Tài Sản

sách || bài giảng || suy gẫm || thơ văn
giaolykalama.com || kalama.center || giacnguyen.com
 

Tài Sản

Tăng Chi Bộ Chương VII I. Phẩm Tài Sản (V) (5) Các Tài Sản
Này các Tỷ-kheo, đây là bảy tài sản.
Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài.
Aṅguttaranikāyo VII Sattakanipātapāḷi 7. 1. 5. Saṃkhittadhanasuttaṃ
‘‘Sattimāni, bhikkhave, dhanāni. Katamāni satta? Saddhādhanaṃ, sīladhanaṃ, hirīdhanaṃ, ottappadhanaṃ, sutadhanaṃ, cāgadhanaṃ, paññādhanaṃ.

Bảy thứ Tài sản gồm Tín, Thí, Giới, Văn, Tàm, Úy, Trí. Đây là bảy thứ gia tài của người có mặt ở đời này dầu là trên đường sanh tử hay là kiếp chót của một vị A la hán.

Trước hết mình quay lại bài học tiểu học. Tài sản là của cải, là những thứ vật chất sở thuộc của một người, đó là nói theo nghĩa đen. Nhưng nói theo nghĩa bóng đó là những thứ sở thuộc của một người, hoặc là tinh thần hay là vật chất.

Mà tác dụng của Tài sản là cái gì? Hiểu được cái đó mới thấy nó sâu.

Tác dụng của Tài sản là để bảo đảm đời sống của một người hoặc là nhiều người trong một gia đình hay trong một dòng tộc, trong một đoàn thể, trong một tổ chức, từ cá nhân cho đến đám đông thì được gọi là tài sản. Tài sản là điều kiện vật chất đủ để đảm bảo đời sống cho mọi người. Nhưng dĩ nhiên có người tài sản ít, có người tài sản nhiều. Tài sản nhiều mới đủ đảm bảo chứ tài sản ít quá chỉ bảo đảm được một tí ti nào đó. Thí dụ như bây giờ mình sống tại Mỹ mà một ngày trong túi mình chỉ có 1 đô la thì nó bảo đảm được cái gì? Có bảo đảm được chút gì đó, 1 ly nước hay 1 viên kẹo. Còn người ta có nhiều hơn thì mức đảm bảo nó nhiều hơn.

Bây giờ đi qua cái định nghĩa nó cao hơn một chút về chữ Tài sản: Tài sản chỉ nên gọi, nên xem là Tài sản khi nó có một đóng góp nhất định nào đó trong đời sống của chúng ta. Còn nếu mà mình sở hữu một thứ mà nó không có khả năng đóng góp ít nhiều gì cho cái đời sống của chúng ta hết thì cái đó theo tôi tuyệt đối không đáng gọi là Tài sản. Thí dụ như một viên sỏi trên tay của mình nó không đáng được gọi là Tài sản bởi vì nó không đủ để làm thay đổi cuộc đời của mình theo hướng tích cực. Một cục đất sét nó không đủ để làm thay đổi cuộc đời của mình theo hướng tích cực, cho đời mình được tốt hơn.

Cho nên hiểu theo bài kinh này (Tăng Chi 7 (V) (5) Các Tài Sản), Tài sản đây phải là những giá trị nào đó mà nó đủ để khiến cho đời sống của chúng ta được tốt hơn. Người không biết đạo họ thấy đời sống vật chất là tất cả nên họ đã không ngần ngại gọi những thứ vật chất nào mà có khả năng khiến họ được tốt hơn thì họ gọi nó là Tài sản. Người có học một chút thì họ nói rằng quan hệ xã hội, uy tín, kiến thức, trình độ chuyên môn trong một lãnh vực nào đó cũng là một thứ Tài sản. Nhưng mà ở cảnh giới cao nhất chính là cảnh giới của Phật Pháp thì Đức Phật Ngài thấy có 7 nguồn sức mạnh, nguồn năng lượng mà từ đó nó tạo ra tất cả các thứ tài sản của nhóm 1 và nhóm 2.

Tôi nhắc lại, nhóm 1 là nghĩa Tài sản dừng lại ở cái nghĩa vật chất. Nhóm 2 là Tài sản nâng lên cái tầm mới bao gồm một số thứ thuộc tinh thần như uy tín, tình cảm, quan hệ xã hội hay kiến thức chuyên môn. Nhưng đến Phật Pháp thì Tài sản lại được giải thích sâu và rộng hơn, đó là Đức Phật Ngài dạy rằng là toàn bộ những gì mà có thể ảnh hưởng đến đời sống hiện tại và kiếp sau của mình, ảnh hưởng đến con đường sanh tử và giải thoát của mình thì tất cả những cái đó đều được gọi là Tài sản.

Ở đây tôi gom 3 bài kinh lại để tôi giảng bài kinh này. Ở 2 bài kinh bên Tương Ưng Đức Phật dạy thế này: Này các tỳ kheo cái gì không phải của các ngươi, các ngươi phải buông nó đi. Khi buông đi cái không phải của mình thì các ngươi được an lạc. Cái gì không phải của các ngươi, này các tỳ kheo, đó là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Đừng tiếp tục ôm ấp nó nữa, đừng có cầm nắm nó nữa thì gọi là Buông, đừng coi nó là quan trọng, đừng có vì nó để mà tham, hay thích, ghét, sợ nữa, Buông được nó là các ngươi an lạc. Cái gì không phải của mình thì mình Buông nó đi, đừng có tiếp tục sở hữu những thứ chỉ làm khổ mình. Đó là 2 bài kinh.

Còn cái bài kinh này Đức Phật dạy thế này: Nếu phải sở hữu một cái gì đó trong đời thì đừng có sở hữu những thứ mà có thể dễ dàng bị tước đoạt từ các nguồn ngoại lực. Ngoại lực là sức mạnh từ bên ngoài, thí dụ thiên tai nhân họa như lửa cháy, lũ lụt, trộm cướp, chính quyền, vua chúa nói chung.

Thì đó là 7 thứ Tài sản gồm Tín, Thí, Giới, Văn, Tàm, Úy, Trí. Tín là Chánh Tín là niềm tin trên cơ sở Trí Tuệ. Thí là khả năng mở tay ra.

Bài kinh này sâu lắm tôi nhắc lại, mình phải hiểu:

  1. Tài sản là cái gì mà nó khả dĩ khiến cho đời sống mình được tốt hơn.

  2. Tài sản tốt nhất trong đạo Phật là thứ Tài sản không dễ dàng bị các nguồn ngoại lực tước đoạt.

  3. Tài sản nào mà nó giúp cho mình được cái vui tuyệt đối, còn cái tương đối thì không kể.

Mình thấy có 2 loại món ăn. Món ăn chơi và món ăn thiệt. Món ăn chơi như một cái gói bắp hay là một miếng bánh ngọt. Món ăn thiệt là một dĩa mì, một tô phở, một tô cơm. Không ai trên đời sống được bằng các món ăn chơi mà người ta chỉ sống bằng các món ăn thiệt. Người Lào, Thái thì họ sống bằng cơm nếp, người Việt Nam ăn cơm tẻ, Âu Mỹ ăn bánh mì. Chứ còn những món ăn chơi không thể thế đồ ăn thật.

Ở đây cũng vậy, đời sống an lạc có 2 nguồn: Một là cái hạnh phúc để ăn chơi như được làm trời, làm người, được giàu sang để có cho vui. Tài sản theo thế gian họ hiểu toàn là đồ ăn chơi cho kiếp này thôi, mà đã vậy nó dễ dàng bị tước đoạt bởi các nguồn ngoại lực. Riêng cái thứ hai, Tài sản trong định nghĩa của Đức Phật, là cái gì mà nó bảo đảm đem lại cho mình được 3 cái tiêu chí sau:

1. Nó có khả năng tạo ra, đáp ứng mọi nhu cầu lớn bé của vạn loài chúng sinh chứ không bị hạn chế như những Tài sản thế gian. Tiền bạc không có khả năng đó, riêng công đức do 7 nguồn Tài sản này đem lại thì đủ sức để đáp ứng nhu cầu cho vạn loài chúng sinh. Dầu con chó con mèo mà nó có phước, kiếp trước mà nó có tu 7 cái này thì khi làm chó mèo cũng ngon hơn con chó mèo khác. Người có 7 Tài sản này mà có nhiều dầu có bị đọa địa ngục thì chỉ là giai đoạn tạm thời và khi mà họ trồi lên được rồi là họ tiếp tục ngon lành. Còn người mà không có 7 Tài sản này, sau khi mãn hạn dưới địa ngục xong lên tiếp tục chun xuống trở lại bởi vì không có con đường để đi.

Chúng ta trở lại chuyện đời một chút, có những người ra tu rồi về thẳng villa vợ đẹp con ngoan gia tài sự sản đang chờ họ, còn có người ra tù rồi đi làm thuê làm mướn mà khó khăn lắm vì bao nhiêu năm ở tù bệnh, rồi già, thêm thiếu thông tin v v… rồi mặc cảm, tự ti, bị cuộc đời trù dập.

Cho nên cái tiêu chí đầu tiên của cái chữ Tài sản trong đạo Phật là phải có khả năng đáp ứng nhu cầu cho vạn loài chúng sinh, có nghĩa là dầu anh làm chó làm mèo làm nhân thiên cõi dục hay anh muốn đắc thiền về phạm thiên hay anh muốn cầu đạo giải thoát thì 7 Tài sản này đủ sức đáp ứng cái đó.

2. Những thứ mà được Đức Phật gọi là Tài sản là nó không bị tước đoạt bởi các nguồn ngoại lực. Như mình có 7 Tài sản này rồi thì không có cách nào, không có ai hay cái gì cuỗm của mình được hết. Không có hỏa hoạn, lụt lội, thiên tai, chiến tranh, nhân họa nào giựt đi của mình.

Các vị biết mà. Trong thời PolPot tàn sát người Campuchia vẫn có những người Campuchia phè phởn trên đất nước của họ. Trong thời kỳ 10 năm nội chiến từ 1964 tới 1975 là thời gian coi như Việt Nam chìm trong khói lửa mịt mù thì vẫn có biết bao nhiêu người ăn nên làm ra, xôi thịt sung sướng tại miền Nam lẫn miền Bắc. Lúc đó là bao nhiêu lớp trai giã biệt miền Bắc để đi vào Trường sơn đi B thì vẫn có những người vào thời điểm đó họ vẫn được cử đi học tập, lao động ngon lành đàng hoàng sung sướng ở Nga, ở Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, v.v… Thậm chí vào thời điểm rực lửa đó ở miền Bắc vẫn có người được cử đi Nhật làm đại sứ như thường. Đại khái mình thấy rõ ràng hễ mình có phước thì không ai đoạt được cái của mình. Như ngay bây giờ ở Bắc Triều Tiên nói bị cấm cửa cấm vận gì đó thật ra hiện giờ vẫn có những người, "thành phần tinh hoa" của Bắc Triều Tiên họ vẫn có xe xịn, mỗi tuần họ vẫn piscine, vẫn karaoke, nhảy đầm, vẫn uống rượu ngoại, vẫn ăn sung mặc sướng.

Nói như vậy không phải là tôi kêu gọi, tôi tán thán cái chuyện tham nhũng, độc tài. Tôi không có nói vậy. Tôi chỉ cắt có một khúc thôi. Tôi muốn nói là đã có công đức thì đi đâu cũng làm cha người ta hết.

3. Tài sản trong định nghĩa của Đức Phật không giới hạn trong cõi sinh tử. Nó không chỉ là dầu hỏa để đưa ta tung tăng dung ruỗi trên những con đường trên trái đất, mà nó còn là Helium để đưa ta rời quỹ đạo để đi vào vũ trụ, vào những hành trình miên viễn xa xôi. Nó vừa là xăng nhớt vừa là Helium. Nó bảo đảm được con đường luân hồi lẫn con đường giải thoát.

Trích bài giảng KTC.7.4 Sức Mạnh Rộng Thuyết
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


Thất Thánh Sản | | evam me suttam

Kính Hội Tụ | | Rồi Một Hôm Nào

English





zoom || tk || youtube || facebook || bài giảng || suy gẫm || hỏi & đáp
kalama || hình ảnh || sách || english

© www.toaikhanh.com