Kalama

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Kalama

KTC 3. 5. Các Vị Ở Kesaputta
Sau khi ngồi xuống một bên, các người Kālāma ở Kesaputta bạch Thế Tôn:
- Có một số Sa-môn, Bà-la-môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Bạch Thế Tôn, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn khác cũng đi đến Kesaputta, họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Ðối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ phân vân: "Trong những Tôn giả Sa-môn này, ai nói sự thật, ai nói láo?"
- Ðương nhiên, này các Kālāma, các Ông có những nghi ngờ! Ðương nhiên, này các Kālāma, các Ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các Ông đương nhiên khởi lên phân vân.
Này các Kālāma, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.
Nhưng này các Kālāma, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này Kālāma, hãy từ bỏ chúng!

sự thậtnói láonghi ngờ truyền thuyếttruyền thốngnghe kể
saccamusāvicikicchāanussavaparamparāitikira

AN 3. 5. Kesamuttisuttaṃ
Ekamantaṃ nisinnā kho te kesamuttiyā kālāmā bhagavantaṃ etadavocuṃ
‘‘Santi, bhante, eke samaṇabrāhmaṇā kesamuttaṃ āgacchanti. Te sakaṃyeva vādaṃ dīpenti jotenti, parappavādaṃ pana khuṃsenti vambhenti paribhavanti omakkhiṃ karonti. Aparepi, bhante, eke samaṇabrāhmaṇā kesamuttaṃ āgacchanti. Tepi sakaṃyeva vādaṃ dīpenti jotenti, parappavādaṃ pana khuṃsenti vambhenti paribhavanti omakkhiṃ karonti. Tesaṃ no, bhante, amhākaṃ hoteva kaṅkhā hoti vicikicchā – ‘ko su nāma imesaṃ bhavataṃ samaṇabrāhmaṇānaṃ saccaṃ āha, ko musā’’’ti?
‘‘Alañhi vo, kālāmā, kaṅkhituṃ alaṃ vicikicchituṃ. Kaṅkhanīyeva pana vo ṭhāne vicikicchā uppannā’’.
‘‘Etha tumhe, kālāmā, mā anussavena, mā paramparāya, mā itikirāya, mā piṭakasampadānena, mā takkahetu, mā nayahetu, mā ākāraparivitakkena, mā diṭṭhinijjhānakkhantiyā, mā bhabbarūpatāya, mā samaṇo no garūti.
Yadā tumhe, kālāmā, attanāva jāneyyātha – ‘ime dhammā akusalā, ime dhammā sāvajjā, ime dhammā viññugarahitā, ime dhammā samattā samādinnā ahitāya dukkhāya saṃvattantī’’’ti, atha tumhe, kālāmā, pajaheyyātha.

dhammāakusalāsāvajjāviññugarahitā
phápbất thiệnđáng chêtrí nhânchỉ trích

Chúng sanh có 6 hạng:

  1. Cái hạng đầu tiên bạ đâu thích đó gọi là dục tánh.
  2. Cái hạng thứ hai là bất mãn tùm lum hết thì gọi là nộ tánh.
  3. Cái hạng thứ ba là nhớ chậm mà hiểu cũng dở thì gọi là độn tánh.
  4. Cái hạng thứ tư là lăng xăng, nay cái này, mai cái kia thì gọi là đãng tánh.
  5. Cái hạng thứ năm là đụng cái gì cũng tin hết, đụng đâu tin đó, tin cuồng, tin dại, tin si, tin khờ, thì gọi là mộ tánh.
  6. Cái hạng cuối cùng là cái ngon lành nhất: biết phân biệt thiện ác, luôn đi tới trong chánh pháp, và biết buông bỏ, đó là ngộ tánh.

Cái hạng thứ tư, đãng tánh, là lăng xăng, nay cái này, mai cái kia. Cái hạng này quan trọng lắm. Ở trong đám chúng ta nó đông như quân Nguyên. Bữa nay thì theo Thanh Hải vô thượng sư, ngày mốt á lô Làng Mai, bữa kia a lô Trúc Lâm Thanh Từ, bữa nọ a lô Thích Pháp Tiến. Đãng tánh là nay người này, mai người kia, là người không lập trường, không chủ kiến thì gọi là đãng tánh. Cái loại này nó nguy lắm, chủ yếu là mất thời gian. Bữa nay thì yoga, mai khí công, mốt thái cực quyền, bữa nọ là fitness, tập một hồi teo nhéo, từ chữ V xuôi thành V ngược. V ngược là sao? Hồi chưa tập thì ngực lớn eo nhỏ, tập lâu ngày ... ngực nhỏ eo lớn như tôi nè. Cho nên cái hạng đãng tánh là vậy đó.

Có một câu chuyện rất là đau, kể ra đây thì bà con hận lắm, nhưng không kể không được. Có một con chó nó ở kế bên hai cái chùa, mỗi ngày chùa A cúng ngọ lúc 11 giờ thì nó qua nó ăn một mớ, rồi chùa B cúng ngọ 11 giờ rưỡi nó qua nó ăn một mớ. Mà hai chùa nằm ở hai bên sông, thì cứ 11 giờ nó ăn bên đây, 11 giờ rưỡi nó nghe tiếng chuông nó bơi qua bên kia nó ăn. Xui nhằm bữa đó cúng Vu lan, hai chùa làm lễ cùng một lúc, cho nên nó đang ăn bên đây mấy miếng, nó nghe bên kia đánh chuông nó nghĩ chùa kia bự chắc ngon hơn bên đây, nó mới lội qua. Nó lội được nửa đường nó chực nhớ lại cái câu người ta nói "thấy vậy mà hỏng phải vậy", chưa chắc gì chùa lớn mà đồ ăn ngon, nó quay trở lại. Mà cứ nó nghe chuông bên đây, nó lại đổi ý giữa dòng, đổi qua đổi lại một hồi nó đuối nó chết. Câu chuyện đó nghe rất là vô duyên, rất là nhạt, nhưng thật ra nó chính là phản ánh cái bản chất của nhiều người trong chúng ta. Cả cuộc đời do dự, bâng khuâng. Đứng giữa hai dòng nước, chọn một dòng hay để nước trôi?

Chúng ta không có nhiều thời gian, quí vị biết mà, chúng ta không thể nào làm con chuột bạch cho người khác được. Thầy nào hay mình cũng nhào vô làm đệ tử, nắm áo, níu quần được một thời gian, chán theo ông khác. Cứ như vậy cái người thiệt thòi chính là mình bởi vì mình không có thời gian. Nói như vậy, tôi không hề có ý xúi các vị thờ tôi, cũng không có xúi các vị chết sống với ông sư phụ nào hết. Tôi chỉ đề nghị các vị cẩn thận một chút, chỉ vậy thôi.

Và tôi nói cái câu này bà con chắc phải suy nghĩ lại: Tại sao ăn uống thì mình rất là cẩn thận, sợ cholesterol, sợ cao máu, sợ dư đường, phải không? Mà tại sao đối với cái đầu của mình, mình lại dễ dãi là bạ đâu tin đó, là sao? Điều đó cho thấy là mình coi trọng vật chất hơn tinh thần, đúng không? Bởi vì đối với cái tấm thân trời ơi này nè, ăn uống rất là cẩn thận, nhưng mà tại sao đối với cái đầu của mình thì tại sao đụng đâu mình tin đó. Điều đó cho thấy là mình có vấn đề rất là nặng.

Cái lý do mà tôi chọn đặt cái tên Kalama cho thiền đường ở Miến Điện, nó có ý nghĩa. Đó là mỗi lần mà bà con nhắc tới cái tên đó bà con phải nhớ đến nội dung của bài kinh Kalama.

Lần đó Đức Phật đến thăm một ngôi làng tên là Kalama, người dân ở đó gặp Ngài họ thưa với Ngài một chuyện: "Bạch Thế Tôn, có rất nhiều thầy bà, sư phụ, giáo chủ ghé đây mà ai cũng nói mình số một hết. Tụi con hoang mang lắm. Xin Thế Tôn cho chúng con một gợi ý." Thì Phật dạy rằng: "Trước khi quyết định phán xét cho ai đó là số 1, số 10, ai đó là đúng hay sai, tà hay chánh, hay hay dở, thì chuyện đầu tiên là chúng ta xử việc chứ không xử người." Là thế nào? Coi lại họ nói cái gì. Và nội dung của điều họ nói nó ra làm sao. Nó là cái điều đem lại lợi ra sao, hại ra sao, thiện hay là bất thiện.

Quan sát ở cái chỗ đó thôi. Đừng có dễ dàng, nhẹ dạ, cả tin giao phó niềm tin của mình cho những cái mà nó có nhãn hiệu lấp lánh, lung linh và lộng lẫy. Thí dụ như cái này là của sư phụ gì đó rất là tiếng tăm, cái này được kinh điển ghi lại nhiều đời, cái này đã là truyền thống của dân tộc, của cộng đoàn, của xã hội, v.v...

Ngài nói rằng tất thảy những cái đó đều là những nhãn hiệu rất là nguy hiểm. Đa phần chúng ta chết trong nhãn hiệu.

Trích bài giảng tại Sydney Duyên Khởi
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Thiền và Đời | | Phạm Thiên

Phục Vụ Quý Sư | | Tốc Độ Niệm

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com