Ngoan Cố

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Ngoan Cố

Trích Kinh Tăng Chi VI. IX 115 Ác Ngôn
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba? Ác ngôn, ác bằng hữu, tâm dao động. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.
Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập. Thế nào là ba? Ðể đoạn tận ác ngôn, thiện ngôn cần phải tu tập. Để đoạn tận ác bằng hữu, thiện bằng hữu cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tâm dao động, niệm hơi thở vào hơi thở ra cần phải tu tập. Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.
Dovacassatāsuttaṃ
Tayome, bhikkhave, dhammā. Katame tayo? Dovacassatā, pāpamittatā, cetaso vikkhepo.
Ime kho, bhikkhave, tayo dhammā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya tayo dhammā bhāvetabbā. Katame tayo? Dovacassatāya pahānāya sovacassatā bhāvetabbā, pāpamittatāya pahānāya kalyāṇamittatā bhāvetabbā, cetaso vikkhepassa pahānāya ānāpānassati bhāvetabbā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya ime tayo dhammā bhāvetabbā.

Dovacassatā không phải là "ác ngôn" mà là "khó dạy". Tức là ương bướng, là ngoan cố, là lì lợm, là khả năng bất phục trước người lành.

Nó có lý do mà tại sao ở đây dịch cái chữ ác ngôn là bởi vì ở đây là dịch sát. Từ cái chữ "du" là xấu, ác, dở, tệ, tiêu cực. Còn chữ vaca là nói, hoặc là lời nói, như chữ vakya là cũng từ một gốc nó ra. Như vậy chữ dovacassatā nghĩa là ác ngôn thì dịch như vậy, nhưng mà không phải. Chữ dovacassatā là khó nói. Nói chung là toàn bộ những gì mà nó negative thì gắn với chữ "du" này là OK. Thí dụ chữ "mano" là tâm thức, là ý thức, thì "dummano" là buồn phiền, bất mãn, khó chịu, bực dọc. Đại khái như vậy.

* dovacassatā là khó dạy, là ương bướng, là lì lợm, ngoan cố, bất phục trước người lành.

* pāpamittatā có nghĩa là giao du bạn xấu.

* cetaso vikkhepo có nghĩa là thiếu định, tâm tán loạn không có định.

Tại sao cái khó dạy, cái ương bướng nó quan trọng? Nó như thế này: Đời sống nó là một sự giao thoa, nó là một sự giao lưu, nó là một sự hợp tác. Không có cái gì trên đời này mà nó tồn tại một cách độc lập 100% hết. Chuyện đó không thể có. Thậm chí trong tự điển giáo lý nhà Phật không có cái số một, bởi vì trên đời không có gì là số một hết. Nói một căn nhà là bởi vì nó được lắp ráp bởi vô số thứ. Một cái tâm thì nó cũng được lắp ráp bởi vô số tâm sở và những điều kiện ngoại trần tùm lum hết, đó là cái tâm. Cho nên cái số một không có, không có cái gì trên đời này là một hết.

Ở đây cũng vậy. Ở đời này, đời sống nó là một sự giao thoa, nó là cái sự truyền thừa và tiếp nối, hai cái này nó cộng lại. Đời sống này nó là "bestowing", là thừa tiếp. Cho nên những gì ta có bây giờ là do thế hệ tiền nhân để lại, đó là một phần. Một phần nữa là những gì ta có ngoài cái chuyện tiền nhân để lại, nó còn là những gì mà những người đương đại cùng thời với ta họ trao lại cho ta.

Ví dụ ta ngồi trên một băng ghế công viên mà được sạch sẽ, thì ở đâu nó ra? Là do mấy cái tên nào nó mới vừa rời đi nó không có xả rác, nó không có trây trét, các vị hiểu không? Chứ nếu mà nó trây trét, nó xả rác thì tới mình đâu có được cái ghế đó mình ngồi, nó đâu có sạch như vậy. Cái con đường mà mình đang đi bộ một cách thong dong, nhàn hạ, nhàn tản, vui vẻ, sạch sẽ, an ninh, không có gì phải lo, không có rác rưởi, không có mùi hôi gì hết, ở đâu nó ra? Là do người khác họ để lại cho mình. Những cái tên nào nó đi trước mình mà nó bầy hầy, bê bối, bề bộn thì mình đâu có đoạn đường mà sạch đẹp, an toàn, mát mẻ đó. Cái chỗ mà cướp bóc, giựt dọc, lừa đảo, móc túi, rọc xách thì làm sao mà mình dám đi? Thân gái dặm trường chiều tối mà đi ngang một công viên làm sao mà nó được nhẹ nhàng, thanh thản như vậy? Như vậy đời sống này nó là một sự giao thoa, trao truyền, thừa tiếp. Có nghĩa là mình kế thừa và giao phó lại cho người khác.

Cái khó dạy là gì? Khó dạy là tự mình đóng cửa mình từ chối cái sự hỗ trợ từ người khác. Như nãy giờ tôi kể: Đời sống phải là sự thừa tiếp, tôi thấy anh cần bổ xung cái này, anh cần bớt đi cái kia, anh cần cần chỉnh sửa cái nọ, tôi nói với anh bằng tất cả thiện chí của tôi. Bởi vì sao? Bởi vì "chuyện người mình sáng, chuyện mình mình quáng." Nhiều khi cái chuyện của mình mình không có thấy, nhưng mà thằng khác nó thấy, nó chỉ lại cho mình, mà mình ương bướng, ngoan cố, lì lợm, bất phục trước lời hay lẽ phải, mình không có khả năng tiếp thu, cái đầu của mình nó là cái ao tù, nó là ống cống chưa có thông, nó là cái bồn cầu chưa có được thụt, thì nó ứ ở đó, nó không có khá được.

Và cái tình trạng sức khỏe sinh lý cũng y chang như vậy mà hiểu. Bây giờ dẹp cái chuyện tâm lý. Nói sinh lý. Mọi thứ nó phải thông suốt. Cái răng của mình, mình phải thường xuyên dùng cái floss - cái chỉ nha khoa - để mình lấy sạch những thức ăn nó vướng, nó kẹt ở trong đó. Phải đánh răng, súc miệng. Cơ thể trong người mọi thứ là phải được lưu thông tốt đẹp, nhuận trường, lợi tiểu. Còn đàng này mình đóng khung mình lại, mình không có tiếp nhận cái gì từ bên ngoài vô trong, không thải cái gì từ bên trong đưa ra ngoài, là mình không khá nổi.

Nói về đời sống tâm lý, đó là một sự giao thoa, đó là một quá trình thừa tiếp, mà anh cứng đầu, anh ương bướng, anh ngoan cố là anh đóng khung bản thân anh, anh nhốt tù bản thân anh, anh đời đời không có khá được.

Chúng ta có thể vì tự ái, chúng ta không thể trực diện bái sư, không thể trực tiếp mà chấp nhận lời của người ta, nhưng mà sau đó kín đáo, âm thầm lặng lẽ phải tự chỉnh sửa, thì ít ra cái hạng này còn xài được.

Còn đằng này là anh không có thể trực diện học hỏi, chỉnh sửa trước mặt người ta, mà anh lui về cái góc tối riêng của một con gián giữa khu vườn khuya, khu nhà khuya. Anh không có chịu sửa anh nữa thì thôi, anh chết tiêu. Cái khó dạy nó kẹt ở chỗ đó. Tôi không có bắt anh phải cúi đầu nhận lỗi, chỉnh sửa trước mặt bàn dân thiên hạ, nhưng ít ra anh phải có khả năng tự nhìn lại mình, tự tỉnh, tự phản tỉnh. Đấy, anh âm thầm lặng lẽ kín đáo lén lút sửa chữa. Mình thiếu khả năng đó thì mình không khá nổi.

Trích bài giảng Tà Kiến
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Vô thường tùy quán | | Ba Câu Niệm

Lục Thần Thông | | Dừng lại nửa chừng

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com