Asādhāraṇena

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Asādhāraṇena

KTC 6. 2. 97. Các Lợi Ích
Có sáu lợi ích, này các Tỷ-kheo, khi chứng ngộ quả Dự lưu. Thế nào là sáu? Sự quyết định đối với diệu pháp không có bị thối đọa; không có bị đau khổ; làm các việc bị sanh tử hạn chế; thành tựu trí tuệ; không cùng chia sẻ với các dị sanh; nguyên nhân và các pháp do nhân sanh được khéo thấy. Có sáu lợi ích này, này các Tỷ-kheo, khi chứng ngộ quả Dự lưu.

aparihānadhammaniyatopariyantaasādhāraṇa
bất suy phápkhẳng quyếtbiên giớiriêng biệt

AN 6. 2. 97. Ānisaṃsasuttaṃ
‘‘Chayime, bhikkhave, ānisaṃsā sotāpattiphalasacchikiriyāya. Katame cha? Saddhammaniyato hoti, aparihānadhammo hoti, pariyantakatassa dukkhaṃ hoti, asādhāraṇena ñāṇena samannāgato hoti, hetu cassa sudiṭṭho, hetusamuppannā ca dhammā. Ime kho, bhikkhave, cha ānisaṃsā sotāpattiphalasacchikiriyāyā’

Kinh 97 này mới mệt đây. Nếu không có đọc cái bản Pali tiếng Phạn là chỉ có cắn lưỡi thôi. Ở đây, khi chứng quả dự lưu thì bản thân vị ấy được 6 cái điều đặc biệt. Trong đây dịch là "Sáu lợi ích", nhưng mà đây là 6 cái đặc ân, 6 cái quyền lợi, 6 cái thành tựu của một người chứng quả dự lưu.

Thứ nhất là gì? Đó là "sự quyết định đối với diệu pháp không có thối đọa". Có nghĩa là sao? Có nghĩa là vị này dứt khoát chỉ có thể tiến lên trong đường đạo chứ không thể quay lui. Những thành tựu nào của vị này về giới, về định, về tuệ, về giải thoát, về giải thoát tri kiến chỉ có thêm, chỉ có đi lên, chỉ có đi xa hơn nữa chớ không có đi xuống, không có thụt lùi, không có quay lui.

Còn mình thì sao? Mình là mình có đắc thiền, đắc thần thông, thuộc lòng Tam tạng, mình trí thức, mình đẹp, mình giàu, mình ngon lành, mình bảnh bao. Tất cả những cái đó chỉ cần tắt thở một cái, chưa biết cái nào còn cái nào mất, dòng luân hồi là đầy dãy bất trắc.

Trong khi đó những thành tựu về tâm linh của vị Tu Đà Hườn không thể nào mất được. Tôi nhắc lại, những thành tựu về giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến không mất, những thành tựu về các hạnh lành không mất. Vị này chỉ có thể đi xa hơn, cao hơn chứ không thể thụt lùi. Cho nên gọi là những "quyết định đối với diệu pháp không có thối đọa" là chỗ đó.

Cái chỗ này là phải đọc cái bản Pali chứ còn đọc cái bản này là trời hiểu luôn nha. Chayime, bhikkhave, ānisaṃsā sotāpattiphalasacchikiriyāya. Katame cha? Này các tỳ kheo đây là 6 ānisaṃsā, 6 cái gọi là thành tựu, 6 cái quả, 6 cái lợi ích, 6 cái đặc ân mà vị sơ quả Tu Đà Hườn có được.

Một là gì? Saddhammaniyato hoti.

Niyato đây có nghĩa là cái sự khẳng định, khẳng quyết.

Saddhammaniyato. Phàm phu không có được cái này. Gọi là niyato trong chánh pháp. Phàm phu không có sự khẳng quyết, khẳng định, sự dứt khoát, sự cố định trong chánh pháp. Phàm phu bữa nay thấy như vậy nhưng mà ngày mai khác đi, nói gì là đời sau kiếp khác. Đó là cái thứ nhất.

Cái thứ hai là aparihānadhammo: đây có nghĩa là vị sơ quả không có bị mất mát những điều tốt đẹp đã có.

Pariyantakatassa dukkhaṃ hoti: vị đó đang trên con đường đi đến sự đoạn tận đau khổ.

pariyanta có nghĩa là biên giới.

Pariyantakatassa dukkhaṃ hoti có nghĩa là từng phút trôi qua trong cuộc đời của vị Tu Đà Hườn đều là những công phu, đều là những bước đi hướng về niết bàn.

Tôi biết tôi nói cái này trong các vị sẽ có người nghĩ rằng tôi đang cường điệu, đang khuếch đại vấn đề. Nhưng đúng là như vậy đó, sự thật như vậy chứ không phải là cường điệu. Tôi nhắc lại từng phút trôi qua trong đời của vị Tu Đà Hườn đều là từng bước đi về cứu cánh thoát khổ. Là vì sao? Vì mấy vị này luôn sống trong thiện pháp, mặc dù có phiền não xen kẻ. Phiền não còn, đúng vậy. Nhưng mà các vị này thường trực sống trong niệm và tuệ, niệm và tuệ, niệm và tuệ. Điều đó có nghĩa rằng nếu chúng ta là phàm phu mà trong từng phút chúng ta cũng sống với niệm và tuệ thì sao? Thì có nghĩa là chúng ta cũng từng bước đi về cái cứu cánh thoát khổ. Có một điều là chúng ta có được thường trực, có được liên tục như vậy hay không?

Có 3 hạng hành giả.

Hạng thứ nhất là hành giả bậc hạ: hành thiền hành, thiền tọa có giờ, sau các giờ đó bung ra là coi như quậy tới nóc luôn. Muốn đi đâu, muốn làm gì, muốn gặp ai không thành vấn đề. Đó là bậc hạ. Có nghĩa là thiền hành, thiền tọa đúng giờ, thiền hành là đi 2 tiếng, thiền tọa ngồi 2 tiếng là xong. Hoặc là ngồi 3, đi 3, hết 6 tiếng đó là muốn làm gì thì làm. Buổi sáng mình cứ đi 1 tiếng ngồi 1 tiếng, đi 1 tiếng ngồi 1 tiếng. Hết buổi sáng là mới có 9 giờ hoặc 10 giờ là mình bung, mình đi phố tưng bừng thoải mái. Rồi chiều mình cũng quất đi 1 tiếng ngồi 1 tiếng, đi 1 tiếng ngồi 1 tiếng xong hết đâu đó là mình bung thoải mái.

Bậc trung là ngoài cái giờ đã định trong thời khóa thì vị ấy chỉ làm toàn là việc lành: quét chùa, quét tháp, lau dọn nhà bếp, nhà cầu, rồi nghe giảng kinh, đi tụng kinh, đi nghe pháp. Nhưng mà trong thời gian đó cái khả năng thất niệm và phóng dật coi như là đương nhiên rồi. Có điều là không có bung ra hết mình như hạng một. Làm toàn việc lành nhưng khả năng thất niệm và phóng dật là rất lớn.

Chỉ có hạng thứ ba là hành giả không có xài đồng hồ. Buổi sáng là vừa banh con mắt ra là vị đó phải chánh niệm liên tục, liên tục, liên tục. Làm cái gì biết rõ, làm cái gì biết rõ. Suốt ngày như vậy cho đến bao giờ leo lên giường ngủ. Trước cái lúc chìm vào giấc ngủ vị ấy vẫn tiếp tục chánh niệm. Vị đó không bị lệ thuộc vào đồng hồ, ngồi được tới đâu thì ngồi, bung ra là đi, đi được bao nhiêu thì đi, hết đi thì nằm. Trong tất cả 4 tư thế đi, đứng, nằm, ngồi đều luôn luôn diễn ra trong chánh niệm. Cái hạng này là bậc thượng.

Thì chỉ có hạng bậc thượng mới có đủ cái tư cách để gọi là từng phút trôi qua là mỗi bước chân đi về bờ giải thoát. Ngoài bậc thượng ra thì bậc trung, bậc hạ không có được như vậy. Họ không phải từng phút mà họ từng giờ hoặc là từng buổi. Còn riêng vị Tu Đà Hườn gọi là pariyantakatassa dukkhaṃ hoti. Đời sống vị đó là một chuỗi ngày gồm những bước chân đi về bến bờ thoát khổ.

Rồi tiếp theo là cái gì? asādhāraṇena ñāṇena samannāgato hoti. Cái này bản dịch Tiếng Việt dịch là sao? Dịch là "không cùng chia sẻ các dị sanh". Là sao? Các vị có ai mà đang mở bản Tiếng Việt không? Trong bản Tiếng Việt để vậy đó: "không cùng chia sẻ với các dị sanh". Các vị nghe mà để ngủ, nghe để giải trí thì thôi tôi không nói, nhưng mà nếu nghe để học thì làm ơn mở cái bản Tiếng Việt ra dùm đặng mình mới đối chiếu được. Ở đây có những người không làm cái chuyện đó, không chịu mở bản Tiếng Việt ra, mà cứ ngồi nghe tôi góp ý mấy câu dịch rồi nói là tôi xúc phạm tôn túc, xúc phạm tiền bối, mạo phạm tiền nhân. Bây giờ là họ nói là họ sẽ in cái đó ra thành một cuốn để mà họ gọi là triệu tập quần hùng, coi như là banh da xẻ thịt gọi là băm vằm tôi ra thành muôn mảnh để đền tội muôn một với tiền nhân.

Thật ra các vị có dò bản Việt các vị mới thấy "không cùng chia sẻ với các dị sanh" có nghĩa là sao? Trong bản Pali người ta ghi rõ thế này:

Asādhāraṇenāti puthujjanehi asādhāraṇena có nghĩa là thành tựu được Thánh nhân biệt trí, tức là cái trí chỉ có ở Thánh nhân mà không có ở phàm phu. Cái này quan trọng lắm quí vị. Ở cái bậc Tu Đà Hườn cái chi tiết này rất là quan trọng. Khi chứng Tu Đà Hườn rồi, cái nhận thức của các vị đó vượt ngoài cái tầm nhận thức, cái tầm gọi là tư nghì nghĩ bàn của phàm phu. Phàm phu mình nói mình thờ Phật vậy chứ mình có dám sẵn sàng chết vì Phật hay không? Có thể có đó nhưng một lần thôi, chứ còn mà cho mình cái cơ hội để đổi ý là mình đổi liền hà.

Còn vị Tu Đà Hườn thì không, vị Tu Đà Hườn dầu trời có sập xuống thì cái nhận thức của vị Tu Đà Hườn về Tam tướng vẫn như cũ. Đang ngồi trên máy bay mà phi công báo là bây giờ là chúng ta đang chuẩn bị về với Chúa thì vị Tu Đà Hườn vẫn thanh thản hiểu rằng thân tâm này là một nắm cát và nó đang chờ được tung ra trước gió. Vị đó hiểu ngay như vậy, hiểu rằng thân tâm này là một nắm cát và nó đang chờ được bung ra thôi. Khi mà phi công báo rằng chúng ta đã mất liên lạc ở dưới cái trạm điều hành không lưu dưới mặt đất, chúng ta đã hết xăng, chúng ta bị hỏng cùng lúc 4 động cơ rồi, chúng ta đang trên đường về với Chúa, tất cả hãy nghiêm chỉnh ngồi thẳng lên làm dấu thánh. Hoặc là ngay cái lúc mình nghe nó hét lên là "Allahu akbar", tức là "Allah trên hết", "You all must die!", "Tụi bây chết hết đi!" thì mình nghe như vậy mình vẫn thanh thản. Bởi vì lúc đó vị Tu Đà Hườn nghĩ rằng mình chỉ là một nắm cát, nắm cát đang chờ được bung ra trước gió. Vị Tu Đà Hườn khiếp như vậy. Còn người phàm thì sao? Khi mà nghe nó hét lên như vậy là bắt đầu nó vãi ra, nó vãi ra cả quần, nó chết điếng, có người chưa kịp chết vì máy bay rớt là đã bị trụy tim đứt gân máu chết mất rồi.

Thì lúc đó mình mới thấy vị Tu Đà Hườn khủng khiếp như vậy, bởi vì sao? Bởi lúc đó họ sống bằng Thánh nhân biệt trí, cái nhận thức của họ về đời sống hoàn toàn nằm ngoài cái vòng nghĩ bàn, cái vòng tư nghì của phàm phu. Cho nên cái đó trong đây gọi là "không chia sẻ với các dị sanh" thì cái bản dịch nghe chua thiệt, đúng là chua thiệt nhưng mà bên bản Pali nó sáng trưng.

Cho nên tôi thiết tha, thành khẩn đề nghị bà con tuổi nào chả biết chỉ cần có cái tâm thiết tha với chánh pháp, có lẽ quí vị nên lận lưng một ngoại ngữ và các vị sẽ hỏi tôi ngoại ngữ nào thì tôi nói thẳng luôn, đó là ngoại ngữ nào mà có được cái bản dịch Tam tạng, thí dụ như Tiếng Anh, Tiếng Đức, Tiếng Hán (Tiếng Hán có bộ Nam truyền đó), Tiếng Thái, Tiếng Miến Điện, Tiếng Tích Lan, Tiếng Miên. Đó! Thì đó là những ngôn ngữ mà các vị có thể học để mà dò, nói thì nói vậy chứ tốt nhất có lẽ là nên học Tiếng Pali. Còn không nữa qua bên Thái học cho nó gần. Còn không nữa học Tiếng Anh với Tiếng Đức là các vị mới dò được. Chứ còn nếu mà cả đời cứ ôm cái bản Tiếng Việt này cũng dễ đuối lắm, đuối dữ lắm.

Cho nên là ở đây "không cùng chia sẻ" có nghĩa là khi mà đắc Tu Đà Hườn rồi vị đó thành tựu cái gọi là Thánh nhân biệt trí, cái trí riêng của Thánh nhân, cái nhận thức của các vị đó khi nghe pháp, khi hành trì, khi đối diện với cuộc đời, các vị đó có nhận thức rất là độc đáo, rất là đặc biệt. Đó gọi là Thánh nhân biệt trí.

Cuối cùng là gì? "Nguyên nhân và các pháp do nhân sanh được khéo thấy" cái đó là bản Tiếng Việt đó. Trong bản Pali là sao? Bên bản Pali là thế này: hetu cassa sudiṭṭho, hetusamuppannā ca dhamma:

hetu ở đây là nhân
hetusamuppannā là quả
samuppannā là được sanh
hetusamuppannā là được sanh ra từ nhân, chính là quả.

Thì vị Tu Đà Hườn hiểu rõ cái gì là nhân, cái gì là quả. Nhìn nhân mà biết cái quả nó sẽ là cái gì, nhìn quả biết nó đến từ cái nhân nào. Vị ấy biết rõ phàm mọi sự ở đời đều do các nhân, các duyên mà có, rồi cũng do các nhân, các duyên mà diệt đi. Vị ấy biết rõ nhân thiện cho quả hỷ lạc, nhân ác cho quả khổ ưu. Vị ấy biết rõ bát chánh đạo là con đường dẫn đến cứu cánh giải thoát. Vị ấy biết rõ 3 ái là con đường tạo ra các khổ. Vị ấy biết rõ hành trì 4 niệm xứ chính là hành trì bát chánh đạo, chính là con đường giải thoát. Vị ấy biết rõ sống ngược lại tứ niệm xứ chính là sống ngược lại bát chánh đạo, chính là đang quay lui với con đường khổ ải trầm luân trong 3 cõi 6 đường, ngũ thú lục đạo.

Thì cái hiểu biết đó được gọi là biết rõ nhân và quả. Phải biết rõ cái đó. Thế nào các vị trong đây có người cũng lén lén nghĩ "Tôi biết mà, tôi biết rồi.". Xin lỗi các vị, các vị chỉ là con két chùa thôi. Thứ nhất, cái cơ hội các vị bỏ đạo rất dễ. Thứ hai, nếu mà người ta truy ra một lát các vị thế nào cũng bí.

Chữ nhân, chữ quả đây nó rộng vô biên đi. Cái nhân quả trong cái chung chung thì được, thí dụ mình nói làm ác thì bị khổ, làm thiện thì vui, thì được. Chớ còn nghĩa rộng hơn thì nó đuối: Làm sao mà để đắc sơ thiền đó là nhân, mà cái sơ thiền đó là quả. Rồi cái sơ thiền đó là nhân để mình đắc được nhị thiền, thì nhị thiền đó là quả, thí dụ như vậy. Cái điều kiện để có cái gì đó là nhân, điều kiện để hỗ trợ cái gì đó là nhân, còn cái thành quả, thành phẩm có được từ cái điều kiện ấy đó là quả. Như vậy nhân, quả đây không chỉ là trong vấn đề thiện, trong vấn đề ác, mà là trong cả hai.

Thí dụ như bây giờ mình nói là mình muốn là một hành giả là mình phải gieo cái nhân tốt, là phải có học giáo lý, phải có trú xứ thích hợp, phải có thầy bạn ngon lành, đó là nhân. Nhưng mà tới lúc mình vô trong thiền viện rồi thì mình phải biết rằng, trong đó có thầy đó nhưng mà thầy như thế nào? Bạn là bạn như thế nào? Thầy đó ngon rồi đó, nhưng mà cách mình tiếp cận với thầy đó như thế nào mới được nhiều lợi ích? Bạn đó là bạn lành đó, mấy người bạn đó là bạn tốt, họ hỗ trợ mình mạnh lắm, nhưng mà mình tiếp cận mình làm việc với họ, mình giao lưu với họ kiểu nào để họ có thể là nhân tốt, nhân cực tốt thay vì chỉ là tốt? Các vị hiểu cái này không? Cái trí này sâu lắm, trí nhân quả này rất là sâu.

Nhân quả là biết rõ cái gì là duyên trợ sinh, cái gì là duyên trợ lực. Trợ sinh là cái điều kiện giúp cho cái chưa có được có. Còn trợ lực là giúp cho những cái đã có được thêm sức, được thêm phần lớn mạnh. Đó, thì nhìn bất cứ cái gì chúng ta cũng có thể thấy được "Ờ, thế nào là điều kiện trợ sinh và thế nào là điều kiện trợ lực". Cái biết này càng rộng chừng nào thì đời sống mình càng thoải mái và cái cuộc tu của mình nó càng thẳng tiến. "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc ... ". Còn không là thua. Mấy cái điều này thì vị Tu Đà Hườn cực kỳ ngon lành.

Đây là 6 cái đặc ân, đặc quyền, đặc lợi của một người thành tựu quả chứng Tu Đà Hườn. Nhớ cái đó, mà đừng có nghe như vậy rồi nghĩ "Ôi, cái này là chuyện của mấy ông Thánh mắc mớ gì tôi". Mình nói cái đó là chuyện của cái ông Tu Đà Hườn. Sai, sai bét. Đâu có phải vậy. Các vị đọc kỹ lại đi.

Cái thứ nhất gọi là quyết định tánh trong chánh pháp không có bị thối lui. Là sao? Bậc Tu Đà Hườn họ không bị thối lui. Còn mình thì có thể bị thối lui nhưng mà có thể thối lui, chứ không phải bắt buộc thối lui.

Bắt buộc với cái có thể, cần phân biệt hai chữ này. Mình đừng có nghĩ là phàm phu rồi bắt buộc phải thay đổi, mà mình phải hiểu là phàm phu có thể thay đổi chứ chưa hẳn là bắt buộc phải thay đổi. Nhớ, hai cái này quan trọng lắm.

Như bồ tát Ngài là người gọi là có thể thụt lùi chứ không phải là bắt buộc phải thụt lùi, bởi chính vì bồ tát có thể thụt lùi cho nên Ngài cũng có thể tiến bộ.

Cho nên khi nào mình nghĩ "Ôi, phàm phu là bắt buộc phải như vậy" là không được. Mình phải nghĩ khác. Phàm phu là có thể thụt lùi, có thể buông tay, có thể bỏ cuộc. Đúng. Nhưng mà mình phải tu bằng tinh thần "có thể" đó để mình còn hy vọng mình đi nữa. Chứ còn chưa gì hết mà mình phán mình, mình trùm lên đầu mình cái nón "bắt buộc" thì coi như đúng là tinh thần tiểu thừa. Chưa gì hết đã là tiêu nha bại chủng, mạ khô giống thúi. Chưa gì hết là đã buông tay, bỏ cuộc. Các vị nghe hiểu chứ? Cái đó mới đúng là tiểu thừa đó.

Còn mình phải là tinh thần thượng thừa, tối thượng thừa. Có nghĩa là luôn luôn thẳng tiến đi về phía trước. Người ta làm được, tại sao mình làm không được? Đã là nam nhân đại trượng phu, nam tử hán đại trượng phu thì phải giống như bao nhiêu anh hùng trong thiên hạ. Đã là trưởng tử, đã là con của Như Lai, đã ở nhà Như Lai, đã đắp áo Như Lai, thì tại sao bao nhiêu huynh trưởng của mình làm được, mà mình không được? Tại sao bao nhiêu đồng tu, tín hữu, của mình, cư sĩ tóc tai đầy đủ họ làm được, mà mình đầu trọc lóc mình làm không được? Thí dụ như vậy. Mình phải có niềm tin chứ. Nhớ, mình phải có niềm tin.

Trích bài giảng KTC.6.93 Hành
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Khoanh Vùng | | Niệm Hơi Thở

Gánh Nặng | | Kiccasaṅgaha

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com