sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||||||||||||
| ||||||||||||||
Tầm và Tưởng KTC 6. 10. 74. Thiền Đức Phật Ngài dạy rằng có 6 pháp này nếu không bỏ được thì chúng ta không có cách nào chứng đắc thánh quả được hết. Ba pháp đầu tiên là ba tà tư duy. Ở đây có lẽ chúng ta cũng phải có một định nghĩa nhỏ về chữ tầm và chữ tưởng. Đây mình thấy có dục tầm, sân tầm, hại tầm, dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng. Tầm Thì ở đây, tầm nó chính là cái từ đồng nghĩa của chữ gọi là tư duy. Tư duy trong A tỳ đàm gọi là tâm sở tầm. Cái suy nghĩ nào mà bản chất của nó là sự đam mê, thích thú ở trong các dục, trong 5 trần vật chất (sắc, thinh, khí, vị, xúc) thì suy nghĩ đó, tư tưởng đó được gọi là dục tầm. Sân tầm là suy nghĩ, tư tưởng nào mà nó mang nội dung là bất mãn đối với 5 trần. Nếu mà nói trên thuật ngữ nó rất là xa lạ với mình. Nhưng mà nếu mình nói bằng cái ngôn ngữ của mình, không có xài thuật ngữ, thì toàn bộ đời sống của chúng ta từ lúc chúng ta còn bé, còn ở trong bụng mẹ cho đến khi chúng ta chết, nguyên quảng đời mấy chục năm đó, chúng ta thường xuyên 99% thời gian là chúng ta sống với ba cái tà tư duy này: dục tầm, sân tầm và hại tầm. Chỉ trừ một cái người mà có học giáo pháp rồi tu tập theo lời Phật thì phần trăm bất thiện mới ít đi, chứ còn không thì chúng ta từ nhỏ cho đến già, đến chết, chúng ta phần lớn thời gian là sống trong bất thiện. Mà bất thiện ở đây nó có nhiều cách kể. Bất thiện kể là tham sân si cũng được, bất thiện kể là 10 kiết sử (thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái và sân, ngã mạn, phóng dật) đó cũng là một cách kể. Nhưng mà cái cách kể gọn nhất và dễ hình dung nhất đó chính là dục tầm, sân tầm và hại tầm. Có nghĩa là trong đời sống
Nói một cách rốt ráo thì cái dục tầm ở đây chỉ cho tâm sở tham, còn sân tầm ở đây là cái tâm sở sân, còn hại tầm ở đây chính là sự vắng mặt của tâm sở bi, nhớ chỗ này, sự vắng mặt của tâm sở bi. Thì như lâu nay tôi vẫn nói hoài: Suốt một cuộc đời của chúng ta, chúng ta khổ là vì sao? Vì chúng ta cứ chạy theo cái mình thích, chạy trốn cái mình ghét, mà có bao nhiêu người trong chúng ta được thành công, được toại nguyện, được như ý trong cái ý muốn theo đuổi cái mình thích. Có bao nhiêu phần trăm trong chúng ta được gọi là toại nguyện? Và trong số những cái mà chúng ta ước mơ trong đó có bao nhiêu phần trăm mà được như ý, rất là ít, thưa quí vị. Vì sao? Vì cái lòng tham của phàm phu là không có đáy, lòng tham của mình không có đáy, cho nên mình thích 10 là mình chỉ được một, hai; mà mình thích 100 thì mình cũng chỉ được chừng đó phần trăm. Thí dụ mình thích 10 mình được một, hai thì mình thích 100 mình chỉ được một chục, hoặc hai chục vậy thôi, cũng tiếp tục cái phần trăm như vậy. Rồi cái ý muốn chạy trốn cái mình bất mãn, có bao giờ được toại nguyện không? Có ai trong số chúng ta ngồi trong đây mà tránh được cái mình ghét không? Thí dụ như trưa nắng chang chang vậy, mình muốn cho nó đừng có nóng nữa, nó có bớt nóng không? Không. Bụi quá, nóng quá, mùi cống rãnh hôi hám quá, hoặc là bây giờ trong người mình nực nội quá, người nó tê nhức, mệt mỏi quá. Rồi bao nhiêu cái chuyện xã hội tế toái, chuyện gia đình, chuyện của thiên hạ, chuyện trong dòng tộc bà con, bạn bè thân quyến. Rồi chuyện trong nhà của mình, chuyện từ ở trong bếp, trong phòng ngủ chuyển qua phòng khách, ngó ở đâu cũng toàn là chuyện bất mãn, trái ý nghịch lòng không hà. Ở đâu cũng như vậy, mà hỏi chứ trong số chúng ta ở đây, có bao nhiêu người mà có được đời sống như ý? Cái thích cũng vậy, bản thân nó là phiền não, bản thân nó cũng là cái khổ. Cái ghét, cái bất mãn, bản thân nó là phiền não, mà bản thân nó cũng là cái khổ. Và cái thứ ba, cái hại tư duy gọi là hại tầm. Nó chính là cái hình thức phát tác, một hình thức biểu hiện của sân tầm. Từ cái bất mãn nó mới ra cái ý tưởng chống phá, đạp đổ, hủy diệt. Mà các vị tưởng tượng đi, có vui gì không khi mà chúng ta có cái ý mà hủy diệt, đạp đổ, chống phá một người hay một vật? Có vui gì không? Chắc chắn là không vui. Là vì sao? Vì trong tâm tình một người an lạc, hạnh phúc, họ không có hứng thú trong cái chuyện đập phá, chống đối, gây nhiễu hại, hủy hoại bất cứ người hay vật. Chúng ta phải có vấn đề trục trặc làm sao đó chúng ta mới nghĩ tới cái chuyện đó, cái chuyện mà phá hoại, cái chuyện mà đánh phá. Tưởng Ba cái tiếp theo đó là ba cái tưởng: dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng. Tưởng ở đây là gì? Thưa quí vị, trong đời sống này, chúng ta sống bằng ba thứ: chúng ta sống bằng thức, chúng ta sống bằng tưởng và chúng ta sống bằng trí. Sống bằng thức là sao? Sống bằng thức có nghĩa là đời sống thông qua 6 căn: mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý suy tư. Đó là đời sống thuần túy 6 giác quan. Và người có học tí ti về A Tỳ Đàm cũng hiểu rằng chỉ đơn giản sống bằng 6 giác quan thì đời sống của chúng ta nó tẻ nhạt lắm. Rất là tẻ nhạt. Cái chữ tẻ nhạt này nè, nếu mà quí vị ngồi trước mặt tôi, tôi có một tờ giấy và một cây bút, thì cái chữ tẻ nhạt này tôi sẽ viết nó bằng mực đỏ. Tôi nhắc lại, đời sống này rất là tẻ nhạt nếu chúng ta thuần túy sống bằng 6 căn. Có nghĩa là thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, nó rất là tẻ nhạt. Mà tại sao tôi muốn viết cái chữ tẻ nhạt này bằng mực đỏ, tại sao vậy? Vì ở phàm phu không thể nào chỉ thấy đơn giản là thấy, nghe đơn giản là nghe, cho nên ngoài cái đời sống bằng thức, chúng ta lại phải thêm một cái nữa là đời sống bằng tưởng. Khi thấy cái gì đó, chúng ta phải thêu dệt, vẽ vời lên đó bao nhiêu là thứ ký ức, bao nhiêu là thứ kinh nghiệm, bao nhiêu là thứ kiến thức, ký ức và kinh nghiệm. Đó, thì với đời sống đó chúng ta mới sống nổi. Thí dụ như nhìn cái hoa, chúng ta gọi tên nó là hoa hồng, chỉ cần nhớ đó là tên hoa hồng. Đó là chúng ta đã vay mượn cái tưởng rồi. Cái hoa hồng này cái giá trị vật chất của nó hơn hẳn nhiều thứ hoa khác. Khi chúng ta nghĩ tới giá trị vật chất của hoa hồng, cái tên gọi của hoa hồng, chúng ta biết rằng hoa hồng nó màu vàng, nó màu trắng, nó màu tím, thì mấy cái màu đó bản thân nó cũng là hồi ức, là kiến thức, là kinh nghiệm. Rồi đóa hoa hồng ấy gợi cho ta bao nhiêu thứ hồi ức, ta sẽ mua hoa này, ta sẽ trồng hoa này cho ai, nếu mình để trong nhà mình chúng ta sẽ chưng nó ở đâu? Chúng ta biết rất rõ làm sao để cắt một đóa hoa hồng, làm sao để ghim, để cắm, để chưng một bình hoa hồng. Tất cả những cái biết đó về hoa hồng nó mới làm cho chúng ta thấy hoa hồng nó lớn chuyện. Chứ còn nếu mà chỉ thấy thôi, chỉ thấy mới là thấy đời sống bằng thức thôi, chưa thấy đời sống bằng tưởng, thì hoa hồng đối với chúng ta nó rất là tẻ nhạt. Như vậy, đời sống mình có ba cái: Thứ nhất chúng ta sống thông qua thức; Thứ hai là sống thông qua tưởng; và cái Thứ ba, qua trí. Trí là gì? Trí là cái khả năng biện biệt, biết rõ cái gì nên, cái gì không nên, cái gì thiện, cái gì ác, cái gì cần làm, cái gì không nên làm. Mà đa phần phàm phu thì thiếu nặng, thiếu thốn nghiêm trọng về cái mặt trí. Chúng ta thường sống bằng tưởng thôi. Đấy, từ hồi bé mình quơ tay mình thấy hơi ấm, hơi thở, nhịp tim của mẹ là mình yên tâm, đó chính là tưởng. Trong bao nhiêu tháng nằm trong bụng mẹ, mình quen với nhịp đập của tim mẹ rồi. Bây giờ mình lớn, mình mới vừa sanh ra là chuyện đầu tiên là mình phải tìm hơi ấm trong cái mùi, tìm cái nhịp đập tim của mẹ, đó chính là tưởng. Rồi dần dần lớn lên, chúng ta quơ tay, chúng ta biết đó là bình sữa. Sau đó mình biết đó là cái mùi của mẹ, của bà, của anh, của em. Rồi thì lớn lên nữa, chúng ta biết đây là cái chén, cái tô, đôi dép, đôi tất, cái nón, cái áo, cái quần. Rồi từ từ chúng ta lớn lên, chúng ta đi vào học đường, chúng ta biết đây là cộng, trừ, nhân, chia, đây là chữ A, đây là chữ B, đó chính là tưởng. Rồi từ từ lớn lên thêm một mớ nữa, chúng ta thấy đây là con gái, đây là con trai, đứa này nó đẹp hơn đứa kia, đứa kia thấy ghét hơn đứa này, đứa nọ xấu hơn đứa khác. Đó chính là tưởng. Cứ như vậy, toàn bộ đời sống của chúng ta, chúng ta biết cái này nó màu sắc, hình dáng ra sao, nó thuộc về cái gì, chủng loại gì trong trời đất này, nó là núi non, kinh rạch, sông ngòi, biển cả, nam phụ lão ấu, phi cầm tẩu thú, bò bay mái cựa, tất cả những cái đó trong đời sống của mình đều là tưởng hết. Tới đó thôi. Chỉ khi nào có trí thì chúng ta mới biết: "Ờ, cái này hại mình hại người, cái này là điều lành, cái này là điều tội lỗi." Khi nào sống mà có vươn lên đến cái tầm suy tư đó mới gọi là có trí. Còn đa phần chúng ta có bằng cấp học về nghệ thuật, về khoa học đều là sống bằng tưởng hết. Mà tưởng đây là gì? Tưởng ở đây như tôi nói rất là nhiều lần, chúng ta có hai cách để mà nhận thức về thế giới, một là quan sát thế giới qua hiện tượng, thứ hai là quan sát thế giới trên bản chất. Và khi chúng ta sống bằng trí là chúng ta nhìn thế giới trên khía cạnh bản chất. Nhưng mà khi chúng ta sống bằng tưởng thì chúng ta chỉ đơn giản quan sát thế giới trên khía cạnh hiện tượng, mà quan sát trên khía cạnh hiện tượng có nghĩa là chúng ta chỉ nhìn thấy thế giới ở cái vỏ ngoài của nó thôi. Chỉ khi nào có đủ trí tuệ, mình bóc tách được cái lớp vỏ hiện tượng, thấy được cái bản chất của vạn pháp trong đó có ta, có người, có đời sống, có bao nhiêu nổi khổ niềm đau, bao nhiêu giọt lệ và nụ cười trong đó, thì chúng ta mới có thể chuyển mình giác ngộ. Còn không chúng ta sống thuần túy ở trong sự ngộ nhận, sống trong thế giới hiện tượng không hà. Cho nên dục tưởng là gì? Dục tưởng ở đây có nghĩa là dựa trên cái vỏ ngoài hiện tượng của thế giới mà chúng ta thích tùm lum hết trơn. Thấy cái này nó đẹp nè, thấy cái này nó ngon nè, cái này nó thơm nè, cái này nó mềm nè, cái này nó mịn nè, cái này nó ấm nè. Thì cái đó gọi là dục tưởng. Còn cái thứ hai là sân tưởng, tức là chúng ta tiếp tục dựa trên cái hiện tượng, cái vỏ ngoài của 5 trần để mà thêu dệt, gắn lên trên đó, vẽ vời lên trên đó bao nhiêu thứ ký ức, hồi ức, kinh nghiệm để mà chúng ta bất mãn: Cái này là trời nóng nè, cái này là trời lạnh nè. Thay vì như hồi nãy tôi nói đó, nếu chỉ thuần túy sống bằng trí, bằng thức thì chúng ta sẽ thấy đời sống này rất là tẻ nhạt. Với một người không biết đạo thì đó là đời sống tẻ nhạt, nhưng với một hành giả Tứ niệm xứ, với một bậc thánh nhân thì cái tẻ nhạt đó chính là cái diện mạo cần thấy của thế giới. Đối với người bình thường thì đời sống tẻ nhạt nó là một cái gì đó đáng ngại, đáng ghét, đáng sợ; nhưng mà đối với người tu hành, đối với bậc thánh thì khía cạnh tẻ nhạt đó chính là khía cạnh chân thật và đáng có của đời sống. Là vì sao? Là vì khi chúng ta thấy nó một cách trung thực không có vẽ vời thì ở đó chúng ta không có đi kèm với bất mãn, không có đi kèm với đam mê. Mà cái bất mãn và cái đam mê đó là cái gì mà đáng sợ dữ vậy? Dạ thưa đã nói rồi: Muốn mà không được là khổ, ghét mà tránh không được là khổ. Chỉ có người có cái nhìn trung thực thì họ mới có thể an lạc. Bậc thánh nhân hay là hành giả Tứ niệm xứ có một điểm giống nhau là các Ngài nhìn thấy thế giới này nó vô cùng tẻ nhạt. Cho nên tôi đã nói một tỷ lần mà các vị chắc quên sạch rồi, làm ơn ghi dùm tôi câu này: "Ý nghĩa cao nhất, ý nghĩa rốt ráo nhất của đời sống chính là thấy ra cái sự vô nghĩa của nó." Cái này là cái bà con phải xâm lên người. Và tôi nhắc lại một lần nữa, các vị có quyền nghĩ tôi hoặc là những vị giảng sư khác ra sao đi nữa là chuyện của các vị, nhưng mà cái gì cần ghi nhận, cần giữ lại làm của thì nên bỏ túi liền bởi vì mấy cái này nó giúp mình mà. "Ý nghĩa rốt ráo nhất của đời sống chính là thấy ra cái sự vô nghĩa của nó". Thấy ra vậy được cái gì ta? Được chứ sao hỏng được, được chứ, được nhiều lắm à. Khi mà thấy ra cái sự vô nghĩa của nó, thì ta sẽ nhận ra ở đời này không có cái gì đáng để mình nặng lòng theo đuổi. Và cũng không có gì đáng để mà nặng lòng chống đối, đập đổ, hủy hoại. Vì tất cả là vô nghĩa. Các vị có siêng mà ra rừng nhặt từng chiếc lá mà xé nhỏ, xé nhỏ, xé nhỏ không ? Các vị nghĩ dùm tôi đi. Trong quý vị đây có ai mà bị tâm thần đến cái mức mà ra ngoài rừng mà nhặt tấm lá xé nhỏ, xé nhỏ; ra ngoài bờ sông, bến bãi, ghềnh thác, lấy cây que đập nát từng cái bọt nước, có ai rãnh làm chuyện đó không? Nó là bọt nước thì sớm muộn gì tự nó cũng vỡ thôi, mắc cái chứng gì mà phải can thiệp vào cái sự hiện hữu phù du của nó cho nó mệt xác mình, các vị hiểu không? Bản chất nó là hiện hữu, bản chất của bọt nước là một hiện hữu rất đỗi phù du ngắn hạn thì mình can thiệp làm cái gì? Có ai rãnh lên rừng để mà đếm lá, rồi bẻ lá, rồi xé từng chiếc lá làm cái gì? Hỏng có. Chính vì chúng ta thấy nó lớn chuyện cho nên chúng ta mới theo đuổi nó. Chính vì chúng ta thấy nó lớn chuyện cho nên chúng ta mới bất mãn, mới chống đối, đập đổ nó. Còn đằng này, trong cái nhìn của một bậc thánh, cái nhìn của một hành giả Tứ niệm xứ, cái nhìn của một người hiểu chuyện, biết chuyện, thì mọi sự bản thân nó đã là vô nghĩa rồi. Bản thân cái sự có mặt của mình đã là vô nghĩa rồi, chúng ta có thời gian đâu để mà theo đuổi, để mà nặng lòng, để mà cực lòng với cái vô nghĩa ấy của đời sống, khi bản thân mình đã là một khối vô nghĩa rồi, kính thưa quí vị. Quí vị có hiểu không? Chứ đừng có bắt chước người ta nói phù du, phù du; nhưng phải hiểu như vậy đó, phải hiểu đến rốt ráo như vậy. Tại sao nó là phù du? Là bởi vì không có cái gì tồn tại quá một sát na, đó là điều thứ nhất. Thứ hai, cái ý nghĩa rốt ráo nhất của mọi hiện hữu là cái gì? Nghĩ lại dùm đi, cái ý nghĩa rốt ráo nhất của mọi hiện hữu là cái gì? Có để mà có vậy thôi. Khi các duyên hội thì mọi thứ có mặt, khi duyên tán (hết duyên) thì mọi thứ nó biến mất. Nó vô nghĩa như vậy đó. Trích bài giảng ngày 10.06.2019 KTC.6.74 Thiền
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english