Nhức Răng

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Nhức Răng

Nội dung Chánh Pháp là ly dục tôn. Ngay từ buổi đầu khoát áo, cạo tóc thì người tu phải tâm niệm rằng: Tu là để buông. Tu không để mình được cái gì mà tu là để mình buông cái gì. Tu không phải để được cái gì, kể cả những cái mà mình cho là cao siêu, thánh thiện, thiêng liêng, như thiền định đạo quả chẳng hạn. Nếu mà nói rốt ráo thì cái chính yếu của người tu không nên nhắm đến cái chuyện thành tựu mấy cái đó. Chuyện căn bản của người tu là nhắm đến cái chuyện lìa bỏ các phiền não, lìa bỏ cái phàm phu của mình, cái đó mới quan trọng. Tôi nhắc lại lần nữa: Tu mà thiết tha cầu đắc cái này, chứng cái kia, tôi nói thẳng luôn, đó là chuyện xa vời lắm. Bởi vì chuyện đầu tiên của cái chuyện tu hành là để thoát khổ. Thoát khổ trong hai cái: Nhân và Quả.

Thoát khổ trong Quả là sao? Là giữ được cái tâm để mà có thể bình thản trước những thử thách của cuộc đời, trước những cái cay đắng của đời sống. Đó gọi là giữ được cái thanh thản trước cái Quả. Dầu hoàn cảnh trái ý, bất toại, đắng cay, máu lệ cách mấy, nó xảy đến thì mình vẫn có thể bình tâm chịu đựng được.

Còn giữ mình trước cái Nhân là sao? Là giữ mình không để mình tiếp tục sống trong phiền não. Đó gọi là giữ mình trong cái Nhân, giữ mình để mình không bị khổ vì cái Nhân.

Ngay buổi đầu mình tu là mình phải đặt vấn đề là tôi tu thì tôi phải thấy rằng: phiền não còn là còn khổ, những đắng cay còn là còn khổ.

Cái đắng cay chắc chắn không tránh được rồi bởi vì nghiệp cũ từ quá khứ thì làm sao mà tránh được. Nghiệp cũ mình tránh không được. Mình không tránh được bằng cách dẹp bỏ nó nhưng mà mình có thể tránh được những tác động của nó. Nghĩa là mình vẫn tiếp tục an lạc, vẫn tiếp tục bình tâm khi những cái chuyện bất toại nó xảy đến. Tu là để trừ cái đó, tu là tu trong cái Nhân, cái Quả. Tu trong cái Nhân là không để mình tiếp tục có phiền não. Tu trong cái Quả là khi gặp những cái đắng cay mình cũng không vì vậy rồi mình đau khổ và khi gặp cái ngọt ngào mình cũng không vì vậy mà bị cám dỗ.

Như vậy nói rõ ràng Tu là nhắm chuyện lìa bỏ. Lìa bỏ sự bất mãn trong cái đắng, lìa bỏ sự ham hố trong cái ngọt, bản thân chuyện tu hành phải nghĩ như vậy. Còn cái chuyện đắc chứng Đạo quả, Niết Bàn, tôi nói thiệt, nó xa vời lắm. Tôi không biết cái Đạo quả mặt mũi ra làm sao, không biết Niết Bàn ra làm sao. Cho nên tôi đã nói một ngàn lần, và vẫn nói một ngàn lần: Tu hành với mục đích lìa bỏ cái phàm của mình thì kiểu tu đó nó mới là chắc ăn. Bởi vì tu mà để cầu đắc Thánh thì có nhiều cái nguy hiểm lắm. Thứ nhất nó xa vời lắm. Thứ hai là mình đâu có biết mặt mũi cái Thánh đó ra làm sao, mình không biết. Tu mà hướng tới cái không biết, cái mơ hồ thì nó nguy hiểm lắm. Bữa nào thấy cài gì ngồ ngộ, thấy cái nào lạ lạ, thấy cái nào chưa từng thấy qua là bắt đầu mình hiểu lầm, hiểu sai, mình tưởng đó là đắc. Trong khi mình tu để mình bỏ cái phàm đi thì chắc ăn hơn. Là vì sao? Là vì cái phàm của mình, mình biết mặt mũi nó ra làm sao. Phàm là phiền não, là bất mãn trước cái đắng, là đam mê trong cái ngọt. Khi mình tu là mình bỏ phiền não, bỏ bất mãn, bỏ đam mê. Tôi nhắc lại: tu để không còn là phàm nữa nó chắc ăn hơn là tu để thành Thánh.

Mà tại sao phải bỏ? Vì hai ông đó - ông đam mê trong ngọt và ông bất mãn trước cái đắng - hai ông làm mình khổ, làm mình tan nát. Chính vì mình trốn khổ mình mới tu tập Tứ Niệm Xứ, mới cần đến Giới, Định, Tuệ. Tu để không còn phàm là vậy đó. Còn cái chuyện đắc Thánh thì sao? Đừng lo. Tui xin lấy cái mạng cùi ra hứa. Khi anh không còn là phàm nữa thì tự nhiên anh thành Thánh thôi.

Chuyện tu hành là phải hướng đến tới lý tưởng ly dục, ly tham. Hễ còn có bất mãn trong cái đắng thì còn có lòng đi tìm cái ngọt. Mà hễ còn có cái lòng đi tìm cái ngọt là còn có tiếp tục đau khổ khi gặp cái đắng. Đại khái nó cứ lòng vòng như vậy cho nên cái chuyện đầu tiên của người tu là buông ra và ngay cả trong lý tưởng tu hành cũng không thể đắc chứng cái gì hết, nó xa quá.

Tôi đang khổ nè, tôi nói thật bản thân tôi và tôi nghĩ nhiều người trong quý vị cũng vậy, tôi đang nhức răng quá nè, nhức quá nhức, sưng như mỏ lợn thì lúc đó cái chuyện quan trọng nhất mình nghĩ tới là hết nhức răng. Chứ mình không có quởn mà mình nghĩ cái chuyện hàm răng đẹp. Khi cái nhức răng nó lên tới óc rồi thì người ta chỉ mong cho nó hết đau thôi, hết nhức thôi. Thậm chí nhổ liệng luôn cũng được nữa. Chứ còn giờ đó ai mà còn nghĩ đến cái răng đẹp thì cái người này cũng hơi lạ. Cho nên khi mà mình thấy cái thân này, cái hiện hữu này nó còn là gánh nặng, là nỗi khổ, là niềm đau thì cái mục đích trước mắt của mình, trước mắt và duy nhất, ưu tiên hàng đầu, phải là lìa bỏ sự hiện hữu, lìa bỏ cái tánh phàm phu. Tại vì cái đó làm cho mình khổ. Mình đang bị nhức răng thì mình phải giải quyết cái chuyện nhức răng chứ mình không có quởn mà nghĩ đến cái chuyện hay ho khác, ví dụ như răng đẹp, môi đẹp, miệng đẹp, nụ cười đẹp,... mấy cái đó mai mốt tính sau.

Nếu mà không hiểu được cái điều tôi nói nãy giờ thì mình đang bị đốt cháy bởi ngọn lửa đầu tiên. Đó là ngọn lửa tham ái.

Phải ghi nhớ, phải học thuộc lòng như con nít vậy: Ngày nào còn thích cái này, còn thích cái kia, thì dứt khoát sẽ còn bị khổ dài dài.

Trích bài giảng KTC.7.43 Bảy Ngọn Lửa
Kalama xin tri ân bạn Vy Phương ghi chép

KTC 7. V. Phẩm Ðại Tế Ðàn (III) (43) Lửa
Này các Tỷ-kheo, có bảy loại lửa này. Thế nào là bảy?
Lửa tham, lửa sân, lửa si,
lửa những vị đáng cung kính, lửa gia chủ,
lửa các vị đáng cúng dường, lửa củi.


Tài Sản | | Thế Giới Trong Trái Lựu

Bốn Dự Lưu Phần | | Thất Thánh Sản

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com