sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com | ||||
| ||||
Cái Bàn CũHỷ giác chi là niềm vui sống đạo. Đối với người phàm thì phải có niềm vui đó mới có thể đi tới. Đồng thời niềm vui đó là kết quả đương nhiên, tự nhiên, cố nhiên, mặc nhiên, hiển nhiên của người thành tựu được các Giác chi khác. Khi mình có được 6 Giác chi kia thì mình tự nhiên có Giác chi thứ 4 này. Nói cho tới nơi tới chốn thì chúng ta phải nhắc đến khía cạnh này: Hạnh phúc nó đến từ 2 nguồn. Nguồn 1 đến từ đời sống tội lỗi, từ sự hưởng thụ, từ việc mà mình sở hữu được cái gì đó, mình có cái gì đó, mình cầm cái gì đó. Nguồn 2 đến từ việc mình buông bỏ cái gì đó, mình không có cái gì đó. Đối với người tu tập đạo giải thoát, niềm vui của họ đến từ chuyện buông bỏ. Họ mất để họ bỏ đi được nhiều thứ. Chính vì sự buông bỏ đó làm cho người ta được an lạc. Tôi nói rất là nhiều lần, mình cầm được trên tay cái món mà mình thích mình thấy hạnh phúc là đúng rồi, mình vác lên vai cái món mà mình thích cũng là một thứ hạnh phúc, cái đó đương nhiên ai cũng thấy rồi. Nhưng mà bây giờ mình buông ra cái món đồ mà mình đã cầm mỏi tay thì nó cũng là một thứ hạnh phúc. Tôi nhớ có một lần đó tôi đi cái tiệm đồ cũ bên Thụy Sĩ tôi mua được cái bàn. Các vị biết tôi đi xe lửa với xe bus mà cái bàn nó cũng gọn gọn, xếp được. Nhưng mà nó hơi nặng, cái sườn nó bằng sắt. Lúc đó tuyết đổ dầy mà tôi phải ràng cái bàn vô chiếc xe kéo, xe mà người Thụy Sĩ đi chợ. Gặp được cái bàn đó quá vừa ý mình thích, mình kéo, nó nặng thiệt nhưng mà mình thích, mình thấy hôm nay mình có được cái bàn mình thích. Nhưng mà kéo lên dốc được một khoảng tôi mới thấm thía tương chao. Nghĩa là nó mỏi quá đi. Về được đứng trước mái hiên của nhà, tôi buông nó ra, nó khỏe làm sao vậy đó, khỏe lắm. Về tới nhà rồi thì bây giờ tôi thích thì đem vô còn không để đại ngoài mái hiên cũng được; miễn là tôi không còn phải gồng gánh cưu mang nó nữa. Như vậy mình thấy Hạnh phúc có từ 2 nguồn. Nguồn 1 đến từ chuyện mình có cái gì đó. Lúc tôi thấy cái bàn đó tôi thích lắm, đó là một thứ hạnh phúc. Tôi mua với giá rẻ tôi rất là hạnh phúc. Tôi ràng vô chiếc xe kéo tôi kéo nó đi, kéo món đồ mà mình thích cũng rất là hạnh phúc. Nhưng mà lúc buông nó ra được tôi rất là hạnh phúc, tôi vô cùng hạnh phúc là vì nó mỏi. Bây giờ tôi kể lại mà tôi còn thấy ớn. Trời tuyết đổ như vậy mà tôi đổ mồ hôi các vị biết không. Nó nặng đó. Tuy nó không có nhiều, chỉ tầm 10 ký thôi, nhưng mình kéo lên dốc nó nặng lắm tại vì phải kéo luôn cả chiếc xe nữa mà chiếc xe nó lún trong tuyết nó nặng lắm. Cho nên cái Hỷ giác chi trong đạo Phật nó hay ở cái chỗ là cái niềm vui của người sống đạo và niềm vui ấy nó đến từ chuyện là mình đã buông bỏ được 2 thứ. Buông được cái mình thích và buông được cái mình ghét. Người mà sống thiền cho đúng thì hạn chế tối đa cái thích và cái ghét. Bao nhiêu khổ nạn trầm luân, bao nhiêu máu lệ sanh tử thảy đều đi ra từ 2 thứ này. Đó là đi ra từ cái thích và cái ghét. Do thích mà phải đi kiếm tìm, kiếm tìm là một hành trình. Có rồi phải bảo trì, đó là cái hành trình. Giữ không được nó lại đau khổ, lại là cái hành trình khác. Đó là đối với cái thích. Còn đối với cái ghét thì đơn giản rồi. Mình tránh không được là mình khổ, mình né không được là khổ. Còn đối với cái thích thì cái khổ nó đến từ nhiều giai đoạn: kiếm tìm là khổ, ra sức bảo trì là khổ, bảo trì không được, giữ không được trong tay nữa cũng là khổ. Bây giờ đối với một người tu hành lìa bỏ được Dục triền cái và Sân triền cái thì khi mà bỏ được 2 cái đó tự nhiên nó nhẹ. Ngày nào trong đời của mình, trong tâm tư của mình mà không có bóng dáng nào để mình thương nhớ cũng không có bóng dáng nào để mình bực bội thì đó là Hạnh phúc. Hạnh phúc ghê lắm. Hỷ giác chi đến từ chuyện anh không có cái gì để anh lo hết. Anh chỉ biết sống có chánh niệm thôi, anh chỉ biết có thiền định thôi, anh chỉ biết có trí tuệ thôi. Ba cái này (Niệm, Định, Tuệ) đều có một nội dung giống nhau; đó là sự buông bỏ. Buông bỏ cái gì? Buông bỏ cái mình thích và cái mình ghét. Niềm vui sống đạo là một điều kiện tâm lý rất quan trọng cho chuyện tu tập. Trích bài giảng KTC.7.25 Tưởng
|
zoom ||
tk ||
youtube ||
facebook ||
bài giảng ||
suy gẫm ||
hỏi & đáp
kalama ||
hình ảnh ||
sách ||
english