Thất Thánh Sản

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Thất Thánh Sản

Bảy Tài sản của thánh nhân gồm có:

1. Tín là Chánh tín là niềm tin trên cơ sở Trí tuệ.

2. Thí là khả năng trao ra về tinh thần và vật chất. Về tinh thần là sẵn sàng chia sẻ kiến thức cho người khác, chia sẻ tình cảm cho người khác, không có đố kỵ, ghen tỵ trong tình cảm hay trong kiến thức. Chia sẻ về vật chất nghĩa là chia xẻ về chỗ ở, chia sẻ về vật dụng, chia xẻ về thực phẩm, v.v… Nói chung Thí gồm có hai là sự rộng lượng về cả tinh thần lẫn vật chất. Bỏn xẻn cũng có 5 - trong đó có cả tinh thần lẫn vật chất. Bố Thí là mình sống không có bị mắc vào 5 cái bỏn xẻn đó.

3. Giới là học giới nào mà mình đã thọ trì mình không để cho nó mất. Thí dụ như là giới cư sĩ thì giữ 5 giới, 8 giới không để cho mất. Giới tăng ni của người xuất gia đã nhận rồi không để cho mất. Đã nhận giới nào là không bỏ mất giới đó.

4. Văn là khả năng trau dồi học tập giáo lý. Giỏi dở chưa biết nhưng cái lòng hiếu học được gọi là Văn. Cho nên trong chú giải Pháp cú Đức Phật có dạy: "Biết một câu kệ 4 dòng nhưng biết bằng tất cả thiện chí, bằng tất cả sự nhận thức hiểu biết ý nghĩa tới nơi tới chốn thì được gọi là Đa Văn." Trong khi đó mình học tuy nhiều nhưng cái nào cũng hiểu lơ mơ, lan man thì cái đó không phải là đa văn. Cái đó là cái tiệm chạp phô hay là vựa ve chai đồng nát phế liệu chứ còn mình không có khả năng mà đúc kết hay hệ thống hóa lại cái mình biết. Chữ Văn đây phải hiểu là lòng hiếu học cộng với nhận thức đúng đắn cộng với lý tưởng trau dồi kiến thức giáo lý.

5. Tàm là biết thẹn trong những điều xấu.

6. Úy là biết sợ trong những điều xấu.

Tùy vào căn cơ trình độ của mỗi người mà chúng ta thẹn trong cái gì, biết sợ trong cái gì. Có người họ không có tệ đến mức ăn trộm ăn cắp của người khác, họ biết sợ. Nhưng cái gì thuộc của công mà lấy được thì họ lấy liền. Có loại người vậy đó. Tức là họ không có cái tệ lậu, không có vô liêm sĩ đến mức ăn trộm ăn cắp, không tới mức đó, nhưng hễ cái gì thuộc của công mà lấy được là họ lấy liền. Thí dụ họ đi làm trong sở, thì ba cái ly giấy, ly nhựa hay là mấy cái cuộn giấy Kleenex, napkin gì mà lấy được là họ tranh thủ họ lấy. Cho nên nhà cầu công cộng bên Trung Quốc phần lớn là không có giấy để sẵn mà nếu có là người ta để giấy xấp xấp từng miếng đặng cho người ta ít có lấy. Chứ còn để nguyên cuộn là họ lấy nguyên cuộn, lạ vậy đó. Trong khi những xứ văn minh tiên tiến chỉ việc tham cái không phải của mình là đủ để cho người ta thẹn rồi. Ở Châu Á mình thì cái Tham mình chia ra làm nhiều lớp: Một, trộm cướp là Tham cấp một. Hai, hứng thú trong của công. Ba, hứng thú trong của rơi. Tùy người. Có người họ ở trình độ cao nhất thì chỉ cần không phải của mình là mình không có Tham, có lòng dấu của rơi lòng cũng thấy thẹn, có lòng lấy của công cộng lòng cũng thấy thẹn. Nhưng có người chỉ cần không có trộm cắp là được rồi.

Cho nên hồi nãy tôi có nói tùy vào cái trình độ của mỗi người mà chúng ta có Tàm Úy khác nhau. Tôi có trích dẫn trường hợp mình không có làm gì bậy bạ hết nhưng mà mình lại hài lòng quá sớm với những thành tựu của mình. Thì cái đó đối với bậc thượng trí họ cũng thấy thẹn. Thí dụ làm ông sư thì lâu lâu Phật tử đi chùa mình cũng biết tụng kinh, cũng biết ngồi nói sơ sơ. Sau đó tu lâu lâu được giao cái chùa mình tưởng vậy là đủ, nhưng một lúc nào đó nghĩ lại mình cũng thấy thẹn là bởi vì người xuất gia phải làm được những việc mà cư sĩ không làm được, còn đằng này người ta quì lạy dưới chân mình mà mình chỉ làm toàn là mấy cái chuyện mà cư sĩ làm được thôi. Thí dụ như mình ngồi mình đếm sổ sách chi thu, rồi mình sơn phết sửa chửa chùa miễu, ngày hai buổi công phu, lâu lâu có người ta vô rồi tụng cho thời cầu an cầu siêu, tân gia khánh thành, lâu lâu người ta vô cúng dường thỉnh nghe pháp mình cũng làm cái 15, 20 phút vậy. Thì những cái đó cư sĩ họ làm được hết. Nếu mình biết thẹn là đã thẹn ngay trong chuyện đó rồi. Người xuất gia phải làm những gì mà người cư sĩ không làm được thì mới nên xem đó là đạo nghiệp, còn nếu mình làm ngang với họ thì chưa đủ để gọi là đạo nghiệp.

7. Trí ở đây có nhiều cách hiểu. Trí là hiểu cái gì nên, cái gì không nên, cái gì tốt, cái gì xấu, cái gì nên, làm cái gì nên tránh. Trí gồm có 3:

  1. Cấp 1: Trí về kiến thức biết phân biệt A, B khác nhau, biết phân biệt cái này cái kia, là Trí biết phân loại. Thí dụ mình có bằng bác sĩ, kỹ sư, hoặc là mình đi chùa mình có học giáo lý, mình biết cái này là Danh cái này là Sắc, biết cái này là thập thiện cái này là thập ác.

  2. Cấp 2: Biết rõ trong cái đống mình phân loại cái gì nên làm và cái gì không nên làm.

  3. Cấp 3: Là Trí sanh diệt, là Trí rốt ráo, là thấy rằng dầu chuyện không nên làm mình không được làm mà kể cả chuyện nên làm cũng là cái khổ trầm luân, biết rằng thiện ác buồn vui đều đáng sợ đáng chán hết, tu hành là để cầu cái quả vô sinh.

Bởi vì chưa biết đạo mình chạy theo cái thích nhưng tới hồi biết đạo ba mớ rồi mình chạy theo cái thiện thôi, đó là thích và ghét. Rồi bây giờ mình chỉ quan tâm đến thiện và ác. Và đi bước ba thấy rằng thiện hay ác, thích hay ghét đều là đáng sợ hết bởi vì nó nằm trong cõi sinh tử.

Trích bài giảng KTC.7.8 Các Kiết Sử
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Nặng Nhẹ | | Đạo tâm Wireless

Nhức Răng | | Mũi Nhọn Hạt Lúa

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com