Tâm trạng tử tù

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tâm trạng tử tù

Khi nói về tâm, ôi thôi đủ thứ vấn đề hết. Cái thân này sở dĩ mà mình quan tâm đến danh lợi là tại vì mình chưa một lúc nào mình chịu ngồi xuống để mình thấy rằng cái thân tâm này thật sự không phải của mình. Ở đây tôi không phải làm con két chùa mà tôi nói. Thật sự nó dễ ẹc, quí vị biết không, nó dễ ẹc hà. Muốn cho nó mất thì dễ ẹc hà, dễ lắm. Ở đây ai mà đi Honda thì biết. Mình cán cùi bắp hoặc là cái thằng nào nó đi trước mình nó cán cùi bắp, tay lái nó chao nghiêng một phát, mà ngoài xa lộ tốc độ cao là xong. Thằng đi trước mà nó cán đinh là phía sau mình đi ngang là rước nó luôn. Một cuộc hôn phối giữa xa lộ. Chỉ cần nó bị sụp ổ gà hoặc bị cán đinh một phát, mình nhào tới là hai đứa thành một. Trên trời thì không biết có làm "chim liền cánh" không chứ dưới đất là tôi thấy hai đứa là "cây liền cành" rồi đó. Rồi ăn uống ba cái đồ độc hại, thuốc trừ sâu, phân bón tùm lum, coi như là đời sống của các vị nó rất là mong manh. Cái chết nó dễ ẹc hà. Cái này không phải của mình. Cái thân, cái mạng của mình có thể hoàn toàn bị quyết định bởi những cái thằng không ra gì, những cái chuyện không ra gì hết. Đó là cái mạng của mình.

Cái tâm của mình thì phải nói mình đâu có muốn buồn, mình đâu có muốn lo, muốn giận đâu, nghĩ kỹ coi đúng không? Không cần phải bận tâm cái thằng nào đang nói, mà hãy bận tâm nó đang nói cái gì, phải làm con người khôn một chút. Không cần bận tâm cái thằng nào đang nói là ai, mà hãy coi nó đang nói cái gì. Các vị để ý một chuyện, cứ sống chánh niệm, cứ sống chánh niệm để thấy rằng thật ra mình xấu dữ lắm. Mình xấu dữ lắm, mà cái tâm mình nó ác dữ lắm. Cái thân mình coi như khổ triền miên, mà cái tâm mình nó xấu dữ lắm, nó hèn dữ lắm, nó tồi trong từng phút như vậy. Nó hèn lắm. Mà khi mình thấy cái thân này là phù du, cái tâm này nó tồi tệ đó thì cái "tôi" của mình nó bớt đi nhiều lắm. Chính vì có một thời gian rất là lâu, mình cứ ngồi mình dệt mộng, mình ảo tưởng về nó, mình thấy mình là một cái gì đó hay lắm, hay lắm, ngon lắm. Từ đó là nó mới sinh ra là đủ thứ sự hết.

Như các vị biết, trong kinh Đức Phật Ngài dạy là một vị tỳ kheo phải nhớ rằng mình giống như một con cua gãy càng, con bò gãy sừng, người nô lệ vậy và bằng cái tâm trạng đó thì mình mới có thể chịu nổi được sự chà đạp của cuộc đời. Và biết bao nhiêu bậc hiền thánh trên đời Đông và Tây, cả Đông và lẫn Tây, đều dạy mình: "Tâm trạng tử tù là cái thứ tâm trạng tốt nhất để ta thành nhân." Câu này phải ghi nhớ, mặc dù nghe rất là kỳ. "Tâm trạng tử tù là cái thứ tâm trạng tốt nhất để ta thành nhân." Là sao? Mình biết rằng là mình đã bị tuyên án tử rồi, sắp dựa cột rồi, sắp bị ngồi ghế điện, sắp bị chích thuốc độc. Không biết là tháng nào nhưng nội trong năm nay là coi như kết thúc. Thì lúc bấy giờ mà có đứa nào đứng trước phòng nó có chửi cha mình đi nữa thì, tôi không biết quí vị sao chứ tôi biết, nhiều người nó nguội ngắt hà, nó nguội lạnh rồi. Bây giờ mình có lại mình kêu nó, mình cho nó 50 tỷ thì nó cũng nguội ngắt luôn. Bởi vì quí vị biết không nó ghê lắm. Tôi đọc báo tôi mới biết.

Tử tù ở Việt Nam là đa phần đêm thức mà ngày ngủ. Là tại sao? Bắt cái trớn từ những ngày đầu, lâu ngày thành nếp. Những ngày đầu nó vô đó tự nhiên nó phải biết một chuyện là các cái cuộc đi trả án, là đi xử tử đều được thực hiện vào lúc rạng sáng. Mà khổ một chỗ là nó không được báo trước, nó chỉ được báo phút cuối. Thí dụ đêm nó đang ngủ khoảng 4 giờ sáng là có người tới gõ cửa, nói bây giờ bữa nay đi trả án. Trời còn tối thui. Đưa ra cho nó một cái mâm, tôi thấy có chụp hình nữa: một cái bánh bao, một chai nước ngọt với hình như có trái táo, trái chuối gì đó. Xong, rồi nó đem ra. Có nhiều tên nó run bắn lên. Có đứa tiểu trong quần luôn, các vị biết không? Hồi đó nó lưu manh, nó giết người, nó đâm, nó chém coi như không có tiếc tay, mà bây giờ khi nó bị xốc nách đem ra, cái thời mà còn bị dựa cột bị bắn, xốc nách nó mà nó như cọng bún cứ nhũn người ra. Có đứa thì nó khóc, có đứa thì nó xỉu luôn. Có đứa nó vừa đi nó vừa năn nỉ ông công an dắt nó "Ông tha cho con". Mà lúc đó nó chỉ xin một cách phải nói là mất trí, nó đờ đẫn nó xin. Chớ cái anh chàng công an dắt nó đi ảnh đâu có quyền gì. Lúc đó chỉ có chủ tịch nước là cứu ảnh được thôi chứ không ai cứu ảnh được. Đến giờ đó đâu còn chánh án, luật sư gì cứu nữa. Nhưng mà lúc đó ảnh quýnh lên rồi, ảnh chỉ kêu là "Ông ơi! Tha cho con". Nói cho nó bớt sợ, mà ra tới nó nhũn ra. Ra đó nó cột xốc ngược, nó trùm cái khăn là bắt đầu. Một, hai, ba. Nguyên một đám nó nhắm nó phơ thôi. Tại sao tôi chịu khó tôi kể kỹ như vậy? Các vị đừng tưởng tôi kể vô ích. Không phải vô ích đâu. Tôi cho các vị thấy những thằng tù khi nó biết được cái chuyện tôi vừa kể, nó sống bằng tâm trạng ngộ lắm.

Thì mình cũng vậy, khi mình biết mình là bệnh nhân ung thư kỳ cuối, mình biết mình là cái tên tử tù, thậm chí mình nghĩ mình là một người đang bị truy nã, đang bị kẻ thù truy sát, pháp luật truy nã, đang là bệnh nhân giai đoạn cuối, đang là kẻ tử tù sắp thi hành án. Thì đây là những hạng người mà coi như cái khả năng chịu đựng của họ rất lớn, rất rất lớn. Và cái niềm đam mê vớ vẫn không còn nữa. Khả năng tha thứ, bao dung rất lớn, khả năng chịu đựng rất lớn và còn bao cái thứ đam mê, hưởng thụ vớ vẫn không còn nữa. Là vì sao? Là bởi vì họ đang đối diện với vấn đề cực lớn của cuộc đời họ. Cái này phải ghi nhớ.

Thì một người muốn tu hành cho tới nơi tới chốn cũng phải sống bằng tâm trạng đó. Là sao? Sống bằng cách nào? Sống bằng cách là phải luôn luôn nhớ rằng "sống nay chết mai". Đừng có tin vào cái phán xét của bác sĩ nói "anh còn khỏe" rồi tưởng điều đó có nghĩa là anh còn sống lâu. Sai bét. Là bởi vì nó có trường hợp thế này. Các vị biết khám định kỳ không? Có cái ông đó 6 tháng ổng đi một lần, nhưng nó xui cho ổng là cái lần đó ổng đi khám xong rồi ổng về bệnh nó mới phát mà ổng không biết. Ổng mới vừa đi khám định kỳ tuần rồi. Bác sĩ nói "Ông OK". Nhưng nó xui cho ổng là họ đâu có khám được cái tiền triệu chứng. Bác sĩ đâu có khám được, trừ trường hợp bác sĩ quá giỏi hoặc mình quăng ra một số tiền quá lớn người ta mới làm kỹ thôi. Chứ còn đa phần người ta vô làm cái gì? Tôi đi hoài tôi biết. Thì cũng đo máu, thử phân, nước tiểu, tim mạch, hả họng ra "A A Ô Ô". Rồi xong. Vạch lỗ tai coi. Xong, đuổi về. Khi nào nó thấy gì kỳ kỳ thì nó mới phán; còn không nó cứ đè "A đi con, Ô đi con", vạch lỗ tai, vạch lỗ mũi, banh con mắt này ra, rồi thử phân, nước tiểu xong, đuổi về, chỉ vậy thôi. Rồi khi ổng về chừng tuần lễ là bệnh nó phát.

Cho nên không có một thầy bà bác sĩ nào có thể bảo đảm rằng quí vị sống được 90 tuổi hết trơn. Cho nên kể từ hôm nay, cứ nhớ chừng, nhớ là mình có thể đi bất cứ lúc nào và cái mạng sống của mình dầu mình kỹ cách mấy chỉ có 50% thôi, còn 50% là những yếu tố từ bên ngoài đánh vào. Nhớ vậy. Ta chỉ có thể tự liệu cái mạng của ta maximum (tối đa) là có 50. Còn 50 là từ bên ngoài đánh vào như thức ăn, dưỡng khí, tai nạn, v.v ... mình khó nói lắm.

Trích bài giảng ngày 03.06.2019 KTC.6.64 Sư Tử Hống
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Nhức Răng | | Gồng hay Né

Tàm Úy | | Yêu Ghét

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com