Si

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Si

Lửa Si có hai ý. Nói theo nghĩa chung chung thì Si là gốc của Tham, gốc cùa Sân. Nói theo A-Tỳ-Đàm thì Si thuộc về thọ xả, Sân thì thuộc về thọ ưu. Hễ ở đâu có Tham thì mình phải biết ở đó có Si, ở đâu có Sân là biết Si đang núp dưới bóng Sân. Si là nền tảng gián tiếp. Tại sao Si nó núp được dưới Sân? Nghĩa là nó làm nền một cách gián tiếp thôi. Chính vì nó không hiểu được bốn đế cho nên nó mới bất mãn. Chính từ nền tảng không hiểu bốn đế cho nên mình mới thích cái này cái kia. Đây là lý do tại sao mà Si được xem là nền của Tham và Sân. Và nếu Tham, Sân là lửa thì lý do nào Si không là lửa. Còn theo ý nghĩa chi tiết thì Si gồm có hai: Si phóng dật và Si hoài nghi. Hai cái này là lửa. Vì sao?

Si phóng dật sẽ làm cho mình không có tập trung, rồi từ chỗ phóng dật không tập trung cho nên mình không có Niệm, không có Định. Mà người sống không có Định, Niệm thì họ bồn chồn, ray rứt lắm. Và cái phóng dật đó là cái nền cho Tham và Sân. Tham và Sân chỉ xuất hiện với sự hỗ trợ của phóng dật. Chứ khi Niệm có mặt, Định có mặt thì làm sao phóng dật chen vào được? Và nếu đã có Niệm, có Định thì làm sao có Tham, có Sân được? Cho nên phóng dật chính là lửa, nó là cái nền cho hai cái lửa kia.

Hoài nghi là sự hoang mang trong bốn đế. Những người chưa học giáo lý thì họ lúc nào cũng có cái hoang mang trong bốn đế. Điều này có được hiểu ra sao? Mặc dầu những người chưa được học giáo lý không biết bốn đế là gì nhưng mà cái hoang mang của họ trong đời sống nó cũng chính là hoang mang trong bốn đế.

Tôi ví dụ thế này, tôi không biết chữ, tiếng Việt tôi cũng không biết, tôi chỉ biết nói thôi chứ còn không biết đọc biết viết hay cộng trử nhân chia,... tôi đều không biết. Nhưng mà tôi hỏi các vị: tuy tôi không biết chữ, nhưng mà cái đỏ đỏ nó chảy trong người tôi có phải là máu không? Cái đen đen nằm trên đầu tôi có phải là tóc không? Rồi bao nhiêu hóa chất sinh tố trong người của tôi khi mà tôi dốt tôi không biết chữ thì mấy thứ đó có trong cơ thể tôi không? Có chứ, nó có chứ mà tại tôi không biết thôi chứ nó có. Rồi ai đó có học thì bắt đầu phân tích: À, đỏ là máu nè, máu gồm có bao nhiêu thành phần hóa chất ... đó là điều mà người biết chữ nói, giải thích cho người không biết chữ như tôi nghe. Tôi dốt nhưng tôi cũng có máu, có thịt, và cái thịt của tôi là cũng có protein, cũng có cái này cái kia mà tôi thì không có biết gì hết, tiếng Việt tôi còn không biết mà. Nhưng mà dầu tôi dốt như chó như bò nhưng tôi vẫn có máu, còn cái chuyện nội dung nó có cái gì thì tôi không biết.

Ở đây cũng vậy, chưa có học về bốn đế nhưng mà những cái hoang mang của chúng ta là những cái hoang mang trong bốn đế. Vậy hoang mang trong bốn đế là sao? Hoang mang ở đây được hiểu là mình mù mịt, mình không biết mình ở đâu mình đến, cấu tạo của thân tâm này là gì thì mình không biết, mình không biết rằng có Sanh-Tử luân hồi, và vì đâu mà có Sanh-Tử luân hồi, và với kiểu sống này của mình là thiện hay ác thì mình không biết, rồi cái chuyện mai này mình tắt thở mình đi về đâu mình cũng không biết. Vậy ý nghĩa rốt ráo của đời sống này là cái gì mà mình cũng không biết. Những cái không biết này nó hoàn toàn nằm gọn trong Vô Minh Bốn Đế. Nhưng bây giờ mình có ngu cỡ nào, mình dốt mình không học đạo, đúng mình không biết bốn đế là gì nhưng mà cái vấn đề của mình nó vẫn là vấn đề trong cái Vô Minh Bốn Đế. Cũng giống như khi nãy tôi nói tôi không biết chữ tôi cũng không biết gì hết, tôi cũng không biết những khái niệm khoa học về y học, về dược nhưng mà những vần đề trên cơ thể của tôi nó lại là những vấn đề mà được những ông bác sĩ, những nhà khoa học nhắc nhở mỗi ngày trong phòng Lab, trong bịnh viện, trong phòng mạch, họ nhắc là chuyện của họ còn tôi thì không biết gì hết. Tôi chỉ biết là tôi cũng có mấy cái đó.

Vấn đề hoài nghi tức là những cái hoang mang về bản thân, về thế giới trên nền tảng của cái gọi là Vô Minh trong bốn đế. Nói như vậy có nghĩa là khi mình sống mà không có được trí tuệ thì nó khổ vô vàng. Cái Khổ đó được gọi là do Si mà có. Tại sao tôi thích? tại sao tôi ghét? Là do tôi không có hiểu được bốn đế hoặc có hiểu nhưng hiểu theo cách sương sương, hiểu mơ màng, hiểu kiểu vẹt két nhồng. Cho nên cái khả năng đối diện vấn đề của tôi kém lắm.

Tôi kể chân thành một câu chuyện mà tôi đã xem qua trên internet, không có ý xúc xiểm hay báng bổ. Đó là Đức giáo hoàng Francis trong lúc làm lễ ở quãng trường Saint Peter Vatican, Ngài đang vui vẽ đi giữa biển người toàn là giáo dân yêu dấu, thì thình lình có một cô gái có lẽ là người Trung Quốc (thứ nhất là nét mặt cô giống Tàu, hai là thêm cái cách hành xử của cô) không biết là cô quá hâm mộ ngài hay cô bị bất mãn, cô muốn bày tỏ một cái bất mãn nào của cô (cái này tôi không biết vì tôi không có nghe cô gái ấy nói gì, mà có nghe tôi cũng không hiểu cô nói gì). Cô chụp tay Ngài và kéo về phía cô một cách thô bạo, bất kính và phạm thượng. Dầu gì ngài cũng là vị chủ chăn, lãnh đạo tinh thần cho hàng tỷ người trên thế giới; không cần phải đề cập đến vai trò chủ chăn gì cả chỉ cần là người trưởng thành thôi đang đi giữa đám đông với sự tôn nghiêm, lịch sự mà hành động choàng người qua dãy rào ngăn cách để chụp lấy tay người ta kéo về phía mình, rất là thiếu lịch sự, rồi xổ cho một tràng. Thì khi đó Ngài phản ứng không kịp, phản ứng trang bị tâm lý chưa kịp nên Ngài lấy tay mình đánh mạnh lên tay của cô gái với nét mặt rất là giận dữ. Đương nhiên là sau đó thì Ngài trong tư cách của vị chủ chăn trên các phương tiện truyền thông từ Vatican Ngài gửi lời xin lỗi rằng Ngài đã thiếu kiểm soát, thiếu kiềm chế trong cái khoảnh khắc đó. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng với một người có trí tuệ thường trực, chánh niệm thường trực thì sẽ không có phản ứng hơi khó ngờ như vậy. Cái chuyện cô gái ấy hành xử thiếu văn hóa, thiếu lịch sự, thiếu suy nghĩ là chuyện của cô ấy, nhưng phải nói chuyện lớn ở đây là về phía Ngài. Một vị A-la-hán, một vị Thánh, một người hành giả chuyên tu miên mật thì sẽ không như vậy. Người thường trực sống trong chánh niệm thì sẽ không đến nỗi như vậy, có chăng thì một chút giật mình nhưng mà để cho sự việc thiếu tự chủ của mình mà đi xa hơn nữa là do mình thiếu hàm dưỡng.

Do đó, Si là lửa là như vậy đó. Do thiếu cái hiểu biết nó mới dẫn đến hành động làm phiền người khác, làm cho người khác cũng nổi lửa. Câu chuyện trên nếu xảy ra trên đất Mỹ, xảy ra đối với tổng thống Mỹ, thì an ninh và mật vụ Mỹ đã bắt cô gái ấy rồi. Nhưng đó là nhẹ. Nếu xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc thì trong vòng ba nốt nhạc mình sẽ không còn thấy cô gái ấy nữa. Họ sẽ nghiên cứu xem vì đâu mà cô xúc phạm, làm nhục một vị lãnh đạo, diện mạo của đất nước, đây là có ý đồ phản động, có một sự tiếp tay của các thế lực quốc tế,... Thì đó là lửa đó chứ còn gì nữa. Tức là đốt mình, đốt người. Mình tấn công đốt người mà bản thân mình thì sao? Mình cũng cháy. Tóm lại sống trong phiền não là đương nhiên bị đốt, mà trước khi mình bị đốt là mình đốt người ta trước.

Trích bài giảng KTC.7.43 Bảy Ngọn Lửa
Kalama xin tri ân bạn Vy Phương ghi chép


Tượng Phật | | Tâm Thiện

Mũi Nhọn Hạt Lúa | | Kính Hội Tụ

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com