Tín Tấn

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tín Tấn

KTC 7. 1. 3. Bảy Sức Mạnh

Này các Tỷ-kheo, có bảy sức mạnh này. Tín lực và Tấn lực, Tàm lực và Quý lực, Niệm lực và Định lực, Và tuệ lực thứ bảy; Tỷ-kheo với lực này, Sống hiền trí an lạc, Như lý suy tư pháp, Quán rõ đích trí tuệ, Như ngọn lửa tàn diệt, Với tâm được giải thoát.

tíntấn tàmúyniệm địnhtuệ
saddhāvīryahirīottappisatisamādhipaññā

AN 7. 1. 3. Saṅkhittabalasutta
Imāni kho, bhikkhave, satta balānīti. Saddhābalaṃ vīriyañca, hirī ottappiyaṃ balaṃ; Satibalaṃ samādhi ca, paññā ve sattamaṃ balaṃ; Etehi balavā bhikkhu, sukhaṃ jīvati paṇḍito. Yoniso vicine dhammaṃ, paññāyatthaṃ vipassati; Pajjotasseva nibbānaṃ, vimokkho hoti cetaso.

Chuyện đầu tiên là cái niềm tin. Niềm tin vào cái gì? Niềm tin vào cái lẽ thiện.

Ở đời có nhiều niềm tin lắm. Trai gái tin nhau, người làm chính trị tin nhau, người buôn bán tin nhau. Trong giáo dục, xã hội, văn hóa, mọi lĩnh vực, ở lĩnh vực nào người ta cũng phải cần có niềm tin để mà làm việc, để mà sống, để mà cộng sinh, để mà cộng trú, để mà cộng tác, để mà cộng hưởng với nhau. Nhưng mà riêng cái niềm tin ở đây, trong chỗ này là chánh tín. Tin thì có nhiều cái để tin lắm nhưng đặc biệt ở đây là chánh tín. Chánh tín ở đây là niềm tin vào hai lẽ thật ở đời.

Lẽ thứ nhất là tin vào cái lý nhân quả, là mỗi chúng sanh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm mọi xuất sử, hành động của mình qua tam nghiệp. Xuất sử nghĩa là cái biểu hiện của mình qua tam nghiệp. Mình nói cái gì dầu chỉ nửa lời, mình suy nghĩ ra sao dầu chỉ một giây thoáng qua, mình làm cái gì dầu là chỉ một nhúm nhỏ của bàn tay. Tất cả mọi động thái lớn nhỏ của tam nghiệp, nói, làm, suy tư, đều chắc chắn phải để lại một cái hậu quả tốt hay xấu, nhớ như vậy. Đó là sự thật thứ nhất, đó là cái lẽ thật thứ nhất mình phải tin. Mình phải tin vào cái lẽ thật là tin vào cái lý nhân quả đó. Mọi sự ở đời đều nằm ở trong cái lý nhân quả. Cái gì cũng do các nhân, các duyên tạo ra và bản thân nó lại là nhân duyên để tạo ra vô vàn những cái hệ quả khác. Đây là cái lẽ thật thứ nhất: Mọi sự ở đời đều do điều kiện nhân duyên có tác động nhất định nào đó tạo nên. Và bản thân nó, nó được người khác tạo, nhưng bản thân nó lại là nhân, là duyên tạo ra vô vàn những chuyện khác. Cho nên phải cẩn trọng, rất là cẩn thận, bội phần cẩn thận, hành động phải nghiêm nghiêm cẩn cẩn.

Lẽ thật thứ hai là mình tin là mọi sự ở đời do duyên mà có, và có rồi phải mất. Không có cái gì mà nó trụ quá một sát na. Tất cả là một dòng chảy liên tục và liên tục, cái sau nó thay thế cho cái trước. Chúng ta luôn luôn trong cái tình trạng trở thành một cái khác. Không có cái gì mà nó tồn tại quá một sát na hết. Có một điều là cái đó sanh diệt liên tục và nó quá nhanh, và vì mình không có chánh niệm, mình không có tu tập, mình không có tín, tấn, niệm, định, tuệ, mình không có đủ cái sức mạnh, đủ cái bén nhạy để mình thấy được cái dòng chảy sanh diệt ấy. Cho nên là phải tin.

Tín ở đây là tin hai cái lẽ đó. Khi mình tin hai cái này rồi thì có duyên mà gặp được chánh pháp, thì với hai cái niềm tin này mình vô mình nghe Phật Pháp là cái rẹt! Đừng có nghe tôi giảng vậy mà các vị ngạc nhiên quí vị nói "Ủa sao không nghe ổng nói gì tới Tam Bảo hết vậy? Niềm tin mà không thấy ổng nói Tam Bảo?" Yên tâm. Anh mà tin được hai cái này rồi thì cái chuyện anh tin Phật là đương nhiên. Đương nhiên. Còn hai cái này mà anh không có tin rồi, Phật có đứng trước mặt anh, anh cũng trơ trơ thôi. Hai cái này là hai cái gốc. Cho nên không có Phật ra đời, chỉ cần mà mình có hai cái này mình cũng sanh thiên. Mà nếu có Phật ra đời mà mình có được hai cái niềm tin này là mình quá êm đềm, sung sướng. Gặp Phật là Phật nói pháp cho mình nghe là sung sướng. Đức Phật Ngài gọi cái loại này là veneyya. Cái hạng đó gọi là veneyyasatta. Nghĩa là cái loại chúng sanh đã được training rồi. Veneyya là training, đã được đào tạo, được huấn luyện rồi. Tức là có tay nghề rồi, đã có trình độ gọi là nghiệp vụ chuyên môn, venayya nó có nghĩa là vậy. Chớ đừng có ngạc nhiên "Ủa tại sao chánh tín mà sao không tới Phật?" Yên tâm. Bởi vì toàn bộ cái niềm tin nơi Tam bảo là phải được khởi đi từ hai cái niềm tin đó. Đó là chánh tín. Khi anh không có tin hai cái này, tui hứa với anh trong vòng luân hồi một cái việc thiện nhỏ anh làm cũng khó. Rồi ngay cả mai mốt biết được Phật Pháp rồi bấy giờ quí vị làm một người phật tử bố thí, rồi trì giới, rồi phục vụ ... thì cũng phải cần có hai niềm tin này. Rồi các quí vị muốn làm một hành giả cũng phải sống hết mình, thiết tha, gắn bó, khắn khít với hai niềm tin đó.

Niềm tin thứ nhứt là tin vào cái lý nhân quả, nhân quả phải hợp lý. Mình tu kiểu này thì nó dẫn tới cái gì. Mình sống kiểu này, mình nói năng kiểu này, mình hành xử kiểu này. nó sẽ dẫn tới cái gì. Đó là tin lý nhân quả.

Rồi tới cái trí thứ hai mới là chua: Cái gì ở đời có rồi cũng phải mất. Thiện có bằng trời thì cái nhân thiện, lành nó cho ra cái quả vui lớn đó nhưng cái vui cỡ nào cũng phải có lúc nó kết thúc. Lịch sử nhân loại đã chứng minh qua trường hợp biết bao nhiêu nhà giàu, bao nhiêu quyền lực, bao nhiêu tài sản, bao nhiêu nhan sắc, bao nhiêu uy tín, bao nhiêu tình cảm, rồi cũng phải có lúc mất đi. Tình cảm kiểu như Quý Phi - Đường Minh Hoàng, hay nói theo trong huyền sử như Ngưu Lang - Chức Nữ, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, ba cái tào lao gì đó, rồi cũng mất sạch. Đó là về tình. Còn nói về tiền, giàu như Thạch Sùng, giàu như là Hòa Thân, rồi sao? Cuối cùng cũng mất. Quyền lực như Tần Thủy Hoàng, quyền lực như vua Càn Long, rồi sao? Cũng mất. Quyền lực như Hốt Tất Liệt, Chu Nguyên Chương, Triệu Khuông Dẫn, cũng mất. Quyền lực, tình cảm, tiền bạc, cái cỡ nào cũng mất. Tự nhiên nói tới đây, tui nhớ thơ Đường có bài thơ nghe nó kỳ lắm mà đọc nghe cảm. Bài "Ô Y Hạng":

Chu tước kiều biên dã thảo hoa
Ô Y hạng khẩu tịch dương tà
Cựu thời Vương Tạ đình tiền yến
Phi nhập tầm thường bách tính gia.

Bài thơ của nhà thơ Lưu Vũ Tích, ổng kể một chuyện rất là bình thường. Ô Y hạng khẩu tịch dương tà Qua cái ngõ, con hẻm gọi là hẻm Ô Y. Hạng là cái hẻm. Ô Y hạng là hẻm áo đen. Ngày xưa, trong cái khu đó, trong cái hẻm đó có mấy hộ nhà giàu. Gia nhân ở trong nhà họ được qui định là mặc đồng phục áo đen hết. Áo đen - đi làm dơ, người ta hỏng có thấy, với tập cho nó đừng có quần là áo lụa, đỡ tốn tiền. Rồi cái gia tộc đó nó giàu quá, nó giàu quá giàu. Giàu cỡ giống như bên mình là Công tử Bạc Liêu ở miền Nam, Bạch Thái Bưởi miền Bắc, hoặc là ông Huyện Sĩ ở Saigon vậy đó. Giàu quá rồi nó thành danh. Cho nên về sau người ta gọi hẻm đó là hẻm áo đen. Rồi khi hai gia tộc đó tàn lụi đi thì Chu tước kiều biên dã thảo hoa Buổi chiều bên cầu Chu tước đầy cỏ dại, ngó vô cái hẻm áo đen thấy bóng chiều nó đổ xuống. Cựu thời Vương Tạ đình tiền yến Hai cái nhà Vương, nhà Tạ ngày xưa là cự phú, giàu có nứt tiếng một thời ở đó bây giờ thì sao? Giờ nhà của họ hoang phế, con cháu nó xô dạt xứ người biết về phương nào, tán gia bại sản, không còn ai ở đó hết. Còn cái nhà hoang, mái nhà hoang lạnh với mấy con chim én nó về nó làm tổ ở đó. Phi nhập tầm thường bách tính gia Nó vô đó nó ở mà không có cái gì ăn hết. Tối nó về nó ngủ, ban ngày nó đi lang thang vô nhà dân nó kiếm chỗ nó ăn. Bài thơ tả cái cảnh vậy đó.

Cái người hành đạo cũng phải nhớ cái đó, nhớ: "Ồ, thì ra bao nhiêu cái chuyện bể dâu không phải chỉ riêng trong cái vấn đề gọi là địa quyển trầm tích, mà cái bể dâu ở đây nó bao gồm luôn cả những thân phận, những kiếp người, những nếp nhà, những gia tộc rồi thì cũng theo năm tháng theo dòng chảy biến diệt tử sinh. Không có cái gì trụ lại miên viễn ở đất trời hết."

Cho nên ở đây hành giả nhớ hai cái điều. Thứ nhứt là mọi thứ ở đời là mình phải chịu trách nhiệm mọi sự, những cái gì mình nói hoặc suy tư. Thứ hai: cái gì cũng vô thường. Tin hai cái này gọi là Chánh Tín. Tại sao tôi dừng lại tôi giảng kỹ ở chỗ đức tin này? Tại vì đức tin nó là gốc.

Khi anh tin đúng thì nó mới lòi ra cái thứ hai: Tấn. Tức là nỗ lực.

Khi anh tin đúng thì những nỗ lực của anh mới có giá trị. Nếu anh đi tin tầm bậy: Thí dụ như anh cho tiền là tất cả, tình là tất cả, tiếng tăm là tất cả, quyền lực là tất cả, anh cho mấy cái đó là tất cả, thì ngay trong niềm tin đó đã là bậy rồi. Và bắt đầu anh nỗ lực. Anh bỏ cả đời anh, anh bôn ba, anh tận tụy, anh cần mẫn, anh chí thú, anh đỗ mồ hôi, xót con mắt, anh theo đuổi một cái sự nghiệp đỉnh chung. Ngay trong cái niềm tin của anh thì anh đã bậy rồi, phải không? Thì tới lúc nỗ lực thì cũng nỗ lực tầm bậy.

Cho nên phải có chánh tín nó mới lòi ra cái chánh cần. Còn không có chánh tín là không có chánh cần. Vì vậy mà hồi nãy tôi giảng rất là kỹ cái chỗ chánh tín đó. Bởi vì khi anh có niềm tin đúng đắn rồi thì nó mới lòi ra cái chánh cần. Có nghĩa là sao? Mọi nỗ lực của anh từng giọt mồ hôi của anh là từng hột kim cương! Tin tôi đi. Khi anh đã có chánh tín rồi đó thì nó mới có chánh cần. Chánh cần ở đây là gì? Là từng giọt mồ hôi của anh lúc bấy giờ nó đã được đặt đúng hướng. Lúc bấy giờ nó không phải là mồ hôi nữa mà nó là hạt kim cương. Bởi vì nó khiến cho anh có được cái chỗ đứng trong cái cõi luân hồi khi anh chưa kịp giải thoát. Đấy, những nỗ lực ấy nó cho anh một chỗ đứng trong cõi luân hồi, trong các cõi nhân thiên. Anh đời đời anh sanh ra ở cảnh giới nào anh cũng có một chỗ đứng rất là ngon lành. Ở đâu mà nó ra vậy? Là bởi vì do anh có chánh tín, nên mọi nỗ lực của anh đều là chánh cần hết.

Mà chánh cần là gì? Là nỗ lực cái chuyện cần phải nỗ lực, siêng đúng chỗ, siêng cái đáng siêng.

Bởi vì chúng sanh trong đời có nhiều nhưng gôm lại có bốn hạng:

  1. Sống tới đâu hay tới đó, thấy ăn ngon thì nhào vô ăn, thấy việc làm nào dễ thì nhào vô. Tức là thích cái ngon, thích cái dễ mà không có lưu tâm đặc biệt tới cái gì hết. Hạng này cả đời không có sự nghiệp, trong vòng sanh tử đời đời chỉ làm trùn dế thôi. Có nghĩa là họ không có gì hết. Đối với cái họ thích thì họ không biết làm sao để có, mà cái cần họ cũng không biết làm sao để mà nỗ lực.

  2. Quan tâm đến cái thích mà làm lơ cái cần. Hạng này thì quá tệ rồi.

  3. Quan tâm cả hai cái thích lẫn cái cần. Hạng này thấy cũng hơi nhiều. Đi chùa thì cũng rất là tinh tấn, hành thiền cũng tinh tấn, ai dạy giáo lý cũng tinh tấn, làm cái gì cũng tinh tấn, nhưng mà quởn quởn đi shopping cũng rất là tinh tấn, hưởng thụ, ăn chơi, du lịch, vacation cũng rất là hết mình. Nhưng mà tới lúc làm phước cũng rất là hết mình. Cái hạng này thì cái thích lẫn cái cần là 50-50.

  4. Quan tâm cái cần mà làm lơ cái thích. Cái hạng thứ tư này là cái hạng cực hiếm, cực hiếm. Có nghĩa là không quan tâm tới cái thích chỉ quan tâm cái cần thôi.

Thì nỗ lực ở đây cũng vậy. Nỗ lực trong đời này thì tùy. Có những người họ chỉ siêng theo đuổi cái mà họ thích và có người họ siêng theo đuổi cái họ thấy cần. Thì tùy mình. Mình muốn lựa cái nào mình lựa. Nhưng khi đã nói Chánh Cần thì sao? Chánh Cần ở đây có nghĩa là mình chỉ quan tâm cái gì mà nó thật sự có ý nghĩa, có giá trị cho cuộc sống sanh tử của mình. Khi nào chứng thánh hãy hay nhưng mà chưa chứng thánh thì phải biết đường để mà đi. Cái này nó sâu: khi mà anh quan tâm cái chuyện tào lao nhiều quá thì cái chỗ anh đi về sẽ là chỗ tào lao và anh sẽ bỏ phí thời gian rất là nhiều cho cái tào lao. Bây giờ anh nhớ dùm tôi câu này, câu này là thánh kinh của dân shopping. Câu này là thánh kinh, thần chú của dân shopping. Tất cả ai mà là dân shopping nên thuộc lòng cái câu thần chú này:

"Khi mà anh tiêu tiền vào một món không cần thiết thì coi như anh đang làm mất đi một món tiền cho cái cần thiết."

Thời gian cũng vậy. Khi mà ta tiêu pha thời gian, công sức cho cái chuyện không cần thiết có nghĩa là ta đang lấy đi thời gian và công sức của cái chuyện cần thiết. Đây là câu thần chú của hành giả, phải nhớ phải học thuộc lòng câu này. Dân shopping cũng có một câu mà dân tu hành cũng phải có một câu. Khi mà anh tiêu một số tiền cho chuyện không cần thiết có nghĩa là anh đã lấy đi một số tiền cho chuyện cần thiết, cứ nhớ như vậy. Mình đã có tới 80 cái áo ở nhà rồi, bây giờ mình mua thêm nữa thì chỉ là mình đang âm thầm rút đi số tiền cho chuyện gì đó sau này mà mình tạm thời chưa nghĩ ra. Đây, sẽ có một ngày mà người ta kêu mình người ta bán một miếng đất, đất vàng, rẻ thiệt là rẻ, người ta bán để người ta đi định cư nước ngoài, người ta quí mình quá đi, người ta hỏng muốn bán ai hết, người ta bán muốn cho mình, mà lúc đó mình lại hết tiền rồi. Cái đó tui biết nhiều người bị cái đó lắm, nhiều lắm. Bạn bè nó thương, nó có những món đồ thiệt là tốt, thiệt là quí, từ đất đai, nhà cửa cho tới nữ trang, mỹ phẩm, giày dép, nó quí dữ lắm, nó thương mình nó kêu mình lại nó bán, bán giá rẻ mạt vậy đó, thì lúc đó mình hỏng có tiền để mình mua. Đấy, lúc đó mới thấy nó đau. Mà nói như vậy không có nghĩa là tui xúi quý vị ở đây ăn rồi cứ le lưỡi đếm tiền rồi sống kiểu vắt chày ra nước thì cái đó không phải. Tôi đang ví dụ thôi. Có nghĩa là khi mà ta tiêu pha quá nhiều tiền bạc cho cái chuyện không có cần thiết thì coi như ta không còn tiền cho chuyện cần thiết. Thời gian và công sức cũng vậy.

Cái quỹ thời gian của quí vị nó không có nhiều lắm đâu, quí vị, nó không có nhiều đâu.

Trích bài giảng ngày 01.07.2019 KTC.7.3 Sức Mạnh
Kalama xin tri ân bạn ghi elteetee chép


Uttari ca patāreti | | Khóa Trong Khóa Ngoài

Hành Trì Chánh Pháp | | Tu Trùm Mền

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com