Mê Tín

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Mê Tín

KTC 6. 9. 93. Hành
Này các Tỷ-kheo, có sáu trường hợp không thể xả ra. Thế nào là sáu? Người đầy đủ tri kiến không thể chấp nhận bất cứ hành nào là thường còn; người đầu đủ tri kiến không thể chấp nhận bất cứ hành nào là lạc; người đầy đủ tri kiến không thể chấp nhận bất cứ hành nào là ngã; người đầy đủ tri kiến không thể làm hành động vô gián; người đầy đủ tri kiến không thể làm cho thanh tịnh với những lễ nghi đặc biệt; người đầy đủ tri kiến không thể đi tìm các vị đáng được cúng dường ngoài chư Tăng. Này các Tỷ-kheo, đây là sáu trường hợp không thể xảy ra.
9. 93. Dutiyaabhabbaṭṭhānasuttaṃ
‘‘Chayimāni, bhikkhave, abhabbaṭṭhānāni. Katamāni cha? Abhabbo diṭṭhisampanno puggalo kañci saṅkhāraṃ niccato upagantuṃ, abhabbo diṭṭhisampanno puggalo kañci saṅkhāraṃ sukhato upagantuṃ, abhabbo diṭṭhisampanno puggalo kañci dhammaṃ attato upagantuṃ, abhabbo diṭṭhisampanno puggalo ānantariyaṃ kammaṃ kātuṃ, abhabbo diṭṭhisampanno puggalo kotūhalamaṅgalena suddhiṃ paccāgantuṃ, abhabbo diṭṭhisampanno puggalo ito bahiddhā dakkhiṇeyyaṃ gavesituṃ. Imāni kho, bhikkhave, cha abhabbaṭṭhānānī’’

Điều thứ nhất: Một người hiểu được bốn đế thì đầu tiên là hiểu được mọi thứ là khổ. Và vị đó không chấp nhận bất cứ cái gì ở đời này là vĩnh cửu.

Điều thứ 2: Khi mà hiểu được mọi thứ ở đời không có gì là vĩnh cửu, thì vị đó đồng thời cũng hiểu được là trong đời này cái gì nó cũng nằm trong 3 khổ:

  1. khổ khổ, nghĩa là như vừa nói, là cái gì nó làm cho thân tâm mình khó chịu,
  2. ngoại khổ là sự biến mất của những gì làm cho mình dễ chịu, và
  3. hành khổ là cái tánh lệ thuộc vào các điều kiện để có mặt.
Cho nên khi thấy được mọi sự là vô thường thì vị Tu Đà Huờn cũng cùng lúc thấy được mọi sự là khổ.

Điều thứ 3: Khi thấy mọi sự là vô thường, là khổ thì vị đó không có lý do gì mà tin tưởng 1 cái tôi thường hằng bất biến. Cái gọi ông A, bà B, là Tôi, là Ta nó chỉ là sự ghép nối của vô số những đơn vị pháp giới phù du mong manh. Ở đây không có 1 cái cá thể đơn thuần nào mà tồn tại đời đời kiếp kiếp. Trong kinh ghi rất rõ:

"Không hề có ai chịu khổ, chỉ có sự khổ mà thôi.
Không có ai tạo ra khồ, chỉ có nguyên nhân sanh khổ.
Không có ai thoát khổ, chỉ có cứu cánh thoát khổ.
Và cuối cùng, chỉ có con đường hành trì thoát khổ, chứ không có ai là người hành trì."

Phải hiểu rốt ráo như vậy. Vị Tu Đà Huờn thấy như vậy đó. Vị Tu Đà Huờn thành tựu trọn vẹn tri kiến thanh tịnh về Tam Tướng, thấy rõ (nghĩa là có thần) vạn hữu ở đời đều là vô thường, khổ và vô ngã.

Điều thứ 4: Vị Tu Đà Huờn không có tạo nghiệp vô gián. Trong kinh dịch là hành động vô gián, nghe mệt quá. Tiếng Pali là ānantariyaṃ kammaṃ. Kamma có nghĩa là việc làm, hành động, thiện ác. Nhưng mà ở đây thì phải dịch là nghiệp vô gián, nghiệp ngũ nghịch, gồm 5 thứ: giết cha, giết mẹ, giết La Hán, làm thân Phật chảy máu, và chia rẽ chúng tăng (tức là phá hoại hội chúng tăng giả đang hòa hợp thanh tịnh). Vị Tu Đà Huờn không thể làm mấy cái chuyện đó.

Điều thứ 5: Trong kinh thì nói là "không thể làm cho thanh tịnh với những lễ nghi đặc biệt", đó là bản dịch mà đọc rất là mệt. Tiếng Pali "kotūhalamaṅgalena" có nghĩa là "mê tín dị đoan". Đó. Nó khổ như vậy đó. Bản tiếng Việt lại để là "làm cho thanh tịnh với những lễ nghi đặc biệt". Và ở đây tôi cũng báo tin luôn cho các vị là các vị hoàn hoàn có thể dò xét các lời dịch của chúng tôi, nhe, những lời dịch mà chúng tôi sửa lại đó. Các vị có thể dò trên internet, bằng tiếng Đức, tiếng Anh sẽ thấy rất là rõ ràng chứ không phải là lờ mờ. Trong đó "kotūhalamaṅgalena" có nghĩa là mê tín dị đoan. Nghĩa là vị Tu Đà Huờn không thể nào còn mê tín dị đoan. Là sao? Có nghĩa là vì tin tưởng vào nghiệp lý (làm thiện được vui, làm ác bị khổ), tin tưởng lý tam tướng (phàm cái gì ở đời đều do duyên mà có, và có rồi phải mất) nên Vị Tu Đà Huờn thấy rõ rằng nếu mà có 1 đời sống hợp lý thì tự nhiên gia đạo an hòa, sức khỏe ổn định. Chứ không cần phải cúng bái, đặt hết niềm tin vào phong thủy, tử vi, cúng tế ông này bà nọ. Vị đó tin tưởng:

  1. mọi sự ở đời đều do duyên mà có - không phải do ngẫu nhiên,
  2. tiền nghiệp thiện ác có 1 phần quan trọng trong đời sống của mình,
  3. sống hợp lý thì tự nhiên được an lạc, còn sống phản khoa học, phản y học thì nó sẽ nảy sinh ra đủ thứ vấn đề.
Vị đó không thể tiếp tục duy trì niềm tin theo kiểu mê tín dị đoan, những điều trái đạo, trái khoa học. Vị Tu Đà Huờn không thể mê tín dị đoan.

Điều thứ 6 cái điều này cũng hơi nội bộ một chút, tiếng Pali gọi là na ito bahiddhā dakkhiṇeyyaṃ gavesati.

ito: từ đây, từ chỗ này
bahiddhā: ngoài ra, bên ngoài
gavesati: đi tìm
dakkhiṇeyya: đối tượng cúng bái
na ito bahiddhā dakkhiṇeyyaṃ gavesati: Vị Tu Đà Huờn không có tìm đối tượng cúng bái ngoài ra Tam bảo.

Chuyện đó không có.

Nói như vậy không có nghĩa là Đức Phật Ngài kêu gọi đệ tử của Ngài là chỉ tập trung cuồng tín vào Ngài và đệ tử của Ngài, không phải vậy. Mà Ngài dạy rằng với một cái niềm tin, với một hiểu biết của người thấy được 4 đế, thì vị đó thấy rằng cái gì mà nó thuận ứng với cái trí tuệ giác ngộ của mình thì các vị coi đó là cái đường lối để mà sống, đường lối để mà hành trì.

Thì ở đây một vị Tu Đà Huờn không có còn lăng xăng tìm đến thầy này, bà nọ ngoài ra Tam bảo. Tôi xác định một điều nữa là Đức Phật không hề có cái chuyện Ngài kêu gọi chỉ có trong giáo pháp này mà Ngài có nói câu này trong kinh Đại bát niết bàn, Ngài nói "Ở đâu có bát chánh đạo thì ở đó được gọi là giáo pháp." Nhớ nha. Và ngoài cái giáo pháp bát chánh đạo thì không có thánh nhân. Ngài nói rõ chứ Ngài không nói là đạo Phật, đạo Chúa, Ngài không có nói. Mà Ngài chỉ nói là ở đâu có bát chánh đạo thì ở đó là chánh pháp, mà ngoài bát chánh đạo tức là ngoài cái chánh pháp đó, chánh pháp mà được định nghĩa là bát chánh đạo đó, thì không có thánh nhân. Mà khi không có thánh nhân có nghĩa là cái gọi là đối tượng xứng đáng để cúng bái sẽ không có.

Nếu một vị linh mục hoặc một giáo sĩ đạo Hồi mà có đầu óc khách quan, trung thực thì tôi tin chắc rằng họ phải đồng ý cái này là đúng. Nếu mà một ông linh mục mà ổng có cái đầu óc khách quan thì ổng phải đồng ý cái này là đúng. Là vì sao? Bây giờ ổng làm ơn ổng lột bỏ cái nhãn hiệu Phật giáo, lột bỏ đi, ổng chỉ lấy cái tinh thần bát chánh đạo ổng sẽ nhìn nhận là ở đâu mà có người hành trì bát chánh đạo thì phải nói là cái đối tượng đó là đối tượng đáng kính. Ở đâu có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, nghiệp, chánh mạng thì cái đó là đối tượng đáng kính.

Chớ còn bây giờ chưa gì hết là bà con dán cái nhãn hiệu đạo Phật lên đó là bắt đầu có phe phái, có anh có tôi, nó có hàng rào, nó có phên dậu, nó có giới tuyến, có biên giới là dở ẹc rồi. Còn cái này không có. Cái này anh cứ lấy tinh thần thôi "Ở đâu có bát chánh đạo thì đó là chánh pháp".

Đó! Cái điều này, tôi nói lại, một ông linh mục Thiên Chúa, hoặc một ông giáo sĩ đạo Hồi, giáo sĩ Do Thái, cái ông Guru của Ấn giáo, nếu mà ổng có đầu óc khách quan, bình tĩnh hơn, bình tĩnh lại thì ổng phải đồng ý mấy cái đó là đúng. Đời sống thánh hạnh đó ở đâu thì cái đối tượng kính lễ phải nằm ở đó.

Chớ còn nếu mà mình nghe giảng, mình coi kinh mình mà không có hiểu cái chỗ này mình thấy nó kỳ kỳ. Mình thấy giống như đạo này kêu gọi đừng có đi thương quí ai hết. Sai, sai. Ở đây đạo Phật chỉ nói đến cái giá trị thôi, đạo Phật không hề nói đến vấn đề phe phái, bè đảng, vây cánh. Đạo Phật không có nói cái đó. Đạo Phật chỉ nói cái chất lượng, cái phẩm chất, cái nội dung hành trì thôi, chứ đạo Phật không có xài cái nhãn hiệu. Một người không có pháp danh, chưa từng thọ lễ qui y Phật giáo, người đó xưa nay chỉ biết nhà thờ, nhưng nếu một ngày kia nghe giảng hoặc xem sách rồi về mà sống, hành trì theo tinh thần bát chánh đạo thì đó vẫn là một người khả kính.

Tôi phải nói là tôi thù cái chữ "pháp danh" lắm, pháp danh và "lễ quy y". Tôi biết nhiều người sẽ ném đá tôi banh xác luôn nhưng tôi vẫn nói. Tại sao tôi thù hai cái chữ đó? Tại vì đó là một cái thứ mà tôi cho là đệ nhất cuồng tín, đệ nhất ngộ nhận. Cứ nghĩ rằng có pháp danh, có thọ lễ quy y là Phật tử. Tôi ghét là ghét cái đó, ghét cái tào lao.

Anh có pháp danh mà anh có hiểu đạo hay không? Anh không có học giáo lý thì có pháp danh để làm cái gì? Thứ hai, anh nói với tôi là anh có thọ lễ quy y, đúng không? Anh thọ lễ xong rồi anh về anh có học giáo lý không? Anh có biết Phật dạy cái gì không? Không. Cái thứ ba, cái này mới bậy nè: Anh có pháp danh, anh có thọ lễ quy y xong rồi anh chẳng biết Tam bảo thật sự là cái gì. Mà anh cứ cắm đầu anh thờ cái ông sư phụ mà ban cho anh cái pháp danh, truyền cái quy giới cho anh, anh chỉ thờ cái ông đó.

Cái đó còn tệ hơn, còn tệ nữa. Cho nên tại sao tôi xài cái chữ thù? Không phải tôi xài quá lố, xài cái chữ nặng mà đó là sự thật. Tôi ghét cái đó lắm, tôi ghét cái vụ mà "pháp danh" với "lễ quy y". Cái này tôi nghe nhiều lắm: "Chị có thọ quy y chưa? Chị có pháp danh chưa?" Họ tưởng cái đó là cái hay ho lắm. Tôi nói cái đó nó còn tệ hơn là bằng cấp ngoài đời nữa. Vì bằng cấp ngoài đời ít ra nó cũng phải trải qua một thời gian được đào tạo, được huấn luyện người ta mới có bằng cấp. Ngay cả làm nail nó cũng có một cái giấy chứng nhận. Còn đằng này cái pháp danh, cái lễ quy y nó chưa đủ đâu vào đâu hết trơn.

Đạo Phật nguyên thủy là chỉ nhắm cái phẩm chất, cái nội dung, cái chất lượng thôi. Chứ còn ba cái thứ pháp danh, ba cái lễ quy y đó không có đủ để gọi là một cái bằng chứng đâu. Nhiều lắm nó chỉ là cái nhãn hiệu cho mấy cái người mê nhãn hiệu, mấy cái người tào lao.

Trích bài giảng KTC.6.93 Hành
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Côn Trùng Đồ Hiệu | | Chừng Nào Đắc Đạo?

Bồ Tát | | Tam Học

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com