Vô Thường Tưởng

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Vô Thường Tưởng

Toàn bộ thế giới này nó chỉ là cái hành trình hiện hữu và hoạt động của 6 Căn 6 Trần. Khi định nghĩa về Vô thường Tưởng thì việc đầu tiên là phải nói tới cái điều này. Toàn bộ sự hiện hữu của vũ trụ chỉ là sự có mặt và làm việc của 6 Căn 6 Trần. Có nghĩa là:

Con Mắt và những thứ con mắt nó thấy, lỗ Tai và những thứ lỗ tai nó nghe được, lỗ Mũi và những cái mũi nó ngửi được, lưỡi và những cái lưỡi nó nếm được, Xúc giác và những thứ mà Thân nó xúc chạm được, và Ý thức và những thứ đầu óc nó suy nghĩ được. Tổng cộng lại thì toàn bộ vũ trụ này nó chỉ là những gì mà nằm gọn trong 6 Căn 6 Trần.

Thí dụ như:

Mặt trời cũng nằm gọn trong 6 Căn 6 Trần, nó nằm gọn trong chỗ nào? Nó là Sắc Trần, là đối tượng của con Mắt và nó cũng là đối tượng của cái đầu, của Thức thứ 6.

Rồi những người hiện giờ họ không ở trước mặt mình vậy họ thuộc Trần nào trong 6 Trần? Thuộc về Trần thứ 6. Bởi vì ngay bây giờ mình không có thấy họ, không nghe mùi, nghe tiếng của họ nhưng ít ra họ đang là cái đối tượng suy nghĩ của mình, như vậy họ vẫn là Thức thứ 6.

Rồi bây giờ tôi kể các vị nghe về các loài cá ở dưới đáy biển, ở cái rãnh Mariana sâu 10 km, thì hiện giờ cái đó sâu lắm nhưng mà khi tôi nói cái đó thì tự nhiên trong đầu quí vị có hình ảnh con cá. Như vậy con cá đang ở một chỗ sâu nhất thế giới, nó cách mình rất là xa, nhưng mà khi tôi nói thì tự nhiên nó trở thành đối tượng của Thức thứ 6.

Mặt trời xa như vậy, mấy con cá ở dưới đáy biển sâu như vậy, một người đang khuất mặt hay thậm chí đã chết rồi nhưng mà họ vẫn nằm ở trong cái gọi là 6 Căn 6 Trần.

Do đó vị tỳ kheo khi sống quán Vô thường vị ấy chỉ đơn giản làm một việc: Nhìn cái gì cũng ghi nhận rằng nó rồi cũng Vô thường, con Mắt nhìn thấy nó rồi cũng Vô thường, những Cảm giác nào có được từ cái Thấy ấy cũng Vô thường.

Nghe rất là kỳ, "Tu gì nghe không có cao siêu gì hết?" Nhưng đó là tu. Có đắc cái gì, đắc tới đâu luôn cũng từ cái đó.

Khi mắt nhìn cái gì vị ấy luôn luôn tâm niệm là những cái ta thấy chắc chắn rồi cũng Vô thường. Thần kinh Thị giác mà nhìn thấy cái đó rồi cũng Vô thường. Những thiện ác, buồn vui có được từ cái thấy đó rồi cũng Vô thường.

Qua tới lỗ Tai cũng vậy: Những âm Thanh, tiếng động trước sau nó cũng Vô thường. Rồi thần kinh Thính giác của mình rồi cũng Vô thường. Những thiện ác, buồn vui, những cảm xúc, tâm tư có được từ tiếng động âm thanh ấy rồi cũng Vô thường.

Qua tới lỗ Mũi: Thần kinh Khứu giác chắc chắn phải có lúc Vô thường, Những mùi thơm, mùi khó ngửi mà chúng ta đang ngửi đây rồi cũng Vô thường. Những cảm giác, những thiện ác, buồn vui có được từ việc ngửi mùi ấy rồi cũng Vô thường.

Cứ như vậy cả 6 Căn và 6 Trần. Vị tỳ kheo liên tục và liên tục sống trong Vô thường Tưởng là như vậy. Dĩ nhiên trong room này, chỉ người nào là hành giả miên mật tinh tấn thì mới hiểu và mới tin chuyện này vì sao mà nó quan trọng, rất là quan trọng.

Nghe cái gì cứ móc cái bài này ra thuộc lòng như con nít vậy đó: Cứ nghe tiếng động, nhìn cái gì lúc nào cũng nghĩ rồi cũng Vô thường. Cái gì liên hệ tới con mắt rồi cũng Vô thường. Bản thân con mắt và những thứ quan hệ với nó rồi cũng Vô thường. Bản thân 6 Căn 6 Trần và cái gì quan hệ với nó cũng là Vô thường.

Liên tục sống trong Quán Tưởng những nhận thức đó, một ngày chưa thấy gì, hai ngày chưa thấy gì, tuần lễ chưa thấy gì nhưng tới tháng thứ hai, thứ ba bắt đầu có chuyện. Nó bắt đầu dìu mình về cái góc trời mà từ đó tới giờ mình chưa từng biết tới. Còn mình cứ ngồi chép ghi, ghi chép, nghe tới nghe lui không đi tới đâu hết. Còn mà thường xuyên sống trong Vô thường Tưởng như vậy sẽ có một ngày người ta có chửi vô mặt mình mình cũng không giận, người ta có quì xuống người ta hôn cái gót chân mình cũng không có vui bởi vì tất cả rồi sẽ Vô thường. Cảm tình cỡ nào rồi cũng Vô thường. Ác cảm cỡ nào rồi cũng Vô thường. Nếu lúc còn sống họ chưa kịp thương mình thì đến lúc họ chết cái ghét cũng biến mất theo họ.

Có nhiều kiểu Vô thường: là cái ghét đó, cái thương đó nó Vô thường ngay lúc 2 người còn sống. Hơn nữa, nếu bây giờ nó chịu Vô thường mai mốt 2 người chết rồi cái đó cũng mất luôn. Đó là nói nôm na.

Còn nói theo A tỳ đàm thì Vô thường là cái gì? Lúc có lúc không - đó là Vô thường. Thí dụ họ ghét mình lắm nhưng cũng có lúc họ đi ngủ chứ, thì hồi nãy họ đang nghĩ về mình bằng cái lòng căm hờn nhưng lát nữa họ đi ngủ mất tiêu, như vậy cái lòng căm thù đó cũng là Vô thường, nó Vô thường ngay bây giờ hoặc khi họ chết.

Cái Vô thường Tưởng nó hay như vậy. Và phải nói là tập thường xuyên chứ còn nghe giảng "Ờ, ờ hiểu rồi!", rồi về quên. Về lăn vào chợ đời cơm gạo áo tiền thì không khá. Phải thường xuyên sống chìm sâu trong nó. Tại sao chúng ta cần tới thiền viện? Là vì thiền viện là cái chỗ bà con quên hết vợ chồng, con cái, nhà cửa, công ăn, việc làm. Vào trong đó chỉ biết chuyên tâm theo đuổi những cái suy tư, suy tưởng. Như vậy thì mới khá được.

Thường xuyên sống trong Vô thường Tưởng thì mình mới tránh được 2 phiền não căn bản là Tà kiến và Tham ái.

Thấy rằng mọi thứ do duyên mà có thì trừ được đoạn kiến.

Thấy rằng mọi thứ đã có rồi phải mất thì trừ được thường kiến.

Đoạn kiến cho rằng chết rồi là hết cho nên cái quan niệm chánh kiến đầu tiên, "mọi thứ do duyên mà có", nó giúp cho mình trừ được đoạn kiến. Thay vì trước đây mình nói chết rồi là hết nhưng bây giờ mình thấy hễ cái duyên sanh tử còn thì mình còn sanh tử, như vậy là mình thấy rằng mọi thứ do duyên mà có. Hễ duyên còn thì nó phải có thôi.

Chánh kiến thứ hai, "khi có rồi phải mất đi", nó giúp cho mình trừ được thường kiến vì thường kiến cho rằng có một cái linh hồn, một cái tôi trường tồn bất biến hoặc tin rằng có một cái cảnh giới nào đó, có một thứ vật chất nào đó, mà đời đời bất hoại. Nhưng bây giờ có tu tập mình thấy không có cái gì mà đời đời bất hoại hết. Bởi vì vạn hữu nó chỉ có thể tồn tại trong sự đắp đổi, thừa tiếp giữa cái trước và cái sau. Đó là nói về mặt technical, kỹ thuật.

Nói về mặt xã hội, mặt thực tế thì sao? Cái gọi là hạnh phúc, đau khổ của chúng ta nó chỉ đến từ sự Vô thường. Là sao? Là phải nhờ đến chuyện lúc vầy lúc khác thì mình mới có hạnh phúc.

Hạnh phúc của chúng ta nó phải cần đến chuyện Vô thường. Có nghĩa là có gặp rồi có xa thì gặp nhau mình mới thương tiếc. Chứ còn dính như sam thì lấy đâu mà mình nhớ, mà trong tình cảm không có nhớ, không có trông, không có ghen thì không có phê, đó là tình người.

Thứ hai là có đói thì ăn mới ngon, có khát thì uống mới đã, có lạnh thì đắp mền mới ấm, có nực xài máy lạnh mới sướng. Có nghĩa là đời sống nó phải như vầy, như vầy, như vầy mới có cái gọi là hạnh phúc. Mà khổ một chỗ là Hạnh phúc ở đâu thì Đau khổ nằm ở đó. Chúng nó là một cặp.

Cho nên hành giả thường xuyên sống trong sự quán chiếu rằng đời sống là sự đắp đổi của đồng tiền 2 mặt, lúc vầy lúc khác, thì nó mới làm nên cái thế giới này. Phải thường xuyên ghi nhận như vậy. Đừng có ngại "Cái này ổng nói mà chứ tôi đâu có thấy đâu". Đúng, ổng nói, nhưng nếu mình thấy có lý mình nên hành trì như vậy. Thường xuyên tâm niệm trong những cuộc vui tân gia, sinh nhật, giữa lúc mọi người cười hả hê thì lúc đó riêng mình mình cứ suy niệm: Thứ nhất, nụ cười ở đây có thật hay không? Thứ hai, nếu nó là thật, người ta thương yêu nhau thật thì rồi niềm vui này, tình cảm này rồi cũng sẽ có lúc phai phôi.

Cứ liên tục nhớ như vậy thì lâu ngày chúng ta sẽ có được một nguồn đạo lực, tâm lực rất là mạnh, một cái tâm tu cực kỳ ngon lành và khi phải đứng trước cảnh sanh ly tử biệt, mất mát đổ nát, vô thường biến hoại, thì mình có sức chịu đựng rất tốt, và nếu đủ duyên thì chứng thánh.

Trích bài giảng KTC.7.25 Tưởng
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Thương Được Kẻ Thù | | Vấn Đề

Biết | | Đổi Thay

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com