sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
Alokabahulo KTC 6. 80. Lớn Mạnh ālokabahulo có nghĩa là nhiều trí tuệ. Bởi vì mình thấy trong đời sống thường ngày của mình, trong một cái chỗ thiếu ánh sáng thì mình không có thấy được đường đi, chỗ bước không thấy. Tất cả công việc của chúng ta làm trong chỗ không có ánh sáng thì chúng ta phải mò mẫm, đúng không? Ngay cả mấy cái tableau ở trên máy bay, khi bay trong đêm, chỗ nào tắt đèn thì tắt; nhưng đặc biệt chỗ của phi công, mấy cái chỗ màn hình hiển thị mấy số đo kỹ thuật, tất cả phải hiện ra rõ ràng bởi vì không thể nào mà làm việc trong bóng đêm mà không thấy gì. Chuyện đó là không được. Cái cabin phi công của một chuyến bay đêm thì trong phòng lái mấy chỗ màn hình hiển thị là phải sáng. Giữa trời đêm mịt mùng như vậy, trong đó mấy cái màn hình phải sáng. Nói chi là những chuyện ở mặt đất, mình làm chuyện gì cũng phải có ánh sáng. Thậm chí mình là người trộm mộ, mình đi đào cổ vật thì cũng phải có ánh sáng, mình có sợ bị người ta phát hiện đi nữa ít ra cũng có cây đèn pin, đại khái như vậy. Chúng ta không thể nào làm việc mà không có ánh sáng. Đó là trong thế giới vật lý. Trong cảnh giới tâm lý cũng y hệt như vậy. Chúng ta không có tài nào mà làm việc không có ánh sáng được hết. Thì trí tuệ được gọi là ánh sáng tâm lý. Cho nên cái chuyện đầu tiên vị tỳ kheo tu tập không thể thiếu trí tuệ được. Nhờ có trí tuệ vị tỳ kheo biết chuyện gì nên và không nên, cái gì thiện, cái gì bất thiện. Nhờ có trí tuệ mới biết được mình đang ở đâu, cái gì cần phải chỉnh sửa, cái gì cần phải bớt, cái gì cần phải thêm. Chuyện đầu tiên là nhờ trí tuệ mình biết cái gì nên, cái gì không nên, cái gì thiện và cái gì bất thiện. Nhưng mà không phải dừng lại ở đó. Không thể cả đời cứ cắm đầu ở trong một cái thành tựu, một cái quả chứng; mà phải nhờ có trí tuệ để mình biết được. Bữa hổm mình mới học mục 4 pháp. Tức là vị tỳ kheo phải biết rõ: bằng cái con đường nào mà mình có thể tiến bộ, cái gì nó có thể làm cho mình bị lui sụt, cái gì nó làm cho mình dậm chân tại chỗ; cái gì có thể làm cho mình thăng hoa, lên cao, đi xa về phía trước. Tất cả những chuyện đó cần đến sự soi rọi của trí tuệ. Cho nên đầu tiên vị tỳ kheo phải có trí tuệ. Tôi nói lại một lần nữa, không thể nào tu theo cái lối mòn được. Trong đời sống chúng ta phải đi theo lối mòn. Lối mòn là gì? Lối mòn là nền nếp cũ mà chúng ta nhắm mắt đi theo. Người mà đi theo lối mòn có thể họ không cần trí tuệ. Các vị tưởng tượng, nếu chỉ dừng lại với quả chứng của mình, chỉ chấp nhận cái lối mòn mò mẫm thì cuộc tu nó không có đi xa, cái đạo nghiệp không có những thành tựu lớn. Cho nên chuyện đầu tiên cần đến ánh sáng. Cái thứ hai nữa, có ánh sáng rồi, có cái đèn pin tốt rồi, có cái đuốc ngon lành rồi, có đủ điều kiện ánh sáng, ánh nắng ngon lành rồi, nhưng mà mình ... làm biếng thì sao? Đi về đâu? Cho nên cái thứ hai là yogabahulo, là đầy đủ tinh tấn, phải siêng. Tiếp theo là vedabahulo. Bên Nho giáo có cái câu thế này: "Triêu văn đạo, tịch tử khả hỷ" tức là "Buổi sáng nghe được đạo lý cao thâm thì buổi chiều chết cũng vui". Có nghĩa là ở thế gian, cái người mà họ sống hưởng thụ, họ mới thấy đời sống có ý nghĩa. Đời sống phải có cái nhựa sống, phải có cái mật ngọt sống mới được. Trong cuộc tu hành cũng vậy, lấy mắt mà nhìn thì một người tu hành chân chánh ngon lành thì đúng là kiêng khem khổ hạnh, bần tăng khổ sãi, nhưng mà thật ra cái đời tu của vị tỳ kheo phải có niềm vui. Ngày xưa ở ngoài đời mình phải có niềm vui thế tục thì mình mới có thể vật lộn với miếng cơm manh áo được. Còn bây giờ trong đạo cũng phải vậy, cũng phải có một niềm vui đạo vị thì mình mới có thể ra sức nỗ lực được. Chớ còn tu mà không có được niềm vui, sự an lạc trong đạo nghiệp thì làm sao mà đi xa được đây? ālokabahulo là đầy đủ trí tuệ, tu là không thiếu trí tuệ được. yogabahulo tu không thể nào thiếu tinh tấn được, tu mà hỏng có siêng là thua, không có đủ sức để đi tới, không đủ sức bật. Tại sao tôi xài chữ "bật"? Là bởi vì không đủ sức bật thì chúng ta sẽ nằm chây ỳ ra đó, biếng lười, thối đọa, tiêu cực. Nhưng mà nhờ cái sức bật của tinh tấn mình mới có thể lao mình, băng mình về phía trước. Ở trong đây cái bản Tiếng Việt thì lại xài chữ "yoga" dịch là nhiều "quán hạnh", nhưng mà chữ đó nó hơi tối nghĩa. Ở đây tôi nói rõ nghĩa luôn. Đó là sự tinh tấn, là yogabahulo. Chứ còn quán hạnh là sao? Yoga là tinh tấn, ở đây phải dịch lại. Có người họ nói rằng họ sẽ sưu tập toàn bộ tất cả những chỗ mà chúng tôi chỉnh sửa bản dịch này nè để mà họ đăng tải lên. Cái đó cũng là một sáng kiến mặc dù không biết là thiện ý hay ác ý, nhưng mà đó là sáng kiến rất là hay. Cảm ơn. Cảm ơn bạn lành. Cái thứ ba, để có được sức bật ấy, chúng ta phải có niềm vui chứ. Ngoài đời người ta có cái gánh chè nhưng mà người ta vui. Khi nào bán không được là dòm trước dòm sau, thấy hỏng có khách hàng là móc túi tiền ra đếm. Đếm rồi bắt đầu toan tính: về trả tiền học cho thằng Tư, con Năm, con Út, mua áo mới Tết cho tụi nó chưa, nếu mà dư chút đỉnh là thế nào Tết năm nay mình cũng mua được một chiếc nhẫn vàng nhỏ nhỏ 5 phân, một chỉ bỏ túi, mai mốt thằng Tèo, thằng Tý lấy vợ. Thí dụ như vậy. Thì một cái bà buôn gánh bán bưng có cái niềm vui như vậy thì bả không có thấy trời nắng, bả không có thấy mưa lạnh, bả không có thấy rét mướt. Phải có niềm vui. Trong đạo cũng vậy, tu hành không có niềm vui thì không có cách nào mà tu tập được. Đó gọi là vedabahulo.
Trích bài giảng ngày 12.06.2019 KTC.6.80 Lớn Mạnh
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english