Tu Đà Huờn

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tu Đà Huờn

Người đầy đủ tri kiến không thể nào mà không tôn kính bậc đạo sư, không tôn kính Đức Phật một cách đúng mức. Người đầy đủ tri kiến ở đây là ai? Là vị Tu đà huờn, vị sơ quả đó.

Tôi đã nói rất là nhiều lần. Đó là chúng ta có thể đi chùa có pháp danh, có thọ giới qui y, chúng ta có cái áo lam, chúng ta có cái giới điệp, giấy chứng nhận qui y v.v..., nhưng mà để gọi là phật tử thì rất khó. Và tôi đã nói: Cứ 100 người phật tử Việt nam thì đối với tôi chỉ có một người là phật tử thật sự thôi. Là vì sao? Có những điều mà chúng ta có thể thấy là chúng ta không thể tự nhận là phật tử. Thứ nhứt, chúng ta đến với Phật Pháp vì cái lý do nào? Đến để mà cầu cái đạo giải thoát vì chán sợ sanh tử trầm luân, không còn muốn tiếp tục lăn trôi 3 cõi 6 đường nữa, thì cái đó mới gọi là lý tưởng đúng đắn. Còn nếu mà đến chùa chỉ vì những lý do như là để cầu phúc, để cầu an, cầu siêu, đi chùa là vì bạn bè rủ rê, đi lâu ngày thành quen, vắng chùa thì nhớ, thí dụ như vậy, đi chùa thì vui, vắng chùa thì nhớ. Lâu ngày có một lúc nào đó mình cứ tưởng mình là phật tử mà trong khi đó cái lý tưởng thật sự của một người tu Phật, học Phật thì mình không có. Có nghĩa là mình chưa có thật sự chán sợ sanh tử. Mình không thấy được 4 sự thật:

  1. Mọi sự ở đời là khổ.
  2. Thích cái gì cũng là thích trong khổ, có nghĩa là đầu tư trong khổ.
  3. Muốn hết khổ thì không có thích trong khổ, tức là không có thích cái gì nữa hết.
  4. Sống trong 3 nhận thức đó chính là con đường thoát khổ.

Khi mà mình không có những nhận thức cơ bản này thì mình lấy cái gì để mà mình đi chùa đây? Thì chỉ lọt vô mấy trường hợp mà tôi vừa nêu:

  1. đi vì ai đó rủ rê, đi riết lâu ngày nó thành quen, vắng chùa thì nhớ, đến chùa thì nó vui.
  2. đến chùa để cầu phúc, thí dụ như rằm, ngươn, sóc vọng, mình tới cũng cầu nguyện, có những cái chùa họ cho mình rút xăm, rồi cúng sao giải hạn.
  3. đi chùa lúc đầu chỉ vì lý do nào đó, thí dụ như để gởi hủ cốt hay là theo bạn đến chùa nhưng mà tới lúc mình gặp tăng ni mình tiếp xúc mình thấy mình thích, suy nghĩ họ hợp với mình, thế là từ đó về sau cứ rảnh rảnh buồn buồn chạy lên chùa, lâu ngày mình tưởng mình là phật tử.
Thì khi mà chúng ta đến với Phật Pháp bằng cái kiểu như vậy thì chưa được gọi là tôn kính bậc đạo sư một cách đúng mức.

Vì sao?

Tôi đã nói không biết là bao nhiêu lần, từ bé cho tới năm 50 tuổi mình xa mẹ mình, không có một kỷ niệm nào về mẹ, mình cũng chẳng biết gì về mẹ. Chẳng biết đã đành mà cũng không có một kỷ niệm nào về mẹ, trong 50 năm mình tưởng mình là cô nhi. Thì tự nhiên ngày kia, có người họ đẩy cho mình một bà cụ nào đó, nói đó là má mình đó, má ruột mình đó. Các vị nghĩ làm sao? Thì OK. Các vị là những người ăn học, những người có tiền, những người có đầu óc, những người của thế kỷ hôm nay, thì chắc chắn các vị có nhiều cách để thử DNA, ABN, thử xem đây phải má mình không. Được, hôm nay khoa học làm chuyện đó được, đi sao lục giấy tờ, hồ sơ, bản thảo này nọ, tìm kiếm nhân chứng, vật chứng gì đó, cuối cùng thì có thể xác định đó là mẹ của mình. Nhưng kêu mà thương thì có lẽ cũng hơi khó. Tại vì 50 tuổi mình cũng đâu có còn nhỏ nữa, rồi tự nhiên chấp nhận một cái bà lạ hoắc làm má mình nó khó lắm, rất là khó.

Ở đây cũng vậy, mình không hiểu gì về Phật hết thì làm sao mà mình có thể thương kính Đức Phật như là một người mà học hiểu giáo lý, khó lắm quí vị. Mình thờ Phật như kiểu thờ thần vậy. Trong khi đó vị Tu đà huờn lại khác. Cái người đầy đủ tri kiến là chỉ cho vị Tu đà huờn, tầng thánh đầu tiên. Người ta hiểu rất rõ. Họ hiểu rất rõ là kể từ bây giờ dòng sanh tử của mình đã bị chận đứng, mình chỉ còn tái sanh nhiều lắm là vài kiếp nữa thôi, chắc chắn là mình phải chấm dứt sanh tử luân hồi. Nghĩ tới cái chỗ đó, nghĩ tới cái nổi khổ trong 3 cõi 6 đường, ngũ thú lục đạo, lúc đó họ mới thấy cái ơn của Phật đối với họ lớn cỡ nào. Nhờ con người ấy mà mình bây giờ mình không còn sợ hãi trong cái chuyện sa đọa, không có sợ hãi trong cái chuyện sanh tử trầm luân nữa. Ơn đó không có bút mực, trời biển nào xiết, không bút mực nào ghi cho hết, không có trời biển nào chứa cho hết, không có không gian nào có thể sánh được cái lòng tri ơn vô bờ vô hạn ấy. Mình phải hiểu tới nơi tới chốn như vậy đó. Vị Tu đà huờn là người hiểu tới nơi tới chốn và họ tin Phật.

Một điều nữa là Tu đà huờn thành tựu 4 dự lưu phần.

Bốn dự lưu phần là gì? 3 cái đầu là niềm tin bất động nơi Tam bảo, bất động, bất thối. Có nghĩa là trời có thể sập xuống, thân xác của họ có thể tan nát thành tro bụi, nhưng mà niềm tin của họ đối với Phật Pháp Tăng (Thánh Tăng) không thay đổi, không thay đổi được. Đó là 3 dự lưu phần đầu tiên. Cái dự lưu phần cuối cùng là giới nào mà họ đã nhận, thì họ không có cách nào họ phạm được dầu là phải chết. Vị Tu đà huờn dầu có chết nhưng không bao giờ phạm giới mình đã nhận. Thí dụ như họ nhận giữ ngũ giới, hoặc là bát giới, hoặc là thập giới, sa di giới, tỳ kheo giới, một khi họ đã nhận rồi thì họ không có cách chi mà phạm những giới mà họ đã thọ hết. Chính vì cái lẽ đó cho nên vị Tu đà huờn đối với Đức Phật bằng niềm kính tin tuyệt đối.

Còn mình thì sao? Mình không có hiểu nhiều về Phật, mình đến với Phật bằng một lý tưởng, một ý nghĩa, một lý do rất là mơ hồ. Cho nên cái chuyện mà mình bỏ Phật để theo ông tư, bà tám, nước lạnh, nước sôi rất là dễ, dễ ẹc. Tại vì mình có hiểu Phật Pháp cái gì đâu, mình đến với Phật Pháp quá dễ dàng, quá đơn giản, không có cần tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, thẩm tra, suy tư, tư duy gì hết. Cứ xáp vô là có cái áo tràng, cứ xáp vô là có cái pháp danh, quăng tiền ra cúng ba mớ là đương nhiên được mọi người gọi là phật tử. Cái kiểu phật tử đó, cái người như vậy đó, thờ Phật kiểu đó, tin Phật kiểu đó thì xa Phật trong vòng ba giây, ba giây là xa Phật ngay. Bất mãn ai đó là cũng bỏ chùa, bị ai đó quyến rủ cũng bỏ chùa, bỏ Phật mà đi.

Còn vị Tu đà huờn thì không, vị Tu đà huờn thành tựu niềm tin nơi Đức Phật bằng trí tuệ giác ngộ, họ thấy rồi họ mới tin. Họ thấy cái gì? Họ thấy được những điều mà phàm phu không có thấy. Đó là họ thấy rằng, họ thấy chắc chắn rằng mọi sự ở đời là khổ, mọi hiện hữu là khổ trong bất cứ hình thức nào, nhân thiên hay cõi đọa đều là khổ, nụ cười hay nước mắt đều là khổ. Thứ hai nữa là họ thấy thích cái gì cũng là thích trong khổ. Muốn hết khổ thì phải hết thích. Và sống trong 3 nhận thức ấy chính là con đường thoát khổ. Và chính Đức Phật là người đã ban cho họ cái nhận thức này. Họ chỉ nghĩ tới đó là họ có thể sẵn sàng chết vì Ngài; mặc dù Ngài không có cần, Ngài không có cần ai chết cho Ngài. Nhưng mà cách nói về tấm lòng của vị Tu đà huờn là nếu cần họ chết 3 ngàn lần cho Phật họ vẫn vui vẻ tự nguyện, không có thắc mắc, không có do dự, không có phân vân, không có toan tính.

Thì thế nào trong quý vị cũng có những người sợ kinh như sợ ma, không có dám đọc. Đã ngu, đã dốt mà lại còn lười. Mà cứ nghe ai nói cái gì nó khác với cái ngu của mình là bắt đầu vùng lên, nông dân nổi dậy, anh hùng áo vải, chống đối tùm lum. Thì cái điều nào, kinh nào nói là Tu đà huờn không có tiếc mạng cho Đức Phật, kinh nào? Kinh Bhaddali Trung bộ nói như vậy đó. Đó là một vị Tu đà huờn khi đã hiểu pháp, liễu đạo cỡ cái tầm của Tu đà huờn thôi, không có cần cao hơn, cỡ Tu đà huờn thì có phải chết cho Thế Tôn họ cũng nhăn răng ra họ cười một cách tự nguyện, hoàn toàn vui vẻ, không có phân vân, hoang mang, nghi hoặc, toan tính, âu lo.

Còn mình mình nói tùm lum, vậy chứ bây giờ thử cái mạng mình đổi Phật Pháp mình chịu đổi không? Đâu có đổi, ngu gì đổi, phải sống, sống u mê, sống ô nhục, sống đau khổ, sống sợ hải, sống tăm tối, sống mơ hồ, mờ ám, sống không rõ mình sẽ đi về đâu, cũng phải giữ cái mạng cùi này để mà sống. Vị Tu đà huờn thì không, nếu cần thì phải chết cho Tam bảo là phải chết một cách ngon lành.

Cho nên ở đây, người thành tựu tri kiến đó là vị Tu đà huờn, thành tựu được lòng tôn kính tuyệt đối và đúng mức đối với bậc đạo sư, tức là đối với Phật bảo.

Trích bài giảng KTC.6.92 Bậc Ðạo Sư
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Thư Tiễn Một Người Đi | | Giải Thoát

Kiểu Tu | | Biết Trách Ai Đây?

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com