Gậy Thúc Ngựa

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Gậy Thúc Ngựa

Trong kinh nói có 4 loại ngựa:

  1. Loại ngựa thứ nhất: thấy cái dáng roi là nó chạy.
  2. Loại ngựa thứ hai: quất một cây nó mới chạy.
  3. Loại ngựa thứ ba: đánh nhiều nhiều nó mới chạy.
  4. Loại ngựa thứ tư: đập chết nó cũng không chạy, loại ngựa thứ tư này thường người ta đem làm thịt. Bên Pháp họ ăn thịt ngựa.

Nhưng mà con người cũng y chang như vậy chứ không phải là ngựa thôi. Có những người họ thấy cái dáng roi là họ chạy, có nghĩa là sao? Có nghĩa là họ chỉ nhìn thấy cái cảnh đời không mắc mớ gì tới họ là họ đã muốn đi tu rồi.

Cái hạng thứ hai là họ phải đợi cái chuyện gì đó nó xảy ra trong những người họ quen biết thì họ mới bị sốc. Chứ còn mình ngày nào mình đi ngang bệnh viện mình cũng biết có người chết thì lòng dững dưng. Nhưng mà có người họ phải đợi trong số người quen họ có người bị cái gì đó, họ mới hết hồn họ mới lo tu hành.

Rồi cái hạng thứ ba là phải đợi chuyện xảy ra trên đầu của mình mình mới chịu tu. Có nghĩa là mình phải bị sanh ly tử biệt, chuyện xảy ra trong gia đình của mình hoặc trên người của chính mình đó, mình mới chịu tu.

Và cái hạng thứ tư là chuyện gì thì chuyện chứ chết bỏ không thèm tu.

Đó, 4 hạng chúng sanh như vậy đó.

Cho nên, chúng sanh ở đời này sanh lão bệnh tử giống hệt nhau, nhưng khác nhau ở một điểm là cái cảm nhận của mỗi người trước cái sanh lão bệnh tử đó như thế nào. Như vậy thì đêm nay mình học duyên khởi, dĩ nhiên đêm nay ở đây có nhiều người lần đầu học thì nghe nó hơi kỳ, hơi khó có quen. Nhưng mà tôi mong mỏi ai có lòng cầu giải thoát, thiết tha giáo lý thì đêm nay các vị nên lắng nghe tôi ôn lại 12 duyên khởi, nghĩa là 12 cái này là cái hành trình sanh tử của chúng ta. Học xong đêm nay chúng ta phải hiểu tại sao tôi có mặt trên đời này: À! Thì ra đầu tiên hết thảy là do Vô minh trong 4 đế, không biết được 4 cái sự thật. Tôi đã nói rồi:

  1. mọi hiện hữu là khổ.
  2. thích cái gì cũng là thích trong khổ.
  3. muốn hết khổ đừng thích trong khổ nữa.
  4. sống bằng 3 nhận thức trên chính là hành trình thoát khổ.

Khi không biết được 4 cái này thì gọi là Vô minh, chính vì Vô minh nên mới có chuyện là chúng ta làm các nghiệp thiện ác.

Rồi tiếp theo là khi mà chúng ta tạo nghiệp thiện ác có nghĩa là chúng ta đang kín đáo, âm thầm, lặng lẽ tạo ra các tâm đầu thai. Rồi các vị hỏi tôi: "Vậy chứ mấy cái tâm đó bây giờ nó trốn ở đâu?" Thì tôi đã ví dụ rồi: Khi duyên chưa có ta không thấy nó, nhưng không phải không thấy mà nói rằng nó không có.

Rồi, hôm nay tôi nói chuyện này còn động trời nữa. Mình muốn tin cái gì thì mình cũng cần có bằng chứng hiển nhiên, đúng không? Nhưng mình muốn bác cái gì mình có cần bằng chứng không? Cần chứ, thêm một người độn tánh nữa! Nhiều người họ nói: "Tái sanh, luân hồi, quả báo không có chứng minh được cho nên tôi không tin." Đó là một thái độ rất là phản khoa học. Chúng ta chỉ tin cái gì mà mình chứng minh được, nhưng mà mình muốn bác cái gì mình cũng phải chứng minh được chứ?

Bà con nghe tôi giảng hoài, bà con còn nhớ tôi kể câu chuyện của tôi tại Việt Nam. Lần đó tôi giảng trên chùa Phước Sơn. Tôi giảng xong tôi về cái cốc ở dưới suối tôi nghỉ thì có một cái ông cán bộ, thiếu tá của Việt Cộng, ổng về hưu rồi ổng lên chùa tìm sự thanh thản. Tóc bạc trắng, ổng nghe giảng xong cái ổng đi mon men theo mình xuống dưới suối. Ổng nói "Thầy, tôi cũng thích đạo lắm, tôi cũng thích thiền lắm, tôi cũng mến Phật lắm, nhưng mà có cái chuyện này tôi là người cộng sản tôi khó chịu lắm mà tôi hỏi hoài nhiều nơi mà tôi không có thỏa mãn. Thì tôi gặp thầy nào tôi cũng hỏi hết. Đó là thầy có cách nào mà thầy chứng minh được có kiếp trước, kiếp sau, có luân hồi, có quả báo, thầy chứng minh được cả đời này tôi đi theo thầy." Tôi nghe ổng nói tôi gãi gãi đầu, tôi nói "Bác ơi, tôi làm sao chứng minh cho bác thấy được. Nhưng mà thôi bây giờ vấn đề nó như thế này. Bác nói rằng nếu mà tôi chứng minh rằng mấy cái đó có bác theo tôi. Vậy còn bây giờ bác chứng minh mấy cái đó không có là tôi theo bác liền." Nói vậy xong tự nhiên Ổng cám ơn rối rít luôn. Ổng nói "Cái đó là cái tôi muốn nghe, cái đó đó!." Sao lúc đó ma nó nhập tôi, tôi khôn bất tử. Tự nhiên nó khôn vong, tự nhiên nó phun ra cái câu đó mà bây giờ tôi nghĩ tôi còn thấy khoái, cái năm đó tôi mới có hai mươi mấy tuổi thôi. Mà tôi nói: "Bác nói rằng tôi chứng minh được bác theo tôi. OK. Bây giờ tôi chứng minh không được. Nhưng mà bác, tôi khoái bác đó, bây giờ bác chứng minh là "không có" một cái là tôi theo bác liền." Thì ổng nghe là cái mặt ổng giống như đắc đạo vậy, nó sáng rở ra.

Trích bài giảng tại Sydney Duyên Khởi
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép

Kinh Tăng Chi Bộ IV. VII. Phẩm Nghiệp Công Ðức 3. 113. Gậy Thúc Ngựa

1. - Có bốn loài ngựa hiền thiện thuần thục này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa liền bị dao động, kích thích nghĩ rằng: "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì, và ta đáp ứng thế nào?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loại ngựa hiền thiện thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa hiền thiện thuần thục thứ nhất, có mặt, hiện hữu ở đời.

2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, không bị dao động, kích thích. Nhưng khi bị gậy thúc ngựa đâm vào lông, nó liền bị dao động, kích thích, nghĩ rằng: "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì, và ta đáp ứng thế nào?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loài ngựa hiền thiện thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loài ngựa hiền thiện thuần thục thứ hai, có mặt, hiện hữu ở đời.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, không bị dao động, kích thích. Khi bị gậy thúc ngựa đâm vào lông, nó không bị dao động, kích thích. Nhưng khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào thịt, liền bị dao động, kích thích, nghĩ rằng: "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì và ta đáp ứng thế nào?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loài ngựa hiền thiện, thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loài ngựa hiền thiện thuần thục thứ ba, có mặt, hiện hữu ở đời.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, không bị dao động, kích thích; bị cây gậy thúc ngựa đâm vào lông, không bị dao động, kích thích; bị cây gậy thúc ngựa đâm vào thịt, không bị dao động, kích thích; bị cây gậy thúc ngựa đâm vào xương, bị dao động, kích thích, nghĩ rằng: "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì và ta đáp ứng thế nào?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loài ngựa hiền thiện, thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loài ngựa hiền thiện, thuần thục thứ tư, có mặt, hiện hữu ở đời.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loài ngựa hiền thiện, thuần thục, có mặt, hiện hữu ở đời.

5. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người hiền thiện, thuần thục này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hiền thiện, thuần thục nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị khổ đau hay bị mạng chung; người ấy do vậy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân, vị ấy chứng ngộ được tối thắng sự thật; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện, thuần thục ấy, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, bị dao động kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ nhất có mặt, hiện hữu ở đời.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện, thuần thục không có nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị đau khổ hay bị mệnh chung, nhưng khi tự mình thấy người đàn bà hay người đàn ông khổ đau hay mệnh chung, người ấy do vậy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân, vị ấy chứng ngộ được sự thật tối thắng; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần thục ấy, khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào da, bị dao động, kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ hai có mặt, hiện hữu ở đời.

7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện, thuần thục không có nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị khổ đau hay bị mệnh chung, không có tự mình thấy người đàn bà hay người đàn ông khổ đau hay mệnh chung. Nhưng, khi có một người bà con hay người đồng một huyết thống khổ đau hay bị mệnh chung, người ấy do vậy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân vị ấy chứng ngộ được sự thật tối thắng; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần thục ấy, khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào thịt, bị dao động, kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ ba có mặt, hiện hữu ở đời.

8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện thuần thục không có nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị khổ đau hay mệnh chung, không có tự mình thấy người đàn bà hay người đàn ông khổ đau hay bị mệnh chung, không có người bà con hay người đồng một huyết thống khổ đau hay bị mệnh chung. Nhưng khi tự mình cảm xúc những cảm thọ về thân khổ đau, nhói đau, chói đau, mãnh liệt, kịch liệt, không phải khả hỷ, không khả ý, đoạt mạng sống, vị ấy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân, vị ấy chứng ngộ được sự thật tối thắng; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần thục ấy, khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào xương mới bị dao động, kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ tư có mặt, hiện hữu ở đời.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người hiền thiện thuần thục này có mặt, hiện hữu ở đời.


Nghiệm | | Hành Giả

Alokabahulo | | Nghiệp Trổ

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com