Bồ Tát

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Bồ Tát

KTC 6. 9. 73 Thiền
Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể đạt được an trú sơ Thiền. Thế nào là sáu? Dục tham, sân, hôn trầm - thụy miên, trạo hối, nghi, không như thật khéo thấy với chánh trí tuệ các nguy hại trong các dục. Không đoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đạt được và an trú sơ thiền.

dục thamsânhôn trầm
thụy miên
trạo hốinghi
kāmacchandabyāpādathina-middhauddhaccakukkuccavicikiccha

AN 6. 9. 73. Paṭhamatajjhānasuttaṃ
Cha, bhikkhave, dhamme appahāya abhabbo paṭhamaṃ jhānaṃ upasampajja viharituṃ. Katame cha? Kāmacchandaṃ, byāpādaṃ, thinamiddhaṃ, uddhaccakukkuccaṃ, vicikicchaṃ, kāmesu kho panassa ādīnavo na yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭho hoti. Ime kho, bhikkhave, cha dhamme appahāya abhabbo paṭhamaṃ jhānaṃ upasampajja viharituṃ.

"Người muốn chứng thiền phải lìa được 5 triền cái thấy được cái tai hại của dục lạc." Tại sao ở đây mình thấy kể 5 triền cái, đầu tiên là tham dục, mà tới cái thứ 6 Đức Phật Ngài lại kể riêng là thấy được nguy hiểm trong các dục?

Trong một khoảnh khắc nào đó chúng ta có thể ly dục, không thích gì hết và ngay trong khoảnh khắc đó chúng ta có thể chứng thiền. Chẳng hạn như bồ tát Tất Đạt Ngài không có biết dục là gì, Ngài cũng không có biết ly dục là gì, nhưng khi Ngài lên 7 tuổi, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi miễn là dục ái vắng mặt thì bồ tát có thể chứng thiền, chứng được sơ thiền, đúng. Nhưng mà bồ tát chưa có được cái thứ 6 này, có nghĩa là Ngài không có thấy được nguy hiểm trong các dục. Bây giờ các vị hiểu chưa? Đây là lý do vì đâu đã lìa 5 triền cái mà tại sao Đức Thế Tôn Ngài kể luôn cái thứ 6 là bởi vậy đó.

Thái tử Tất Đạt thấy rõ ràng rằng trong một tích tắc đã là người ly dục cho nên mới chứng được sơ thiền chứ, nhưng mà bồ tát Tất Đạt chỉ được 5 cái điều đầu tiên thôi. Tức là sự vắng mặt tạm thời của 5 triền cái và nếu mình đủ duyên và tu đúng, nghĩa là đúng và đủ, thì trong tích tắc có thể chứng được sơ, nhị, tam, tứ thiền, đúng vậy. Nhưng mà không có cái thứ 6 thì cái quả chứng ấy không bền. Là vì sao? Là vì có rất nhiều và rất nhiều những người đắc thiền xong, rồi quay lại đời sống thế tục và không có thể trở lại với thiền định được nữa. Con số này đông hơn quân Nguyên chứ không phải là đông như quân Nguyên mà là đông hơn quân Nguyên. Có nghĩa là có vô số người trong cuộc đời này, trong đời sống của họ, họ đã từng đắc thiền, đắc sơ thiền mà họ không biết. Có, kể cả họ không biết Phật Pháp. Chẳng hạn như những vị đạo sĩ, có rất là nhiều người trong hàng Phật tử mình. tôi nghĩ rằng cái chuyện mà thời nay tôi không biết, nhưng theo mô tả trong kinh thì thời Đức Phật cái người mà đắc sơ thiền trong tích tắc nhiều hơn quân Nguyên. Là vì sao? Vì mình thấy thái tử Tất Đạt 7 tuổi biết cái gì mà còn đắc sơ thiền. Có một điều là do họ không biết. Họ không biết cái cảm giác đó là cái gì. Nếu mà có học đạo và có thầy kèm cặp thì biết, còn không thì như chính Ngài, lúc đó Ngài chỉ biết cảm giác rất là an lạc. Nếu mình là người huệ căn thì mai này mình có thể quay lại cảm giác đó bằng cách là thực hiện những thao tác cũ, thí dụ như hơi thở: "Bữa hổm mình làm sao mình được cảm giác đó ta?" Ngồi yên, biết rõ hơi thở ra, biết rõ hơi thở vào. Với sự tập trung ấy, 5 triền cái vắng mặt, thời gian lâu mau tùy người, thì tâm sơ thiền xuất hiện. Lúc đó họ không biết đó là tâm sơ thiền, họ chỉ biết đó là cảm giác an lạc và thanh tịnh. Nếu họ muốn cảm giác đó quá thì họ phải quay lại với thao tác cũ, ngồi yên lại theo dõi hơi thở, ra biết là ra, vào biết là vào. Rồi với sự tập trung ấy, 5 triền cái vắng mặt, và nếu đủ duyên thì tâm sơ thiền xuất hiện. Họ chỉ biết tới đó thôi.

Nhưng còn cái vụ thứ 6 này không phải ai cũng có. Đó là thật sự biết chán sợ trong 5 dục.

Tôi nhắc lại, bài kinh này rất là sâu. Sâu ở chỗ nào? Sâu ở chỗ này: Anh muốn thực hiện cái gì chỉ cần anh làm đúng kỹ thuật thì anh sẽ làm được, có một điều là anh cần đến một cái nền tảng nhận thức, một nền tảng kiến thức để mà hỗ trợ cho công việc ấy. Tôi nói lại lần nữa, bất cứ việc gì nếu anh áp dụng đúng kỹ thuật thì anh sẽ thực hiện được, nhưng mà để đạt được sự lâu bền thì anh phải cần đến một khả năng nhận thức rất là vững vàng. Quý vị có hiểu cái đó không?

Có nhiều sự trong đời, có nhiều trường hợp trong đời này, chúng ta thực hiện thành công bằng sự ngẫu nhiên. Nhưng mà nếu muốn quay trở lại với sự thành tựu ấy và kéo dài nó, biến nó thành sở hữu của mình, thì chúng không còn là vấn đề ngẫu nhiên, không còn là vấn đề may mắn mà chúng ta phải tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật. Quí vị thấy được cái đó không?

Cho nên 5 cái đầu có thể chỉ là sự may mắn, nhưng mà riêng cái thứ 6 này bắt buộc phải có thông qua một sự chuẩn bị, thông qua một sự đầu tư nghiêm túc. Đây chính là vì sao ở đây bên cạnh cái việc lìa bỏ 5 triền cái Đức Thế Tôn lại kể thêm điều thứ 6 là vậy đó quí vị.

Tôi nhắc lại bồ tát Tất Đạt rõ ràng trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó Ngài lại không có 5 triền cái và Ba la mật của Ngài phải nói là nhiều như biển, như núi, như trời cao đất rộng cho nên tích tắc là Ngài có ngay cái sơ thiền nhưng mà ngay lúc đó Ngài không có được cái thứ 6, Ngài không biết chán sợ trong các dục.

Tôi nói lại một lần nữa, cái đặc điểm của một vị bồ tát là cái gì? Là luôn luôn hướng tới cái tốt hơn, thứ hai khả năng buông bỏ rất giỏi và thứ ba không tự giam nhốt mình trong bất cứ một cái nhà ngục nào. Nếu hôm nay những người nào nghe giảng bài pháp này thì chỉ cần ghi 3 đặc điểm của bồ tát về cũng có thể tu được một đời, tu được muôn kiếp chỉ bằng 3 cái này:

  • Một, luôn hướng tới cái tốt hơn, về mặt tinh thần nha.
  • Hai là khả năng buông bỏ rất giỏi, bởi vì khi anh muốn hướng tới cái tốt hơn thì anh phải có khả năng buông bỏ chứ. Chứ còn bây giờ mà anh cứ ôm cái nhà cấp 4 tôn thấp lè tè, lè tè thì làm sao anh có thể về Thảo Điền hay Phú Mỹ Hưng anh có cái nhà khác được, nha. Anh phải có cái gan bỏ cái nhà bên lỗ cống thì anh mới đi xa được.
  • Thứ ba, không bị giam nhốt trong bất cứ nhà ngục nào cho dầu đó là một cái thành tựu lớn bé, cho dầu nó là một niềm đam mê như thế nào đi nữa thì bồ tát luôn có khả năng đó.
Một là hướng đến cái cao hơn, tốt hơn. Hai là bồ tát có khả năng buông bỏ rất giỏi. Ba là không tự giam nhốt mình trong bất cứ một cái nhà ngục nào.

Từ đó, bồ tát có thể thực hiện vô số hạnh lành. Đặc biệt về mặt tình cảm bồ tát không có tự giam nhốt mình trong cái gọi là tình thân. Đối với bồ tát thì muôn loài, vạn loài chúng sinh thảy đều là người một nhà bởi vì bồ tát không có bị giam nhốt. Về trí tuệ, bồ tát không ngừng tìm tòi trong văn, tư, tu. Còn về tình cảm thì bồ tát không bị giới hạn bởi những biên giới, bởi những giới tuyến, bởi những rào cản, bồ tát thương hết muôn loài.

Còn mình thì sao? Mình nói cho đã nhưng mà cuối cùng cái gọi là "thương" của mình chỉ là "ái" thôi chứ đừng nói từ. Mà đã nói ái là gì? Ái là thương yêu có điều kiện và trong giới hạn, còn từ bi thì không. Từ bi đúng nghĩa là không cần điều kiện và không có ranh giới thì cái tâm ấy mới được gọi là vô lượng tâm. Chứ còn cái thứ tâm từ mà chỉ rải riêng cho cái người nhà, cho bồ nhà, cho nội bộ, cái đó chưa được gọi là vô lượng tâm mà coi chừng nó mới còn ở cái mức tham ái. Mà trong khi đó từ tâm là không cần điều kiện và không có biên giới, còn tham ái là yêu thương có điều kiện và bị giam nhốt trong biên giới.

Trích bài giảng KTC.6.70 Thần Thông
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Kuhana | | Bù Trừ

Tâm Sở Bất Định | | Mê Tín

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com