Vô thường tùy quán

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Vô thường tùy quán

Buổi đầu học đạo mình nghe như két vậy đó nhưng mà khi mà mình bắt đầu có một cái nơi chốn đủ yên tĩnh và cái đời sống đủ đơn giản để mà buông hết mọi tế toái, mọi ưu tư, âu lo để mà có thể chuyên tâm tập trung, quan sát những thiện ác buồn vui của tâm lý, rồi thì những cái nóng lạnh, sướng khổ, đau nhức, tê buốt, mát mẽ, dễ chịu của thân xác này. Thì khi chúng ta có điều kiện sống tỉnh thức để mà thấy được thân và tâm của mình nó luôn luôn và luôn luôn ở trong sự chuyển đổi, xê dịch giữa các tình trạng, giữa các điều kiện thì lúc đó cảm nhận của chúng ta về bản thân và thế giới chắc chắn nó khác hơn rất là nhiều. Cái vô thường tùy quán là vậy đó. Là sống trong sự cảm nhận rốt ráo, triệt để về cái bản chất vô thường của thân và tâm. Rồi từ đó, từ cái chỗ mình thấy mình ra sao mình thấy luôn thiên hạ cũng như vậy.

"No man ever steps in the same river twice, for it's not the same river and he's not the same man."
‐ Heraclitus

Ông Heraclitus của Hy Lạp ổng đã nói rằng "Ta không thể nào hai lần bước xuống trên cùng một chỗ của dòng nước". Cái câu đó tuy là của một người ngoài Phật giáo nhưng mà nó rất là Phật giáo, nó Phật giáo ở cái điểm là mọi thứ nó luôn luôn có mặt trên một dòng chảy, chúng ta không thể nào tồn tại quá một sát na, không thể nào, chẳng qua vì sự thay đổi quá nhanh đi, cho nên mình tưởng rằng là có một cái tôi, có một thằng Tèo, thằng Tý, con Lan, con Hương nó sống 20 năm, 40 năm, nhưng thật ra không, mọi thứ nó đã thay đổi, xê dịch rất là nhiều, liên tục.

Có một câu chuyện mà tôi nhắc hoài, đó là câu chuyện Khắc Chu cầu kiếm, là cái cậu công tử đi trên một chiếc ghe qua sông làm rơi thanh gươm trên dòng sông chảy xiết. Cậu ta tiếc của, tiếc thanh gươm quí mới kêu thằng đày tớ nhảy xuống sông mò thanh gươm. Thằng đày tớ nó vừa khờ mà nó vừa chết nhát, nó mới lấy miếng vôi ăn trầu nó mới quẹt ở trên cái be thuyền rồi nó mới nói với ông chủ để lát nữa vào bờ nó mới nhảy xuống nó mò. Thì ông chủ hỏi chớ rớt ở đây không mò thì vào bờ sao mà mò, thì đày tớ nó nói là đã làm dấu rồi, làm dấu ở cái chỗ mà ông chủ làm rớt, thì đi đâu đi thì dấu vôi cũng nằm đó chớ đâu có đi đâu. Câu chuyện đó có nhiều người hiểu đó là chuyện cười nhưng mà thật ra trong Phật giáo đó là một câu chuyện, một hình ảnh giải thích về cái vô minh của chúng ta và cũng giải thích về bản chất của thế giới.

Cái thanh gươm nó rớt xuống, chuyện thứ nhất trên một dòng nước chảy xiết thì thanh gươm nó rớt, nó đâu có rớt đường thẳng, nó rớt theo đường xiên, đó là một chuyện. Chuyện thứ hai, với sự tác động của dòng nước chảy xiết thì thanh gươm nó rớt ở đây lúc nó chạm đáy nó đâu có chạm ngay chóc cái chỗ đó. Thứ ba là thuyền đang đi, cho nên khi mà dòng nước nó đưa thanh gươm đi một nơi mà thuyền thì đi một nẻo, lát sau vào bờ thì chúng ta có nhảy xuống tìm cái chỗ cái vạch vôi đó thì cũng bằng không.

Cũng vậy, chúng ta nhìn thấy một người, chúng ta nghe thấy tiếng nói của một người, chúng ta đem lòng thương họ, đó là chúng ta thương một người khác, mai này chúng ta gặp lại họ chúng ta gặp lại một người khác, và chúng ta cưới họ về chúng ta cưới về một người khác. Đó là một sự thật, đó là chúng ta nói theo cách dễ hiểu. Chứ mà nói rốt ráo theo giáo lý A tỳ đàm, nói theo tinh thần tuệ quán Tứ niệm xứ thì không cần đợi đến chữ "mai này", mà trong tích tắc chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng biến đổi, xê dịch không ngừng. Vì vậy cho nên chúng ta thấy cơ thể mình nó là cái lò luyện, nó phải liên tục đốt cháy mọi thứ cho nên chúng ta mới có cái ráy tai, chúng ta mới có da khô, chúng ta có tóc bạc, tất cả những tế bào cũ nó chết đi nhường chỗ cho tế bào mới, nó phải có một sự liên tục vô thường từ phút giây này sang phút giây khác, nó mới dẫn đến sự vô thường từ giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác và sau cùng thì trải qua một năm, hai năm tùy lứa tuổi mà sức khỏe chúng ta ngày một đi xuống, tuổi ngày một nhiều hơn. Và cuối cùng có một ngày sáng mai thức dậy soi gương thấy tóc mình đã bạc đi một phần, cái bạc đó không phải chỉ là một đêm mà nó là kết quả của một quá trình dài lâu, chuyển đổi trong cơ thể sinh lý của chúng ta.

Cho nên vô thường tùy quán nghĩa là hành giả sống chánh niệm thời gian dài, ghi nhận mọi cái vận động, hoạt động của thân tâm rồi đến một lúc duyên nó đủ, lúc đó niệm là cái nền cho trí, cho tuệ. Niệm là ghi nhận cái gì vừa xảy ra còn tuệ là biết rõ cái gì đang xảy ra. Một cái How và một cái What. Cái niệm là biết How, có nghĩa là nó biết cái thân tâm này nó đang hoạt động ra sao, nó chỉ biết cái đó thôi. Nhưng mà cái tuệ nó biết cái gì vừa xảy ra, đó là thiện, là ác, là buồn, là vui. Cái sự ghi nhận này phải diễn ra liên tục, liên tục và liên tục, bởi vì mọi thứ nó đang vô thường liên tục cho nên sự ghi nhận phải liên tục thì hai cái liên tục này gặp nhau sẽ có một lúc nó giúp cho mình nhận ra một sự thật là mình chỉ là một dòng chảy, mình là một dòng nước hội tụ vô số giọt nước, mình chỉ là một tấm ảnh, là chỗ gặp nhau của vô số cái chấm nhỏ trên đó.

Tôi nói rất là nhiều lần, không biết đạo mình tưởng là mình có một cuộc đời, một "life" và cũng là "line", một đường thẳng. Biết đạo ba mớ chúng ta chỉ là những cái "spots", những đốm thôi, đốm buồn, đốm vui, đốm thiện, đốm ác, hồi nãy thiện một đóm, bây giờ ác một đóm, vui một đóm, buồn một đóm. Nhưng mà từ cái line qua cái spot chưa đủ, có một lúc chúng ta thấy mình không phải là spots, là đóm nữa mà nó là "dots", là những dấu chấm thôi, chấm chấm chấm chấm ... thì vô số cái chấm làm nên một tấm ảnh, làm nên một bức tranh, các vị có biết không? Các vị phóng lớn một hình ảnh các vị sẽ thấy, phóng lớn ngàn lần các vị sẽ thấy cái đó.

Hoặc đơn giản hơn bà con chỉ cần dùng kiếng magnify, kính hội tụ, một cái kính phóng đại đó, mà loại tốt nha. Ở đây tôi có hai loại, một loại tôi mua ở tiệm đồ cũ thôi, một loại là để dành đọc lớn cái chữ nhỏ. Nhưng mà tôi có cái loại mà có lẽ người ta dùng trong phòng lab, phòng thí nghiệm, là rọi nó ra rồi thì cái gì mà mình thấy là đẹp không còn nữa. Thí dụ như một cái làn da. Tôi không có làm đẹp, tôi không có dùng mỹ phẩm, tôi chỉ dùng kem thoa lạnh khi mùa đông sợ nó nứt da hoặc kem chống nắng. Da mình mới vừa bôi kem, thì khi mình bôi lên mình có cảm giác nó mịn hay nó láng hơn. Nhưng mà mình lấy cái kính lúp đó mình rọi thử thì hỡi ơi, cái da mặt của mình nếu mà tính ra nó cũng không có thua gì cái mặt trăng đâu quí vị. Nó cũng lồi lõm, nó cũng sần sùi, có nghĩa là nếu mà rọi phóng lớn ra thì cái vỏ cam sành, nó đều đặn và mịn màng hơn là cái da của mình nhiều lắm.

Trích bài giảng Vô thường tùy quán
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Kiêu Mạn | | Luân Hồi

Chơi Ác | | Định

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com