Tốc Độ Niệm

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tốc Độ Niệm

Một ngày có 24 giờ, ngay bây giờ thử bỏ ra 2 tiếng, 3 tiếng, 5 tiếng, sống chánh niệm trăm phần trăm coi nó ra sao? Rồi 1 tuần có 7 ngày, 1 tháng có 30 ngày, thôi thì mình thử mình bỏ ra vài ngày sống chánh niệm coi nó ra làm sao?

Sống chánh niệm đây có nghĩa là dẹp hết trăm phần trăm. Dẹp hết. Chỉ cái gì tối yếu, tối cần thì mình mới giữ lại. Nhưng mà nhớ đừng bao giờ biến mình trở thành người lập dị, đừng bao giờ tự mình cô lập mình với mọi người. Hành giả kiểu đó là không được, không có đúng. Người tu đúng là càng tu càng dễ thương. Sống chánh niệm ở đây nó không phải là làm cho các vị nhìn như là bị bịnh mới hết, không phải. Cái đó nhiều người họ khoái làm như vậy, không biết họ khoái như vậy hay là cái kiểu của họ như vậy tôi không có biết. Nhưng qua bên Myanmar với Shwe Oo Min, Mahasi, U Pandita, Pa Auk, gặp cái thứ đó nhiều lắm. Chánh niệm họ đi mà mình nhìn thấy bắt ... mệt. Mà trong khi đó họ quên một chuyện. Đó là mình cứ bình thường vậy thôi. Y như là hồi đó đến giờ sao thì y chang vậy, tốc độ vẫn giữ nguyên. Họ nói rằng là giữ tốc độ như cũ niệm không kịp, tôi xin hỏi một câu thôi: "Tốc độ của tâm thiện và tâm ác nó có nhanh chậm khác nhau không?" Không. Tốc độ của tâm thiện và tâm ác nó tương đương. Vậy chứ ngày xưa khi mà mình sống thất niệm, mình vừa đi, đi bôn ba bương chải vậy, đi cà xẹt cà xẹt vậy đó, mà mình vừa đi mình vừa tham sân si được, thì tại sao bây giờ mình cũng không giữ tốc độ cũ mà mình vẫn chánh niệm bằng trí tuệ. Tại sao vậy? Tại mình. Tại mình không có hiểu cái chỗ đó, mình cứ tưởng phải chậm, phải làm chậm lại thì niệm nó mới kịp.

Thật ra cái tốc độ của niệm là sao? Buổi đầu thì đúng vậy. Buổi đầu mình lăng xăng thì niệm nó không kịp. Nhưng mà cứ nhớ chánh niệm không phải là mình đếm 1, 2, 3, 4,... Không phải vậy. Mà là mình làm trong một cái ý thức, chỉ vậy thôi. Tôi ví dụ, các vị nói đi nhanh quá niệm không kịp. Vậy tôi hỏi quí vị một câu. Các vị đi chân trần, chân trần, đi không có giày dép, bước lên một cái bãi cỏ mà mình không biết cái gì ở dưới, phân chó hay là gai, hay là miểng chai, thí dụ như vậy. Thì khi mình dẫm cái bàn chân trần của mình lên một bãi cỏ như vậy thì mình phải đi với tất cả sự cẩn trọng, đúng không? Thì sự cẩn trọng đó chính là chánh niệm chớ có gì đâu. Thì ở đây cũng vậy, là mình cứ cẩn trọng. Tay cầm chìa khóa tra vào ổ một cách cẩn trọng. Mình tưởng tượng giống như là bây giờ mình đang chọt cái chìa khóa vô trong ổ điện vậy đó. Mình chỉ cần mình nghĩ là chọt vô mà không khéo là điện nó giựt, thí dụ như vậy. Tôi ví dụ thôi; chứ đừng có mà nghe mà hiểu lầm mà tưởng tượng mỗi lần mở ổ khóa mà tưởng là mình đang chọt ổ điện, không phải. Tôi đang ví dụ như vậy. Có nghĩa là làm với tất cả sự cẩn trọng, mình đưa cái chìa vô cái ổ mình biết, vậy thôi.

Mình đi đứng một cách rất là cẩn trọng, cẩn trọng ở đây không phải gà mờ, cà rờ cà rờ, cà mò cà mò, cà rị cà mọ, không phải. Cứ di chuyển bình thường nhưng mà làm cái gì biết cái đó, làm cái gì biết cái đó. Các vị cứ tưởng tượng "Nếu mà tôi thất niệm, tôi sẽ bị điện giựt." Thì lúc đó các vị mới hiểu chánh niệm là cái gì. Bây giờ chỉ cần nghĩ "làm việc mà thất niệm một cái là bị điện giựt." Khi nghĩ như vậy thì tự nhiên nó chánh niệm thôi.

Đó là tôi chỉ ví dụ thôi. Nghĩa là bây giờ mình sống kiểu "thất niệm là bị điện giựt" thì tự nhiên mình làm gì biết nấy. Chứ còn mình mà cà rờ cà rờ thì sai cái tinh thần của Tứ niệm xứ. Các vị tưởng các vị chậm như vậy rồi tu được, tôi không tin. Bởi vì khi các vị chậm như vậy đó cũng là một cái cơ hội cho phiền não nó trào ra. Thà sinh hoạt tự nhiên, khít khao chặt chẽ còn hơn là cứ cà rờ cà rờ. Cầm cái ly mà giơ lên từ từ, mình tưởng mình chậm vậy là chắc thiện nó trào ra, niệm nó trào ra, không dám đâu. Mà khi nó kéo dài vậy là tham sân si ai mạn kiến nghi nó cũng trào ra theo. Cho nên đừng có tưởng chậm như vậy là niệm đã luôn, không dám đâu. Chậm như vậy là phiền não nó cũng có cái khe hở cho nó trào ra, cũng lớn không kém đấy.

Cho nên thu thúc lục căn không phải là nhắm mắt, bịt lỗ tai, bịt lỗ mũi, không phải. Chánh niệm thu thúc lục căn ở đây là luôn luôn sống trong tỉnh thức.

Trích bài giảng KTC.6.117 Quán
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Mahānāma | | Luật

Kalama | | Thầy Thuốc

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com