sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
Biết ThiếuCác vị vào ở trong Trung bộ kinh, cái bài Đại Kinh Sư Tử Hống trong đó Đức Phật Ngài có dạy về 10 cái sức mạnh của một vị Phật gọi là thập lực, 10 sức mạnh tinh thần của Đức Phật. Với 10 sức mạnh đó, giống như một người có đầy đủ tiền bạc, sức khỏe, uy tín đi vào một hội chúng nào thì cũng cảm thấy tự tại, an tâm, không có e dè, khiếp sợ. Ngoài đời nếu chúng ta có sức khỏe, có tiền bạc, có học vị, có uy tín, có chức vụ có quyền lực, có năm cái này thì đi vào bất cứ một cái hội chúng nào chúng ta cũng cảm thấy an lòng, cảm thấy tự tin. Ở đây một vị Chánh đẳng chánh giác khi Ngài hội đủ 10 cái sức mạnh tinh thần, Ngài có thể có mặt ở vô lượng vũ trụ, ở tất cả các hội chúng, chư thiên, ma vương, phạm thiên, rồi sa môn, bà la môn, những đại gia, tướng lãnh, triều thần, vua chúa, công hầu, khanh tướng... đối với Ngài chuyện đó không thành vấn đề. Hoằng pháp là lấy cái trí, cái đức của mình đi dạy đời thì đâu có cần cái này cái kia, đúng không? Nhưng mà nó kẹt ở chỗ này: Không đủ đức độ thì làm sao đi vào được trong các hội chúng? Mà có những người trí tuệ rất nhiều, phước báu rất nhiều, quyền lực rất nhiều thì họ sẽ khó có cái lòng kính tin lắm. Cho nên một vị Phật là phải hội đủ tất cả những điều kiện để làm cha lành của ba cõi, làm thầy dạy cho chư thiên và loài người. Trong Đại kinh Sư tử hống thì Đức Phật kể đến 10 cái trí riêng của Đức Như Lai, nhưng mà riêng về ở trong cái Kinh Tăng Chi 6 này thì Ngài kể có 6 thôi, nhưng mà 6 cái này bao trùm luôn cả 10 cái kia và 10 cái kia có cả 6 cái này. Chênh lệch 6, 10 nhưng mà nội dung thì không có khác nhau. KTC VI VI. (X) Tiếng Rống Con Sư TửCái trí thứ nhất trong bài kinh này là thị xứ phi xứ lực, có nghĩa là Đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni nói riêng và tất cả Chư Phật ba đời mười phương nói chung, các Ngài có cái trí đầu tiên đó là các Ngài biết rất rõ cái gì hợp lý, cái gì vô lý, cái gì có thể xảy ra và cái gì không thể xảy ra. Như tôi có giải thích là ở vị thinh văn, ở vị La hán bình thường, vô danh các Ngài cũng biết rất là nhiều chuyện, cái gì là có thể xảy ra và cái gì không thể xảy ra. Thí dụ như các Ngài biết vạn hữu ở đời do duyên mà có, có rồi phải bị mất. Các Ngài biết rằng làm lành luôn dẫn đến quả vui, hỷ lạc; làm ác luôn dẫn đến quả khổ, ưu; các Ngài biết rất rõ chuyện đó. Các Ngài biết rất rõ là có chứng đắc thiền định thì mới có thể về Phạm thiên, chỉ tu thập thiện mà cấp thấp thì về các cõi dục thiên hoặc là loài người. Phải tu đúng bát chánh đạo thì mới chứng được thánh quả giải thoát. Đây là những cái rất là căn bản. Nhưng mà ngoài những cái này ra thì sao? Các vị cũng đồng ý với tôi, đó là cái chuyện hợp lý và cái chuyện vô lý trong đầu của một ông tiến sĩ không giống như một anh tú tài, hoặc nó càng không giống trong đầu của một anh mù chữ. Đối với anh mù chữ, cái chuyện mà ảnh cho là hợp lý hoặc là cái chuyện mà ảnh cho là vô lý nó chỉ là một phần nhỏ so với cái biết của ông tiến sĩ. Thí dụ một cái anh mà không biết chữ làm sao mà ảnh có thể hình dung được cái chuyện mà trong tíc tắc người bên kia đại dương có thể nói chuyện và nhìn mặt người bên đây đại dương. Đối với ảnh chuyện đó rất khó, trừ phi trên tay ảnh cầm cái phone, ảnh cầm trên tay cái ipad, chứ nếu mà không có hai cái đó thì làm sao mà ảnh có thể ngồi ảnh hình dung, tưởng tượng ra được. Mặc dù cái đó là chuyện hợp lý, chuyện có thể xảy ra nhưng mà nó quá cái mức tưởng tượng của ảnh, quá cái tầm hiểu biết của anh. Ở đây cũng vậy, cái tầm hiểu biết của vị thanh văn kể cả vị độc giác bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thời gian là gì? Thời gian là vị độc giác tối đa biết về quá khứ, biết về tương lai gói gọn trong 2 A tăng kỳ 100 ngàn đại kiếp. Hai vị thượng thủ thinh văn là Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên thì cái biết về quá khứ, cái biết về tương lai cũng gói gọn trong 1 A tăng kỳ 100 ngàn đại kiếp. 80 vị đại đệ tử thì cái biết cũng chỉ gói gọn trong 100 ngàn đại kiếp. Rồi còn dưới mức đó thì bất định, là chênh lệch ít hơn v v...Đó là giới hạn về thời gian. Còn cái giới hạn về không gian là một vị đệ nhất thiên nhãn như là Ngài Anuruddha, đệ nhất hàng đầu về thiên nhãn thì cái tầm nhìn của vị này không vượt khỏi 10 ngàn thế giới, 10 ngàn vũ trụ. Tức là mỗi vũ trụ như vậy có 1 mặt trăng, 1 mặt trời thì Ngài không có thể nhìn qua khỏi cái ranh giới đó. Nhưng mà riêng vị Chánh đẳng giác thì sao? "Unlimited" ... Thatagato. Đức Như Lai hướng tâm tới cái gì thì lập tức biết ngay cái đó, là điểm đặc biệt của vị Chánh đẳng chánh giác. Cho nên từ chỗ đó cái chuyện mà vị thinh văn biết có thể xảy ra, cái chuyện đó chỉ là một phần rất là nhỏ so với cái chuyện mà vị Chánh đẳng giác biết có thể xảy ra, đại khái như vậy. Như tôi đã nói, các vị Thinh văn nếu không học giáo lý, không học trực tiếp từ Đức Phật thì vị đó làm sao có thể hình dung được cái phép song thông? Một lúc mà có thể nhập vào hai cái đề mục lửa và nước để mà biến hiện gọi là thủy hỏa mà cùng một lúc thì rất là khó, là quả tam muội, cái chuyện đó ngoài cái tầm, ngoài cái khả năng của vị Thinh văn. Nhưng đối với vị Chánh đẳng giác cái chuyện đó bình thường. Tôi đã kể về một loạt những cái chuyện đặc biệt. Thí dụ như từ cái thiên nhãn, thiên nhĩ cho tới cái trí quá khứ, trí vị lai, ngay cả cái ý hóa thông, cái khả năng biến hiện ra nhiều người của vị Thinh văn chỉ là một phần rất là nhỏ so với vị Chánh đẳng giác. Cho nên cái trí đầu tiên của Đức Phật là biết rõ cái gì có thể và không có thể, cái phần này của Ngài là không có giới hạn bởi không gian và thời gian. Các Ngài không có bị giới hạn bởi một tỷ vũ trụ, hai tỷ, một ngàn tỷ, không có giới hạn. Vị Chánh đẳng giác không có bị giới hạn cái đó. Dĩ nhiên trong đầu của nhiều người trong quý vị thì các vị nghe cái đó cái vị thấy nó hơi phong thần; nhưng mà giờ tôi biết làm sao đây? Tiếp theo là Đức Như Lai biết rất rõ vấn đề nghiệp lý tới nơi tới chốn. Chúng ta cần biết rằng khi nói tới nghiệp thì có hai khía cạnh: đó là tổng nghiệp và biệt nghiệp. Tổng nghiệp là sao? Tức là chung chung và đại khái, như hồi nãy tôi nói. Tổng nghiệp, thí dụ như, mình biết rằng hễ bố thí thì kiếp sau sanh ra thoải mái về vật chất; hiếu học Phật Pháp, siêng học Phật Pháp đời sau sanh ra có nhiều trí tuệ; có nhiều từ tâm thì đời sau sanh ra được tuổi thọ, được nhan sắc, được nhiều người mến thương; tu tập về thiền định thì kiếp sau dễ đắc thiền, tu chánh niệm thì kiếp sau sanh ra có trí nhớ tốt và cuối cùng dễ dàng tu tứ niệm xứ, đại khái như vậy. Đó là tổng nghiệp. Biệt nghiệp là sao? Biệt nghiệp có nghĩa là hai người cùng lúc làm một việc bố thí cho cùng một đối tượng, cùng bỏ tiền ra, cùng mua một dĩa cơm, cùng quì xuống, cùng lúc cúng dường cho một đối tượng nhưng mà cái công đức ở hai người này hoàn toàn khác nhau và khác nhau ở mức độ nào, khác như thế nào với những chi tiết gì thì vị Thinh văn chỉ biết được một phần thôi, chớ còn vị Chánh đẳng giác các Ngài biết còn nhiều nhiều nhiều hơn như vậy, biết cho đến tận cùng như là Ngài muốn. Hiểu biết về nghiệp lý là như vậy. Như ngày hôm qua tôi nói học về sáu cái trí này của Đức Thế Tôn không phải là mình học về cái chuyện của Ngài. Không phải vậy. Học chuyện của Ngài là một nửa và một nửa là mình học cho mình. Chẳng hạn như cái trí thứ nhất Đức Như Lai biết rất rõ chuyện gì có thể và không có thể, chuyện gì là vô lý, chuyện gì là hợp lý, thì qua cái trí đó của Ngài mình rút được bài học gì? "À, thì ra cái biết của mình hạn chế như vậy". Khi mà mình biết mình bị hạn chế có nghĩa là mình đã đi một bước rất là xa. Cái biết cần thiết nhất, hay nhất mà con người cần phải có trước nhất đó chính là biết được cái chỗ khuyết, chỗ thiếu của mình, xin thưa quí vị. Xin các vị nhớ dùm cái này, cái này quan trọng lắm. Biết được mình biết cái gì nó không có bằng biết được, chú ý được, phát hiện được cái mà mình không biết. Cái đó nó mới hay. Biết được cái sở đoản của mình nó rất là quan trọng và có nhiều trường hợp nó còn quan trọng hơn cái sở trường của mình nữa. Bởi vì cái sở trường của mình mình không biết tới nó thì nó vẫn là cái ruột của mình, nhưng mà cái sở đoản nếu mà mình không lưu ý tới nó là mình sẽ chết dễ như chơi, quý vị có hiểu cái này không? Thí dụ như con nhà võ, mình biết mình xài bộ tay rất là giỏi nhưng mà mình biết bộ chân mình xài dở ẹc, hoặc mình giỏi bộ chân mà bộ tay mình dở. Cái chuyện mà bộ chân mình giỏi đó, mình có thể quên nó không sao hết. Nhưng mà cái bộ tay mình mà mình không có giỏi chơi bộ tay, mình chỉ giỏi về cước, về thối, thối thì bắt chân, mà quyền mình dở, thì mình phải luôn nhớ rõ cái đó. Mình phải biết cái nhược của mình, mình chết là chết cái chỗ mình không biết cái nhược của mình đó. Cho nên cái chuyện mà ta biết cái điều ta hiểu, mình biết bao nhiêu nó cũng hay, cũng quan trọng đó; nhưng mà nó không có quan trọng bằng chuyện mình biết mình dốt. Luôn biết được mình dốt rất là quan trọng. Ở đây cũng vậy, khi mà mình học về chuyện mà các Đức Như Lai biết rõ cái gì vô lý, cái gì hợp lý, cái gì có thể và không có thể, thì mình mới nghĩ về mình, mình nói "Ồ thì ra, cái biết của mình còn quá hạn chế". Có nhiều cái mình tưởng nó đúng nhưng mà chưa chắc, có nhiều cái mình tưởng nó hay nhưng mà chưa chắc. Như ngày hôm qua tôi nói, ở ngoài đời tôi làm sao tôi có nhiều tiền, tôi làm sao tôi có được mái ấm gia đình ngon lành, vậy là xong. Tôi tưởng vậy là nhất rồi. Cả đời tôi cứ cắm đầu gục mặt ở trong cái mái ấm gia đình, trong cái đống tiền, ăn rồi cứ le lưỡi đếm từng đồng, từng đồng, đối với tôi đó là số một. Nhưng mà có những cái nó còn hơn cái đó nữa, đó là khi mà mình có được đời sống tinh thần của một người Phật tử, mình biết giữ giới, mình biết tu thiền, mình biết bố thí, mình biết từ tâm, mình biết chánh niệm, đủ chưa? Chưa đủ. Vấn đề ở chỗ là mình biết mình chưa đủ. Chứ khi mà các vị không biết được là mình còn có điểm khiếm khuyết, còn có điểm bổ xung, còn có điểm chỉnh sửa, khi mà các vị không có để ý cái mặt đó mà cứ để ý mình đã làm được gì thì coi chừng chết, coi chừng chết ngắc. Cho nên nhớ cái câu này: "Học về Phật, học về Thánh hiền nói chung là không phải để mình học mình coi mình có cái gì không, mà mình còn phải biết rõ, nhớ chừng là mình đang thiếu cái gì?" Tôi e rằng cái phần mà biết mình thiếu đó, cái phần đó tôi e là nó quan trọng hơn. Tôi có thể quên ở nhà tôi có cái gì, cái đó tôi quên, cái đó không chết, nhưng mà tôi phải nhớ nhà tôi thiếu cái gì. Sức khỏe tôi, tôi ngon lành cái mặt nào, cái phần đó tôi quên không sao hết. Nhưng mà tôi biết sức khỏe tôi cần phải bổ xung, cần phải điều chỉnh chỗ nào, cái đó mới là quan trọng. Còn cái chuyện các vị không đồng ý thì tùy quý vị nhưng mà tôi chỉ nói vắn tắt như vầy. Tôi đẹp trai, tôi có sức khỏe, tôi có thể quên hai cái đó không sao. Nhưng mà tôi bị sạn thận, tôi bị tiểu đường, tôi bị cao máu, tôi bị tim thòng, những cái đó tôi phải nhớ. Mấy cái đó mà hỏng nhớ là chết dịch đó! Còn cái chuyện mà tôi đẹp trai, cái chuyện mà tôi khỏe mạnh, tôi cơ bắp, tôi cao ráo v v… cái đó tôi quên hỏng sao hết. Nhưng mà mấy cái nhược của tôi, tôi phải nhớ. Tôi mà bị coi như là mất ngủ, suy nhược thần kinh, tôi bị tim thòng, tôi bị sạn thận, rồi tôi bị bao tử loét, tôi bị bác sĩ nghi ngờ cái này cái kia, ... Đó. Mấy cái đó là cái tôi phải nhớ, cái đó quan trọng lắm. Tiếp theo về nghiệp cũng vậy, mình đã tưởng mình đã hiểu rồi. Không, không đủ đâu quí vị. Mình chỉ biết nhiều lắm là mình chỉ biết một mảnh vụn nhỏ xíu xìu xiu của cái gọi là tổng nghiệp thôi. Mình biết là làm cái đó, được cái đó, làm cái đó, được cái đó, ... nhưng mà mình quên nghĩ một chuyện. Đó là ngay trong lúc mà mình làm thiện đó, cái ác nó pha vô mà mình không biết. Vậy đó. Bố thí mà bằng cái tâm ganh tỵ; bố thí mà bằng cái tâm tiếc của; bố thí mà bằng cái tâm bực mình, sân hận, hiềm khích; bố thí mà để cầu danh, để cầu lợi; thì chỉ riêng hành động bố thí mà nó kéo theo những phiền não, bao nhiêu phiền não nó chen vô mà mình không có ngờ. Sắp tới mùa dâng y, còn 5 tháng nữa dâng y. Các vị coi kỹ coi. Ai mà làm thí chủ, nắng nôi thấy bà nội, nó nóng nó nực, người đông rần rần, khói nhang nghi ngút, tiếng ồn om sòm. Rồi đã vậy mình nghe lời ong tiếng ve là bực mình. Mà hôm đó mình lại là thí chủ lớn, đại thí chủ trong một ngôi chùa lớn, dâng y, thì mình phải coi cái khả năng buông bỏ của mình nó được bao nhiêu? Hôm nay mình không có còn nhớ bao nhiêu cái tỵ hiềm, bao nhiêu cái bực mình. Sáng giờ mình gặp cái bản mặt nào mình không thèm màng tới, mình chỉ nghĩ đến một việc mình đang gieo cái duyên lành giải thoát, mình đang cúng dường vô thượng phước điền y cho chúng tăng. Vậy là đủ rồi, còn cái chuyện gì ngoài ra thì mình bỏ. Còn không, nếu mà mình không có kiểm soát, thì ngay trong cái mà mình tưởng mình hiểu được cái nghiệp đó, còn rất là sơ sài. Cho nên mình học ở đây mình thấy Đức Như Lai biết rất rõ về các nghiệp thì học cái đó để nhớ lại mình. Mình tự xét mình đã hiểu được gì về nghiệp? Mình cứ tưởng là cúng dường trai tăng là có phước nhưng mà mình quên là mình đã cúng dường bằng cái tâm lý như thế nào? Kể cả mình đi vào thiền viện cũng vậy. Mình cứ tưởng mình vào thiền viện là mình thành hành giả. Sai. Vào thiền viện mà có bao nhiêu phần trăm mỗi ngày anh sống chánh niệm? Và trong những giây phút anh sống chánh niệm ấy, cái mục đích, cái lý tưởng, cái cứu cánh cao nhất của anh là giải thoát hay anh còn tơ tưởng đến chuyện gì khác?
Trích bài giảng ngày 03.06.2019 KTC.6.64 Sư Tử Hống
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english