Bánh Mì Nguội

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Bánh Mì Nguội

Trong cái đêm cuối sắp nhập niết bàn, Đức Phật đã dạy cho Ngài Anan và chư tăng "Này các tỳ kheo, cách tốt nhất, cao quí nhất, ý nghĩa nhất, linh thiêng nhất để mà cúng dường Như Lai đó là hành trì lời dạy của Như Lai". Các vị vô lục dùm tôi đoạn cuối của kinh Đại bát niết bàn sẽ thấy cái đoạn này. Ngài nói đó là cách cúng dường tốt nhất. Ngày xưa, tôi đọc cái này tôi thấy chắc tại vì Ngài là Phật thì Ngài nói như vậy thôi, Ngài muốn cho mình tu chớ Ngài đâu có thích mình bái lạy Ngài. Mình có lạy Ngài thì Ngài có biết đâu, Ngài tịch rồi; thứ hai nữa, Ngài đâu có được cái gì đâu cho dầu Ngài còn tại thế thì mình lạy Ngài, bây giờ cả rừng nó quì nó lạy Ngài, Ngài có được cái gì đâu? Nhưng mà không, hiểu như vậy cạn lắm. Thứ nhất mình nghĩ Ngài là thánh Ngài không có thích gì hết; cái thứ hai, Ngài đâu có mập béo gì đâu; thứ ba Ngài vì lòng đại bi Ngài kêu mình tu, mình đừng có xì xụp vậy phước nó nhỏ lắm, hiểu như vậy.

Nhưng không. Càng lớn tôi mới thấy, nếu mà thật dốc lòng kính Phật, trên đời này không có người nào kính Phật hơn người hành lời Phật. Tin tôi đi. Anh học bằng trời đi nữa, nếu mà anh không có sống chánh niệm, anh không có sống trí tuệ, anh không có sống thiền định thì cái lòng kính Phật của anh không thể nào rốt ráo được. Bởi vì chỉ có cái tay nào mà sống chánh niệm thì mới hiểu được giá trị của lời Phật sâu sắc, thực tế đến mức nào. Phải tin tôn kính đạo sư là như vậy đó, thưa quí vị.

Thí dụ như hôm nay, tự nhiên các vị tới đưa tôi hình một cái bà lạ hoắc rồi nói "Hình má của sư đó." Mà nhỏ lớn tôi mồ côi đâu biết má tôi là ai. Tự nhiên giờ đưa tôi cái hình nói là má tôi thì khổ quá. Không tin thì không được, mà tin thì tin làm sao đây? Nhất là cái người đưa lại là người tôi thương, tôi quí nữa, thí dụ đó là ba tôi, hay đó là ông nội tôi đưa. Thì tôi biết nghĩ làm sao đây? Nó gượng lắm quí vị. Nhưng cái này tôi biết có nè. Là từ cái thuở ba, bốn tuổi tôi biết cái cảnh nhà dột, cột xiêu. Rồi má tôi phải buôn gánh bán bưng. Những đêm mưa gió má gánh cái gánh chè, má đi má rao bán trên những khoảng đường vắng. Đêm hôm về má nấu chè nấu cháo má làm nhẹ tay; má sợ mình giựt mình thức giấc. Rồi những lần mình bị ấm đầu nóng lạnh má thức đêm má canh. Có khi nhà nghèo không có tiền mua thuốc, má đỏ mắt, má khóc thầm. Rồi má đi má vay gạo, vay tiền để về mua thuốc cho mình. Đó! Cái đó tôi biết má tôi rành như vậy đó. Thì mai mốt mà nói tới má một cái là một lít nước mắt nó trào ra, mà khóc bằng máu được tôi cũng khóc bởi vì tôi quá thương má tôi. Tôi hiểu má tôi rành lắm. Rồi tự nhiên bây giờ có ai đó đưa một cái hình một cái bà lạ hoắc rồi nói là má đó thì tôi gượng lắm.

Ở đây cũng vậy, mình biết về Phật ít quá thì cung kính là cung kính cái gì? Mình cung kính cái gì? Nghe đồn Ngài đẹp trai, 32 tướng tốt, nghe nói Ngài phù phép giỏi thần thông, Ngài trí tuệ, Ngài minh triết. Thì mình nghe mình cũng quì lạy, nhưng mà cái đầu nó hoang mang dữ lắm. Rồi bây giờ dầu kinh điển mình biết nhiều bằng trời nhưng không có đời sống chánh niệm - nghe kỹ chỗ này - khi mình không có thu hoạch lợi ích từ lời dạy của Ngài thì cái lòng tôn kính của mình đối với Ngài chưa được tới nơi tới chốn. Tôi nhắc lại: Khi mình chưa có thu hoạch được cái lợi lạc từ lời dạy của Ngài thì mình kính là kính chỗ nào? Mình mang ơn là mang ơn chỗ nào? Nói vậy quý vị hiểu không?

Phải có thu hoạch được lợi ích từ lời dạy của Ngài thì cái ơn đó nó mới lớn.

Tôi nhớ hoài cái chuyện lần đầu tiên tôi ăn cái phô mai của Thụy Sĩ. Sáng điểm tâm khi người ta đưa tôi khúc bánh mì nóng, giòn, ngon, thì mình cảm kích. Còn đằng này họ đưa cho mình cái miếng bánh mì mềm èo lạnh ngắt, rồi một cục phô mai nó lên meo mốc không. Tôi nói "Trời đất ơi! Sao họ bạc đãi mình dữ vậy ta?" Nhưng mà sau đó mình biết họ cưng mình như má của họ. Là tại sao? Cái ổ bánh mì đó tại sao nó mềm, tại sao nó lạnh? Tại nó được lấy từ trong tủ lạnh ra. Trên đời này không có cái bánh mì nào mà nó giòn cho bằng cái bánh mì nướng tại chỗ. Và chính vì vậy cho nên họ phải lấy cái bánh mì ở trong tủ lạnh ra để chi? Họ cho mình nướng tại chỗ mà mình ngu quá, mình nhà quê, mình Hai Lúa, mình Út Nếp, không có biết cái đó. Cho nên khi họ mời điểm tâm, mình thấy họ dọn ra mà họ chưa kịp nói, vì họ đang bận cái gì bên kia, là mình nhìn mình hỡi ôi, mình để cái bàn tay mình lên trên cái dĩa "Trời ơi sao nó lạnh ngát vậy trời?". Liếc qua phô mai gì mà nó một ổ giống như bánh bao mà bị người ta đạp lên vậy, nó chèm bẹp mà mốc không. Sau này mình mới biết đó là một loại phô mai cực ngon, ngon vô cùng. Họ chỉ mua cái đó cho bà cố của họ ăn thôi; mà họ cho mình ăn. Rất là ngon, mà meo mốc không. Ai mai này đi về Pháp, về Thụy Sĩ làm ơn nhớ dùm nhiều cái món đồ nguội, nhất là phô mai mà thấy meo mốc vậy đó, làm ơn đừng có nghĩ nó hư rồi đem liệng nha. Tôi đã bị một vị sư bạn hại tôi. Kỳ đó tôi đi bên Majorca với ông sư bạn, thầy Tuệ Dũng. Thầy gặp mấy cái hộp nấm đông cô mà nó bị có chút xíu gì đó mà thầy tưởng là mốc thầy đem liệng hết. Tới hồi mấy người phật tử đi chung họ nấu ăn họ mới hỏi "Nấm đâu?" Thầy nói thầy liệng mất rồi tại thầy tưởng nó hư. Đấy! Cái vấn đề nó nằm ở chỗ đó.

Tôi nhắc lại thế này, khi mà mình có được lợi ích từ lời của Phật thì phải nói là cảm kích, giống như hồi nãy khi tôi hiểu được "À! cái bánh mì nó lạnh ngắt là bởi vì người ta muốn mình đem đi nướng để mình được ăn bánh mì giòn nhất, mới nhất trên hành tinh. Thứ hai, cái loại phô mai này nó phải có cái vỏ mốc mốc meo meo như vậy mới đúng là nó chính hiệu." Loại Camembert de Riz của Pháp trong cái hộp nó mốc như vậy đó. Nó phải mốc như vậy.

Ở đây lời Phật cũng vậy, nếu mình chỉ học trong kinh, mình đọc phớt phớt, phớt qua, mình sẽ thấy nó giống như một miếng bánh mì nguội lạnh ngắt, một miếng phô mai bị meo mốc. Rồi bây giờ kêu mình cảm kích cái người mà cho mình miếng bánh mì như vậy, kêu mình cảm kích cái người mà cho mình miếng phô mai như vậy, mình cảm kích cái gì? Nhưng kể từ lúc tôi biết được, tôi biết được vì sao có hai miếng bánh mì đó, vì sao có miếng phô mai mốc đó, tôi cảm kích cái người đó vô cùng. Hôm nay nhắc lại tôi vẫn còn thương, thương ở chỗ là họ đã kiên nhẫn giải thích cho tôi nghe. Họ đã lựa cái ngon nhất trên đời này cho tôi ăn.

Về Phật cũng y chang như vậy, thưa quí vị. Các vị phải thu hoạch cái lợi ích từ lời Phật thì các vị mới có thể thương Phật tới nơi tới chốn, chớ không thì nhìn Ngài cũng như lời dạy của Ngài giống như miếng bánh mì nguội vậy.

Trích bài giảng ngày 05.06.2019 KTC.6.65 Vị Bất Lai
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép

Trường Bộ Kinh 16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn Tụng phẩm V
3. Rồi Như Lai nói với tôn giả Ananda:
- Này Ananada, các cây sàlà song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.
- Nhưng, này Ananda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường hay lễ kính Như Lai. Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ananda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ananda, các Người phải học tập như vậy.
Digha Nikaya
Mahàparinibbàna sutta 5
193. Atha kho bhagavā āyasmantaṃ ānandaṃ āmantesi – ‘‘sabbaphāliphullā kho, ānanda, yamakasālā akālapupphehi. Te tathāgatassa sarīraṃ okiranti ajjhokiranti abhippakiranti tathāgatassa pūjāya. Dibbānipi mandāravapupphāni antalikkhā papatanti, tāni tathāgatassa sarīraṃ okiranti ajjhokiranti abhippakiranti tathāgatassa pūjāya. Dibbānipi candanacuṇṇāni antalikkhā papatanti, tāni tathāgatassa sarīraṃ okiranti ajjhokiranti abhippakiranti tathāgatassa pūjāya. Dibbānipi tūriyāni antalikkhe vajjanti tathāgatassa pūjāya. Dibbānipi saṅgītāni antalikkhe vattanti tathāgatassa pūjāya. Nakho, ānanda, ettāvatā tathāgato sakkato vā hoti garukato vā mānito vā pūjito vā apacito vā. Yo kho, ānanda, bhikkhu vā bhikkhunī vā upāsako vā upāsikā vā dhammānudhammappaṭipanno viharati sāmīcippaṭipanno anudhammacārī, so tathāgataṃ sakkaroti garuṃ karoti māneti pūjeti apaciyati [idaṃ padaṃ sīsyāipotthakesu na dissati], paramāya pūjāya. Tasmātihānanda, dhammānudhammappaṭipannā viharissāma sāmīcippaṭipannā anudhammacārinoti. Evañhi vo, ānanda, sikkhitabba’’


Con Rùa Mù | | Anatta

Phật Pháp Tăng | | Anulomikāya khantiyā

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com