Đất Nước Lửa Gió

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Đất Nước Lửa Gió

Đất không phải là "soil" mà đất ở đây là cái trạng thái cứng mềm nặng nhẹ mịn nhám gọi là đất.

Nước không phải là "water" mà nước là trạng thái tan chảy, ngưng tụ và kết dính các phân tử lại gọi là nước.

Lửa là tất cả các nhiệt độ, lạnh nóng cở nào đều gom chung là lửa. Dầu cái vật đó nó nhỏ đến mức mà xúc giác của mình không thể biết được nhiệt độ của nó nhưng trong đó nó vẫn có nhiệt độ. Thí dụ trong một hạt bụi mình không có thể tưởng được là hạt bụi bản thân nó cũng có nhiệt độ; theo A tỳ đàm nói như vậy. Đó là lửa.

Còn gió ở đây không phải là "wind" như mình hiểu thông thường mà nó là cái trạng thái xê dịch, căng phồng, di động (movement) và áp suất (pressure), những trạng thái này gom chung được gọi là gió.

Và nó lớn chuyện lắm quí vị, lớn chuyện chỗ này: Tất cả vật chất mà quí vị thấy bằng mắt, nghe bằng tai, sờ bằng xúc giác, ngửi bằng mũi và biết bằng lưỡi, tất cả những thứ vật chất đó mình thấy nó ghê gớm, mình không học đạo mình thấy nó đứa thì cứng, đứa thì mềm, đứa thì ướt, đứa thì khô, cái màu xanh, cái màu tím, cái thì lớn, cái thì nhỏ, cái ngắn, cái dài, cái rộng, cái hẹp. Nhưng mà chúng ta đâu có ngờ to như ngọn núi hay nhỏ như hạt cát nếu mà nói rốt ráo, cái vật chất trong ngọn núi hay hạt cát, nếu mà nói rốt ráo nói tới nơi nó chỉ là những trạng thái thôi. Những trạng thái very abstract, nó rất là trừu tượng.

Khi mình định nghĩa về 4 đại mà mình định nghĩa rốt ráo rồi thì nó chỉ còn lại những trạng thái thôi. Vì sao vậy? Vì, ... thôi cái núi nó bự lắm, thôi tôi nói cái nhỏ nhỏ. Ví dụ tôi nói cái phone của mình đây. Nếu mình nghiền nát nó ra, mình chia nó ra thành 1000 lần thì các vị còn thấy cái phone nữa không? Rồi tôi lấy cái 1 phần ngàn đó tôi nghiền nát ra 1000 phần nữa; tức là 1 triệu. Tức là nếu cái phone này tôi lấy ra 1 phần triệu của nó thì các vị nhìn các vị biết nó là cái gì không? Rổi tôi lấy 1 phần triệu đó tôi tiếp tục tôi làm nhỏ đi nữa thì cái phần 1 phần ngàn của cái triệu đó thì quí vị thấy nó còn nhỏ nữa. Quý vị hiểu không? Cho nên cuối cùng rồi thì những thứ vật chất mà mình thấy nó ghê gớm, nó chỉ là những trạng thái mà thôi. Đó là lý do tại sao mà ngủ uẩn giai không. Thí dụ như bây giờ thôi nói một chuyện khác, cọng rau muống, cầm lên thì mình nói đây là cọng rau muống nhưng nếu cọng rau muống này mà tôi chia nó ra thành 1000 lần thì nó không còn là cọng rau muống nữa, đúng không? Mà nó bậy một chỗ là trong vô số kiếp chúng ta không biết chuyện đó cho nên là chúng ta cứ chấp đây là đàn ông, đây là đàn bà, đây là đẹp, đây là xấu, đây là vàng, đây là chì, đây là đá, đây là ngọc.

Tôi đã nói không biết là bao nhiêu lần. Có 2 cách nhìn về thế giới: Cách nhìn về hiện tượng và cách nhìn về bản chất. Các vị có nghe về hiện tượng và bản chất không? Hiện tượng tức là chế định hay là "phenomenon". Còn bản chất tiếng Pali gọi là paramattha, là chân đế hay là bản chất. Các vị nghe kịp chứ? Chúng ta có 2 cách nhìn về thế giới, cách nhìn 1 là cách nhìn qua hiện tượng phenomenon, cách nhìn thứ 2 là chúng ta nhìn thế giới qua bản chất.

Cách nhìn qua hiện tượng là sao? Đây là ly nước mía gọi là nhìn qua hiện tượng, nhìn trên khía cạnh hiện tượng thì đây là ly nước mía. Nhưng mà nhìn trên bản chất thì đây là H2O + Gluco + Acid + Acid amin. Như vậy thì bây giờ tôi ra ngoài Cabramatta tôi kêu một ly nước mía hay là tôi đem ra một đống hóa chất tôi kêu nó bán? OK? Thì như vậy chúng ta có 2 cách nhìn về thế giới, cách nhìn thông qua hiện tượng thì đây là ly nước mía, nhưng mà nhìn về bản chất thì như tôi vừa nói, nó là gồm có H2O, là Hydro và Oxy, nó gồm có những hóa chất khác, gồm các dưỡng tố như Acid amin, calcium, glucô, ... Tất cả những cái đó nó gọi là gì? Là bản chất.

Thì khi mà mình không có tu Tứ niệm xứ, mình nhìn thế giới này mình chỉ biết nhìn nó qua hiện tượng thôi: Tôi. Chuyện đầu tiên là Tôi cái đã. Tôi đang ngồi, Tôi bị đau lưng, Tôi bị nực, Tôi bị ngứa, Tôi bị mỏi, Tôi bị tê. Nhưng mà nếu các vị tu Tứ niệm xứ thì lại khác. Các vị ngồi thế này, nó đau ở đây, các vị chỉ ghi nhận rằng: Khổ thọ đang có mặt. Tôi đang ngồi theo dõi hơi thở mà tôi nhớ chuyện gì đó, tôi biết là đang phóng dật. Và khi tôi đang nhớ chuyện gì đó làm tôi bực mình tôi biết là tôi đang có tâm sân. Thì ở đây ai không học giáo lý và ai không là hành giả thì nghe cái đó ngớ ngẩn "Ủa tại sao tôi phải làm chuyện đó?" Nhưng mà nghe tôi đi, các vị nghe tiếp đoạn sau. Lâu ngày từ một ngày tới hai ngày, ba ngày, năm ngày, mười ngày, nửa tháng, một tháng, ba tháng, sáu tháng, một năm tùy căn cơ nhiều ít, khi mà các vị liên tục một thời gian dài làm gì biết nấy và không còn thấy cái Tôi nữa mà chỉ thấy toàn là: Đây là sự khó chịu đang có mặt, sự dễ chịu đang có mặt, tâm thiện đang có mặt, tâm xấu đang có mặt, tâm tham đang có mặt, tâm sân đang có mặt. Các vị thấy cái chỗ này không? Suốt một thời gian dài các vị không còn thấy cái nào là Tôi hết mà toàn là mấy cái món đồ "parts" thôi. Không còn là chiếc xe nữa mà thấy toàn là đồ "parts" không. Thì ngay cái lúc đó là lúc các vị nhận ra một tỷ vấn đề rất là quan trọng và rất là thú vị. Thấy cái gì? Thấy chuyện thứ nhất: Tất cả là đồ lắp ráp. Thứ hai: Mọi thứ do duyên mà có và cũng do duyên mà mất đi. Và tại sao thấy như vậy? Khi anh thấy như vậy anh không còn thích tùm lum nữa, mà khi anh không còn thích tùm lum nữa thì anh không còn ghét tùm lum nữa, mà nói theo thánh kinh thì "Phúc thay cho kẻ nào không còn thích và ghét".

Tức là mình chửi họ họ tỉnh bơ, mình quì mình lạy họ, mình hôn chân họ họ cũng trơ trơ ra đó. Lúc đó là hạnh phúc.

Hạnh phúc của thế gian là có được cái mình thích, né được cái mình ghét, đó là hạnh phúc thế gian. Còn hạnh phúc Phật Pháp là gì? Là không còn cái để thích và không còn cái để ghét nữa. Cái hạnh phúc mà đến từ cái chuyện né được cái ghét và có được cái thích là cái hạnh phúc cực kỳ mong manh. Tại sao vậy? Vì nếu né không được cái ghét thì sao? Thì Khổ. Kiếm không được cái mình thích thì cũng Khổ. Còn cái người không còn thích ghét nữa thì cả đời nó cứ trơ trơ. Một vị A la hán có thể ngồi nhìn trăng lên, trăng xuống, và không vì một cơn gió lạnh làm cho khó chịu, không vì cái tiếng mà một bà bán cá đứng trước chùa bả chửi mà làm cho Ngài khó chịu. Vị A la hán không khổ vì một cái email, một tin nhắn, một cú phone. Các Ngài nhìn trăng "Ừ bữa nay trăng đẹp, trăng 14 hay trăng 16". Hết. Và Ngài nhìn trăng Ngài biết rõ: Nó theo chu kỳ mà đến rồi mai này nó sẽ theo chu kỳ nó đi, các pháp nó vận hành là vậy. Các Ngài nhìn bằng tất cả sự thanh thản, không trông mong cái này đến cũng không mong cái kia đi. Cái đó là cái an lạc thật sự của một người hiểu đạo. Còn mình thì sao? Mình sống trong cuộc đời này bằng một thái độ rất là trẻ con. Mong được cái này và muốn tống khứ cái kia. Mong không được là khổ, tống khứ không được là khổ.

Cho nên đây là lý do vì đâu mà chúng ta phải tu tập Tứ niệm xứ. Nếu đủ duyên chứng La hán thì được như tôi vừa nói, còn nếu không ít nhất là mình sống trong đời này bằng sự an lạc và không có tiếp tục gieo cái mầm sanh tử nữa. Có nghĩa là sống chậm lại, làm cái gì biết cái nấy, thời gian này nó lâu mau tùy người. Buổi đầu pháp môn Tứ niệm xứ chỉ là chánh niệm thôi. Tôi lạy các bố ở đây đừng có bắt chước sách thiền là nghe mấy thầy thiền sư nói là "quán chiếu". Tôi xin các vị, các vị chưa đủ sức đâu. Người ta nói gọn nên người ta nói như vậy, và đó không phải là người ta nói sai. Nhưng thực tế buổi đầu chỉ chánh niệm thôi, làm cái gì biết cái nấy, đến một lúc nào đó trên cái nền tảng chánh niệm "mindfulness" đó các vị nhận ra một điều: Đây chính là tứ đại.

Những gì các vị nghe được chiều nay chỉ là một con két nghe một con két nói, nhưng mà sẽ có một ngày chính các vị sẽ nghiệm ra cái đó. Khi các vị ngồi xuống, đặt cái mông xuống: Cái nặng nhẹ chính là địa đại, cái nhiệt độ mình cảm nhận được chính là hỏa đại. Cầm cái vật gì lên vừa cầm lên là mình biết nó cứng mềm đúng không ta? Đó là địa đại. Vừa cầm nó lên mình cảm được nhiệt độ trong đó, đó là hỏa đại. Và nó không nằm yên mà nó có sự xê dịch, đó chính là phong đại. Sự kết dính giữa các thành tố vật chất để cho nó có thể dính gắn lại, đó chính là thủy đại.

Thì ngay bây giờ, chiều nay là bắt đầu tôi giảng tới cái mà làm cho bà con ngủ đã luôn. Nhưng mà phải chấp nhận cái đó bởi vì mình không thể nào mà mình cứ đi vào pháp thoại mà cứ nghe người ta kể chuyện ma, chuyện tếu hoài được. Tôi giỡn tới một lúc nào đó tôi phải ngưng chứ. Già rồi, tôi già các vị cũng già, và bây giờ phải chuẩn bị chết. Chết cho nó êm. Sống OK chết mới đẹp, tin tôi đi. Sống tỉnh táo chết mới êm. Sống như thế nào mà bây giờ bác sĩ nói mổ là mình "Dạ", chỉ "Dạ" và đem vô nằm tỉnh bơ, chỉ dặn người nhà "Nếu sáng mai tui còn về thì ok không có gì để nói, mà nếu sáng mai tôi không về thì cái di chúc tôi để trong ngăn kéo." Thanh thản như vậy đó. Tôi không mong sống lâu, tôi chỉ mong chết thanh thản thôi, chết trên máy bay, chết trong xe hơi, chết ở đầu đường xó chợ. "Sống trong lòng người đẹp Tô Châu hay là chết bên dòng sông Danube". Tôi chỉ mong có một điều thôi: Thanh thản. Tôi không mong 90 tuổi và tôi nghĩ quí vị cũng phải như vậy. Đừng có mong 90 tuổi. Sống 90 tuổi để làm cái gì? Sống mà cứ đơ đơ như ông Ronald Regan. Trong cái ngày sinh nhật ổng, bà vợ hôn ổng một cái ổng hỏi "Who are you?". 90 kiểu đó tôi không ham.

Trích bài giảng Tứ Vô Lượng Tâm - Pháp Môn Tuệ Quán
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Anulomikāya khantiyā | | Đường Ra Khỏi Rừng

Dừng lại nửa chừng | | Thực nghiệm

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com