Phục Vụ Quý Sư

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Phục Vụ Quý Sư

Ở trong kinh đây chính ngài định nghĩa Nghiệp là sự cố ý, sự đầu tư của ý thức thì gọi là nghiệp. Cũng một việc làm giống nhau nhưng có kẻ thực hiện điều ấy bằng chủ ý bất thiện thì đó gọi là ác nghiệp. Và cũng một việc làm y chang như vậy nhưng được làm bằng tâm lành bằng cái chủ ý lành thì cái việc ấy được gọi là thiện nghiệp. Tôi nhắc lại: Cùng một việc làm giống nhau nhưng mà ai làm với chủ ý thiện thì cái đó được gọi là thiện nghiệp, cũng một việc làm y chang như vậy đó được thực hiện bằng chủ ý bất thiện.

Ví dụ như có những người cũng làm những chuyện hay ho lắm nhưng họ làm với chủ ý được ghi điểm, làm để lấy lòng, khác với mình làm với lòng vị tha, với lòng để giúp đỡ người khác.

Tôi biết ở Mỹ có cái anh Phật tử ảnh ngộ lắm. Bình thường ảnh gặp các sư ảnh không có chào hỏi. Ảnh nói chuyện tay đôi sang sảng giống như lưu manh vậy đó. Mà ảnh cứ canh mỗi lần làm lễ có đông người, có phụ nữ, có mấy cô áo dài lên cúng dường này nọ, rót nước, dâng khăn gì đó, là bắt đầu có ảnh. Ảnh mon men đi theo ảnh cúi đầu cúi sát: "Dạ sư cần cái chi?" Mà trên đời không có cái gì bậy bằng cái chai nước suối của người ta mà mình thò tay vặn cái nắp. Tôi ghét cái đó vô cùng các vị biết không? Cái vị mời nước người Âu Mỹ không nên làm chuyện đó. Khi đưa cho họ cái lon nước nhớ đừng có khui, khi đưa một cái chai nước nhớ đừng có mở nắp. Bởi vì nhiều lý do lắm. Thứ nhất vì lý do an toàn. Người ta muốn uống cái gì thì chính người ta tự mở nắp, còn có cái dấu trong cái chai cái lon đó. Khi mình mở người ta không biết mình có bỏ cái gì trong đó không. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai, giả sử người ta không muốn uống thì cái chai đó, cái lon đó nó còn nguyên, mình có thể giữ lại được. Đằng này có mặt ảnh là bao nhiêu chai nước của mấy sư là ảnh lại ảnh mở nắp hết. Rồi ảnh kiếm mấy cái chuyện tào lao nhất để ảnh làm. Ví dụ như ảnh dòm dòm mấy cái dĩa, mấy cái mâm của quý sư, ảnh thấy mấy cô đông quá, ảnh không biết làm cái gì thì ảnh dời cái dĩa, xê cái dĩa 2cm, dời qua lại 1cm, đẩy cái tô lên 1cm, ảnh kéo lại 1cm. Mà ăn không yên với ảnh! Ảnh kéo tới kéo lui. Mình nói Anh ơi, được rồi, nhưng ảnh cứ nói: "Dạ để con, để con phục vụ cho quý sư!" Mấy cô đi mất một cái là ảnh cũng đi mất tiêu. Ảnh nghe cái mùi son phấn là ảnh nhào vô ảnh "phục vụ". Mà cho tới bây giờ chắc chết bờ chết bụi ở đâu tôi không thấy nữa. Tôi ghét cái đó vô cùng, cái người sao nó gian quá gian.

Cũng một cái việc đó thôi mà chủ ý của anh là cái gì, chủ ý của anh thiện thì nó là việc thiện, chủ ý của anh bất thiện thì cái việc làm đó là nghiệp bất thiện. Nhớ cái này nhe, cái này rất là quan trọng nhe.

Ở đây việc đầu tiên ngài giải thích cho mình biết nghiệp nó có nhiều loại, nghiệp thiện, nghiệp ác, nghiệp đưa đến cõi dục, đưa đến cõi sắc, đưa đến cõi vô sắc, nghiệp hổ trợ cho đường giải thoát.

Thứ hai, ở đây có chữ "sanh khởi". Ngài nói: "Này các tỳ kheo thế nào là nghiệp sanh khởi?" Sanh khởi ở đây phải hiểu là "tập khởi"; mà tôi không hiểu vì sao mà chỗ này Ngài lại xài sanh khởi, đúng ra trong kinh Pali là điểm bắt đầu, nguyên nhân, cái tập khởi. Cái tập khởi của nghiệp là gì? Là Xúc! Ngày trước tôi đọc cái này tôi khó chịu lắm. "Trời ơi sao cái Xúc cứ nhắc tới nhắc lui hoài vậy?". Nhưng mà không, bây giờ già mới thấy cao siêu. Khi mình già mình mới thấy chữ Xúc này quá hay. Tôi nhắc lại, Ngài chỉ đem cái chốt cửa ra Ngài nói thôi. "Đi ngủ nhớ cửa nẻo đàng hoàng nghe con." Tôi nhắc lại bản thân cái chốt cửa không có cái gì hết trơn, không có ai chết vì cái chốt cửa không gài hết. Chưa có, nhiều lắm thì gió thổi nó đánh đùng đùng, chứ chưa ai chết vì cái chốt cửa. Nó chết là chuyện xảy ra đằng sau một cánh cửa chưa được gài chốt. Đó, ta chết là vì những cái chuyện xảy ra đằng sau cánh cửa chưa được gài chốt chứ bản thân cái cánh cửa và cái chốt chưa được gài ấy không phải là nguyên nhân gây chết người một cách trực tiếp đâu thưa quý vị. Mà ở đây ngài chỉ nói nguyên nhân đó là Xúc. Ngài muốn nhấn mạnh cho mình thấy thì ra tấm thân sanh tử này nó không có tội, quý vị biết không? Nó là quả sanh tử chứ không phải nhân sanh tử. Chính một vị Phật cũng có tấm thân này, cũng có mắt, tai, mũi, lưỡi, cũng lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, đàm, mỡ, máu mủ, nước tiểu y như mình vậy đó. Cái thân này chỉ là quả sanh tử không có tội lỗi gì hết. Nhưng cái vấn đề là khi anh có nó, anh phải giải quyết những vấn đề liên quan tới nó và từ ấy anh đã vì nó mà anh đã tạo ra biết bao nhiêu là thứ nghiệp ác, vô vàn những tội lỗi, các vị có hiểu không?

Thì ở đây cái Xúc cũng vậy, bản thân sự gặp gỡ của sáu căn sáu trần không có tội. Nhưng Ngài nhấn mạnh, nó không có tội, nhưng mà con sơ ý một cái thì những vấn đề xảy ra đằng sau nó lớn chuyện gớm lắm nhe. Tôi nói rồi, giữ giới là mình hỗ trợ điều kiện cho cái việc tu Xúc, kiểm soát thiền định, sống chỗ thanh vắng là hỗ trợ cho sáu xúc làm việc có kiểm soát. Còn khi mình sống thất niệm là mình đang bỏ ngõ 6 Xúc. Nhớ nghe cái này rất là quan trọng. Khi mà sống thất niệm, sống không có Tàm không có Quý là chúng ta đang bỏ ngõ 6 Xúc, có nghĩa là sao? Có nghĩa là con mắt nó muốn đi tìm cái gì để nó nhìn, lỗ tai muốn nghe cái gì nó nghe, cái đầu muốn kiếm cái chuyện gì đó nghĩ thì nó nghĩ. Mà phàm phu mình tập khí nhiều đời nên chúng ta luôn luôn có khuynh hướng tìm đến một cái gì đó để mình thích và để mình ghét. Luôn luôn là như vậy. Phải nhớ cái này rất là quan trọng.

Do cái thói quen nhiều đời sanh tử từ vô lượng kiếp, chúng ta luôn luôn có khuynh hướng thích và ghét trong bất cứ cái gì mà mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Đó là khuynh hướng của phàm phu, nên mới có chữ "Satta" là dính, cả ngày nó kiếm chỗ để nó dính.

Trích bài giảng KTC.6.63. Pháp Môn Quyết Trạch
Kalama xin tri ân bạn chanvinghiem ghi chép


Tham | | Cà Phê Tuyết

Kuhana | | Kalama

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com