Giác ngày xưa đương thời của Ngài từ 1958 cho tới 1975, đặc biệt trong thời pháp nạn, theo chúng tôi được biết, bên Thiên Chúa thì có Cha Nguyễn Văn Vàng, bên mình thì có Pháp sư Giác Đức, có Hòa thượng Hộ Giác thuyết pháp là kẹt xe, kẹt xe từng đoạn, từng đoạn. Rồi thì sao? Cuối cùng rồi thì về già, mấy năm cuối đời gần tịch quạnh hiu, có ai biết gì đâu? Có lúc khoảng chừng tuần lễ, nửa tháng sắp tịch có mấy người đệ tử ở tiểu bang xa bay về xẹt qua xẹt lại hai, ba bữa rồi cũng biến mất. Họ cũng có việc của họ chứ, họ có vợ, chồng, con cái rồi họ đi về họ lo chuyện của họ. Một thời lừng lẫy tiếng tăm rồi sau đó chìm vào lãng quên. Tôi không có nói chuyện đó quí vị không có thấy sự bạc bẻo của đám đông.

Ngày nào nó rần rần, rần rần như vậy đó, bây giờ có một thân một mình như vậy thôi.

"Còn duyên ăn nhãn, ăn hồng. Hết duyên bán mít cho chồng, con xơi",
"Còn duyên kẻ đón, người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình".

Cái chuyện đó không có gì lạ hết quí vị. Hoa hậu, diễn viên, ca sĩ một thời nức tiếng, lúc đương thời thôi, thưa quí vị. Tới hồi mà nó lụi rồi đó, các vị biết Hùng Cường chết kiểu gì không? Các vị biết Minh Phụng chết kiểu gì không? Các vị vào trong Chùa Nghệ sĩ ở Saigon các vị coi mồ mả của các nghệ sĩ tiền bối nằm ở đó, các vị coi những nghệ sĩ già tuổi xế chiều, cái nghiệp diễn nó hết rồi, duyên diễn nó hết, bây giờ họ sống lây lất trong đó, họ sống ra làm sao?

Tôi nói không có lạc đề đâu, tôi đang nói cái đám đông nó bạc cỡ nào, nó vô ích cỡ nào, nó tào lao cỡ nào, mặc dù chính đám đông đã hỗ trợ cho sự nghiệp của chúng ta.

Chúng ta sống không thể thiếu đám đông, nhưng mà nhớ đám đông là nước. Có nước thuyền mới đi, nhưng mà khi thuyền nó chìm rồi thì xong. Đừng có đòi hỏi nước: "Tại sao ngày xưa anh nâng tôi bây giờ anh không nâng tôi nữa? Tại sao ngày xưa anh đưa tôi đi đến biết bao nhiêu bến bờ viễn xứ, bây giờ tôi chìm xuống anh không có một động thái nào để kéo tôi lên, để đưa tôi trở về cái vàng son quá khứ?" - "Không", Nước sẽ trả lời: "Không, ngày nào anh còn nổi thì tôi đưa anh đi, anh vẫn đi bằng cái mái chèo của anh, tôi chỉ trợ lực, tôi chỉ giúp sức cho anh thôi. Chớ còn anh không thể trông cậy, nương đổ vào tôi 100%."

Đám đông cũng vậy, anh còn gượng được chúng tôi hỗ trợ anh, nhưng mà anh nhớ luật của trời đất "Thiên hạ phù thịnh bất phù suy". Anh còn đi được, còn gượng được thì chúng tôi còn hà hơi, tiếp sức giúp anh. Anh đã sụm bà chè thì anh đi chết đi vì thiên hạ phù thịnh bất phù suy, chỉ giúp người đang đăng quang chớ không ai giúp người ngã ngựa hết. Đó là cái sự bạc bẽo, sự bẽ bàng của cái gọi là đám đông.

Một vị tỳ kheo không hiểu ra điều đó, ăn rồi cứ cắm đầu gục mặt ở trong đám đông thì coi như tàn đời. Cho nên Ngài nói rằng một vị tỳ kheo mà còn chìm đắm trong đám đông, còn tin cậy, còn nương đổ vào đám đông thì cái đạo nghiệp vị đó là zero.

Trích bài giảng ngày 05.06.2019 KTC.6.65 Vị Bất Lai
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép

(*) "finish" nghĩa là 'hết' (tiếng Anh), "fertig" (tiếng Đức), "finire" (tiếng Ý)


Bố Thí | | Ai Bấm Chuông

Đời Là Bể Khổ | | Lựa Chọn

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com